Hotline 24/7
08983-08983

Hơn 95% người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng cụ thể

Tình trạng tăng huyết áp tại Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới đang ở những con số đáng báo động. Con số cụ thể được TS.BS Trần Hòa - Phó Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thông tin trong bài viết dưới đây.

1. 1,3 tỷ người mắc bệnh tăng huyết áp trên thế giới

Ngày Thế giới Phòng chống tăng huyết áp năm 2024 (17/5) lan tỏa thông điệp gì, thưa BS?  

TS.BS Trần Hòa trả lời: Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, tăng huyết áp đã len lỏi trong đời sống và có thể ảnh hưởng đến bản thân hoặc những những thân trong gia đình mỗi người. Bởi vì, tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp rất cao, chiếm từ 20-25% dân số người trưởng thành, cứ 4-5 người sẽ có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp. 

Tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp được ghi nhận tăng lên mỗi ngày. So với 30 năm về trước, tỷ lệ tăng huyết áp thời điểm đó là 650 triệu người. Nhưng trên thế giới hiện nay, số lượng tăng huyết áp đã lên đến 1,3 tỷ người, tăng gấp đôi so với con số trước đó.

Bên cạnh số người tăng huyết áp, bệnh lý này còn được xem là “kẻ sát nhân” hay “kẻ giết người thầm lặng”. Ngày nay, tăng huyết áp được xem là bệnh lý dẫn đến tử vong hàng đầu trên thế giới.

Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên đoàn Tăng huyết áp Thế giới chọn ngày 17/5 để truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề tăng huyết áp. Thông điệp của ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp năm 2024: Thứ nhất, tất cả mọi người hãy đo huyết áp chính xác để biết bản thân có bệnh hay không; Thứ hai, hãy kiểm soát huyết áp; Thứ ba, để tất cả mọi người được sống thọ. Đó là ba thông điệp năm nay.

Sơ đồ tỷ lệ gia tăng tăng huyết áp trong vòng 30 năm

2. Hơn 80% người điều trị tăng huyết áp không được kiểm soát tốt

Nhờ BS đề cập thêm về thực trạng tăng huyết áp tại Việt Nam hin nay như thế nào (số người mắc so với số người được phát hiện, được kiểm soát bệnh; tỷ lệ giữa nam và nữ; độ tuổi…)?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Số người mắc tăng huyết áp trên thế giới hiện nay là 1,3 tỷ người. Theo ghi nhận nhóm người từ 30-80 tuổi, cứ 10 người có 3 người bị tăng huyết áp, nghĩa là tỷ lệ tăng huyết áp từ 30-33%.

Tại Việt Nam, con số mới nhất được ghi nhận là 14,3 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, chiếm 30%. Trong đó, nam giới chiếm 33% và nữ giới chiếm 26%. Cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở người trên 30 tuổi khá cao.

Một vấn đề được ghi nhận, tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp rất cao, nhưng số người thật sự biết bản thân mắc bệnh tăng huyết áp chỉ 47%. Theo đó, có hơn 50% số người không biết bản thân mắc bệnh tăng huyết áp, đó là vấn đề vô cùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, số người mắc bệnh tăng huyết áp được điều trị chỉ có 30%, nghĩa là trong 10 người tăng huyết áp có 7 người không được điều trị.

Điều trị tăng huyết áp như điều trị đường huyết, mục tiêu là đạt được đến chỉ số giúp người bệnh an toàn, tránh các biến cố xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, chỉ có 13% người đạt được chỉ số huyết áp an toàn (cứ 10 người điều trị tăng huyết áp bằng thuốc, chỉ có 1-2 người an toàn, tránh được biến cố tăng huyết áp). Còn lại có hơn 80% số người điều trị tăng huyết áp nhưng không đạt được chỉ số huyết áp an toàn.

- So với các nước trong khu vực hoặc trên thế giới, con số mắc tăng huyết áp tại nước ta đang ở mức nào, có đáng lo?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Số lượng tăng huyết áp, tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tuân thủ điều trị của Việt Nam nằm chung trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, các nước khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ tương đối giống nhau.

Một vấn đề nghịch lý, đối với các nước đang phát triển tại Đông Nam Á, tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng cao. Trong khi các nước phát triển tại châu Âu, Mỹ, tỷ lệ kiểm soát huyết áp tốt hơn.

Tuy nhiên, trên bình diện trung của thế giới, tỷ lệ tăng huyết áp đang rất cao, trên 20% dân số thế giới. Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực mắc bệnh tăng huyết áp cao cùng các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.

3. Vì sao kiểm soát huyết áp gặp nhiều khó khăn?

Theo BS, vì sao hiện nay đã có thuốc tốt, chi phí hợp lý, chẩn đoán không quá khó, nhưng việc kiểm soát huyết áp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như vậy?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Tăng huyết áp là bệnh lý có phương pháp chẩn đoán khá dễ, điều trị đơn giản, các bác sĩ có thể kiểm soát huyết áp bằng 1-2 loại thuốc. Có khoảng 20% dân số khó kiểm soát được chỉ số huyết áp, cần áp dụng thêm nhiều phương pháp khác.

Tuy nhiên, vấn đề tỷ lệ được kiểm soát huyết áp khá thấp do nhận thức của người dân, họ không nghĩ tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm. Bởi vì, tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”, không có biểu hiện rõ ràng để bệnh nhân biết bản thân đang mắc bệnh.

Hơn 95% người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng cụ thể. Do đó, tăng huyết áp được các bác sĩ gọi là “kẻ giết người thầm lặng và tàng hình”, âm thầm trong cơ thể để gây ra biến chứng.

Vấn đề quan trọng, mấu chốt là ý thức của người dân về bệnh lý này. Đồng thời, việc tuân thủ điều trị vô cùng quan trọng, bác sĩ luôn gặp khó khăn trong việc khuyến khích bệnh nhân tăng huyết áp uống thuốc và tuân thủ các chế độ điều trị lâu dài.

4. 50% người mắc bệnh tăng huyết áp không được chẩn đoán

Chẩn đoán, phát hiện sớm tăng huyết áp quan trọng như thế nào? Làm sao để chẩn đoán chính xác tăng huyết áp? Nên dựa vào triệu chứng hay máy đo huyết áp?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Tăng huyết áp là bệnh lý rất dễ chẩn đoán nhưng có tới hơn 50% người tăng huyết áp không được chẩn đoán bệnh, cho thấy bác sĩ đã bỏ sót. Chỉ có một phương pháp để bệnh nhân biết bản thân bị tăng huyết áp là phải đo huyết áp. Bệnh lý này không thể dựa vào triệu chứng để chẩn đoán.

Ví dụ, các triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực, nhức đầu, xây xẩm,… chỉ là những triệu chứng có thể xảy ra ở khoảng 10% số người tăng huyết áp. Số còn lại bị tăng huyết áp không xuất hiện những triệu chứng trên.

Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân phản hồi với bác sĩ, bản thân không chóng mặt nhưng bị chẩn đoán tăng huyết áp, đó là suy nghĩ cần loại bỏ. Nhấn mạnh, phải “lật mặt” tăng huyết áp bằng cách đo huyết áp thường xuyên hoặc định kỳ để phát hiện thời điểm nào bản thân bị tăng huyết áp.

5. Chỉ số huyết áp >140/90mmHg là tăng huyết áp

Mức huyết áp bao nhiêu được xem là tăng huyết áp, thưa BS? Huyết áp có thể dao động trong ngày, vậy làm sao để biết đó là sinh lý hay bệnh lý thực sự?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Chỉ số huyết áp an toàn là 140/90mmHg (huyết áp tâm thu: 140; huyết áp tâm trương: 90). Những người có chỉ số huyết áp >140/90mmHg được chẩn đoán là tăng huyết áp. Khi đó, bệnh nhân cần được kiểm chứng lại với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được chẩn đoán chính xác tăng huyết áp.

6. Người từ 18 tuổi nên đo huyết áp ít nhất mỗi năm một lần

Theo BS, từ độ tuổi nào bắt đầu đo huyết áp? Tần suất và khoảng cách đo thế nào là hợp lý?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Trước đây, bệnh lý tăng huyết áp được gọi là bệnh của người lớn tuổi, bệnh của người giàu, tăng huyết áp là bệnh lý của các nước phương Tây. Tuy nhiên, hiện nay những khái niệm trên không còn đúng. Bệnh lý tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến tất cả những người trưởng thành.

Đối với người trưởng thành, mỗi năm nên đo huyết áp ít nhất một lần để biết chỉ số huyết áp như thế nào. Hiện nay, chưa có khuyến cáo nào nói rõ về độ tuổi bắt đầu đo huyết áp, nhưng với các bác sĩ, người trưởng thành là nhóm trên 18 tuổi, bước vào môi trường đại học, những người đã có cuộc sống riêng. Vì vậy, khuyến cáo những người từ 18 tuổi, mỗi năm nên đo huyết áp ít nhất một lần và theo dõi bắt đầu từ giai đoạn này đến hết cuộc đời.

>>> Phần 2: Giải đáp những thắc mắc về đo huyết áp tại nhà

>>> Phần 3: Bệnh nhân không kiểm soát tốt huyết áp, điều trị cũng như không

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X