Hotline 24/7
08983-08983

Giải đáp những thắc mắc về đo huyết áp tại nhà

Nên lựa chọn máy đo huyết áp loại nào? Đo huyết áp bao nhiêu lần một ngày? Nên làm gì khi chỉ số huyết áp vượt ngưỡng?... Đó là những thắc mắc thường gặp từ bạn đọc của AloBacsi. Những vấn đề này sẽ được TS.BS Trần Hòa - Phó Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM giải đáp.

1. Máy đo huyết áp cần được hiệu chuẩn mỗi 6 tháng

- Máy huyết áp nào phù hợp sử dụng trong cộng đồng?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Có nhiều loại máy đo huyết áp, trước đây, máy sử dụng trong bệnh viện là loại có băng quấn và bóp bằng tay. Còn hiện nay, để dễ dàng và tiện cho việc sử dụng, đã có máy đo huyết áp tự động với một miếng băng quấn ở cánh tay, được khuyến cáo sử dụng mọi nơi. Bệnh nhân có thể mua những loại máy huyết áp tương tự để chủ động đo huyết áp tại nhà.

Hiện nay, có nhiều máy đo huyết áp tự động được bán trên thị trường. Tuy nhiên, những loại máy đo này cần được hiệu chuẩn. Đồng thời, sau khoảng 6 tháng sử dụng, nên đưa máy đi hiệu chuẩn một lần, kiểm tra lại mức độ chính xác. Omron là loại máy đo huyết áp dễ dàng tìm kiếm ngoài thị trường, được sử dụng phổ biến tại các bệnh viện, phòng khám từ rất lâu, độ tin cậy cao.

Một số máy đo huyết áp được sử dụng phổ biến trên thế giới

2. Để cơ thể thoải mái trước khi đo huyết áp

- Khi đo huyết áp, tư thế ngồi như thế nào là đúng? Làm sao để lấy được chỉ số huyết áp chính xác?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Việc đo huyết áp chính là thông điệp của ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp năm nay. Cụ thể là “hãy đo huyết áp chính xác” để có được con số đúng, từ đó, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán.

Để đo huyết áp chính xác cần đảm bảo các điều kiện: giữ tư thế thoải mái; ngồi trên ghế có bệ tựa lưng; tay đặt thoải mái, không cầm nắm vật khác; hai chân chạm xuống nền gạch. Đảm bảo cơ thể được thư giãn hoàn toàn.

Khuyến cáo, để đo huyết áp chính xác, trước khi đo 30 phút, không nên có các hoạt động thể lực quá nhiều như tập thể dục, không được uống cà phê, rượu, không ăn trong 30 phút trước khi đo huyết áp. Nếu tập thể dục, nên nghỉ ngơi trong vòng 30 phút đến 1 tiếng để cơ thể ổn định.

 

Tư thế chuẩn khi đo huyết áp

 

Bên cạnh đó, nên đi vệ sinh trước khi đo huyết áp để cơ thể thật sự thoải mái, chỉ số đo huyết áp đúng nhất. Không nên nói chuyện khi đang đo huyết áp, loại bỏ trạng thái căng thẳng, lo lắng, stress khi đo huyết áp trước 30 phút.

Trên thực tế, khi đòi hỏi những yêu cầu trên, khá khó cho bệnh nhân, đặc biệt tại các môi trường bệnh viện, phòng khám hiện nay, với số lượng bệnh nhân đông. Do đó, cần lưu ý, khi đo huyết áp trong tình trạng hiện nay, không chắc chắn đã thực hiện đúng cách để đưa ra con số chính xác cho bệnh nhân.

Vì vậy, để có một không gian đo huyết áp tốt, khuyến cáo bệnh nhân nên đo huyết áp tại nhà.

3. Có thể đo huyết áp hai lần, cách nhau 1 phút

- Nên đo huyết áp bao nhiêu lần trong cùng một thời điểm?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Theo khuyến cáo, để chẩn đoán tăng huyết áp, vẫn dựa trên kết quả đo huyết áp tại phòng khám. Tuy nhiên, kết quả đo huyết áp tại nhà hoặc bất cứ nơi nào có máy đo huyết áp, đều giúp chẩn đoán tăng huyết áp. Đặc biệt, đối với bác sĩ, thường ngày vẫn có các thể tăng huyết áp mà việc đo huyết áp tại nhà quan trọng.

Ví dụ, tăng huyết áp áo choàng trắng, tăng huyết áp ẩn giấu. Trong đó, tăng huyết áp áo choàng trắng có nghĩa, bệnh nhân khi đến cơ sở y tế hoặc gặp bác sĩ, chỉ số huyết áp luôn ở mức cao. Tuy nhiên, khi về nhà, đo huyết áp luôn bình thường. Đó được gọi là tăng huyết áp áo choàng trắng.

Còn tăng huyết áp ẩn giấu, nghĩa là bệnh nhân đi đo huyết áp ở nhiều nơi kết quả không cao, nhưng đo tại nhà ra chỉ số huyết áp cao. Vì vậy, đo huyết áp tại nhà rất quan trọng, một số trường hợp đo huyết áp tại nhà tốt, giúp theo dõi con số huyết áp của bệnh nhân, đáp ứng thuốc, sự biến thiên của các lần đo huyết áp trong ngày. Đặc biệt, đo huyết áp tại nhà giúp ích cho những người có nguy cơ tim mạch quá cao. Bởi vì, một số người huyết áp là 110-120, khi lên 140-150 sẽ bắt đầu có biến chứng như đột quỵ, nhồi máu não,…

Vì vậy, cần theo dõi huyết áp thường xuyên, để theo dõi động học huyết áp, giúp bác sĩ điều chỉnh huyết áp. Hoặc một số trường hợp, chỉ số huyết áp vô cùng quan trọng, bởi vì gây tổn thương nhiều đến cơ quan đích như người đang mắc bệnh thận mạn, đang mắc bệnh suy tim hoặc những người bị nhạy cảm như tăng huyết áp trong thai kỳ, việc theo dõi huyết áp vô cùng quan trọng. Vì vậy, lựa chọn một chiếc máy đo huyết áp để đo tại nhà rất cần thiết.

Theo khuyến cáo, cùng một thời điểm, bệnh nhân nên đo huyết áp 2 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1 phút.

4. Đo huyết áp mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ

- Nên đo huyết áp vào buổi nào trong ngày? Buổi sáng đo như thế nào, buổi chiều đo như thế nào?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Nhiều người thắc mắc, có nên đo huyết áp ngay khi ngủ dậy, điều này có thể thực hiện. Nhưng theo khuyến cáo, nên đi vệ sinh và đo huyết áp sau đó 1 giờ, đồng thời, nên đo huyết áp trước khi tập thể dục và trước khi ăn sáng. Đó là khuyến cáo của Hội Tăng huyết áp.

Do đó, mỗi người cần nhớ, sau khi thức dậy, nếu cảm thấy khó chịu, có thể đo huyết áp liền. Ví dụ như căng thẳng, khó chịu, nên đo ngay. Nếu bình thường, nên đi vệ sinh, để cơ thể thoải mái, sau đó, quay lại đo huyết áp trước khi tập thể dục và ăn sáng.

Buổi tối, khuyến cáo đo huyết áp sau khi ăn. Sau bữa ăn tối, nên nghỉ ngơi và đo huyết áp trước khi đi ngủ.

Bên cạnh đó, cần lưu ý, trước khi đo huyết áp, nên tránh stress, thoải mái, đi vệ sinh trước khi đo huyết áp, không uống cà phê, không uống rượu, không ăn quá nhiều trước khi đo huyết áp, những điều này sẽ giúp chỉ số huyết áp đo được chính xác.  

5. Hỏi ý kiến bác sĩ gia đình khi huyết áp vượt ngưỡng

- Nên làm gì khi kết quả đo huyết áp cao hơn ngưỡng bình thường?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Đây là vấn đề thực tế, đo huyết áp tại nhà sẽ giúp người bệnh phát hiện những thời điểm huyết áp không ổn. Vì vậy, nên có ý kiến của bác sĩ.

Ví dụ, có số điện thoại của bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nào quen biết thì nên gọi hỏi và xin ý kiến ngay khi đi huyết áp có chỉ số bất thường. Với chỉ số này, có thể gia giảm thêm thuốc có sẵn tại nhà hoặc mua thuốc uống, hay với mức huyết áp nào nên nhập viện,… Những vấn đề này cần có ý kiến của bác sĩ.

>>> Phần 1: Hơn 95% người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng cụ thể

>>> Phần 3: Bệnh nhân không kiểm soát tốt huyết áp, điều trị cũng như không

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X