Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân không kiểm soát tốt huyết áp, điều trị cũng như không

TS.BS Trần Hòa - Phó Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, tăng huyết áp cần điều trị “tới nơi, tới chốn”, nếu bệnh được điều trị nhưng không kiểm soát tốt huyết áp, tiên lượng tương đương người không điều trị. Nếu kiểm soát tốt huyết áp, có thể sống vui sống khỏe như người không mắc bệnh.

1. Dùng thuốc, thay đổi lối sống để kiểm soát huyết áp hiệu quả

Để kiểm soát huyết áp hiệu quả, cần kết hợp những giải pháp nào?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Đây là vấn đề nằm trong thông điệp thứ hai của ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp năm 2024, cần kiểm soát và quản lý huyết áp.

Đối với phần lớn bệnh nhân tăng huyết áp, việc dùng thuốc vô cùng quan trọng, hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp đều phải sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, bác sĩ khuyến cáo nên điều trị không dùng thuốc bằng cách thay đổi lối sống.

Cụ thể, từ khi biết bản thân bị tăng huyết áp, người bệnh cần thay đổi lối sống để phù hợp với bệnh lý. Trong đó, phải có chế độ ăn hạn chế muối tối đa, thậm chí nói không với muối. Năm 2024, Hội Tăng huyết áp chỉ nhắc đến chữ “muối”, lưu ý, muối là một trong những kẻ thù của bệnh tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Vì vậy bệnh nhân cần hạn chế muối trong thức ăn và thức uống.

Chế độ ăn phù hợp với bệnh nhân tăng huyết áp là nhiều rau xanh, chất xơ. Bên cạnh đó, nên giảm thức ăn có ảnh hưởng đến tim mạch như thực phẩm quá ngọt hoặc giàu chất béo.

Đối với vấn đề tập luyện, khuyến khích bệnh nhân nên tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày để có sức khỏe tim mạch tốt nhất. Tránh xa những thói quen không tốt cho tim mạch như hút thuốc lá, một người tăng huyết áp, bắt buộc bỏ thuốc lá. Bởi vì, tăng huyết áp và hút thuốc lá là hai kẻ thù của tim và mạch máu.

Quản lý stress cũng là vấn đề quan trọng đối với bệnh nhân tăng huyết áp. Một bệnh nhân tăng huyết áp, không chỉ mắc bệnh tăng huyết áp mà thường kèm theo các vấn đề như béo phì, thừa cân, đái tháo đường, mỡ trong máu cao,… Vì vậy, kiểm soát huyết áp cần kiểm soát cân nặng, đường huyết, mỡ trong máu.

Không đơn thuần chỉ kiểm soát huyết áp, phải kiểm tra cơ thể còn những “kẻ thù” khác hay không, từ đó, cùng một lúc phải quản lý hết tất cả các yếu tố.

2. Uống thuốc điều trị đơn giản, an toàn cho bệnh nhân là điều các bác sĩ hướng đến

Điều trị tăng huyết áp 2024 có những điểm gì mới so với trước đây, thưa BS?

- Tối giản trong điều trị tăng huyết áp trong thời hiện đại nghĩa là gì, mang lại lợi ích ra sao cho bệnh nhân?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Để điều trị quản lý tăng huyết áp, bên cạnh thay đổi lối sống, thuốc điều trị là vấn đề quan trọng. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc được khuyến cáo, nhắm vào hai vấn đề ở bệnh nhân: một là hạ áp, giúp bệnh nhân hạ huyết áp, đưa về huyết áp mục tiêu. Bởi vì, khi đưa về huyết áp mục tiêu, bệnh nhân sẽ được bảo vệ và an toàn. Khi uống thuốc hay điều trị, bệnh nhân cần đạt về mức huyết áp mục tiêu để tránh biến cố xảy ra.

Hiện nay, chỉ có 13% số người được điều trị tăng huyết áp đạt con số an toàn. Như vậy, có những người uống thuốc huyết áp nhưng không đạt huyết áp mục tiêu. Theo thống kê, dù bệnh nhân được điều trị nhưng hiệu quả không đưa về huyết áp mục tiêu sẽ giống với người không điều trị.

Vì vậy, khi uống thuốc, bắt buộc người bệnh phải thông báo cho bác sĩ khi đạt được huyết áp mục tiêu. Thực tế, có nhiều bệnh nhân uống thuốc liên tục trong thời gian dài nhưng không biết huyết áp của bản thân đã ổn định hay chưa. Đó là điều bác sĩ khuyến cáo, khi đã điều trị huyết áp, cần tuân thủ điều trị chặt chẽ, uống thuốc điều trị phải mang lại hiệu quả, bệnh nhân được bảo vệ và an toàn.

Hiện nay, vấn đề được nhắc đến là tối giản, nghĩa là trong điều trị, làm sao để bệnh nhân uống thuốc một cách đơn giản, dễ sử dụng và an toàn cho bệnh nhân. Đó là một trong những điều các bác sĩ muốn hướng đến.

3. Cần kiểm soát huyết áp chặt chẽ ở người trẻ

Huyết áp nên được kiểm soát trong mức nào là tốt nhất, thưa BS? (Cụ thể người trẻ, người trung niên và người cao tuổi chỉ số huyết áp kiểm soát khác nhau ra sao?)

TS.BS Trần Hòa trả lời: Tuổi càng trẻ, việc kiểm soát huyết áp càng cần chặt chẽ hơn. Bởi vì, ở người trẻ, cuộc sống của họ còn lâu dài, nếu huyết áp quá cao sẽ ảnh hưởng nhiều lên các cơ quan trên cơ thể. Còn với người lớn tuổi, mức kiểm soát sẽ nhẹ nhàng hơn.

Ví dụ, ở người trẻ, mức kiểm soát huyết áp của họ về mục tiêu là <140/90mmHg, còn người trên 80 tuổi, có thể cho phép mức huyết áp lên tới 150/95mmHg. Bởi vì các cơ quan ở người lớn tuổi không cần thiết bảo vệ quá chặt chẽ. Đồng thời, những người lớn tuổi có thể có các bệnh lý khác đi kèm, nếu huyết áp xuống quá thấp, làm giảm tưới máu một số cơ quan như não.

Vì vậy, đối với những người lớn tuổi hoặc suy yếu, không cần kiểm soát quá chặt con số huyết áp. Ngược lại, ở người trẻ, cần quản lý chặt hơn, kiểm soát huyết áp tốt hơn.

4. Người trẻ không kiểm soát tốt huyết áp, biến chứng xảy ra rầm rộ hơn

Có phải người bệnh tăng huyết áp càng trẻ thì biến chứng càng đến sớm hơn và dữ dội hơn?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Tăng huyết áp có hoặc không có nguyên nhân. Ở một số người trẻ, nếu xuất hiện và tìm ra nguyên nhân gây tăng huyết áp, có thể được điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.

Ví dụ, tăng huyết áp do hẹp động mạch thận, tăng huyết áp do khối u, tăng tiết những chất gây tăng huyết áp như u ở tuyến thượng thận, khi chẩn đoán, đưa bệnh nhân đi mổ cắt khối u, có thể huyết áp của người bệnh sẽ trở về bình thường.

Ở người trẻ, khi bị tăng huyết áp nhưng không kiểm soát tốt, không đưa huyết áp về mức lý tưởng, các biến chứng có thể xảy ra rầm rộ và nhiều hơn.

Mới đây, một trường hợp bệnh nhân là giảng viên đại học, 40 tuổi, biết bản thân bị tăng huyết áp từ năm 30 tuổi nhưng không điều trị. Khi có khó chịu, bệnh nhân tự đi mua thuốc huyết áp uống nhưng không điều trị theo phác đồ rõ ràng. Đến khi gặp bác sĩ, bệnh nhân đã bị suy thận mạn giai đoạn 5 và suy tim giai đoạn cuối. Mặc dù bệnh nhân là giảng viên đại học nhưng không khám sức khỏe định kỳ. Nếu bệnh nhân khám sức khỏe định kỳ có thể phát hiện các biến chứng sớm của tăng huyết áp, từ đó điều trị và giảm biến cố.

Thông qua trường hợp trên, cho thấy người trẻ có thể tăng huyết áp và xảy ra những biến chứng. Vì vậy, tuổi càng trẻ, càng nên lưu ý sức khỏe để tránh xảy ra những biến cố như trường hợp trên.

5. Thuốc huyết áp uống đều đặn và lâu dài là để bảo vệ chứ không phải tàn phá cơ thể

Người bệnh tăng huyết áp thường sống không thọ, các cơ quan nội tạng hay “hỏng hóc” vì thuốc men quá nhiều và liên tục?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Đây là quan điểm sai, nhiều bệnh nhân luôn hỏi bác sĩ tại sao bắt họ uống thuốc suốt đời, làm người bệnh phải phụ thuộc vào bác sĩ. Họ cho rằng chính những chẩn đoán, điều trị và lời khuyên khiến bệnh nhân phụ thuộc vào bác sĩ. Tuy nhiên, những điều bác sĩ đang làm sẽ bảo vệ bệnh nhân đến suốt đời.

Đối với vấn đề tăng huyết áp có phải uống thuốc suốt đời không, các bác sĩ không chắc chắn việc bệnh nhân phải uống thuốc đến khi nào. Trong điều trị tăng huyết áp, bệnh nhân bắt buộc phải thay đổi lối sống. Đó là điều có lợi cho sức khỏe và không mất một khoản chi phí điều trị nào.

Mỗi người nên đi bộ, chạy bộ, ăn nhạt, bỏ thuốc lá, giảm cân,… đó là những điều không gây quá nhiều tốn kém nhưng mang lại lợi ích cho sức khỏe chung, mỗi bệnh nhân cần tuân thủ.

Việc sử dụng thuốc giúp bảo vệ bệnh nhân, không gây hại sức khỏe. Những loại thuốc tốt hiện có trên thị trường, đã được nghiên cứu, đảm bảo mức an toàn cho sức khỏe người bệnh, an toàn cho tim, gan, thận, đảm bảo điều kiện được cho ra thị trường. Do đó, bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng.

Đặc biệt, bệnh nhân không chỉ uống một loại thuốc trong thời gian dài. Khi thuốc không đủ với tình trạng bệnh, bác sĩ cần tăng liều, kết hợp nhiều loại thuốc khác. Tuy nhiên, đến một mức độ, khi bệnh nhân đã kiểm soát tốt chế độ ăn, lối sống, thuốc sẽ được bác sĩ gia giảm theo thời gian. Không bắt buộc bệnh nhân uống một loại thuốc suốt đời.

Nhấn mạnh lại, những vấn đề bác sĩ đưa ra không để bệnh nhân phụ thuộc vào bác sĩ, việc theo dõi, điều trị giúp bảo vệ bệnh nhân suốt đời. 

6. Huyết áp không thể khống chế, phải kiểm soát bằng nhiều cách

Những nguyên nhân nào dẫn đến huyết áp tăng và dao động, dù bệnh nhân đã uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của BS?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Khi điều trị, sẽ có thời điểm huyết áp không ổn, khi đó, cần tìm nguyên nhân, xem lại cách thay đổi lối sống: ăn uống, tập luyện, giảm cân,… đặc biệt, đời sống bệnh nhân có thoải mái chưa. Các vấn đề stress, lo lắng, bận rộn sẽ ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp.

Bên cạnh đó, kiểm soát cảm xúc, tâm thần kinh là vấn đề quan trọng. Nếu có các vấn đề về mặt tâm lý, tâm thần, mất ngủ, lo lắng, trầm cảm, cần đi điều trị, bởi vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của người bệnh.

Khi sử dụng thuốc, mỗi người sẽ phù hợp với các loại thuốc khác nhau. Nếu việc sử dụng thuốc không kiểm soát được huyết áp, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ, nói rõ vấn đề để được điều chỉnh thuốc. Có thể do liều thuốc chưa phù hợp, bác sĩ sẽ tăng liều hoặc đổi thuốc. Hiện nay, các bác sĩ thường kết hợp 2-3 loại thuốc vào để điều trị cho bệnh nhân.

Thậm chí, có những trường hợp uống 2-4 loại thuốc huyết áp, nhưng không thể khống chế huyết áp, vấn đề này được gọi là tăng huyết áp kháng trị. Lúc này, bắt buộc bệnh nhân phải đến gặp chuyên gia về huyết áp, tim mạch để tìm ra lý do bệnh nhân không thể khống chế huyết áp.

Có thể do một số cơ chế, bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc hoặc do nguyên nhân từ bệnh nhân, dẫn đến tăng huyết áp, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân này. Đặc biệt, với các chị em phụ nữ uống thuốc ngừa thai, có thể làm huyết áp cao và không khống chế được tăng huyết áp. Bệnh nhân cần thay đổi phương pháp ngừa thai khác.

Trường hợp có u tuyến thượng thận gây tăng tiết chất làm tăng huyết áp, lúc này, huyết áp không khống chế được, cần bác sĩ xử lý. Người lớn tuổi, nếu có bệnh lý tim mạch do xơ vữa gây xơ vữa động mạch thận, sẽ làm huyết áp tăng cao không thể không chế. Trường hợp này bác sĩ sẽ cho nhập viện để sửa chữa vị trí xơ vữa bằng cách nong, đặt stent để khống chế huyết áp.

Tóm lại, nếu huyết áp không thể kiểm soát, phải giải quyết bằng nhiều phương pháp khác nhau.

7. Kiểm soát tốt huyết áp giúp chất lượng cuộc sống người bệnh như người bình thường

Đồng hành cùng ngày, BS có lời nhắn nhủ nào dành cho cộng đồng nói chung và người bệnh tăng huyết áp nói riêng?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Đối với những bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, bệnh nhân có thể sống thọ, sống vui, sống hạnh phúc với điều kiện huyết áp được kiểm soát chặt chẽ. Những người điều trị tăng huyết áp, đạt được huyết áp mục tiêu, tiên lượng của bệnh nhân tương đương người không tăng huyết áp. Còn nếu tăng huyết áp, điều trị không đạt huyết áp mục tiêu, tương đương với người tăng huyết áp không được điều trị.

Vì vậy, khi điều trị huyết áp phải “tới nơi, tới chốn” để an toàn, bảo vệ bản thân.

Để kiểm soát huyết áp, cần tuân thủ điều trị. Việc tập luyện và uống thuốc huyết áp không chỉ có tác dụng cho ngày hôm nay, mà với việc điều trị đó, có thể giúp bệnh nhân sống vui, sống khỏe suốt đời. Để đạt được điều này, bệnh nhân phải tuân thủ chế độ điều trị, kiểm soát huyết áp chặt chẽ.

Một người mắc bệnh tăng huyết áp còn kèm theo các bệnh đồng mắc khác như đái tháo đường, đặc biệt là rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu, các tình trạng béo phì, cần điều chỉnh tất cả các vấn đề trên. Bệnh nhân nên giảm cân, bỏ thuốc lá, tập luyện thể dục, chế độ ăn nói không với muối và kiểm soát các vấn đề khác.

Trong việc kiểm soát huyết áp, không chỉ nói đến con số, mà lưu ý đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và giúp bệnh nhân sống khỏe, tránh các biến chứng, tổn thương lên các cơ quan quan trọng trong cơ thể người bệnh.

>>> Phần 1: Hơn 95% người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng cụ thể

>>> Phần 2: Giải đáp những thắc mắc về đo huyết áp tại nhà

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X