Hotline 24/7
08983-08983

Lưu ý các chỉ số huyết áp và cách đo huyết áp đúng để điều trị bệnh hiệu quả

Thông thường, huyết áp sẽ có khuynh hướng cao hơn vào buổi sáng và thấp hơn vào buổi tối. Đỉnh thấp nhất thường rơi vào lúc chúng ta ngủ sâu nhất, đỉnh cao nhất thường rơi vào lúc khoảng 2 giờ sau khi chúng ta ngủ dậy. Đây là một trong những chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai - Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất trong bài viết này.

1. Huyết áp là gì, thế nào là huyết áp cao?

Xin BS cho biết huyết áp là gì, thế nào là huyết áp cao?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch, được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch.

Tăng huyết áp (Theo VNHA năm 2018) là tình trạng tăng dai dẳng huyết áp động mạch.

- Tại phòng khám: SBP ≥ 140 mmHg và/hoặc DBP ≥ 90mmHg

- Tự đo tại nhà (ban ngày): SBP ≥ 135mmHg và/hoặc  DBP ≥ 85mmHg

- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: SBP ≥ 140 mmHg; DBP ≤ 90mmHg hay gặp ở người lớn tuổi.

2. Huyết áp tăng/giảm vào những thời điểm nào?

Trong một ngày, huyết áp có thể tăng - giảm vào những thời điểm nào?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Huyết áp là một chỉ số phản ánh trạng thái cân bằng động học của các quá trình sinh lý trong cơ thể. Chính vì thế, huyết áp của chúng ta không phải luôn ổn định hay giữ cùng một chỉ số mà sẽ thay đổi tùy theo hoạt động, cảm xúc hoặc tình trạng sức khỏe của chúng ta ngay tại thời điểm đó. Chỉ cần một hoạt động nhỏ như thay đổi vị trí, tư thế, uống cà phê hay hút thuốc lá, bị xúc động... cũng sẽ làm huyết áp tăng lên.

Thông thường, huyết áp sẽ có khuynh hướng cao hơn vào buổi sáng và thấp hơn vào buổi tối. Đỉnh thấp nhất thường rơi vào lúc chúng ta ngủ sâu nhất, đỉnh cao nhất thường rơi vào lúc khoảng 2 giờ sau khi chúng ta ngủ dậy.

Trong khi đó, chỉ số cao nhất của huyết áp lại đánh dấu nhiều đỉnh khác nhau, đó là mỗi khi chúng ta hoạt động gắng sức hay suy nghĩ, căng thẳng, và sau đó cơ thể sẽ điều chỉnh về trạng thái cân bằng. Nếu cơ thể không có khả năng này, huyết áp luôn ở mức cao hay mức thấp, đó là tình trạng bệnh lý thực sự.

3. Dấu hiệu của tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp có những dấu hiệu nào để nhận biết?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Tăng huyết áp lại gần như không có dấu hiệu nhận biết. Chính vì vậy mà tăng huyết áp còn được biết đến với tên gọi “kẻ giết người thầm lặng”. Cách tốt nhất để nhận biết bạn có bị tăng huyết áp hay không đó là thông qua việc kiểm tra huyết áp thường xuyên.

Nếu huyết áp của bạn tăng cao, sẽ có một số dấu hiệu tăng huyết áp mà bạn cần chú ý như: nhức đầu, chảy máu mũi, xuất huyết kết mắt, tê bì các chi, buồn nôn và nôn, choáng và chóng mặt, đau vùng trước tim.

4. Vì sao tăng huyết áp nhưng họ cảm thấy “bình thường”?

Vì sao có những người bị tăng huyết áp nhưng họ cảm thấy “bình thường”, “vẫn khỏe”?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Một người được chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp ≥ 140/90mmHg. Nhiều người thậm chí huyết áp đến 200/100mmHg nhưng không có triệu chứng. Và điều này là rất nguy hiểm bởi huyết áp có thể tăng bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng người bệnh là “kẻ giết người thầm lặng”. Do chỉ số huyết áp chúng ta tăng dần dần trong thời gian dài làm cho cơ thể chúng ta chiệu đựng được HA đó.

5. Đo huyết áp bao nhiêu lần để biết chính xác bị tăng huyết áp?

Một người cần đo huyết áp mấy lần để biết chính xác mình bị tăng huyết áp?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Huyết áp thường xuyên dao động nên những kiến thức về thời điểm đo huyết áp là vô cùng cần thiết. Từ đó, để kết luận chúng ta có bị tăng huyết áp hay không, hay huyết áp thấp hay huyết áp bình thường thì cần phải căn cứ vào trị số huyết áp của nhiều ngày, nhiều thời điểm khác nhau trong một ngày.

Hiểu và nhớ các mốc thời gian đó, ghi lại chỉ số huyết áp, bao gồm cả huyết áp tâm thu lẫn huyết áp tâm trương, nhịp tim trong một cuốn nhật ký sẽ giúp việc theo dõi sức khỏe tại nhà được thuận tiện hơn.

Việc đo huyết áp tại nhà thường được khuyên nên thực hiện vào buổi sáng khi mới thức dậy và trước khi bước ra khỏi giường. Nếu được yêu cầu theo dõi huyết áp nhiều lần trong ngày, nên chọn các thời điểm cố định, dễ nhớ và cũng dễ có căn cứ so sánh. Tuy nhiên, các lần đo đều thực hiện sau khi cơ thể đã được nghỉ ngơi ít nhất 5 - 10 phút với tinh thần hoàn toàn thoải mái, không nói chuyện trong và giữa các lần đo huyết áp.

Tuyệt đối không đo huyết áp sau bữa ăn no hay lúc quá đói, quá mệt, đang buồn tiểu, sau khi hút thuốc hoặc uống cà phê hoặc đang trong tình trạng căng thẳng, nóng giận. Tốt nhất đo liên tiếp 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 phút và lấy con số trung bình giữa 2 lần đo cuối.

6. Nếu không điều trị, huyết áp cao sẽ nguy hiểm thế nào?

Huyết áp cao có thể dẫn đến những nguy hiểm gì nếu không điều trị?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Tăng huyết áp không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tổn thương nặng các cơ quan đích và gây các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, phình tách thành động mạch chủ, suy tim, suy thận... thậm chí dẫn đến tử vong.

- Các biến chứng về não: Xuất huyết não, nhồi máu não, cơn thiếu máu não thoáng qua.

- Các biến chứng lên tim: Dày thành cơ tim, dãn các buồng tim gây suy tim, nhồi máu cơ tim…

- Các biến chứng về thận: Bệnh nhân tiểu ra protein (bình thường không có), lâu ngày gây suy thận. Tăng huyết áp còn làm hẹp động mạch thận, gây huyết áp cao hơn, nếu bị hẹp động mạch thận lâu ngày sẽ gây nên suy thận.

- Các biến chứng về mắt: Tăng huyết áp sẽ làm tổn thương mạch máu võng mạc, thành động mạch dày và cứng làm hẹp lòng mạch lại, xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác gai thị làm giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

- Các biến chứng về mạch máu: Tăng huyết áp sẽ làm động mạch chủ phình to và có thể bóc tách, vỡ thành động mạch chủ dẫn đến tử vong. THA còn làm hẹp động mạch chậu, động mạch chân, động mạch đùi.

7. Uống thuốc huyết áp không đều đặn sẽ dẫn đến nguy cơ gì?

Không ít người uống thuốc huyết áp theo kiểu “lên thì uống xuống thì ngưng”, điều này có thể dẫn đến nguy cơ gì?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Trong quá trình dùng thuốc chỉ số huyết áp trở về bình thường là nhờ vào việc dùng thuốc đều đặn hằng ngày, “lên thì uống, xuống lại thôi” là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở người bệnh tăng huyết áp khi mà họ chưa nhận thấy được tầm quan trọng của việc uống thuốc đều đặn.

Nhiều trường hợp đo thấy huyết áp tăng hoặc có biểu hiện chóng mặt, nhức đầu (theo kinh nghiệm bản thân nghĩ huyết áp tăng sẽ có các biểu hiện đó)... mới lấy thuốc ra uống. Còn khi đo thấy huyết áp ổn định thì lại đem cất thuốc đi không uống nữa, cho rằng huyết áp bình thường thì uống sẽ phí thuốc hoặc uống vào gây hạ huyết áp.

Chính vì uống thuốc thất thường như vậy nên không ít người đã phải nhập viện cấp cứu vì đột quỵ, tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người và các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân… do huyết áp gây ra. Điều quan trọng chúng ta cần nhớ là phải uống thuốc đều đặn để huyết áp không tăng.

8. Thuốc huyết áp ngày nay có những cải tiến gì?

Thuốc huyết áp ngày nay có những tiến bộ/cải tiến gì so với nhiều năm trước?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Trong điều trị tăng huyết áp, khi kết hợp 2 thuốc với cơ chế tác dụng khác nhau giúp tác động vào nhiều đích khác nhau, trong cơ chế sinh lý bệnh của tăng huyết áp là ổn định huyết áp và không làm tổn thương cơ quan đích. Đồng thời, tác dụng hạ áp thu được có thể tốt hơn 2 - 5 lần so với dùng đơn trị.

Hiện nay, có 5 nhóm thuốc chủ yếu trong điều trị tăng huyết áp nhằm mục tiêu hạ áp và bảo vệ cơ quan đích. Các thuốc này có nhiều cải tiến và tiến bộ hơn so với trước đây như: thuốc tác dụng hạ áp hiệu quả hơn tùy theo mức huyết áp mà mức độ tác dụng hạ áp khác nhau ít gây tụt huyết áp, thuốc có tác dụng kéo dài chúng ta có thể dùng 1 lần/ngày, ít tác dụng phụ, phối hợp nhiều nhóm thuốc trong 1 viên thuốc nên bệnh nhân tăng huyết áp có thể uống 1 viên/lần/ngày tránh trình trạng bệnh nhân quên thuốc giúp cho sự tuân thủ điều tị tốt hơn.

9. Bệnh nhân cần làm gì để duy trì huyết áp ổn định?

Song song với việc dùng thuốc, bệnh nhân cần làm gì để duy trì huyết áp ổn định?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Một khi có chẩn đoán tăng huyết áp thì biện pháp can thiệp đầu tiên đối với người bệnh là thay đổi lối sống (bất kể giai đoạn nào của tăng huyết áp). Khuyến khích cho những bệnh nhân bị tăng huyết áp: Thứ nhất, thay đổi lối sống, bao gồm chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng, hạn chế các chất kích thích (rượu, bia, cà phê…), tăng cường hoạt động thể lực, bỏ thuốc lá.

Thứ hai, hạn chế muối ăn muối cũng được xem là “khắc tinh” của bệnh nhân tăng huyết áp giảm Na trong khẩu phần ăn hàng ngày (Nacl 3 - 6g/ngày). Thứ ba, thay đổi chế độ ăn. Tuân thủ thực đơn gồm nhiều ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu protein tốt, thực phẩm giàu canxi, kali, magie, trái cây và rau củ. Đồng thời, loại bỏ chất béo bão hòa và cholesterol.

Thứ tư, tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ… ít nhất 30 phút/ngày, tất cả các ngày trong tuần. Thứ năm, hạn chế lượng cồn tiêu thụ. Nếu chỉ uống rượu ở mức độ vừa phải, 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ hoặc 2 ly mỗi ngày (720ml bia) đối với nam giới. Tuy nhiên, tác dụng này sẽ mất đi nếu bạn uống quá nhiều rượu. Uống nhiều hơn lượng rượu cho phép sẽ làm tăng chỉ số huyết áp cũng như làm giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị huyết áp.

Thứ sáu là giảm cân duy trì trọng lượng cơ thể 18,5 - 24,9. Thứ bảy, ngừng hút thuốc lá. Mỗi điếu thuốc bạn hút sẽ khiến huyết áp tăng vọt ngay cả khi bạn đã hút xong. Vì thế, hãy ngừng hút thuốc ngay hôm nay để giúp chỉ số huyết áp trở lại bình thường. Bỏ thuốc lá còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn.

Thứ tám, giảm căng thẳng. Tình trạng căng thẳng mạn tính có thể góp phần làm tăng huyết áp. Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về những nguyên nhân khiến bạn cảm thấy stress, chẳng hạn như công việc, gia đình, tài chính hoặc bệnh tật. Sau khi xác định được điều gì gây ra căng thẳng cho mình, bạn cần tìm cách giải quyết để loại bỏ stress ra khỏi cuộc sống của bản thân. Và thứ chín là bổ sung một số vi chất khác.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X