Có phải xoa bóp, massage cứ mạnh tay là hết đau cổ vai gáy?
Đối với chứng đau cổ vai gáy, massage, bấm huyệt được coi là một phương pháp giảm đau khá hiệu quả. Tuy nhiên, theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Chuyên gia Y học cổ truyền, người bệnh phải đến các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để thực hiện các thao tác, kỹ thuật chính xác mới đạt hiệu quả.
1. Đau cổ vai gáy do bệnh lý và do tư thế
Nguyên nhân dẫn đến những cơn đau cổ vai gáy là gì, thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Đau cổ vai gáy có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, cơn đau do tư thế sai trong khi nằm, ngồi... Hiện nay, việc dành nhiều thời gian xem điện thoại cũng có thể gây mỏi vai gáy.
Khi ngồi thẳng, trọng lượng đầu đặt lên cổ vai gáy khoảng 5,7 - 6kg. Nếu đưa đầu về phía trước khoảng 15 độ, trọng lượng tăng lên gấp đôi; đưa về phía trước 30 độ, trọng lượng đầu lên đến 16kg; đưa về phía trước 45 độ, cổ phải giữ đến 24kg và 60 độ tương đương 30kg. Do đó, đau cổ vai gáy thường gặp ở những người làm công việc văn phòng.
Thứ hai, một số người nhạy cảm với thời tiết có thể bị đau cổ vai gáy khi thời tiết thay đổi. Bên cạnh đó, khi cơ thể trong trạng thái căng thẳng, cơ vùng vai gáy cũng bị căng theo.
Thứ ba, đau cổ vai gáy do bệnh lý thoái hóa cột sống cổ. Sau tuổi 35, chúng ta bắt đầu đi vào triền dốc của cuộc đời, các vấn đề thoái hóa xuất hiện, đặc biệt là thoái hóa cột sống cổ.
Bên cạnh đó còn có những bệnh lý cột sống cổ khác như thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, bệnh lý mạch máu cổ, mạch máu não... cũng gây nên tình trạng đau mỏi cổ vai gáy.
Tóm lại, đau mỏi cổ vai gáy có thể xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý hoặc do những tư thế không phù hợp. Vấn đề đau mỏi cổ vai gáy ngày nay đã dần trẻ hóa.
2. Xoa bóp, massage chỉ cải thiện cơn đau chứ không điều trị dứt điểm
Xin hỏi BS, massage liệu có tác dụng giảm hoặc dứt điểm các cơn đau cơ xương khớp không?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Tôi vừa trình bày, đau cổ vai gáy có nhiều nguyên nhân, do đó khi điều trị, cần xem xét tình trạng đau của bệnh nhân là do tư thế, căng thẳng, thời tiết hay bệnh lý.
Mục tiêu của xoa bóp, massage là cải thiện những cơn đau vai gáy chứ không thể điều trị dứt điểm, triệt để khi nguyên nhân gây đau vẫn tồn tại.
3. Khi nào xoa bóp mạnh, khi nào xoa bóp nhẹ nhàng?
Thông thường, những người đi masage, nắn chỉnh, bẻ khớp đều muốn kỹ thuật viên thật mạnh tay, phải phát ra những tiếng răng rắc mới “đã”. Lực mạnh có tác dụng giãn cơ, chữa đau vai gáy không, thưa BS? Sử dụng lực quá mạnh có thể dẫn đến những hậu quả gì?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Theo y học cổ truyền, nếu trong quá trình xoa bóp, động tác ấn giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn, cơn đau này được xếp vào đau mạn tính thiện án. Người thực hiện phải xoa bóp nhẹ nhàng trong thời gian đủ lâu.
Nếu càng ấn càng khiến bệnh nhân bị đau tức, Đông y xếp trường hợp này vào cự án, phải xoa bóp nhanh, mạnh trong thời gian ngắn.
Do đó, người thực hiện phải được học bài bản để đánh giá được tình trạng của người bệnh, từ đó điều chỉnh lực tác động thích hợp. Tác động lực để phát ra tiếng “răng rắc” chỉ làm bệnh nhân cảm thấy thoải mái nhất thời chứ không giúp cải thiện vấn đề đau mỏi vai gáy.
Hiện nay, xoa bóp, massage chủ yếu đóng vai trò cải thiện cơn đau cổ vai gáy nhất thời.
4. Massage mạnh tay có giúp giảm đau nhiều hơn?
Các liệu trình massage trị đau cổ vai gáy thường tập trung vào những huyệt vị nào? Vì sao có những trường hợp bị đột quỵ, gãy xương, yếu liệt chi sau khi bấm huyệt, xoa bóp chữa đau cổ vai gáy?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Trong Đông y, thời gian và lực xoa bóp phải tùy theo mức độ đau. Về bấm huyệt, đầu tiên phải chú ý đến a thị huyệt: khi ấn mà bệnh nhân thấy đau thì lấy điểm đau làm huyệt.
Ấn một số huyệt như kiên tỉnh, đại trùy, phong trì, kiên ngung, phế du, tâm du, cách du... có thể cải thiện vấn đề đau mỏi vai gáy.
Những trường hợp gặp vấn đề ảnh hưởng đến xương, thầy thuốc mới có những tác động đến cột sống cổ, có thể phát ra tiếng “răng rắc”. Trong các tình huống bình thường, chỉ cần giải quyết phần cơ để giảm triệu chứng đau.
Mục tiêu của xoa bóp, massage, ấn huyệt là cải thiện cơn đau. Lực tác động mạnh hay quá mạnh không đáp ứng được mục tiêu ban đầu, trả người bệnh về trạng thái bình thường hoặc gần bình thường.
5. Ai không nên xông hơi, massage?
Những trường hợp nào chống chỉ định với massage, xông hơi, thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Không nên massage khi trên da có những bất thường, có tổn thương, vết thương hở. Trẻ nhỏ, người có bệnh lý tâm thàn, người suy kiệt, mệt mỏi... nên được đánh giá và cân nhắc sử dụng phương pháp khác phù hợp hơn.
Những người quá mệt mỏi, cơ thể suy kiệt, mất nước và điện giải, bệnh nhân đang bị tiêu chảy không nên xông hơi.
Phải xem xét cả hai mặt lợi ích và tác hại khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào.
6. Sử dụng máy massage thế nào cho đúng?
Ngoài massage, xông hơi, bấm huyệt, nhiều người tìm đến các thiết bị như máy massage cổ, gối massage. Cơ chế hoạt động của những thiết bị này thế nào và hiệu quả ra sao? Nếu sử dụng các loại máy kém chất lượng, người dùng có khả năng phải đối diện với các tình huống nào?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Massage tại các spa chỉ giúp chúng ta cảm thấy khỏe. Nếu muốn điều trị bệnh, phải thực hiện ở các bệnh viện chuyên môn. Tuy nhiên, vì tính tiện lợi, nhiều người đã mua các loại máy massage để sử dụng tại nhà hoặc các khu vực không có bệnh viện, kỹ thuật viên chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, các loại máy massage chỉ được lập trình một vài động tác để cải thiện sức khỏe, giảm đau tức thời, không có tác dụng trị bệnh.
Sử dụng máy không đúng cách, máy kém chất lượng có thể khiến vấn đề đau vai gáy hoặc các cơn đau khác trên cơ thể ngày càng nặng hơn. Khi thấy cơn đau có dấu hiệu trầm trọng hơn, hãy ngưng sử dụng ngay và đến bệnh viện để được thầy thuốc tư vấn để có biện pháp điều trị thích hợp.
Xin nhấn mạnh, các loại máy điều trị phải có sự tư vấn, hướng dẫn của thầy thuốc, chuyên gia trước và trong khi sử dụng.
7. Đi khám nếu cơn đau cổ vai gáy kéo dài
Khi những cơn đau cổ vai gáy xuất hiện, đa số mọi người thường không đi gặp BS ngay mà thường tìm cách giảm đau tại nhà để tiếp tục công việc đang làm. Theo BS liệu có phương pháp giảm đau nào an toàn mà mọi người có thể tạm thời áp dụng?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Để giảm đau cổ vai gáy tại nhà, có thể sử dụng máy massage, túi chườm thảo dược, ngâm tắm thảo dược để giãn cơ.
Tuy nhiên, khi bệnh cảnh ngày càng nặng hơn hoặc có dấu hiệu bất thường, hãy đi khám để được đánh giá chính xác bệnh lý tiềm ẩn nếu có để giải quyết tận gốc cơn đau cổ vai gáy.
8. Đau cổ vai gáy, khi nào cần đi khám?
Xin hỏi BS, cơn đau như thế nào thì nhất định phải đi khám?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Theo quan điểm của tôi, đau là một tặng vật của tạo hóa cho mỗi con người. Đau là tín hiệu để chúng ta quan sát lại bản thân, nhận ra những vấn đề do tư thế, thời tiết hay căng thẳng để có sự điều chỉnh.
Tuy nhiên, khi cơn đau nặng thêm, khó xoay trở, mỏi cổ, cứng cổ, có tình trạng yếu liệt, teo cơ mà các phương pháp tại nhà không đáp ứng, cần phải đến bệnh viện để khám, đánh giá, nghe thầy thuốc tư vấn để có hướng giải quyết phù hợp.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình