Hotline 24/7
08983-08983

Y học cổ truyền đóng vai trò thế nào trong điều trị đau bụng kinh do bệnh lý lạc nội mạc tử cung?

Theo BS.CK1 Bùi Thị Yến Nhi - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (Cở sở 3), việc kết hợp điều trị đau bụng kinh (thống kinh) bằng Y học cổ truyền trong bệnh lý lạc nội mạc tử cung giúp cá thể hóa điều trị, tối ưu hóa điều trị nội khoa, đồng thời giúp ngăn ngừa tái phát đau hoặc tái phát lạc nội mạc tử cung kéo dài trên 6 tháng.

BS.CK1 Bùi Thị Yến Nhi - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (Cở sở 3) thông tin, bệnh lạc nội mạc tử cung bao gồm các thể: lạc nội mạc tử cung ở phúc mạc, lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, lạc nội mạc tử cung sâu, bệnh tuyến cơ tử cung (hay còn gọi lạc nội mạc tử cung vào cơ tử cung). Trên lâm sàng các thể lạc nội mạc tử cung thường đi kèm với nhau.

Trong số người bệnh bị lạc nội mạc tử cung có khoảng 40 - 82% phụ nữ bị đau bụng kinh, đau vùng chậu mạn tính. Tính chất đau thường được người bệnh mô tả bằng các cơn đau bụng khi hành kinh, hoặc có thể đau không liên quan kỳ kinh; đau không có tính chu kỳ, đau sau khi giao hợp, hoặc đau khu trú theo kỳ kinh tại thành bụng quanh sẹo mổ lấy thai, hoặc đau tại vùng tầng sinh môn sau sinh đường âm đạo,…

Điều trị đau bụng kinh, đau vùng chậu mạn tính có mục đích giảm đau, cải thiện chất lượng sống với các thuốc giảm đau kháng viêm không - steroids (NSAIDs), viên tránh thai kết hợp (COCs), hoặc nội tiết progestins,… thậm chí một số trường hợp cân nhắc phẫu thuật. Tuy nhiên cần xây dựng kế hoạch điều trị lâu dài với mục đích tối ưu hóa điều trị nội khoa, hạn chế can thiệp ngoại khoa lặp đi lặp lại.

Làm thế nào để điều trị hiệu quả đau bụng kinh do bệnh lý lạc nội mạc tử cung?

BS.CK1 Bùi Thị Yến Nhi cho biết, việc kết hợp điều trị đau bụng kinh (thống kinh) bằng Y học cổ truyền trong bệnh lý lạc nội mạc tử cung giúp cá thể hóa điều trị, tối ưu hóa điều trị nội khoa, đồng thời giúp ngăn ngừa tái phát đau hoặc tái phát lạc nội mạc tử cung kéo dài trên 6 tháng.

Trên lâm sàng, đau bụng kinh trong bệnh lý lạc nội mạc chủ yếu là do “ứ huyết”. Ứ huyết chỉ là kết quả của một trong những quá trình bệnh do hàn trệ, hay khí hư, huyết hư, hay Tỳ hư thấp thịnh, hay Thận khí hư, hay đàm trọc thấp trệ, hỏa uất, hay ngoại thương (chấn thương, phẫu thuật) gây hoại huyết đình lưu.

Kinh nguyệt do huyết biến hóa mà thành, Thận tàng tinh, sinh tủy sinh huyết. Can thư thái thì khí huyết lưu thông được tới lục phủ ngũ tạng được. Can khí uất bế sẽ khiến kinh nguyệt cũng theo đó mà bế tắc như bị đè nén mà sinh ra đau. Màu máu kinh tím bầm hoặc đen sậm là do thủy hỏa tranh chấp, kinh vón lại thành cục là bởi vì bị uất hỏa nung nấu mà thành ra như vậy.

Vì vậy, cần xác định thời gian, địa điểm, vị trí đau của người bệnh; kết hợp với tính chất kinh, tình trạng chu kỳ kinh nguyệt, nhu cầu sinh đẻ hay không, đặc điểm lưỡi và mạch để xác định mà chọn phép trị nào làm chính: Thư Can hành khí, hoạt huyết hóa ứ, hay bổ Thận kiện Tỳ, ôn kinh tán hàn,…

Điều trị đau bụng kinh do bệnh lý lạc nội mạc tử cung bằng Y học cổ truyền

Theo BS.CK1 Bùi Thị Yến Nhi, đơn thuốc y học cổ truyền được xây dựng theo tình trạng, thể chất, tuổi tác, chu kỳ kinh nguyệt và các yếu tố khác của người bệnh. Mục đích chủ yếu là điều hòa khí huyết, giảm đau, lập lại cân bằng âm dương, và giảm bớt hình thành sản phẩm bệnh lý là “ứ huyết”.

Về mặt lâm sàng, đối với những người chưa muốn sinh con hoặc không có nhu cầu sinh thêm, ưu tiên hàng đầu là giảm đau, điều hòa kinh nguyệt và giải quyết triệu chứng đi kèm ví dụ như mụn trứng cá. Còn đối với những người có nhu cầu muốn sinh con, việc trị thống kinh là tiền đề lập lại quân bình âm dương, tạo điều kiện hỗ trợ mang thai. Vì vậy, để đạt được hiệu quả điều trị cá nhân hóa, cần phân biệt triệu chứng và có phép trị phù hợp theo từng thể bệnh cũng như ứng dụng gia giảm thuốc phù hợp với nhu cầu của người bệnh.

Ngoài ra, các phương pháp như châm cứu dưới hình thức thể châm chọn các huyệt: Tam âm giao, Túc tam lý, Huyết hải, Âm lăng tuyền, Khí xung, Lãi câu, Thái khê, Khí hải, Quan Nguyên, Hợp cốc… Hoặc dùng nhĩ châm các huyệt: nội tiết, tử cung, buồng trứng, Can, Thận… có thể thúc đẩy tuần hoàn kinh khí, điều hòa khí huyết, sơ Can, bổ Thận, ôn kinh.

Bên cạnh đó, trong lúc đang đau bụng kinh tiến hành xoa bóp bấm huyệt vùng tử cung, bụng dưới và thắt lưng với các động tác nhào, bóp, xát, vỗ nhẹ, và day bấm huyệt giúp thư giãn cơ, giảm co thắt, hỗ trợ quá trình lưu thông khí huyết hai mạch Nhâm và Xung, điều hòa sự cân bằng âm dương đem lại hiệu quả giảm đau nhanh, kịp thời.

Lựa chọn điều trị kết hợp Y học cổ truyền để chữa bệnh phụ khoa nói chung và điều trị đau bụng kinh thứ phát do lạc nội mạc tử cung nói riêng là xu hướng ngày càng phổ biến. Hiệu quả điều trị thống kinh trong bệnh cảnh lạc nội mạc tử cung bằng thuốc y học cổ truyền, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt mang lại nhiều kết quả tích cực, không chỉ ngăn triệu chứng của bệnh ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mà còn bảo vệ sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X