Hotline 24/7
08983-08983

Trị cảm lạnh bằng những nguyên liệu có sẵn trong bếp

Những ngày thời tiết thay đổi thất thường dễ khiến mọi người bị cảm cúm, cảm lạnh. Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (cơ sở 3), trước khi dùng thuốc, có thể sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên có sẵn trong nhà bếp, vừa phục hồi sức khỏe lại tăng cường khả năng miễn dịch.

Cảm lạnh dưới góc nhìn Đông y

Thời tiết giao mùa, nhiệt độ chênh lệch khiến nhiều người bị cảm lạnh. Xin hỏi BS, cảm lạnh có dễ lây lan như các bệnh đường hô hấp khác không?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Theo quan niệm Đông y, có 3 nguyên nhân gây bệnh là nội nhân, ngoại nhân và bất nội ngoại nhân.

Trong ngoại nhân có 6 loại khí gọi là lục tà (hay lục dâm), phong hàn chiếm đa số. Theo các mức độ của lục tà, đầu tiên ta sẽ cảm thấy gió thổi ớn lạnh, gọi là mạo. Bị sổ mũi, hắt hơi gọi là cảm. Hai phần này gọi là cảm lạnh. Mức thứ ba là thương, lúc nóng lúc lạnh và mức thứ tư là trúng.

Khi thời tiết giao mùa cùng với cơ thể suy yếu sẽ gây ra vấn đề cảm mạo hay cảm lạnh.

Theo quan điểm của Tây y, cảm cúm do siêu vi gây ra nhưng trong Đông y, nguyên nhân gây cảm lạnh là thời tiết giao mùa kết hợp với cơ thể suy yếu nên không lây lan.

Chu kỳ 5 ngày của cảm mạo

Xin hỏi BS, cảm lạnh diễn tiến như thế nào và tình trạng này thường sẽ khỏi trong bao lâu?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Theo quan niệm của Đông y, mỗi lần cảm mạo sẽ xoay vòng theo chu kỳ khí hậu. Hậu là 5 ngày, khi khí thay đổi sẽ góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe.

Nếu không cải thiện sẽ lặp lại một vòng 5 ngày, 10 ngày hoặc 15 ngày tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh và tác nhân bên ngoài.

Các yếu tố khiến cảm mạo kéo dài không khỏi

Nguyên nhân nào khiến cho tình trạng cảm mạo kéo dài dai dẳng, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Cảm mạo, cảm lạnh do lục tà gồm phong (do gió), hàn (do lạnh), thử (do nắng), thấp (do ẩm ướt), hỏa (do nóng). Khi chỉ bị một loại khí gây bệnh, mức độ sẽ nhẹ hơn so với chồng nhiều khí.

Nhiều nguyên nhân gây bệnh tấn công vào một cơ thể suy yếu sẽ khiến bệnh dai dẳng và kéo dài. Tùy theo cơ địa, hay trong Đông y gọi là chính khí của mỗi người, mức độ phản ứng với lục tà sẽ khác nhau.

Có người bị cảm mạo chỉ vài ngày là hết nhưng cũng có nhiều người phải kéo dài nhiều ngày. Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố và chính khí của mọi người.

Các vị thuốc giải cảm quen thuộc, dễ tìm

Để khỏi bệnh nhanh, người bị cảm lạnh có thể áp dụng những bài thuốc, vị thuốc nào có sẵn trong nhà?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Nếu không dùng thuốc, chúng ta có thể tập luyện để ra mồ hôi. Cách thứ hai là sử dụng các loại dược liệu có tinh dầu để khu phong tán hàn, giải cảm. Các loại dược liệu dễ tìm quanh nhà là nồi xông lá bưởi, lá chanh, lá sả, gừng.

Cháo giải cảm với các nguyên liệu gừng, lá tía tô, trứng gà và phải ăn lúc nóng.

Kinh giới, tía tô, hẹ, gừng... là các vị thuốc dễ tìm có công dụng sát trùng đường hô hấp, long đờm và có tác dụng kháng sinh, chống bội nhiễm do cảm lạnh gây nên.

Người bị cảm lạnh nên ăn các loại thực phẩm bồi bổ, giúp nâng cao sức đề kháng để mau khỏi cảm lạnh hơn.

Chọn dược liệu dựa trên thể của từng bệnh nhân

Nhờ BS chỉ ra, đâu là các phương pháp chữa cảm mạo không đúng, không đáng tin và không được áp dụng?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Theo tôi, người bệnh nên được tư vấn với bác sĩ để có hướng dẫn, chỉ định hợp lý tùy theo thể. Trong Đông y có rất nhiều thể: phong hàn, phong nhiệt, phong thấp... Những người có thể khác nhau không thể dùng dược liệu giống nhau.

Dựa trên thể mà người thầy thuốc sẽ đánh giá, tư vấn. Thể phong hàn cần dùng các loại thuốc ấm nóng để khu phong giải biểu. Những người có thể nóng phải dùng các loại thuốc thanh nhiệt giải biểu, người bị thấp, thân thể nặng nề có thể dùng thuốc khu phong trừ thấp. Tùy theo tình hình của người bệnh mà chọn lựa các loại dược liệu thích hợp.

Các bài thuốc truyền miệng hầu hết chỉ dựa vào kinh nghiệm, không đại diện cho tất cả các thể trên lâm sàng. Nên có sự tư vấn của thầy thuốc để điều trị phù hợp khi bị cảm mạo, cảm lạnh.

Ưu tiên các phương pháp không dùng thuốc khi mắc các bệnh lý giao mùa

Những người có sẵn các bệnh hô hấp mãn tính như hen suyễn, viêm xoang, COPD... nếu mắc thêm cảm lạnh thì cần làm gì để nhanh chóng khỏi bệnh, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Với y học hiện đại, hằng năm có thể tiêm vắc xin cúm để phòng ngừa các đợt cúm làm cho bệnh cảnh nặng thêm. Đối với Đông y, để phòng ngừa cảm lạnh, đầu tiên cần giữ ấm trong thời tiết giao mùa và hết sức cẩn thận khi nhiệt độ thay đổi đột ngột.

Khi bị bệnh, các thầy thuốc y học cổ truyền sẽ ưu tiên các phương pháp không dùng thuốc sau đó mới đến các phương pháp dùng thuốc nhằm đem lại sức khỏe tốt nhất và phòng ngừa các bệnh lý giao mùa làm cho các bệnh cảnh về hô hấp trầm trọng thêm.

Tỏi dễ gây kích thích niêm mạc mũi

Một bài thuốc truyền miệng là dùng tỏi nghiền nát để lấy nước, sau đó nhỏ vào mũi hoặc thêm nhiều tỏi vào món ăn để giải cảm. Thực hư về tính hiệu quả của phương pháp này như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Y học hiện đại cho thấy trong tỏi có chứa chất thanh nhiệt, kháng viêm, thích hợp cho những người bị cảm cúm trong lúc giao mùa.

Tuy nhiên, nước tỏi nghiền sẽ gây kích thích niêm mạc mũi. Điều này không có lợi cho một số bệnh cảnh mà chỉ thích hợp cho những người không bị nhạy cảm với nước tỏi. Theo tôi, cần hết sức cẩn thận, chú ý khi sử dụng tỏi.

Không nên lạm dụng xông hơi

Xin hỏi BS, xông hơi có tác dụng ra sao với người bị cảm lạnh? Nên chọn những vị thuốc, tinh dầu nào khi xông hơi để đạt hiệu quả tốt trong điều trị cảm lạnh?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Xông hơi có hiệu quả tốt trong điều trị cảm lạnh. Đối với y học cổ truyền, sau này có cả y học hiện đại, xông hơi có tác dụng khu phong tán hàn giải biểu, làm ra mồ hôi, đánh bạt đi những phong hàn xâm nhập vào cơ thể.

Xông hơi có 2 loại: xông hơi tại chỗ (thường xông ở mũi) và xông hơi toàn thân. Tuy nhiên, chỉ nên xông hơi 1- 2 lần. Lạm dụng xông hơi sẽ không có lợi cho sức khỏe về sau.

Phòng ngừa cảm lạnh lúc giao mùa

Chúng ta nên làm gì để phòng ngừa cảm lạnh khi giao mùa? Lúc thời tiết thay đổi thất thường, có bài thuốc hay món ăn nào có thể sử dụng mỗi ngày để ngăn cảm lạnh không?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Để một người bị cảm lạnh cần có 2 yếu tố: cơ thể suy yếu và lục tà mạnh mẽ. Điều đầu tiên cần làm là nâng cao sức đề kháng, ăn uống đủ chất và thường xuyên tập luyện.

Khi thời tiết thất thường cần tránh thay đổi môi trường đột ngột giữa trong phòng ấm ra ngoài trời lạnh. Giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh sẽ đem lại lợi ích thiết thực trong phòng ngừa cảm lạnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X