Hotline 24/7
08983-08983

Rối loạn đường tiểu dưới: Nhận biết và cách điều trị

Rối loạn đường tiểu dưới không thể hiện mạnh mẽ ra bên ngoài nhưng lại ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.. Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân của Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh vừa qua đã lên sóng với chủ đề “Các rối loạn đường tiểu dưới “Nguyên nhân và các điều trị an toàn - hiệu quả”.

40% nam giới lớn tuổi có triệu chứng đường tiểu dưới

Rối loạn chức năng đường tiểu dưới bao gồm các triệu chứng liên quan đến bàng quang, co thắt niệu đạo, niệu đạo, tiền liệt tuyến ở nam giới. Rối loạn tiểu có thể gặp ở cả 2 giới. Theo số liệu từ các thống kê, trên 40% nam giới lớn tuổi (từ 60 tuổi) sẽ xuất hiện triệu chứng đường tiểu dưới.

Về tần suất mắc bệnh, ThS.BS Phạm Huy Vũ - Chuyên khoa Ngoại Tiết niệu, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh thông tin, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi. Có 78% nam giới lớn tuổi bị tiểu đêm. Bên cạnh đó, nam giới lớn tuổi có tỷ lệ mắc triệu chứng đường tiểu dưới cao hơn nữ giới lớn tuổi. Khoảng 33% nam giới sẽ gặp các triệu chứng liên quan đến đường tiểu, trong đó nguyên nhân cơ bản là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.

Khi các triệu chứng xuất hiện, tiến triển của bệnh sẽ thay đổi và không thể dự đoán trước, với khoảng 1/3 bệnh nhân cải thiện, 1/3 duy trì ổn định và 1/3 trở nên trầm trọng hơn.

Dấu hiệu và triệu chứng rối loạn đường tiểu dưới

ThS.BS Phạm Huy Vũ cho biết, các triệu chứng của rối loạn tiểu thường được chia thành 2 nhóm chính: nhóm triệu chứng kích thích và nhóm triệu chứng tắc nghẽn. Cụ thể hơn, triệu chứng kích thích gồm các biểu hiện như:

- Tăng tần suất đi tiểu/tiểu nhiều lần: Ở trạng thái bình thường và lượng nước uống hằng ngày từ 1,5 - 2l, một người có thể đi tiểu khoảng 8 lần trong thời gian thức. Nếu một người đi tiểu trên 8 lần trong thời gian thức, có thể xem là đi tiểu nhiều lần.

- Tăng cảm giác buồn tiểu gấp.

- Tiểu không tự chủ do buồn tiểu gấp, hay còn gọi là són tiểu gấp.

- Tiểu nhiều vào ban đêm: ThS.BS Phạm Huy Vũ cho biết, đây là vấn đề mà bệnh nhân than phiền nhiều nhất và là thủ phạm gây nên những biến cố về sức khỏe khác.

Bệnh nhân lớn tuổi phải thức dậy đi tiểu nhiều lần trong đêm, tăng nguy cơ té ngã, dẫn đến gãy cổ xương đùi. Trong khi đó, gãy cổ xương đùi được xem là 1 biến cố rất trầm trọng, thậm chí không thể hồi phục được. Nhiều khuyến cáo trên thế giới cho rằng, người lớn tuổi nên mặc tã vào buổi tối để không phải ra vào nhà vệ sinh.

- Tiểu không tự chủ vào ban đêm.

Đối với nhóm triệu chứng tắc nghẽn, bệnh nhân có biểu hiện:

- Dòng nước tiểu yếu: Trừ những nguyên nhân cấp tính do bướu đường niệu hoặc sỏi làm dòng tiểu bị yếu, khi tuổi tác tăng dần, cơ bàng quang dần yếu, dòng tiểu yếu đi nhưng bệnh nhân không nhận ra.

- Khó bắt đầu đi tiểu: Bệnh nhân cần một thời gian khá lâu mới bắt đầu tiểu được.

- Nước tiểu nhỏ giọt cuối bãi.

- Đi tiểu không hết: Cảm giác trong bàng quang vẫn còn nước tiểu.

- Bí tiểu.

- Tiểu không tự chủ do tràn đầy, thường gặp ở nữ. Ở một số người lớn tuổi, bàng quang yếu và không tống xuất được hết nước tiểu, dẫn đến việc trong bàng quang luôn có nước tiểu sót lại. Chỉ cần một tác động nhỏ, như động tác leo cầu thang, đi bộ,... nước tiểu sẽ trào ra.

Người lớn tuổi thường ngại chia sẻ vấn đề này, chỉ âm thầm chịu đựng. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ gây căng thẳng, dẫn đến những vấn đề tâm lý cho người lớn tuổi.

- Các đợt gần như bí tiểu.

Xác định nguyên nhân và cách chẩn đoán rối loạn đường tiểu dưới

ThS.BS Phạm Huy Vũ liệt kê những nguyên nhân gây triệu chứng rối loạn đường tiểu dưới, trong đó đề cập đến một số bệnh khá thường gặp như tăng sản lành tính tuyến liền liệt, sỏi bàng quang, ung thư bàng quang và tuyến tiền liệt, yếu hoặc mất ổn định cơ chóp bàng quang, tiểu đường và sử dụng ketamine (thuốc phiện).

Ngoài ra bác sĩ còn đề cập đến các bệnh lý thần kinh (đa xơ cứng, chấn thương tủy sống...), viêm tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, nhiễm trùng đường tiểu.

Để chẩn đoán chính xác tình trạng rối loạn đường tiểu dưới, trước hết bệnh nhân cần được khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa. Nam giới lớn tuổi thường bị hẹp bao quy đầu, nhiều trường hợp chuyển sản ung thư. Nữ giới lớn tuổi lại thường bị sa sinh dục. Trường hợp sa bàng quang, sa tử cung nặng dẫn đến đè vào cổ bàng quang gây khó tiểu, tiểu són.

ThS.BS Phạm Huy Vũ giới thiệu về thang điểm triệu chứng quốc tế (IPSS) thường được dùng trong đánh giá triệu chứng đường tiểu dưới. IPSS là công cụ sàng lọc với 8 câu hỏi, trong đó có 7 câu hỏi liên quan đến các triệu chứng của đường tiểu dưới và 1 câu hỏi liên quan đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Trên tổng điểm 35, nếu bệnh nhân đạt 0 - 7 điểm, họ đang có triệu chứng nhẹ. Mức 8 - 19 được xếp vào nhóm triệu chứng vừa và 20 - 35 được xem là triệu chứng nặng.

Các cận lâm sàng cần thiết được đề cập trong phần trình bày của chuyên gia Ngoại Tiết niệu, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh gồm PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt), tổng phân tích nước tiểu, siêu âm bụng. “Việc thực hiện các xét nghiệm này thường xuyên, 6 - 12 tháng/lần, có thể cảnh báo sớm vấn đề sức khỏe đường tiết niệu. Thử nước tiểu để biết liệu có nhiễm trùng không, siêu âm bụng để tầm soát sỏi, bướu hệ niệu” - ThS.BS Phạm Huy Vũ thông tin.

Đo lưu lượng dòng tiểu là xét nghiệm mà bệnh nhân cần đứng (đối với nam) hoặc ngồi (đối với nữ) và đi tiểu vào 1 thiết bị, máy móc sẽ vẽ được biểu đồ dòng tiểu. So sánh biểu đồ của bệnh nhân với biểu đồ chuẩn, bác sĩ sẽ xác định được vấn đề tiểu khó của người bệnh.

Các hình ảnh chụp CT, MRI cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán rối loạn đường tiểu dưới. Bệnh nhân bí tiểu cần đặt thông tiểu để giải áp bàng quang, tháo nước để tránh biến chứng suy thận.

Các trường hợp nghi ngờ bệnh lý tiền liệt tuyến không lành tính cần sinh thiết bằng kim để lấy phần thịt tiền liệt tuyến làm giải phẫu bệnh, xác định khả năng ác tính. Xét nghiệm chuyên sâu hơn nữa là nội soi, dùng ống soi để soi niệu đạo, bàng quang, tuyến tiền liệt.

Điều trị rối loạn đường tiểu dưới phải dựa vào nguyên nhân

ThS.BS Phạm Huy Vũ nhấn mạnh: Rối loạn đường tiểu dưới phải điều trị dựa theo nguyên nhân, không được điều trị lan man”.

Đối với phương pháp điều trị không dùng thuốc, bệnh nhân cần thay đổi lối sống: uống đủ nước, hạn chế thức ăn cay nóng, kích thích, duy trì thói quen sinh hoạt điều độ, giữ thể trạng cân đối...

Khi thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả, bệnh nhân cần dùng thuốc. Các loại thuốc được ThS.BS Phạm Huy Vũ giới thiệu gồm thuốc chẹn alpha, thuốc ức chế 5-alpha reductase, thuốc ức chế phosphodiesterase, thuốc đối kháng thụ thể muscarinic, chiết xuất thực vật (liệu pháp thực vật), thuốc chủ vận beta-3.

Về ngoại khoa, bệnh nhân có thể được chỉ định:

- Các phẫu thuật cắt bỏ: Được sử dụng để điều trị cắt bỏ khối u gây tắc nghẽn đường ra từ bàng quang;

- Xẻ rộng cổ bàng quang;

- Cắt bỏ hoàn toàn tuyến tiền liệt: Sử dụng kỹ thuật mổ mở, robot hoặc nội soi;

- Đặt ống thông tạo đường hầm cho tuyến tiền liệt và niệu đạo;

- Nội soi cắt đốt tuyến tiền liệt qua niệu đạo;

- Liệu pháp nhiệt vi sóng qua niệu đạo;

- Nong rộng niệu đạo là một phương pháp điều trị phổ biến cho hẹp niệu đạo.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X