Hotline 24/7
08983-08983

Không khí Hà Nội liên tục cảnh báo tím: Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Những ngày qua ngay từ sáng sớm, không khí Hà Nội đã rất bụi, cộng thêm sương mù nên tầm nhìn xa bị hạn chế. Di chuyển trên đường phố, nhất là khu vực nội đô Hà Nội, người dân có thể cảm thấy khó thở.

Lúc 6h sáng 13/11/2024, ở khu vực Hồ Tây - Hà Nội, không khí mờ đục, trời có sương mù lẫn với bụi bẩn, cảm giác khá khó chịu khi phải hít thở lâu ngoài trời. Tính đến nay, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã xảy ra gần 1 tuần.

Tham khảo số liệu đo chỉ số chất lượng không khí AQI của mạng lưới Pamair, nhiều điểm trong nội thành Hà Nội như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm trong các ngày gần đây đều có AQI ở mức màu đỏ và màu tím. Theo dự báo, từ nay đến cuối tuần, thời tiết chưa có sự biến đổi, nên tình trạng ô nhiễm không khí sẽ vẫn duy trì.

Những nguyên nhân chính gây ô nhiễm 

GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, đáng chú ý hiện Hà Nội có khoảng 1,1 triệu ô tô, gần 7 triệu mô tô và xe gắn máy đang lưu hành. Trong đó, có nhiều xe cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố.

Bên cạnh đó, chất lượng, hạ tầng nhiều tuyến đường không được cải tạo, sửa chữa làm cho xe cộ đi lại thay đổi tốc độ tạo nên bụi, khí sinh ra nhiều hơn. Hoạt động xây dựng nhà ở, công trình giao thông, công ích chưa nghiêm tức thực hiện các giải pháp kỹ thuật, quản lý như che chắn, rửa xe, vệ sinh,... làm phát sinh bụi.

Ngoài ra, ý thức người tham gia giao thông dẫn đến tình trạng tắc đường, máy vẫn nổ dẫn đến tỷ lệ khí, bụi phát sinh còn nhiều hơn xe chạy với tốc độ cao.

Các khu vực quanh Hà Nội người dân vẫn đốt rơm rạ tại cánh đồng khá phổ biến. Các yếu tố khác như điều kiện khí hậu, thời tiết cũng là nguyên nhân khách quan tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh thành ở phía Bắc.

Khuyến cáo bảo vệ sức khỏe trước tình trạng không khí ô nhiễm

Để bảo vệ sức khỏe, theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố để thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe phù hợp.

Khi ra khỏi nhà thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách.

Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Nên sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm vệ sinh, dọn dẹp nếu có nhiều bụi hoặc không khí bị ô nhiễm từ mức kém đến mức nguy hại.

Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, đốt rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Với người hút thuốc lá, thuốc lào nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút, không nên hút thuốc trong nhà. Với người không hút thuốc nên tránh xa khói thuốc.

Bên cạnh đó, nên thường xuyên tự theo dõi sức khỏe và thực hiện khám sức khỏe định kỳ.

Đối với những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi), nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông; các công trình xây dựng; khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, củi, rơm rạ hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí khác.

Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản, huyết áp, tim mạch… cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng. Nên chú ý giữ ấm cơ thể về mùa đông, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột.

Người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sỹ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được tư vấn, điều trị. Người già, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ việc khám sức khoẻ định kỳ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X