Máy lọc không khí - giải pháp hiệu quả ngăn mùi hôi và lông thú cưng gây hại cho sức khỏe
ThS.BS Nguyễn Đình Huấn - Giảng viên Nhi khoa, Trường Đại học Tân Tạo cho biết, gia đình nuôi thú cưng cần vệ sinh nhà cửa, các vật dụng cho thú cưng ăn uống, tắm cho thú cưng 1-2 lần/tuần và kết hợp từ phương pháp vệ sinh cơ bản (lau rửa, giặt giũ) cho đến hiện đại (máy lọc không khí), giúp ngăn chặn mầm bệnh nguy hiểm.
1. Nuôi thú cưng giúp giảm căng thẳng trong cuộc sống hiện đại
Ngày nay, nhu cầu nuôi thú cưng ở VN nở rộ. Nhiều người xem thú cưng như người bạn tâm giao. Thực tế, việc vui đùa, bầu bạn cùng thú cưng sẽ giúp nâng đỡ tinh thần của chúng ta như thế nào trong bối cảnh stress, căng thẳng gia tăng?
ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Trong cuộc sống hiện nay, con người phải giao tiếp và làm việc với nhiều áp lực, tạo nên căng thẳng. Vì vậy, thú cưng là một lựa chọn phù hợp cho mọi người. Thú cưng vừa là bạn thân, vừa là người đồng hành, giúp giảm cảm giác cô đơn và căng thẳng hàng ngày do công việc và học tập.
Theo các nghiên cứu, nuôi thú cưng giúp con người cảm thấy thân thương và nhẹ nhàng hơn. Việc chăm sóc thú cưng có thể giảm tiết hormon căng thẳng và tạo ra hormon êm dịu cho thần kinh. Thú cưng cũng là cầu nối giúp con người kết nối với nhau, làm cho cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn.
2. Bệnh hô hấp, dị ứng là hậu quả của việc không xử lý lông và mùi thú cưng
Chúng ta cũng biết rằng việc rụng lông và mùi là điều khó tránh khỏi khi nuôi và chăm sóc thú cưng. Nếu điều này không được xử lý tốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe ra sao, thưa BS?
ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Thú cưng không thể tự chăm sóc bản thân, vì vậy người nuôi cần có kế hoạch chăm sóc để tránh ảnh hưởng từ các yếu tố do thú cưng gây ra.
Hai yếu tố quan trọng là lông thú, đặc biệt là lông chó và mèo, cùng mùi hôi từ lông, vẩy da, chất tiết và chất thải của chúng. Mùi hôi cũng có thể phát sinh từ vật dụng chăm sóc thú cưng hoặc thức ăn không được vệ sinh đúng cách.
Ngoài những lợi ích như giúp giảm căng thẳng và kết nối mọi người xung quanh, nuôi thú cưng cũng cần lưu ý đến các yếu tố gây dị ứng, như lông chó, mèo, là nguyên nhân chính gây dị ứng đường hô hấp (viêm mũi dị ứng, ho, hắt xì, nghẹt mũi), dị ứng mắt (viêm kết mạc, đỏ mắt, ngứa mắt) và hen suyễn. Dị ứng có thể gây khó thở, ho, khò khè, nặng ngực, thậm chí nguy hiểm, cần cấp cứu.
Lông thú cũng có thể gây mày đay (mề đay). Các chất tiết của thú cưng như nước bọt, nước tiểu, phân có thể chứa vi khuẩn, virus, ký sinh trùng như giun sán chó mèo, là nguyên nhân gây dị ứng da (mề đay, ngứa) và nhiễm trùng da.
Vì vậy cần dọn dẹp thường xuyên để giảm tác nhân gây hại từ lông thú, đặc biệt là đối với trẻ em có cơ địa nhạy cảm, để phòng tránh các vấn đề về dị ứng, hô hấp và da liễu.
3. Vệ sinh vị trí thú cưng lui tới để phòng tránh vấn đề sức khỏe
Những vị trí nào trong nhà chúng ta cần lưu ý vì dễ bị ám mùi và dễ bị dính lông của thú cưng nhất, thưa BS?
ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Thú cưng thường được ưu ái sống cùng chủ trong các không gian như phòng ngủ, phòng khách, thậm chí có thể ngủ chung giường hoặc sofa. Tuy nhiên, những khu vực này có thể là nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng và dị ứng.
Các khu vực chứa nhiều lông, vi khuẩn và virus từ thú cưng như phòng khách, phòng ngủ, giường, phòng ăn, và các vật dụng như chén đĩa không được vệ sinh sạch sẽ, dễ gây ra bệnh nhiễm trùng và dị ứng. Các không gian riêng cho thú cưng cũng cần được dọn dẹp sạch sẽ.
Tóm lại, bất kỳ khu vực nào thú cưng thường lui tới đều có thể là nguồn lây nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và gây dị ứng, bệnh hô hấp, da liễu, viêm kết mạc.
4. Những nguyên tắc an toàn khi nuôi thú cưng
Theo BS, nuôi thú cưng trong nhà, cần chú ý những nguyên tắc nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe ạ? Đặc biệt, sau khi chơi đùa với thú cưng, chúng ta cần vệ sinh ra sao?
ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Để hạn chế ảnh hưởng xấu đến sức khỏe từ thú cưng, cần chú ý hai vấn đề chính:
Thứ nhất, đối với thú cưng cần: Tắm rửa thường xuyên (1-2 lần mỗi tuần) và chải lông để giảm lông rụng, hạn chế dị ứng và mang vi khuẩn, virus, ký sinh trùng; chọn sữa tắm phù hợp với da thú cưng hoặc tham khảo bác sĩ thú y; nếu thú cưng có mùi hôi, có thể dùng baking soda pha loãng tắm cho chúng hoặc dùng tinh dầu, vỏ cam/quýt để khử mùi trong không gian sống.
Một cách khá hiện đại và chuyên nghiệp hiện nay là dùng máy lọc không khí, tuy nhiên phương pháp này cần gia đình có điều kiện kinh tế.
Máy lọc không khí hiện nay có chế độ dành cho thú cưng, ví dụ ngoài chế độ lọc mùi còn có thể lọc lông thú, tiêu diệt vi khuẩn, virus…
Lưu ý phải dọn dẹp thủ công đến hút bụi các khu vực thú cưng lui tới như phòng khách, phòng ăn… Dọn dẹp những khu vực, rửa các vật dụng cho thú cưng ăn.
Thứ hai, đối với người nuôi thú cưng cần: Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi cho thú cưng ăn bằng xà phòng và nước ấm; nên đeo khẩu trang khi vệ sinh cho thú cưng; hạn chế tiếp xúc khi người nuôi hoặc thú cưng bị bệnh để tránh lây nhiễm; tiêm ngừa và tẩy giun định kỳ cho thú cưng theo khuyến cáo của bác sĩ thú y để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.
5. Không nên cho trẻ tiếp xúc, đùa giỡn quá gần với thú cưng
Vệ sinh nhà cửa, các vật dụng đóng vai trò rất quan trọng để chúng ta vui khỏe cùng thú cưng.
- Chó, mèo thường có bộ lông khá dày, là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn. Nhờ BS chia sẻ thêm, tắm - vệ sinh lông cho thú cưng nên thực hiện như thế nào? Khi lau dọn, chúng ta cần trang bị ra sao để tránh nguy cơ lây bệnh?
- Thứ cưng như chó, mèo là loại động vật ưa vận động. Vì vậy chúng thường xuyên lăn lộn trên bề mặt sàn nhà. Xin hỏi BS, về vấn đề vệ sinh nơi đi vệ sinh, nơi sàn nhà, thảm trải sàn hoặc các vật dụng khác cần thực hiện ra sao?
ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Thú cưng có thể di chuyển khắp nhà, các vị trí lui tới thường xuyên hơn sẽ dễ để lại các nguy cơ dị ứng và các mầm bệnh. Trong đó lông chó, lông mèo là nguyên nhân hàng đầu gây ra dị ứng: dị ứng da, dị ứng tai mũi họng, hô hấp, kết mạc mắt…
Phương pháp đơn giản nhất được áp dụng từ xưa đến nay là dùng dung dịch sát khuẩn, dùng chổi quét, tuy nhiên điều này không phù hợp, bởi vì dùng chổi quét vô tình đã đẩy lông thú cưng đi khắp nhà, ở không gian phòng có ánh sáng chiếu vào sẽ thấy rõ lông bay khắp phòng. Do đó, nên dùng khăn lau có nước sạch, máy hút bụi.
Những gia đình có điều kiện nên dùng máy lọc không khí, lọc thường xuyên trong nhiều giờ liên tục trong ngày tại khu vực thú cưng thường đi qua. Máy lọc sẽ giúp làm sạch bằng cơ chế hút, tia UV, ion âm… sẽ góp phần làm sạch lông, diệt vi khuẩn, virus bằng nhiều cách khác nhau.
Mầm mống gây bệnh chủ yếu của thú cưng là lông nên cần vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ cho thú cưng, chải lông thường xuyên, đúng cách để giảm lông và vảy trên da.
Để hạn chế mầm bệnh từ chất tiết của thú cưng, không nên cho thú cưng liếm lên tay, da, mặt hoặc hoạt động vui chơi quá thân thiết, ôm, hôn… đó là tiếp xúc quá gần dẫn đến nguy hiểm cho sức khỏe.
Đối với chất thải phân của thú cưng, khi dọn dẹp nên mang găng tay, khẩu trang, đặc biệt là phụ nữ có thai và em bé nên cẩn thận.
Hiện nay nhiều thông tin trên báo đài nói về việc em bé bị thú cưng tấn công. Bên cạnh lông thú cưng là yếu tố gây dị ứng, các chất tiết gây nhiễm mầm bệnh, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, đặc biệt là các loại giun chó, giun mèo gây ra nhiều triệu chứng phức tạp và khó điều trị thì còn chú ý vấn đề tâm lý thú cưng.
Phụ huynh không nên cho em bé tiếp xúc, đùa giỡn quá gần với thú cưng, nếu chó mèo bất ngờ trở nên nóng giận có thể cắn em bé, gây ra hậu quả nặng nề, có vết thương, chấn thương. Đặc biệt là những thời điểm thú cưng đang ngủ, ăn, các nô đùa của chủ nhà hoặc em bé có thể khiến thú cưng đau hơn, tâm lý chuyển từ dịu dàng thành hung dữ, gây ra vết thương do chó cắn, mèo cắn một cách đáng tiếc.
6. Kết hợp máy lọc không khí và vệ sinh cơ bản
Đặc biệt, mùa hè nóng bức, mọi người sẽ có xu hướng bật điều hòa nhiều khiến mùi thú cưng ám lại trong không gian rất lâu. Trong bối cảnh này, chúng ta có thể làm gì để giữ cho gia đình không gian thoáng mát, loại bỏ mùi hôi của thú cưng, thưa BS?
ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Vào mùa hè, cả thú cưng và con người đều dễ đổ mồ hôi, gây mùi khó chịu. Nhiều gia đình sử dụng máy lạnh, nhưng nếu không thoáng khí, mùi hôi có thể bị giữ lại, tạo ra vòng lặp khó chịu.
Máy lạnh có chế độ lọc không khí, nhưng điều quan trọng là phải thực hiện các bước vệ sinh cơ bản. Đối với thú cưng, cần tắm rửa thường xuyên, làm sạch lông, cắt tỉa và chải lông để giảm rụng và mịn hơn. Đồng thời, vệ sinh chất thải của thú cưng đúng cách.
Đối với không gian sống, nên dùng dung dịch vệ sinh phù hợp và đặt tinh dầu trong phòng. Nếu có điều kiện, sử dụng máy lọc không khí để khử mùi và diệt vi khuẩn, virus, ký sinh trùng từ thú cưng. Máy lọc không khí có các chế độ như màng lọc cacbon giúp hấp thụ mùi hôi, bao gồm cả mùi của thú cưng, và màng lọc HEPA giúp lọc bụi mịn.
Các máy lọc không khí cũng sử dụng cơ chế tia UV để sát trùng môi trường xung quanh và tạo ion âm để bắt giữ vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Các loại máy này giúp giảm mầm bệnh, hút lông và diệt vi khuẩn, virus do thú cưng gây ra.
Dù các máy lọc không khí có hiệu quả, nhưng gia đình nuôi thú cưng vẫn cần kết hợp nhiều phương pháp từ cơ bản đến hiện đại, đặc biệt nếu có điều kiện kinh tế tốt.
7. Sử dụng máy lọc không khí đúng cách để mang lại hiệu quả tối ưu
Máy lọc không khí là vật dụng quen thuộc trong nhiều gia đình. Xin hỏi BS, với gia đình có nuôi thú cưng, sử dụng máy lọc không khí mang lại những lợi điểm nào?
ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Máy lọc không khí là phương pháp bổ sung, không phải là duy nhất. Gia đình nuôi thú cưng cần chú ý chăm sóc thú cưng và vệ sinh không gian sống. Tuy nhiên, nếu có điều kiện sử dụng máy lọc không khí, sẽ giúp cải thiện không khí, giảm lông, bụi, và khử mùi hiệu quả. Máy lọc không khí còn giúp bất hoạt virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.
Để đạt hiệu quả tối ưu, máy lọc không khí nên được đặt ở khu vực thú cưng thường xuyên lui tới, giúp hút lông, mầm bệnh và mùi hôi. Máy không nên để sát tường để không hạn chế không gian hoạt động, đặc biệt đối với máy lọc có khả năng hoạt động 360°. Nên sử dụng máy lọc không khí liên tục trong nhiều giờ mỗi ngày, và vệ sinh máy, thay bộ lọc theo hướng dẫn của nhà sản xuất để duy trì hiệu quả.
Phần 2: Hạn chế để phụ nữ mang thai và trẻ em tiếp xúc gần với thú cưng
Trân trọng cảm ơn ThS.BS Nguyễn Đình Huấn và LG Việt Nam đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình