Hen suyễn và viêm mũi dị ứng như “anh em song sinh”, bắt buộc phải điều trị đồng thời
Đây là khẳng định của PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch LCH Hô hấp TPHCM, bởi hen phế quản và viêm mũi dị ứng có một mối liên hệ chặt chẽ và thường xuất hiện cùng nhau trong nhiều trường hợp. Việc điều trị viêm mũi dị ứng có thể có lợi cho người bị hen và việc kiểm soát cả hai bệnh có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
1. Các bệnh lý kèm theo khiến hen suyễn ở người lớn tuổi khó kiểm soát
Nhờ PGS giải thích, vì sao bệnh lý hen suyễn ở người cao tuổi lại khó kiểm soát hơn ở người trẻ? Đặc điểm bệnh hen suyễn ở người cao tuổi có gì khác so với người trẻ?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Đây là một câu hỏi thú vị và đồng nghiệp của tôi cũng thường thắc mắc trong quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh hen suyễn ở người cao tuổi. Về lý do khó kiểm soát hen suyễn ở bệnh nhân cao tuổi, có thể chia thành 2 nhóm.
Mọi người thường nghĩ hen suyễn xuất hiện từ khi còn trẻ, ít khi xuất hiện ở người lớn tuổi. Nhiều bệnh nhân cho biết, tiền sử gia đình không có người bị hen suyễn nên không chấp nhận chẩn đoán do bác sĩ đưa ra. Từ đó, bệnh nhân thường miễn cưỡng hoặc không tuân thủ điều trị.
Bệnh nhân lớn tuổi thường có những bệnh lý kèm theo, chẳng hạn tim mạch. Cũng có trường hợp bác sĩ chưa chẩn đoán đầy đủ, như tình trạng hen suyễn kèm viêm mũi dị ứng hoặc viêm mũi dị ứng kèm hen suyễn. Thông thường, khi có triệu chứng viêm mũi dị ứng, bệnh nhân thường đến bác sĩ Tai Mũi Họng, khi có biểu hiện khò khè, bệnh nhân lại tìm đến bác sĩ Hô hấp.
Hen suyễn kèm viêm mũi dị ứng hiếm khi được chẩn đoán đầy đủ. Chính vì vậy, khi thiết lập chẩn đoán cũng như điều trị thường xảy ra thiếu sót, bệnh nhân không tin tưởng điều trị lâu dài vì những tác dụng phụ. Họ có thể bị khàn tiếng khi xịt thuốc, nhiễm nấm khi dùng corticoid dạng xịt, thậm chí một số người tiếp tục hút thuốc lá dù có chẩn đoán hen suyễn hay viêm mũi dị ứng. Những yếu tố này khiến bệnh không thể kiểm soát được.
Ngoài ra, có các loại thuốc làm hen suyễn nặng hơn, có thể kể đến thuốc tim mạch. Người lớn tuổi thường có bệnh lý tim mạch kèm theo. Do đó, khi dùng thuốc giảm đau, kháng viêm ở bệnh lý khớp, ức chế beta ở bệnh nhân tim mạch, sẽ làm tình trạng hen suyễn nặng hơn, bệnh nhân không kiểm soát được.
Đó là những lý do chính yếu khiến người lớn tuổi bị hen suyễn không kiểm soát được so với người trẻ. Người trẻ tuổi chỉ mắc hen suyễn, một số trường hợp kèm viêm mũi dị ứng. Cả hai đều là bệnh lý đường thở nên có thể điều trị tương đối dễ dàng.
2. 80% bệnh nhân hen suyễn có đồng mắc viêm mũi dị ứng
Xin hỏi BS, trong cộng đồng, tỷ lệ người cao tuổi đồng mắc bệnh lý viêm mũi dị ứng như thế nào?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Theo nghiên cứu cộng đồng cũng như nghiên cứu khoa học, viêm mũi dị ứng và hen suyễn là một bệnh thống nhất của đường thở với nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh giống nhau.
Viêm mũi dị ứng không được điều trị sẽ dẫn đến hen suyễn về sau. Nguyên nhân dị ứng sẽ tác động lên đường hô hấp trên, đồng thời gây tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp dưới, gây hen suyễn cho những người bị viêm mũi dị ứng.
Có đến 80% bệnh nhân hen suyễn có đồng mắc viêm mũi dị ứng. Do đó, chẩn đoán không bỏ sót và điều trị đồng thời cả 2 bệnh là mục tiêu cần hướng tới trong chăm sóc người bệnh hen suyễn có kèm viêm mũi dị ứng.
3. Vì sao hen suyễn khó kiểm soát ở người cao tuổi?
Người cao tuổi không phát hiện kịp thời, không kiểm soát tốt hen suyễn sẽ đưa đến những hậu quả nào? Một số người chủ quan trước tình trạng hen suyễn nhẹ, tâm lý này dẫn đến những hệ lụy ra sao, thưa PGS?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Hen suyễn là một căn bệnh dễ chẩn đoán và dễ điều trị. Nếu có liệu trình điều trị đúng đắn, 70 - 80% bệnh nhân có thể kiểm soát được tình trạng hen suyễn.
Kiểm soát quá tốt hoặc quá khó khăn đều làm cho bệnh nhân từ bỏ điều trị. Ví dụ, một người khỏe mạnh mấy chục năm, bỗng nhận được chẩn đoán hen suyễn, họ sẽ rất khó chấp nhận. Bệnh nhân có triệu chứng nhẹ như khò khè, ho kéo dài được kê liệu trình thuốc hen suyễn trong khoảng 1 tuần có thể gần như giải quyết được các vấn đề. Điều này khiến bệnh nhân nghĩ rằng họ đã khỏi bệnh.
Tuy nhiên, bản chất của bệnh hen suyễn là mãn tính, kéo dài gần như suốt đời nếu khởi phát ở người lớn tuổi. Vì thế, người bệnh có thể sẽ chủ quan và bỏ điều trị nếu bệnh được kiểm soát tốt.
Có khoảng 30 - 40% các trường hợp không điều trị tốt. Những bệnh nhân hen suyễn đồng mắc tim mạch, COPD (phổi tắc nghẽn mạn tính) hoặc có hút thuốc lá, bệnh khó có thể kiểm soát trong một sớm một chiều. Khi các triệu chứng ho, khò khè không thuyên giảm, người bệnh chuyển sang một phương pháp điều trị khác, chẳng hạn thuốc Đông y hay lạm dụng corticoid.
Corticoid có thể hiệu quả trong thời gian đầu nhưng tác dụng phụ của thuốc rất nặng nề. Rất nhiều bệnh nhân trở lại với biến chứng của corticoid: tiểu đường, suy thượng thận, loãng xương, cao huyết áp, nhiễm trùng... Đó là hậu quả của vấn đề không kiểm soát hen suyễn và điều trị bằng những phương pháp không đúng.
Mặt khác, những bệnh nhân được điều trị quá tốt cho rằng mình đã khỏi bệnh và tự ý ngưng điều trị. Vài năm sau, các bệnh nhân này quay lại điều trị bởi các phương pháp khác không đem lại hiệu quả.
Tâm lý người lớn tuổi có sự khác biệt với những người trẻ. Bên cạnh đó, người lớn tuổi có quá nhiều bệnh khiến họ phải sử dụng rất nhiều loại thuốc. Đôi khi tương tác thuốc khiến bệnh hen suyễn không kiểm soát được.
4. Cần điều trị đồng thời cả hen và viêm mũi dị ứng
Xin hỏi PGS, có phải bệnh hen nhẹ kèm viêm mũi dị ứng sẽ dẫn đến những hậu quả trầm trọng hơn không ạ?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Bệnh nhân vừa mắc viêm mũi dị ứng, vừa có hen suyễn cần phải điều trị cả hai bệnh. Bệnh nhân bị hen không điều trị tốt viêm mũi dị ứng hay điều trị hen nhưng bỏ qua viêm mũi dị ứng đều không thể kiểm soát được hen.
Người bệnh sẽ có những triệu chứng ở đường hô hấp như ngạt mũi, nhảy mũi (hắt xì), chảy nước mũi, thậm chí nhiễm trùng hô hấp tái đi tái lại khiến hen trầm trọng hơn.
Nếu bệnh nhân vừa có viêm mũi dị ứng vừa có hen, dù chỉ là hen nhẹ, vẫn phải chú trọng điều trị tốt viêm mũi dị ứng để giúp hen ổn định hơn.
Viêm mũi dị ứng đôi khi rất nhẹ nhàng. Bệnh nhân tiếp xúc với khói thuốc lá, phấn hoa,... sẽ bị hắt hơi, chảy nước mũi trong thời gian ngắn, không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng cuộc sống. Vì thế, bệnh nhân chủ quan không điều trị viêm mũi dị ứng, niêm mạc mũi và mũi bị ngạt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí dẫn đến những biến cố về sau như ngưng thở khi ngủ - đây là căn bệnh rất nghiêm trọng ở người lớn tuổi, có thể gây đột tử bất cứ lúc nào.
Bệnh nhân hen nhẹ đồng thời điều trị cả viêm mũi dị ứng có thể giải quyết vấn đề hen. Thuốc điều trị viêm mũi dị ứng có thể điều trị cả hen, giúp bệnh hen được kiểm soát tốt.
5. Những điều lưu ý khi điều trị hen suyễn kèm viêm mũi dị ứng
Thưa PGS, trong việc điều trị hen phế quản kèm viêm mũi dị ứng cho người cao tuổi có những vấn đề nào cần lưu ý?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Một người chỉ có hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng sẽ dễ điều trị hơn một người vừa có viêm mũi dị ứng, vừa có hen suyễn. Tuy nhiên, như đã đề cập, 2 bệnh này có cơ chế sinh bệnh giống nhau, niêm mạc đường hô hấp trên và niêm mạc đường hô hấp dưới giống nhau. Phải điều trị đồng thời cả hai bệnh.
Đối với hen suyễn, đa số bệnh nhân được sử dụng thuốc xịt, thuốc hít chứa corticoid, có thể kèm theo thuốc giãn phế quản. Nếu bệnh nhân có viêm mũi dị ứng, cần dùng thêm thuốc ức chế leukotriene là montelukast, kèm theo thuốc kháng dị ứng.
Bệnh nhân vừa bị hen suyễn, vừa bị viêm mũi dị ứng mà chỉ điều trị viêm mũi dị ứng sẽ khiến hen suyễn không kiểm soát được. Ngược lại, điều trị hen suyễn nhưng bỏ qua viêm mũi dị ứng cũng không thể kiểm soát hen suyễn, viêm mũi dị ứng thì ngày càng nặng hơn.
Do đó, để người lớn tuổi có chất lượng giấc ngủ cũng như chất lượng cuộc sống được bảo đảm, việc điều trị cả hai bệnh là cần thiết và bắt buộc.
6. Khoảng 70% bệnh nhân hen suyễn không tuân thủ điều trị
Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn, việc điều trị cho bệnh nhân bị hen suyễn và viêm mũi dị ứng sẽ gặp phải những khó khăn gì? Làm thế nào để bệnh nhân có thể kiểm soát tốt khi đồng mắc hai bệnh vừa nêu?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Đầu tiên, đa phần người lớn tuổi thường không tin vào chẩn đoán hen suyễn. Tôi xin nhắc lại, hen suyễn có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, thậm chí có những trường hợp 70, 80 tuổi mới bắt đầu xuất hiện hen suyễn.
Thứ hai, hen suyễn có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Hen suyễn gây co thắt, khó thở, giảm nồng độ oxy. Cơn hen suyễn ập đến bất ngờ, bệnh nhân không thể đến bệnh viện kịp thời, ngưng tim, ngưng thở, tử vong trên đường đi cấp cứu.
Điều trị hen suyễn ở người lớn tuổi khó hơn rất nhiều so với điều trị cho trẻ em và người trẻ vì nhiều yếu tố: hút thuốc lá, không tuân thủ điều trị và tác dụng phụ của thuốc điều trị. Trong điều trị hen suyễn, chủ yếu sử dụng corticoid hít với các tác dụng phụ như khàn tiếng - ảnh hưởng đến sinh hoạt của người lớn nhiều hơn trẻ nhỏ, vì thế bệnh nhân tự ý bỏ điều trị.
Ngoài ra, sự mất kiên nhẫn cũng ảnh hưởng đến kết quả điều trị hen suyễn cho bệnh nhân lớn tuổi. Nhiều người không chấp nhận việc hen suyễn cần điều trị suốt đời.
Bác sĩ phải dành nhiều thời gian để nói chuyện, tư vấn cho một bệnh nhân lớn tuổi bị hen suyễn, thuyết phục họ tuân thủ điều trị. Tôi nghĩ tuân thủ điều trị là yếu tố quyết định. Theo thống kê, hiện nay có đến khoảng 70% bệnh nhân hen suyễn không tuân thủ điều trị.
Tỷ lệ không tuân trị ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng thậm chí còn nhiều hơn. Viêm mũi dị ứng chỉ gây các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi nhưng không nguy hiểm đến tính mạng, khiến bệnh nhân chủ quan. Theo kinh nghiệm của tôi, bệnh nhân chỉ điều trị theo triệu chứng trong 1 - 2 tuần và ngưng thuốc khi thấy các triệu chứng đã được đẩy lùi.
Nhiều bệnh nhân viêm mũi dị ứng tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, corticoid dạng uống. Điều này rất nguy hiểm, rất nhiều tác dụng phụ có thể xảy ra.
Dù là bệnh nhẹ hay bệnh nặng, người dân luôn cần tuân thủ điều trị. Loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ, do đó cần làm theo chỉ định của bác sĩ. Ví dụ, trong đợt cấp, bác sĩ có thể kê corticoid dạng uống trong 5 ngày nhưng bệnh nhân lại tự ý sử dụng thuốc kéo dài nhiều tháng, dẫn đến suy thượng thận, tiểu đường... Đó là vấn đề thường gặp ở những người lớn tuổi.
7. Môi trường là yếu tố chính tác động đến cơn hen suyễn và viêm mũi dị ứng
Thưa PGS, ngoài dùng thuốc, bệnh nhân còn cần lưu ý những điều gì trong sinh hoạt hằng ngày để có thể kiểm soát hai bệnh đồng mắc này?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Hen suyễn và viêm mũi dị ứng có liên quan mật thiết với môi trường. Môi trường trong lành sẽ giúp giảm triệu chứng bệnh, không làm bệnh tiến triển nặng hơn.
Một số bệnh nhân sống ở Đà Lạt bị hen suyễn, viêm mũi dị ứng, nhưng khi đến TPHCM thì không xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Đây là một dẫn chứng điển hình cho sự liên quan đến môi trường. Viêm mũi dị ứng thường là dị ứng với một tác nhân nào đó trong môi trường. Đa số trường hợp hen cũng liên quan đến dị ứng.
Ngoài môi trường trong lành, bệnh nhân còn phải tránh các yếu tố gây dị ứng. Phấn hoa, nước hoa... có thể là yếu tố khởi phát cơn dị ứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Lông thú cũng là một tác nhân gây dị ứng thường gặp.
Một số trường hợp vừa bị viêm mũi dị ứng, vừa lên cơn hen, người bệnh phải đi cấp cứu. Do đó, một lần nữa khẳng định môi trường là yếu tố quan trọng nhất.
Thứ hai là vấn đề ăn uống. Người bị hen suyễn, viêm mũi dị ứng thường gặp vấn đề với phẩm màu trong thực phẩm. Bệnh nhân nên hạn chế tối đa.
Thuốc là yếu tố thứ ba được nhắc đến. Thuốc tim mạch, cao huyết áp, kháng viêm... đôi khi gây ho và làm khởi phát cơn hen. Do đó, khi có vấn đề về tim mạch, cơ xương khớp hãy thông báo cho bác sĩ chuyên khoa về tình trạng viêm mũi dị ứng, hen phế quản để bác sĩ tránh các loại thuốc gây ảnh hưởng xấu.
Hen và viêm mũi dị ứng là bệnh lý đa yếu tố. Khi thay đổi thời tiết, bệnh nhân viêm mũi dị ứng dễ bị hắt hơi, sổ mũi. Về tâm lý, trong cơn nóng giận, bệnh nhân dễ lên cơn hen. Do đó, bệnh nhân nên tránh những sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ môi trường cũng như vấn đề tâm lý.
Nên chủng ngừa cúm, viêm phổi để hạn chế tác động xấu trên đường hô hấp, từ đó giúp hen và viêm mũi dị ứng được kiểm soát tốt hơn.
8. Bệnh nhân hen nhẹ vẫn có thể tử vong nếu không kiểm soát
Thưa BS, với nhiều bệnh nhân, thở khỏe cùng hen suyễn không chỉ là một mục tiêu mà còn là hành trình cần rất nhiều sự kiên trì. Nhờ PGS chia sẻ, những bệnh nhân đồng mắc hen suyễn và viêm mũi dị ứng có cần điều trị lâu dài không? Trong quá trình điều trị cần chú ý kiểm soát các vấn đề gì?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Câu hỏi đặt ra là cần điều trị bao lâu cho bệnh nhân bị hen và viêm mũi dị ứng. Có thể nói đây là bệnh cơ địa mãn tính, do cơ thể sinh ra và phản ứng với môi trường, do nguyên nhân dị ứng hoặc không dị ứng.
Nguyên nhân môi trường tồn tại suốt đời. Khi đã mắc, bệnh hiếm khi nào biến mất một cách tự nhiên, hầu như chỉ nặng lên. Do đó, cần điều trị tốt ngay từ đầu, khi vừa có chẩn đoán.
Đối với viêm mũi dị ứng đã xác nhận được tác nhân, bệnh nhân cần tuyệt đối tránh xa tác nhân gây bệnh. Có thể nói, tránh xa tác nhân gây dị ứng suốt đời là một việc rất quan trọng.
Thuốc sổ mũi, nghẹt mũi chỉ được dùng trong thời gian ngắn. Các loại thuốc liên quan đến cơ chế bệnh, như montelukast điều trị viêm mũi dị ứng, cần dùng trong thời gian dài. Với trẻ nhũ nhi hoặc trẻ nhỏ, khi đến khoảng 10 tuổi, bệnh hen có thể tự động biến mất do những thay đổi về nội tiết. Nhưng với người lớn tuổi, gần như phải điều trị suốt đời. Ngoài ra còn có hen trong thai kỳ, hen sau mãn kinh xảy ra sau tuổi trung niên.
Những người trên 65 tuổi mắc bệnh hen, khả năng kiểm soát có thể không tốt, tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều lần so với những người trẻ tuổi. Những lý do được ghi nhận là điều trị khó, bệnh khởi phát đột ngột, liên quan đến những thói quen không thể từ bỏ (hút thuốc lá, uống rượu bia).
Người lớn tuổi cần ý thức được rằng hen suyễn và viêm mũi dị ứng là bệnh lý mãn tính, cần phải điều trị lâu dài, thậm chí suốt đời. Một số trường hợp hen suyễn nhẹ, khi có thể kiểm soát, bác sĩ sẽ cân nhắc giảm liều dần, duy trì mức tối thiểu.
Một số ít trường hợp có thể thử ngưng thuốc một thời gian, có sự theo dõi của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân hiểu lầm rằng mình đã khỏi bệnh. Bác sĩ cần giải thích rõ, triệu chứng có thể thuyên giảm nhưng gốc của vấn đề vẫn tồn tại, bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào.
Bệnh nhân hen nhẹ vẫn có thể tử vong nếu không kiểm soát được cơn hen.
9. Hen và viêm mũi dị ứng hoàn toàn có thể điều trị ổn định
PGS có thông điệp nào gửi gắm đến cộng đồng, đặc biệt là những người đồng mắc hen suyễn và viêm mũi dị ứng, làm thế nào để sống chung, thở khỏe với 2 căn bệnh này?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Có thể ví hen suyễn và viêm mũi dị ứng như anh em song sinh. Khi có bệnh nhân đến khám vì viêm mũi dị ứng, nhiệm vụ của các nhà chuyên môn là tầm soát hen suyễn và ngược lại. Đây là nguyên tắc trong chẩn đoán 2 căn bệnh này.
Thậm chí, nếu nói 2 bệnh này là 1 cũng không sai. Hen suyễn không điều trị sẽ không thể kiểm soát viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng kéo dài có thể chuyển sang hen suyễn.
Nếu mắc đồng thời, phải điều trị cả hai bệnh. Điều trị viêm mũi dị ứng có ích cho hen suyễn và ngược lại. Bệnh có thể tiến triển nặng, làm suy chức năng hô hấp, giảm chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, hen suyễn có thể gây co thắt phế quản đột ngột, nếu không điều trị kiểm soát, bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Cuối cùng, xin nhấn mạnh rằng hen và viêm mũi dị ứng hoàn toàn có thể điều trị ổn định.
Cảm ơn PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch LCH Hô hấp TPHCM và Công ty Gigamed đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình này.
Thông tin thêm:
Từ 10/10/2024, chuỗi chương trình “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bạn và gia đình” do Liên chi Hội Lão Khoa TPHCM thực hiện với sự tài trợ của Công ty TNHH Dược phẩm Gigamed ra mắt như một món quà ý nghĩa, đáng tin cậy và kịp thời cho các gia đình Việt. Chương trình sẽ gồm 15 số phát sóng, tập trung xoay quanh vào 4 chuyên khoa Thần kinh - Tim mạch - Hô Hấp - Cơ xương khớp. Mỗi chương trình với một chủ đề riêng biệt nhưng thiết thực, nhằm chia sẻ bí quyết, phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, bạn sẽ được gặp gỡ và trò chuyện cùng các chuyên gia hàng đầu từ 2 miền Nam - Bắc. Mời Quý khán giả theo dõi các số phát định kỳ vào lúc 18h30 Thứ Năm hàng tuần. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình