Điều trị hen suyễn: vì sao đã cắt cơn hen vẫn phải dùng thuốc ngừa?
Hen suyễn là căn bệnh mạn tính của hệ hô hấp, nếu không kiểm soát tốt và điều trị đúng có thể gây khởi phát cơn hen ở những tình huống đặc biệt gây nguy hiểm tính mạng. Vậy điều trị hen suyễn thế nào đúng cách? Cùng xem chia sẻ của TS.BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
1. Bệnh hen suyễn rất nguy hiểm nếu không điều trị đầy đủ, đúng cách
Hen suyễn là gì và nguy hiểm như thế nào, thưa BS?
TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Hen được định nghĩa là bệnh không đồng nhất, đặc trưng bởi viêm mạn tính đường dẫn khí. Bệnh nhân hen có các triệu chứng như ho, khó thở, khò khè, nặng ngực. Có thể ví triệu chứng của bệnh nhân hen như bề nổi của tảng băng, còn phía dưới của tảng băng là một phần chìm, đó là hiện tượng viêm mạn tính đường dẫn khí.
Căn bệnh hen suyễn rất nguy hiểm nếu không được điều trị đầy đủ, đúng cách. Ngược lại, khi bệnh nhân hen suyễn được điều trị đúng cách, đầy đủ sẽ có cuộc sống hoàn toàn bình thường.
Một điểm khác ở bệnh nhân hen suyễn so với người bình thường là phải tránh một số yếu tố có thể gây khởi phát cơn hen và phải tuân thủ điều trị, điều trị đúng cách.
2. Bệnh nhân với triệu chứng hen nhẹ vẫn có nguy cơ tử vong
Vì sao bệnh nhân hen suyễn dễ gặp phải các cơn tái phát? Bệnh nhân sẽ gặp phải những nguy hiểm gì nếu không cứu chữa kịp thời ạ?
TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Hen có hai phần: phần nổi của tảng băng và phần chìm của tảng băng.
Trong đó, phần nổi của tảng băng là những điều có thể dễ dàng quan sát hoặc bệnh nhân tự cảm nhận được. Cụ thể là các triệu chứng như ho, khó thở, khò khè, nặng ngực…
Phần chìm của tảng băng là phần rất quan trọng, cụ thể là hiện tượng viêm đường dẫn khí. Hiện tượng này bệnh nhân không thể tự cảm thấy và nhận diện. Khi điều trị bác sĩ phải có các phương pháp để đánh giá.
Như vậy phần nổi của tảng băng rất dễ dàng nhận thấy, ngược lại phần chìm rất khó nhận diện.
Khi điều trị hen phải điều trị cả hai phần, trong đó tình trạng viêm đường dẫn khí phải được điều trị bằng các loại thuốc có thể kiểm soát nền viêm của bệnh nhân. Do đó nếu bệnh nhân hen suyễn dễ tái phát có thể người bệnh chỉ được điều trị phần nổi bằng các loại thuốc giãn phế quản.
Bệnh nhân sử dụng thuốc giãn phế quản có thể triệu chứng sẽ hết, điều này rất dễ lầm tưởng bệnh đã khỏi hoặc được kiểm soát tốt, từ đó bỏ ngang, không điều trị bằng thuốc kháng viêm để chữa nền viêm (phần chìm của tảng băng). Việc này khiến triệu chứng có thể tái phát ở những thời điểm đặc biệt gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Nếu hen suyễn được điều trị đầy đủ với thuốc kháng viêm và các thuốc điều trị phần chìm của tảng băng, bệnh nhân hoàn toàn có thể có được cuộc sống bình thường như mọi người.
Các triệu chứng dễ tái phát nếu người bệnh không điều trị nền viêm đầy đủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và nhập viện nhiều hơn, thậm chí nhập viện trong tình trạng rất nặng và hơn nữa là đột tử.
Nghiên cứu của thế giới đã chứng minh dù bệnh nhân bị hen nhẹ, ít triệu chứng vẫn có tỷ lệ nhất định khoảng 15-20% nguy cơ tử vong.
3. Cần sử dụng cả hai loại thuốc ngừa và cắt cơn hen để điều trị hiệu quả
Đối với thuốc cắt cơn, bệnh nhân nên xịt với liều lượng thế nào? Nếu xịt quá liều lượng quy định sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe ạ?
TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Có hai biện pháp điều trị hen
Thứ nhất, thuốc ngừa cơn hen, là các thuốc điều trị viêm, chứa corticosteroid dạng hít được dùng phổ biến, còn một số thuốc dạng khác nhưng không thông dụng.
Thứ hai, thuốc cắt cơn hen, được sử dụng khi bệnh nhân lên cơn hen. Các hướng dẫn quốc tế gần đây lưu ý rằng phải sử dụng đồng thời hai thuốc. Nghĩa là trên người luôn phải có một chai thuốc ngừa cơn và một chai thuốc cắt cơn.
Ngoài ra còn một số phương pháp điều trị mới giúp bệnh nhân ngừa cơn, cắt cơn cùng trong một chai hít. Tuy nhiên cơ bản phải sử dụng thuốc ngừa cơn hen, nghĩa là các thuốc có corticosteroid dạng hít để phòng ngừa cơn hen.
Lưu ý chỉ sử dụng thuốc cắt cơn hen khi có triệu chứng, nghĩa là bình thường sử dụng thuốc ngừa cơn hen, nhưng khi xuất hiện triệu chứng cơn hen suyễn như khó thở, nặng ngực… phải sử dụng ngay thuốc cắt cơn hen.
Có hai phương pháp điều trị với thuốc cắt cơn hen. Thứ nhất có thể sử dụng thuốc cắt cơn hen một bình đơn thuần. Tuy nhiên lưu ý khi sử dụng thuốc cắt cơn hen, đồng thời bệnh nhân đó phải là những người đang sử dụng thuốc ngừa cơn hen.
Hướng dẫn xịt thuốc cắt cơn hen đúng cách:
Đầu tiên, bệnh nhân cần hiểu có hai loại thuốc: thuốc ngừa cơn hen để điều trị nền viêm và thuốc cắt cơn hen sử dụng khi lên cơn hen, khó thở, khò khè sẽ xịt thuốc.
Thuốc cắt cơn hen là thuốc giãn phế quản, khi xịt thuốc vào phế quản sẽ giãn ra để giảm triệu chứng và dễ thở hơn. Tuy nhiên hiện nay các hướng dẫn trên thế giới đều yêu cầu phải điều trị cả hai thuốc, trong đó nền tảng là thuốc ngừa cơn hen và khi có cơn phải sử dụng thuốc cắt cơn hen.
Có hai loại thuốc cắt cơn hen: thuốc cắt cơn hen với thuốc giãn phế quản đơn thuần một mình, phổ biến trên thị trường với các biệt dược như Salbutamol và Ventolin. Khi bệnh nhân khó thở hoặc có triệu chứng, người bệnh sẽ xịt 2 nhát. Khoảng 20 phút sau nếu còn triệu chứng người bệnh xịt thêm 2 nhát nữa. Nếu 20 phút sau vẫn còn triệu chứng thì tiếp tục xịt 2 nhát. Nếu bệnh nhân đã xịt nhiều nhưng vẫn còn triệu chứng cần đi gặp bác sĩ.
Có những bệnh nhân lên cơn hen nặng ngay từ đầu, thở co kéo, lõm các cơ liên sườn, cơ hô hấp phụ, lúc này phải vừa cấp cứu, vừa xịt thuốc đồng thời gọi ngay cấp cứu.
Còn nếu bệnh nhân sử dụng dạng thuốc cả cắt và ngừa cơn hen trong một ống hít, hiện nay biệt dược thường sử dụng phổ biến trong dạng này như Symbicort, là nhóm thuốc vừa ngừa và cắt cơn hen trong cùng một ống hít.
Khi đang sử dụng thuốc nền tảng, nếu lên cơn hen bệnh nhân sẽ xịt 1 nhát, vài phút sau nếu còn mệt sẽ xịt thêm 1 nhát nữa nhưng không quá 6 nhát trong một lần xịt, và không quá 8 lần hít thêm mỗi ngày.
Lưu ý, một mình thuốc cắt cơn hen không đủ cho điều trị hen, bệnh nhân luôn phải ngừa cơn và cắt cơn, có thể chung một ống hít hoặc 2 ống hít riêng biệt.
4. Dùng thuốc không chính thống có thể ảnh hưởng đến tính mạng
Với một bệnh nhân hen suyễn nếu điều trị thuốc không chính thống sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? Nhờ BS chia sẻ mối quan ngại chung của các bệnh nhân nếu sử dụng thuốc không chính thống ạ?
TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Thuốc không chính thống là các loại thuốc không được Bộ Y tế chấp thuận. Thuốc chính thống chính là nỗi khiếp sợ của bác sĩ, bởi vì không biết được thành phần thuốc không chính thống là những gì trong đó.
Trong điều trị bệnh nhân hen suyễn, thuốc không chính thống thường là các thuốc giãn phế quản. Giãn phế quản một mình không đủ để điều trị bệnh hen, nhưng nếu bệnh nhân lạm dụng các thuốc này có thể dẫn tới tăng tình trạng viêm đường thở, giảm nhạy cảm với thuốc điều trị (lờn thuốc). Khi bệnh nhân có bệnh, việc sử dụng thuốc sẽ không còn hiệu quả.
Một trong các thành phần của thuốc không chính thống có thể là corticoid đường uống. Nếu corticoid đường uống pha trộn vào các thuốc không chính thống có thể gây ra các hậu quả rất nghiệm trọng như tăng huyết áp, tiểu đường, loãng xương, dễ nhiễm trùng…
Đặc biệt, khi sử dụng thuốc không chính thống, bệnh nhân hen sẽ không được kiểm soát, từ đó dẫn đến hệ quả nguy hiểm, thậm chí là tính mạng người bệnh.
5. Dùng chung bình xịt hen có thể mắc bệnh lây nhiễm
Nhiều người trong nhà dùng chung bình xịt hen và vệ sinh bình xịt không đúng cách, những điều này ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của bệnh nhân, thưa BS?
TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Bình xịt hen là dụng cụ cá nhân nên không thể dùng chung vì nhiều lý do:
Thứ nhất là vệ sinh vì có thể lây bệnh từ người sang người nếu mắc các bệnh lây nhiễm.
Thứ hai, mỗi người có một liều lượng và thuốc khác nhau, thậm chí cùng một loại thuốc nhưng có hàm lượng khác. Nếu dùng chung bệnh nhân không thể biết chai thuốc còn bao nhiêu liều. Do đó đối với bệnh nhân hen phải sử dụng bình thuốc riêng, mỗi người một bệnh lý và liều lượng thuốc khác nhau.
6. Tự ý bỏ thuốc điều trị có thể dẫn đến nhâp viện khi lên cơn hen nặng
Thưa BS, việc tự bỏ thuốc hoặc tự giảm liều sau khi bệnh nhân đã thấy điều trị nhiều năm, việc này sẽ nguy hiểm thế nào ạ?
TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Tự bỏ thuốc ở bệnh nhân hen là vấn đề quan trọng, thông thường bệnh nhân hen khi đến gặp bác sĩ được điều trị thời gian ngắn đã có thể hết triệu chứng, khi đó người bệnh sẽ chủ quan và bỏ thuốc.
Tuy nhiên, định nghĩa hen là viêm mạn tính đường dẫn khí (viêm lâu dài), cần điều trị để kiểm soát được vấn đề này. Có thể người bệnh không còn triệu chứng nhưng phía dưới đó bệnh nhân vẫn còn hiện tượng viêm. Khi bác sĩ khám mới có các phương pháp khám lâm sàng, đo đạc bằng phương tiện đo chức năng phổi, các xét nghiệm đánh giá viêm đường thở. Ví dụ hiện nay có xét nghiệm FENO để đánh giá.
Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều tùy thuộc vào khả năng đáp ứng, chức năng hô hấp, tình trạng viêm của bệnh nhân để bác sĩ đánh giá và điều chỉnh liều phù hợp. Không nên bỏ thuốc khi thấy hết triệu chứng, vì có thể bệnh vẫn còn những diễn tiến âm thầm và không nhận diện được. Khi bệnh trở nặng có thể rất nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Có những bệnh nhân hen rất nhẹ nhưng khi vào cơn, nhập viện có thể trong tình trạng rất nặng, thậm chí đó là những bệnh nhân hen nhẹ, rất ít triệu chứng và chính họ là người chủ quan. Có thể những người này đang trong độ tuổi lao động, công việc bận rộn dẫn đến chủ quan khi thấy không còn triệu chứng.
7. Liên lạc hoặc thăm khám trực tiếp để có lời khuyên về thuốc điều trị
Nhiều người tự ý mua thuốc hoặc sử dụng toa thuốc cũ để tự mua và điều trị không qua ý kiến BS, điều này ảnh hưởng thế nào ạ?
TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Đối với bệnh nhân hen suyễn một liều bác sĩ cho có thể gia giảm trong vài tháng, không phải chỉ thời gian ngắn. Tuy nhiên khi cho thuốc bác sĩ có các ý định và phác đồ trong đó về thời gian điều chỉnh liều cho bệnh nhân.
Vì vậy hiện nay phương tiện truyền thông khá tốt, phương tiện liên lạc với bác sĩ rất dễ dàng, người bệnh nên gọi cho bác sĩ để hỏi ý kiến. Ngoài ra có thể đến bệnh viện hoặc phòng khám. Không nên điều trị không có định hướng và hướng dẫn của bác sĩ, liều cao hoặc thấp quá đều không được, điều quan trọng là phải điều trị đúng bệnh.
Tóm lại, khuyến cáo bệnh nhân liên lạc hoặc thăm khám trực tiếp với bác sĩ để có lời khuyên thích hợp.
8. Hen suyễn có thể ổn định thời gian dài ở trẻ đến tuổi dậy thì
Bệnh hen suyễn ở một mức độ nhẹ nhất định liệu có thể điều trị được hay không hay sẽ là căn bệnh đeo bám bệnh nhân suốt đời, thưa BS?
TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Hen suyễn có những giai đoạn bệnh ổn định nếu điều trị. Thông thường các em bé lớn lên khi bị hen suyễn đến tuổi dậy thì có thể ổn một thời gian dài. Có những bé lớn lên hen suyễn vẫn quay trở lại.
Tuy nhiên ở bệnh nhân hen suyễn người lớn, trước hết phải tuân thủ với điều trị của bác sĩ, sử dụng thuốc theo phác đồ, bác sĩ sẽ giảm liều dần theo đáp ứng của bệnh nhân với một liều thấp nhất còn kiểm soát được bệnh, nghĩa là cho bệnh nhân cuộc sống như người bình thường.
Bệnh nhân cần tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen như hít phải các chất độc, phấn hoa…
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình