Hotline 24/7
08983-08983

Polyp: nhiều phiền toái - Polyp vùng tai-mũi-họng

Khi đi khám sức khỏe, thi thoảng bạn lại được bác sĩ cho biết có một polyp nằm án ngữ ở một khu vực nào đó gây ra nhiều hệ lụy như nhức đầu, khàn tiếng...

Vậy những polyp này ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao?

Polyp vùng tai mũi họng là do niêm mạc ở vùng này bị thoái hóa, phù nề. Khi khám lâm sàng có thể phát hiện polyp căng mọng, màu trắng nhạt, giống như bong bóng cá. Thường gặp nhất là polyp mũi xoang (còn gọi là thịt dư), kế đến là polyp thanh quản, polyp ống tai ngoài.

POLYP MŨI


Ở vùng mũi xoang, polyp hình thành là do viêm nhiễm kéo dài, do dị ứng. Polyp mũi thường gây nghẹt mũi (vì nó choán gần hết diện tích hốc mũi), khó thở… Polyp mũi còn làm nhức đầu vùng trán.

BS Võ Quang Phúc (Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM) cho biết, nếu polyp nhỏ và do nguyên nhân dị ứng có thể dùng thuốc kháng viêm (loại uống, xịt) làm nó teo lại. Nếu polyp mũi quá to thì phải phẫu thuật nội soi để lấy hết các mô viêm trong các xoang và cắt polyp. Riêng đối với trẻ em, polyp mũi hiếm gặp hơn. Nếu phát hiện thì cũng hạn chế phẫu thuật vì khi mổ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của khối xương mặt khi bé trưởng thành. Việc phẫu thuật nội soi hay dùng thuốc đều phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

POLYP THANH QUẢN

Polyp ở thanh quản thường do viêm thanh quản mạn tính. Loại polyp này gây ra khàn tiếng, khó nói, hụt hơi do hai dây thanh khép không kín.

Cũng theo bác sĩ Phúc, để điều trị polyp dây thanh, nếu nhỏ thì có thể dùng thuốc hoặc xông. Nếu lớn thì nội soi vi phẫu thanh quản để cắt polyp qua kính hiển vi. Polyp dây thanh rất dễ tái phát nên sau khi cắt thì bệnh nhân phải hạn chế nói to, nói nhiều, nói gắng sức, nhất là những người phải sử dụng giọng nói nhiều. Polyp thanh quản cũng có thể do trào ngược dịch vị từ dạ dày đến thực quản rồi đến thanh quản. Trường hợp này phải dùng thuốc chống trào ngược.

POLYP TAI

Polyp tai hiếm gặp, xuất hiện là do viêm nhiễm vùng tai ngoài kéo dài, do chấn thương, do lấy ráy tai làm xây xát niêm mạc. Polyp tai gây ra triệu chứng nghe kém, dễ bị bội nhiễm do viêm nhiễm kéo dài.

Bác sĩ Phúc cho biết, việc điều trị polyp tai khá đơn giản: có thể khám, cắt polyp và về nhà trong ngày, không cần gây mê (trong khi cắt polyp mũi và polyp thanh quản phải gây mê). Polyp tai ít tái phát nhưng để lâu ngày không cắt sẽ dễ bị nhiễm trùng làm viêm tai giữa mạn tính, có thể dẫn đến thủng màng nhĩ và lan vào cấu trúc tai giữa, khi ấy phải phẫu thuật để lấy bỏ các mô viêm nhiễm.

Polyp vùng tai-mũi-họng đa số là lành tính, hiếm khi biến đổi thành ác tính. Việc điều trị và khả năng lành bệnh khá nhanh.

AloBacsi.vn
Theo Trần Hàm Dương - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X