Phục hồi chức năng sau đột quỵ: Ai cần, khi nào nên bắt đầu, làm thế nào hiệu quả?
Nhiều bệnh nhân được cứu sống sau đột quỵ, nhưng không phải ai cũng quay lại được cuộc sống bình thường. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào việc phục hồi chức năng. TS Lê Khánh Điền lý giải vì sao can thiệp càng sớm càng tốt, vai trò của điều trị cá nhân hóa và tầm quan trọng của sự phối hợp giữa gia đình - bệnh nhân - đội ngũ y tế trong hành trình hồi phục.
1. Vì sao phục hồi chức năng lại quan trọng với người bệnh đột quỵ?
Phục hồi chức năng (PHCN) đóng vai trò như thế nào trong quá trình điều trị tổng thể cho bệnh nhân sau đột quỵ, thưa TS?
TS Lê Khánh Điền - Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình - Nguyên Phó chủ tịch Hội ngôn ngữ trị liệu châu Á - Thái Bình Dương trả lời: Quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) và cả Bộ Y tế Việt Nam đều nhấn mạnh tầm quan trọng của PHCN.
Đặc biệt, trên trang website chính thức của Bộ Y tế có đề cập, hiện nay đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Do vậy, việc cứu sống người bệnh là rất quan trọng. Song, một vấn đề quan trọng khác là sau khi được cứu, chất lượng cuộc sống của họ ra sao.
Hồi sức và PHCN sau đột quỵ là những công việc rất cần thiết cho người bệnh, giúp họ lấy lại các chức năng sinh hoạt hằng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống.
2. Cơ hội phục hồi chức năng luôn dành cho mọi bệnh nhân đột quỵ
Thưa TS, thời điểm nào được coi là “thời gian vàng” để bắt đầu PHCN và tại sao việc can thiệp sớm lại quan trọng?
TS Lê Khánh Điền trả lời: Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và các hướng dẫn từ Hội Đột quỵ Thế giới, Hội Đột quỵ Hoa Kỳ và Bộ Y tế Việt Nam, “can thiệp sớm” có nghĩa là tiến hành việc PHCN cho bệnh nhân càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, khái niệm “sớm” cần được hiểu tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Điều này có nghĩa là cần một chương trình cá nhân hóa dựa trên khái niệm “sớm”.
Việc này rất quan trọng tại nơi điều trị và phụ thuộc vào đội điều trị, đội PHCN đa chuyên ngành làm việc cùng nhau, để có sự can thiệp sớm, hợp lý, an toàn cho bệnh nhân.
Tôi cũng mong muốn khái niệm “thời gian vàng” được nhìn nhận linh hoạt hơn, tránh quá cứng nhắc.
Trước đây, trong y văn thường đề cập đến một khoảng thời gian cố định nào đó, chẳng hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 1 năm. Nhưng hiện nay, các nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng, việc phục hồi của người bệnh diễn ra gần như suốt đời. Như vậy, khái niệm “thời gian vàng” cùng cần được hiểu rộng hơn.
“Thời gian vàng” là thời gian người bệnh được tiếp cận với PHCN, nhưng cơ hội luôn mở ra với mọi người bệnh. Việc đột quỵ xảy ra đã lâu không có nghĩa là mất hy vọng. Khoa học chứng cứ hiện nay nhấn mạnh, việc PHCN cho người bệnh sau đột quỵ diễn ra suốt đời.
Vì vậy, khi người bệnh tiếp cận được với các phương pháp phục hồi khoa học, cơ hội dành cho họ vẫn ở đó. Nhưng tốc độ và mức độ phục hồi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

3. Đa chuyên khoa tham gia vào phục hồi chức năng cho người bệnh sau đột quỵ
Những phương pháp PHCN nào thường được áp dụng cho bệnh nhân sau đột quỵ tại Bệnh viện An Bình? TS đánh giá như thế nào về hiệu quả của các phương pháp như vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và các kỹ thuật hỗ trợ khác?
TS Lê Khánh Điền trả lời: “PHCN” là một thuật ngữ rất chung. Gần như các lĩnh vực trong y tế và sức khỏe đều có thể góp phần vào việc PHCN của người bệnh.
Trong việc PHCN cho người bệnh, đặc biệt là sau đột quỵ, có rất nhiều chuyên ngành có thể góp phần vào. Chẳng hạn, ngay từ khi tiếp nhận cấp cứu đã có các bác sĩ nội thần kinh, đột quỵ, ngoại thần kinh, thậm chí là bác sĩ tim mạch, chẩn đoán hình ảnh.
Sau đó, các chuyên viên hoặc chuyên gia về vận động như vật lý trị liệu; về giao tiếp, nuốt như ngôn ngữ trị liệu, âm ngữ trị liệu; về nhận thức, cảm xúc như hoạt động trị liệu sẽ tham gia vào, giúp người bệnh có thể trở về cuộc sống thường ngày.
Ngoài ra còn có lĩnh vực tâm lý trị liệu, chăm sóc điều dưỡng, dinh dưỡng... Có thể nói, rất nhiều chuyên ngành trong y khoa và sức khỏe góp phần vào việc PHCN, sao cho càng toàn diện càng tốt cho người bệnh.
4. Vai trò của bệnh nhân, gia đình và đội ngũ y tế trong phục hồi chức năng sau đột quỵ
Theo TS, trong quá trình PHCN, sự phối hợp giữa các chuyên gia như bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và gia đình bệnh nhân đóng vai trò ra sao?
TS Lê Khánh Điền trả lời: Hiện nay, cả WHO và Bộ Y tế Việt Nam đều có quan điểm nhân văn là lấy người bệnh và gia đình làm trung tâm.
Khi lấy người bệnh và gia đình làm trung tâm, cơ sở y tế cần có đội ngũ đa chuyên ngành để có thể hỗ trợ tối đa. Như tôi đã đề cập ở trên, rất nhiều chuyên ngành trong y khoa và sức khỏe đang góp phần giúp người bệnh phục hồi một cách toàn diện. Đồng thời, mọi hoạt động từ điều trị đến chăm sóc, phục hồi đều hướng về hai nhóm này.
PHCN không phải trong 1, 2 ngày mà thường cần một giai đoạn nỗ lực với rất nhiều ý chí. Trước hết, người bệnh phải có niềm tin, quyết tâm mạnh mẽ. Gia đình cũng phải đồng hành với họ để vượt qua khó khăn, từ đó mới có thể đạt được những mục tiêu đặt ra.
Bên cạnh người bệnh và gia đình còn có cộng đồng, xã hội, đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc đa chuyên ngành luôn sẵn sàng hỗ trợ. Mỗi chuyên ngành sẽ hỗ trợ bệnh nhân phục hồi ở một khía cạnh, một khiếm khuyết, một hoạt động nào đó.
Các chuyên ngành sẽ cùng thảo luận và đưa ra một kế hoạch phục hồi toàn diện, cá nhân hóa cho từng người bệnh, dựa trên tình trạng cũng như hoàn cảnh gia đình của họ, để giúp người bệnh đạt được mức độ phục hồi tối đa nhất, hòa nhập cuộc sống tốt nhất có thể.

5. Đặt người bệnh và gia đình làm trung tâm trong phục hồi chức năng sau đột quỵ
TS có thể chia sẻ thêm về cách xây dựng kế hoạch điều trị cá nhân hóa cho từng bệnh nhân, dựa trên mức độ tổn thương và khả năng hồi phục?
TS Lê Khánh Điền trả lời: Đây là một khái niệm khá phức tạp, khó có thể trao đổi rõ ràng trong vài dòng ngắn gọn.
Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Mỗi bệnh nhân cũng có khiếm khuyết hoặc khuyết tật riêng; giai đoạn bệnh và hoàn cảnh gia đình khác nhau. Dựa trên tình trạng của mỗi người, các thầy thuốc sẽ thảo luận với bệnh nhân và gia đình để có một chương trình phục hồi khoa học.
Yếu tố tiếp theo là “phù hợp”. Chỉ khi có một kế hoạch phù hợp, bệnh nhân và người thân mới đáp ứng được các yêu cầu điều trị. Với mục tiêu được cá thể hóa, họ mới có động lực mạnh để tiếp tục con đường phục hồi sức khỏe.
Ví dụ, một người bệnh khó nói sau đột quỵ, do các cơ ở vùng miệng, vùng hầu làm việc không hiệu quả nên khi họ phát âm, người khác không hiểu được. Trường hợp này trong chuyên ngành được gọi là rối loạn vận ngôn.
Trong trường hợp này, có thể tay chân của bệnh nhân vẫn có thể hoạt động tương đối tốt, nhiều người có thể làm việc trên máy vi tính hoặc thực hiện được một số công việc tay chân bình thường. Chẳng hạn, với một lập trình viên, chức năng nói bị mất không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc của họ.
Thế nhưng, với những công việc cần ngôn ngữ như ca sĩ, giáo viên... việc không thể nói tốt ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nghiệp của người bệnh.
Như vậy, dựa trên đặc điểm riêng của từng người bệnh, về độ tuổi, tâm lý, nghị lực, bệnh lý nền kèm theo và cả hoàn cảnh gia đình, cần phải thiết kế một chương trình thích hợp cho cá nhân đó.
Và chương trình này phải mang lại động lực để người bệnh kiên trì theo đuổi, từ đó có thể phục hồi tốt.
Tóm lại, kế hoạch phục hồi cho mỗi bệnh nhân cần khoa học và yếu tố cá nhân hóa, nghĩa là đặt người bệnh và gia đình làm trung tâm.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình