Phơi nhiễm HIV là gì? điều trị phơi nhiễm HIV có khỏi không?
Phơi nhiễm là việc niêm mạc hoặc da của người chưa nhiễm HIV tiếp xúc với máu, mô, dịch cơ thể của người khác, từ đó làm cho nguy cơ lây nhiễm HIV tăng lên.
1. Phơi nhiễm HIV là gì?
Theo định nghĩa của Bộ Y tế, phơi nhiễm HIV là việc niêm mạc hoặc da của người chưa nhiễm HIV tiếp xúc với máu, mô, dịch cơ thể của người nhiễm HIV, từ đó làm cho nguy cơ lây nhiễm HIV tăng lên.
Trong thực tế, không phải trường hợp nào người bị phơi nhiễm HIV cũng bị nhiễm HIV mà việc xử lý sau phơi nhiễm rất quan trọng trong nguy cơ lây nhiễm HIV.
2. Những trường hợp phơi nhiễm HIV thường gặp?
Các trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV:
Phơi nhiễm HIV cộng đồng:
- Phơi nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su hoặc bao cao su bị rách
- Phơi nhiễm do tiếp xúc với máu do vết thương bị đâm phải kim hoặc các vật sắc nhọn vứt ra các khu vực ở công cộng và có dính máu người nhiễm HIV tiến triển và tải lượng virus cao
Phơi nhiễm HIV nghề nghiệp:
- Do nhân viên y tế phải tiếp xúc với nhiều loại dịch tiết khác nhau của người nhiễm HIV (dịch ối, dịch não tủy, mủ, dịch màng phổi, dịch màng bụng). Đồng thời nhân viên y tế lại có tần suất tiếp xúc cao hơn qua các hoạt động thủ thuật như thăm khám, tiêm chích, truyền dịch, chọc hút, phẫu thuật…
- Do những người trong khi làm nhiệm vụ (công an, biên phòng …) cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm…
3. Quy trình xử lý tình huống phơi nhiễm HIV được tiến hành như thế nào?
Quy trình xử lý tình huống phơi nhiễm HIV:
- Bước 1: xử trí tại vị trí phơi nhiễm
*Nếu phơi nhiễm qua vết thương chảy máu: Rửa ngay vết thương dưới vòi nước; để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương; rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Sau đó băng bó vết thương lại.
*Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: Rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút.
*Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi: Rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9 % và súc miệng bằng NaCl 0,9 % nhiều lần trong 10 phút.
- Bước 2: Báo cáo phơi nhiễm lên người quản lý và hoàn thành báo cáo có chữ ký của người làm chứng và cán bộ quản lý nên chú ý ghi đầy đủ ngày, giờ, nơi chốn xảy ra bị sự cố, hoàn cảnh xảy ra, mức độ tổ thương, đánh giá nguy cơ nhiễm HIV,
- Bước 3: Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm: theo mức độ tổn thương và diện tích bề mặt tiếp xúc.
- Bước 4: Xác định tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm.
- Bước 5: xác định nguy cơ nhiễm HIV của người bị phơi nhiễm.
- Bước 6 : Tư vấn cho người bị phơi nhiễm:
*Nếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính ngay sau khi phơi nhiễm chứng tỏ người bị phơi nhiễm đã nhiễm HIV từ trước, không phải do phơi nhiễm sự cố lần này mà có. Tư vấn cho họ hiểu họ không sử dụng thuốc ARV cho dự phòng sau phơi nhiễm mà sẽ chuyển họ đến cơ sở điều trị HIV để được điều trị.
*Nếu kết quả xét nghiệm HIV âm tính ngay sau phơi nhiễm thì nên tư vấn thảo luận với người có nguy cơ nhiễm HIV về lợi ích của việc dùng thuốc dự phòng ( Prep )
- Bước 7: cung cấp ARV điều trị dự phòng, càng sớm càng tốt, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ, thời gian điều trị dự phòng ARV là 28 ngày.
- Trong quá trình dự phòng ARV, tư vấn, hỗ trợ tâm lý, và theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV qua các xét nghiệm: xét nghiệm HIV, công thức máu, đo men gan ALT / GPT khi bắt đầu điều trị và sau điều trị 28 ngày. Ngoài ra, những người bị phơi nhiễm nên được xét nghiệm HIV sau 3 và 6 tháng sau khi phơi nhiễm.
- Trong thời gian này, người tiếp xúc cần đề phòng lây nhiễm bệnh cho người khác. Sau 6 tháng xét nghiệm HIV và cho kết quả âm tính, những người bị phơi nhiễm có thể tin tưởng rằng họ không bị lây nhiễm HIV trong tình huống này.
4.Nếu người có hành vi nguy cơ đến bệnh viện sau 72 giờ, không được dùng thuốc điều trị phơi nhiễm thì tiếp theo họ cần làm gì?
Họ đến ngay cơ sở y tế khám bệnh để khai báo về sự cố mà họ nghi ngờ nhiễm HIV để nhân viên y tế đánh giá nguy cơ nhiễm HIV, xét nghiệm HIV, và tuỳ theo tình hướng nhiễm bệnh mà nhân viên y tế xử trí.
5. Hiện nay có những thuốc gì dùng để điều trị phơi nhiễm HIV?
Các thuốc sử dụng phơi nhiễm hiện nay:
Trẻ em trên 10 tuổi và người lớn:
- Ưu tiên : TDF + 3TC + DTG
- Thay thế : TDF + 3TC + LPV/r hay TDF + FTC + LPV/r hay TDF + 3TC + RAL
Hay TDF + FTC + RAL
Trẻ em dưới 10 tuổi:
- Ưu tiên : AZT + 3TC + DTG hay ABC + 3TC + DTG hay TDF + 3TC + DTG
- Thay thế : AZT + 3TC + LPV/ r hay AZT + 3TC + RAL.
6. Thuốc điều trị phơi nhiễm HIV có thể tự mua ở nhà thuốc không?
Các thuốc này được cấp miễn phí tại các trung tâm y tế quận, cũng có thể mua tại các cơ sở được nhà nước cấp phép điều trị HIV.
7. Việc dùng thuốc chống phơi nhiễm HIV cần tuân thủ những nguyên tắc gì?
Dùng thuốc chống phơi nhiễm thì người sử dụng phải tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cần được bắt đầu càng sớm càng tốt, và để tối ưu được sự hiệu quả thì người dùng nên sử dụng trong vòng 72 giờ sau khi nguy cơ.
- Sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị trong vòng 28 ngày cho tất cả các trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm HIV.
- Dùng thuốc PEP đúng giờ, đúng liều theo quy định
- Nếu như quên một liều và chưa qua 24 giờ thì hãy dùng liều tiếp theo ngay khi bạn nhớ ra
- Đừng tăng gấp đôi liều thuốc nếu như bạn quên.
- Không sử dụng thuốc kích thích khi đang sử dụng thuốc dự phòng sau phơi nhiễm vì có thể sẽ gây ra những tương tác nguy hiêm.
- Nếu như bạn quên uống hơn 48 giờ thì thuốc sẽ không còn tác dụng.
- Không uống chung với thuốc điều trị bệnh khác mà phải uống cách xa nhau 2-4 giờ.
- Đối với bất kì loại thuốc nào cũng sẽ cần người sử dụng tuân thủ điều trị một cách nghiêm túc để đạt được kết quả cao.
8. Sau khi dùng thuốc, người bị phơi nhiễm cần xét nghiệm vào những mốc thời gian nào để biết chắc chắn mình có bị dương tính HIV hay không?
Giai đoạn đầu sau khi phơi nhiễm HIV thì xét nghiệm HIV có thể cho kết quả âm tính giả. Để xét nghiệm HIV có kết quả chính xác nhất thông thường từ 2 - 3 tháng sau khi phơi nhiễm với virus HIV. Sau 6 tháng nếu xét nghiệm HIV vẫn âm tính thì xem như không bị nhiễm HIV.
9. Các xét nghiệm cần làm cho người phơi nhiễm HIV là gì?
Các xét nghiệm cần làm :
- Sàng lọc kháng nguyên và kháng thể HIV : HIV Ag/ab
- Sàng lọc lậu, giang mai, sùi màu gà
- Sàng lọc viêm gan B,C
- Định lượng glucose máu
- Định lượng Cholesteron máu
- Định lượng Triglicerid
- Định lượng ure máu
- Định lượng Creatinin máu
- Định lượng ALT, AST.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình