Hotline 24/7
08983-08983

Phẫu thuật mắt lé thực hiện như thế nào? Bệnh có tái phát không?

Mắt lé hay mắt lác là tình trạng hai đồng tử mắt không nằm ở vị trí cân đối, làm ảnh hưởng đến thị lực và gây mất thẩm mĩ. Vậy khi nào cần phẫu thuật và quá trình diễn ra trong bao lâu? Mời bạn đọc theo dõi phần tư vấn của TTƯTBS.CK2 Nguyễn Thế Hồ ngay dưới đây.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Nguyên nhân gây mắt lé?

Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết nguyên nhân gây ra tình trạng mắt lé là gì?

Người miền Nam gọi là lé, còn người Bắc gọi đó là lác mắt. Có 2 nguyên nhân chính gây ra tình trạng mắt lé:

Nguyên thứ nhất là do vấn đề điều tiết của mắt, tức là bị tật khúc xạ (ví dụ: cận thị, viễn thị, loạn thị) nếu người bệnh không điều chỉnh, không đeo kính, một thời gian sau họ sẽ bị lé mắt. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ em, trẻ em 3-4 tuổi bị tật khúc xạ nếu không cho trẻ mang kính, theo thời gian trẻ sẽ bị lác hoặc còn gọi là lé/ lác.

Một nguyên nhân khác là do tổn thương dây thần kinh điều khiển sự vận động liếc lên xuống của mắt được gọi là điều khiển vận nhãn, những dây thần kinh của sọ não: dây III, dây IV, dây VI điều khiển sự vận động liếc qua liếc lại, nếu những dây thần kinh đó bị tổn thương chúng sẽ làm cho mắt bị lé. Họ gọi đó là lé liệt hay lác liệt. Hiện tượng này xảy ra ở người lớn.

Ngoài ra, mắt bị nhược thị (mắt không còn chức năng thị giác), theo thời gian mắt cũng sẽ lé. Nhưng nhóm này ít hơn, chủ yếu là hai nguyên nhân vừa được nêu trên.

Mắt lé không điều trị nguy hiểm ra sao?

Mắt lé có thể gây nguy hiểm như thế nào, thưa BS? Nếu không điều trị thì lé mắt có thể dẫn đến tình trạng gì?

Mắt lé phần lớn gây ảnh hưởng đến chức năng thẩm mĩ. Tuy nhiên, nếu người bệnh không đi điều trị một mắt lé, đối với mắt lé liệt (dây thần kinh bị tổn thương) thì bệnh nhân sẽ nhìn từ một vật thành hai vật, sau đó nhìn thành bóng đôi (song thị).

Nếu trẻ em không được điều trị mắt lé, theo thời gian nó sẽ dẫn đến hiện tượng nhược thị. Điểm nguy hiểm nhất của việc không điều trị mắt lé chính là gây nhược thị ở một trong hai mắt.

Khi nhược thị, mắt bị giảm thị lực. Khi bị giảm thị lực thì không có cách gì để cứu vãn được. Lúc đó mắt bị mờ, dù có phẫu thuật, đeo kính đi nữa thì không còn cứu vãn được nữa. Khó khăn nhất là trong vấn đề lé mặt là dẫn đến nhược thị sau này.

Phương pháp điều trị mắt lé?

Ngoài phẫu thuật thì còn các phương pháp nào để điều trị mắt lé ạ?

Trong điều trị lé, ta có thể phẫu thuật hoặc cho điều chỉnh tật khúc xạ.

Trường hợp tổn thương dây thần kinh số III, IV và VI (tổn thương dây thần kinh vận nhãn) dẫn đến mắt lé gây ra song thị thì chúng ta có thể đợi một thời gian để xem nó có hồi phục được hay không. Đa số trường hợp thì nó tự hồi phục, không cần phải can thiệp. Sau 6-12 tháng, nếu bệnh nhân không hồi phục (vẫn bị song thị) lúc đó ta mới tiến hành phẫu thuật.

Như vậy, phẫu thuật chỉ điều trị lé mắt do một nhóm nguyên nhân. Như tôi vừa nhấn mạnh, đa số trẻ bị lé là do điều tiết tức là tật khúc xạ, nếu cha mẹ không đưa trẻ đi điều chỉnh bằng việc mang kính sẽ dẫn đến bị lé. Trong trường hợp này trẻ không cần phải phẫu thuật. ví dụ như trường hợp, cận thị, loạn thị, viễn thị ta cần phát hiện sớm. Việc mang kính điều chỉnh sớm sẽ kết thúc tình trạng mắt lé.

Trường hợp dễ và khó trong điều trị mắt lé?

Trong các nguyên nhân gây lé mắt BS vừa nêu, trường hợp nào dễ điều trị, trường hợp nào khó điều trị?

Việc dễ hay khó điều trị cũng tùy theo nhóm nguyên nhân thôi. Trong trường hợp lé liệt, phẫu thuật là quá đơn giản rồi. Bác sĩ sẽ chờ một thời gian sau khi bệnh nhân bị lé liệt khoảng 6 tháng tới 1 năm để bệnh tự hồi phục. Nếu bệnh tự hồi phục, bác sĩ phẫu thuật để chỉnh lại thì việc này cũng đơn giản, không có gì khó khăn.

Nhưng lé điều tiết (lé do tật khúc xạ) không phải tự dưng mắt bị lé mà đó là nguyên nhân do trẻ không được đeo kính hay điều trị tật khúc xạ, thường sau thời gian từ 3-5 năm mới gây ra tình trạng lé. Nếu bệnh xảy ra chậm và lâu, việc điều trị bệnh cũng phải chậm và lâu, không thể nhanh. Vì vậy, cha mẹ phải cho trẻ tập mang kính thời gian rất lâu có khi phải mất 3, 5, 7 năm trẻ mới có thể phục hồi. Dĩ nhiên trong một số trường hợp trẻ chỉ mang kính chỉ trong 1-2 năm đã đạt hiệu quả.

Như vậy, điều trị lé bằng việc điều chỉnh tật khúc xạ sẽ khó khăn hơn.

Chỉ định phẫu thuật mắt lé khi nào?

Khi nào bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật mắt lé ạ? Và từ độ tuổi nào mới có thể mổ lé được?

Trường hợp lé liệt là được chỉ định phẫu thuật. Một người lớn bị viêm dây thần kinh sọ não, viêm màng não, bị nhũn não, xuất huyết não… có thể làm cho lé mắt. Đó là chỉ định để phẫu thuật, không mang kính được. Sau khi chờ 6-12 tháng cho nó tự hồi phục, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật.

Ở trẻ em mới là vấn đề. Vấn đề ở trẻ em: điều trị lé do tật khúc xạ. Không phải tất cả trường hợp nào điều trị tật khúc xạ bằng cách cho đeo kính là đã hết lé. Phần lớn trường hợp đeo kính giúp người bệnh trở lại bình thường nhưng trong một số trường hợp thì không thể khắc phục tật khúc xạ.

Trong những trường hợp lé quá nặng, đứa bé sinh ra đã bị tật khúc xạ bẩm sinh, đứa trẻ mới 1-2-3 tháng mà chúng ta cho mang kính được, trong khi đó, trẻ đợi cho nó lớn mới đeo kính được thì đã quá muộn. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cho trẻ sớm.

Ngoài ra, một số trường hợp nhược thị do bệnh lý mắt, mắt mờ sẵn, nói chung có một mắt không nhìn được… theo thời gian, mắt không sử dụng chức năng thị giác thì mắt sẽ lé. Các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật, trong trường hợp phẫu thuật này chỉ khắc phục về thẩm mĩ thôi.

Phẫu thuật lé liệt và phẫu thuật lé điều tiết là phẫu thuật điều chỉnh chức năng nhằm đóng góp chức năng thị giác trở lại. Còn lé do nhược thị thì chỉ mổ cho đẹp.

Quy trình thực hiện phẫu thuật mắt lé?

BS có thể mô tả khái quát cho bạn đọc biết phẫu thuật mắt lé được thực hiện như thế nào? Có thể tiến hành cùng lúc với việc điều trị một bệnh mắt khác không?

Phẫu thuật mắt lé là một phẫu thuật đơn giản. Đơn giản bởi vì phẫu thuật bên ngoài nhãn cầu, không phải là phẫu thuật nội nhãn (là một loại phẫu thuật tinh vi, phức tạp).

Trong một số trường hợp như mổ đục thủy tinh thể, mổ cườm nước hoặc là trường hợp bong võng mạc thì mới phức tạp nguy hiểm. Còn mổ bên ngoài nhãn cầu, bác sĩ chỉ chỉnh những cơ xung quanh nhãn cầu cho nên phẫu thuật này đơn giản.

Phẫu thuật này chia thành hai nhóm bởi vì cần gây mê ở trẻ vì trẻ không hợp tác, ở người lớn thì bác sĩ chỉ cần gây tê cho bệnh nhân vì bệnh nhân chỉ cần tỉnh táo hợp tác với bác sĩ phẫu thuật.

Về kỹ thuật phẫu thuật thì bác sĩ chỉ cắt những cơ vận nhãn, mắt của người bệnh là 6 cơ bám vào thành của nhãn cầu. 6 cơ này kéo mắt người bệnh liếc lên liếc xuống. Việc này tác động lên cơ chứ bác sĩ không tác động lên dây thần kinh điều khiển cơ đó.

Mặc dù đa số trường hợp này có dây thần kinh yếu, phát tín hiệu yếu làm cho cơ không nhận được tín hiệu, vì vậy cơ không vận động mạnh được. Tổn thương là ở thần kinh nhưng chúng ta vẫn tác động lên các cơ. Bác sĩ rút ngắn cơ này, kéo dài cơ kia ra nhằm giúp mắt cân bằng trở lại. Đây là phương pháp phẫu thuật không quá phức tạp.

Lé/lác mắt không gây tổn thương gì ở nhãn cầu cả, lé mắt là mắt chỉ bị lé qua một bên. Đây không phải tình trạng khẩn cấp, cấp cứu. Nếu không phẫu thuật hôm nay thì mai người bệnh mổ cũng được, thậm chí 1 tháng sau, 3 tháng sau mổ cũng không thành vấn đề.

Vấn đề quan trọng là thời hạn khi nào người bệnh sẽ mổ? Vì vậy, không nhất thiết người bệnh phải phẫu thuật mắt lé cùng lúc điều trị một bệnh mắt khác. Ví dụ như mắt đang bị bệnh cấp tính, người bệnh cứ điều trị bệnh mắt đó cho xong. Thời gian thư thả thì người bệnh sẽ phẫu thuật mắt lé.

Thời gian phẫu thuật mắt lé?

Phẫu thuật mắt lé thực hiện trong bao lâu? Có phải nằm viện không, thưa BS?

Nói chung, nó sẽ tùy thuộc vào mức độ lác, kiểu lác của mắt. Nếu tính từ phút gây tê, gây mê đến tiến hành phẫu thuật, trung bình ca mổ nhanh sẽ mất 30 phút còn những ca lâu thì sẽ mất 1 giờ.

Phẫu thuật được chia thành hai nhóm: trẻ em và người lớn. Đa số trường hợp phẫu thuật tại chỗ là cắt cơ nên rất nhẹ nhàng, rút ngắn cơ và khâu lại. Đó không phải phẫu thuật nội nhãn. Mổ lé không nặng nề, đây là phẫu thuật đơn giản chỉ gây tê tại chỗ nếu bệnh nhân là người lớn.

Đối với trẻ em phải gây mê, trẻ phải được nằm hồi sức sau phẫu thuật. Sau đó, chuyển trẻ ra trại nằm, bác sĩ sẽ theo dõi và trẻ có thể ra về sau 1-3 ngày. Còn người lớn không gây mê, chỉ gây tê, có thể ra về sau vài giờ.

Bị cận thị mổ lé có ảnh hưởng gì?

Nếu trước đó bệnh nhân có cận thị, viễn thị… thì mổ lé có tác động đến thị lực hay tật khúc xạ không ạ?

Khi phẫu thuật mắt, chúng ta chỉ tác động bên ngoài thôi, tác động lên những cơ kéo. Khi mổ, nó không liên quan đến nhãn cầu nên không ảnh hưởng gì đến thị lực.

Tuy nhiên, phẫu thuật nào cũng có tai biến hay biến chứng. Chẳng hạn như bác sĩ gây tê hoặc chích tê, họ sẽ đụng vào dây thần kinh của mắt. Dây thần kinh vận chuyển ánh sáng của mắt, đó là dây thần kinh thị giác, hoặc là bác sĩ phẫu thuật cắt ngắn cơ khâu lên thành nhãn cầu. Thỉnh thoảng những bác sĩ không có kinh nghiệm sẽ làm thủng nhãn cầu của bệnh nhân. Nếu thủng nhãn cầu của bệnh nhân, nó sẽ ảnh hưởng đến thị giác bệnh nhân.

Nói chung, thủng nhãn cầu là hiếm. Hiện tượng đó chỉ xảy ra khi có tai biến.

Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật lé?

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân về nhà nên chăm sóc mắt như thế nào, bao lâu có thể làm việc bình thường?

Công việc chăm sóc mắt ưu tiên nhất chính là bệnh nhân chống nhiễm trùng mắt. Bệnh nhân cần phải rửa mắt và vệ sinh mắt, uống thuốc theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ, đó là việc quan trọng nhất.

Vấn đề thứ hai là sinh hoạt, bệnh nhân cần hạn chế ra ngoài đường. Họ nên đeo kính chống nước, bụi bẩn làm dơ mắt.

Như vậy sinh hoạt của bệnh nhân hết sức bình thường. Bệnh nhân có thể xem truyền hình, ăn uống đi lại bình thường bởi vì đây không phải là phẫu thuật nội nhãn.

Bệnh lé có dễ tái phát không?

Sau phẫu thuật, tình trạng lé mắt có tái phát không, thưa BS?

Với bệnh nhân bị nhược thị, tức là đã bị hỏng một con mắt, nó sẽ bị lé (lác), ví dụ như bệnh nhân bị hư sẵn một con mắt, yếu sẵn hư sẵn. Sau này nó sẽ lé, mắt nhược thị nó gây ra lé. Vậy là bệnh nhân đó mổ chỉ là để làm cho thẩm mỹ thôi, đa số trường hợp đó sẽ tái phát bởi vì bác sĩ chỉnh cơ vận nhãn lại nhưng con mắt không sử dụng thì nó sẽ bị lé lại. Bản thân vì mắt không sử dụng nên nó bị lé, chỉnh nó lại nó vẫn không sử dụng được nên bản thân nó bị lé tiếp. Trường hợp tái phát là do lý do này nhiều nhất.

Còn trường hợp lé do điều tiết, lé mà do tật khúc xạ, bác sĩ sẽ chỉnh tật khúc xạ và phẫu thuật. Khi điều trị, bác sĩ sẽ cho người lớn và trẻ mang kính. Khả năng tái phát rất ít, nói chung khi đã can thiệp thì công việc phẫu thuật chỉ là việc cuối cùng. Đến khi tác động phẫu thuật, tật khúc xã đã chỉnh sẵn rồi, khả năng lé tái phát rất thấp, không đáng kể.

Trường hợp lé liệt ở người lớn, dây thần kinh bị tổn thương, bác sĩ sẽ đợi 6 tháng để bệnh nhân hồi phục một phần rồi lúc đó họ mới tiến hành mổ lé. Nếu mổ sớm quá, người bệnh có thể bị “hố”, hiểu nôm na là “việt vị” (tức là khi mắt người bệnh hồi phục nhưng cơ thể người đó bị tổn thương, chưa đủ thời gian hồi phục). Nếu mổ sớm trước 6 tháng, mắt sẽ bị lé ra. Do đó, các bác sĩ sẽ đợi từ 6 đến 12 tháng để mắt hồi phục, tức là con mắt này đâu ra đó và cơ thể cũng đã ổn định thì khi mổ mắt rất hiếm khi bị lé tái phát.

Với 20 năm kinh nghiệm trong nghề, BS có thể đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân sắp phẫu thuật mắt lé, giúp họ bớt lo lắng?

Tình trạng lé cần điều trị, nếu không điều trị mắt sẽ bị nhược thị, mắt sẽ bị yếu, chức năng thị giác kém, không tương đồng. Phẫu thuật là trường hợp bất đắc dĩ nhưng đó là bước cuối cùng mà các bác sĩ phải làm để điều chỉnh cho mắt tốt hơn. Nếu ở tình trạng như vậy, bắt buộc mọi người phải phẫu thuật.

Quy trình phẫu thuật rất đơn giản. Phẫu thuật chỉ cắt cơ xung quanh mắt để chỉnh thẳng lại. Phẫu thuật không đụng đến nhãn cầu nên bệnh nhân không cần lo sợ về việc giảm thị lực, gây mù.

Việc làm phẫu thuật không yêu cầu về độ tinh vi, cho nên thời gian mổ trung bình là 30 phút - 1 giờ.

Cho nên nếu bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, họ cũng nên an tâm. Bệnh lý có thể giải quyết được. Thời gian mổ ngắn và thời gian hậu phẫu cũng không có vấn đề gì.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X