Hotline 24/7
08983-08983

Phân biệt triệu chứng khó tiêu chức năng trong các bệnh lý tiêu hóa

Dù có những biểu hiện tương tự nhau, nhưng khó tiêu chức năng và trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích vẫn mang những đặc điểm riêng biệt và cần được chẩn đoán, điều trị đúng cách. ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành sẽ giúp bạn đọc AloBacsi hiểu rõ hơn về cách phân biệt, điều trị hiệu quả triệu chứng khó tiêu ở các bệnh lý này.

1. Khó tiêu là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lý tiêu hóa

Khi có triệu chứng đầy bụng khó tiêu, đi khám nhiều nơi, có nơi chẩn đoán khó tiêu chức năng, có nơi lại chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, nơi khác lại chẩn đoán hội chứng ruột kích thích. Vì sao lại có tình huống này, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành Thành - Phó khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) trả lời: Khó tiêu là một triệu chứng, có thể gặp trong nhiều bệnh lý của ống tiêu hóa hoặc cơ quan tiêu hóa. Các nhóm bệnh lý về trào ngược dạ dày, đặc biệt là trào ngược không điển hình cũng có thể xuất hiện triệu chứng khó tiêu.

Khó tiêu, đầy bụng là triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Trường hợp khác, bệnh nhân có biểu hiện khó tiêu khi bị viêm dạ dày, đầy bụng, chướng bụng.

Tình huống mỗi nơi chẩn đoán một bệnh là do sự chồng lấp giữa người bị khó tiêu chức năng với trào ngược dạ dày thực quản hoặc với hội chứng ruột kích thích. Sự chồng lấp này khiến việc nhận diện, điều trị rất khó khăn nếu không thể phân biệt đó là khó tiêu chức năng hay khó tiêu trong bệnh cảnh trào ngược không điển hình, khó tiêu trong hội chứng ruột kích thích.

Vì thế, khi xuất hiện triệu chứng khó tiêu kéo dài dai dẳng, tốt nhất là nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được đánh giá cụ thể. Bệnh nhân có thể thực hiện một số cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán chính xác bệnh lý, có hướng điều trị phù hợp nhất.

2. Bác sĩ tiêu hóa có chuyên môn để chẩn đoán chính xác khó tiêu chức năng

Về chuyên môn, để có thể chẩn đoán chính xác khó tiêu chức năng và các bệnh lý tiêu hóa khác, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng nào?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Đối với khó tiêu chức năng, chúng ta có tiêu chuẩn ROME IV dựa vào hội chứng khó chịu sau ănhội chứng đau thượng vị.

Khi bệnh nhân có cả 2 hội chứng vừa nêu, họ có thể được làm những xét nghiệm cơ bản như nội soi dạ dày để loại trừ khó tiêu do nguyên nhân khác trong bệnh lý dạ dày (trào ngược, viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày).

Một số trường hợp khác cần làm thêm siêu âm bụng để đánh giá tổn thương bất thường trong ổ bụng, ví dụ như gan, thận... Bệnh nhân có biểu hiện của bệnh lý gan mạn như xơ gan, viêm gan vẫn có thể xuất hiện triệu chứng khó tiêu.

Triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày thực quản không phải là khó tiêu mà là cảm giác trào ngược, nóng rát sau xương ức. Một số trường hợp trào ngược không điển hình chỉ xuất hiện triệu chứng khó tiêu đơn thuần, hoặc cảm giác nuốt nghẹn, nuốt vướng.

Dựa vào kinh nghiệm lâm sàng của người thầy thuốc cũng như khai thác thêm các yếu tố, sau đó mới xác định triệu chứng khó tiêu của bệnh nhân nằm trong bệnh cảnh trào ngược không điển hình hay khó tiêu chức năng.

Hiện nay các bác sĩ cũng dựa vào tiêu chuẩn ROME IV để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, hội chứng ruột kích thích có 4 thể, trong đó thể hỗn hợp có sự chồng lấp giữa các triệu chứng, đặc biệt là triệu chứng đầy bụng có phần nổi trội hơn.

Một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có thể dễ dàng chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân là hội chứng ruột kích thích đơn lẻ hay có sự chồng lấp giữa hội chứng ruột kích thích hoặc khó tiêu chức năng.

3. Trào ngược dạ dày và khó tiêu chức năng có thể chẩn đoán rõ ràng

Theo BS, có cần thiết phân biệt rõ khó tiêu chức năng và trào ngược dạ dày thực quản không? Hai bệnh này có nhiều triệu chứng tương đồng với nhau, nếu bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm, uống thuốc nhầm, triệu chứng có được cải thiện không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Trào ngược dạ dày và khó tiêu chức năng có thể dễ dàng chẩn đoán rõ ràng. Tuy nhiên một số ít vẫn có hiện tượng chồng lấp.

Khi bệnh nhân có biểu hiện chồng lấp giữa trào ngược và khó tiêu chức năng, bác sĩ sẽ phối hợp điều trị cả hai trường hợp để cải thiện triệu chứng.

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành cho biết, dù có những biểu hiện tương tự nhau, nhưng khó tiêu chức năng và trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích vẫn mang những đặc điểm riêng biệt và cần được chẩn đoán, điều trị đúng cách

4. Phác đồ điều trị tùy theo triệu chứng đau thượng vị hay khó tiêu xuất hiện nhiều hơn

Trong quá trình công tác, BS có từng tiếp nhận bệnh nhân nào mắc cùng lúc 3 bệnh: khó tiêu chức năng, trào ngược dạ dày thực quản và hội chứng ruột kích thích không?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Rất khó để xác định một bệnh nhân có quá nhiều bệnh. Ngay cả ở những bệnh nhân bị khó tiêu chức năng, triệu chứng khó chịu sau ăn (đầy bụng sau ăn) chiếm đến hơn 60%. Triệu chứng đau thượng vị chỉ chiếm khoảng 18 - 20%.

Phác đồ điều trị khó tiêu chức năng tùy theo triệu chứng đau thượng vị chiếm ưu thế hay triệu chứng khó tiêu chiếm ưu thế. Bệnh nhân có đau thượng vị được cho phép sử dụng nhóm thuốc PPI để điều trị kháng tiết axit dịch vị. Một số trường hợp bệnh nhân có biểu hiện trào ngược không điển hình, PPI cũng là nhóm thuốc giải quyết tình trạng này.

Chính vì thế, dựa vào từng cá thể bệnh nhân mà thầy thuốc sẽ quyết định cân nhắc phương pháp điều trị, nhằm có thể giải quyết cả trào ngược dạ dày thực quản và khó tiêu chức năng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X