Hotline 24/7
08983-08983

Phân biệt thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm cột sống

Thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm là những bệnh lý liên quan đến cơ xương khớp thường gặp, đặc trưng với những cơn đau nhức khó tả ở mỗi cử động của cơ thể. Đây là hai bệnh khác nhau nhưng phần lớn mọi người đều nhầm lẫn hai bệnh này là một. Trong bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin để bạn đọc hiểu rõ hơn và phân biệt hai bệnh lý về cơ xương khớp khổ biến này.

1. Tổng quan về thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm

a. Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp hay viêm khớp xương là tình trạng viêm khớp mạn tính thường gặp nhất. Khớp là nơi kết nối giữa hai xương với nhau. Các đầu của những xương này được bao phủ bằng mô bảo vệ được gọi là sụn. Với thoái hóa khớp, sụn này bị phá vỡ, làm cho xương trong khớp dính vào nhau. Tình trạng này có thể gây đau, cứng khớp và các triệu chứng khác.

               

Thoái hóa khớp xảy ra thường xuyên nhất ở người lớn tuổi, mặc dù tình trạng này có thể xảy ra với người trưởng thành ở mọi lứa tuổi. Thoái hóa khớp còn được gọi là bệnh viêm khớp.

b. Thoát vị đĩa đệm là gì?

Các đĩa đệm giữa các đốt sống bảo vệ xương bằng cách tiếp nhận lực từ các hoạt động hàng ngày như đi bộ, nâng vác vật nặng.

Mỗi đĩa đệm gồm hai phần: phần bên trong mềm và vòng ngoài cứng. Tổn thương hoặc suy yếu có thể làm cho phần bên trong của đĩa đệm nhô ra qua vòng ngoài. Tình trạng này được gọi là thoát vị đĩa đệm gây đau và khó chịu.

Nếu đĩa đệm bị trượt sẽ đè nén các dây thần kinh cột sống, khiến người bệnh bị tê và đau dọc theo dây thần kinh bị ảnh hưởng. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể sẽ cần phải phẫu thuật để loại bỏ hoặc sửa chữa đĩa đệm.

2. Nguyên nhân gây bệnh thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống

Việc phân biệt thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm rõ ràng rất quan trọng. Nhiều bệnh nhân vì nghĩ rằng hai bệnh này giống nhau nên trì hoãn thăm khám, cho rằng đây là lão hóa tự nhiên nên không cần can thiệp chữa trị dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe và khả năng vận động.

Theo chia sẻ từ bác sĩ chuyên khoa, thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống nói riêng hay các bệnh lý về cột sống, xương khớp nói chung đều do các nguyên nhân chung như:

- Tuổi tác: Cơ thể bắt đầu lão hóa, các đốt sống không còn hoạt động tốt như trước,... là nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa cột sống và lâu dần hình thành bệnh lý thoát vị đĩa đệm.

- Vận động, làm việc sai tư thế: Yếu tố khiến nguy cơ bị thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm tăng cao hơn chính là tư thế làm việc, vận động không đúng. Điều này duy trì lâu dài khiến đốt sống chịu nhiều áp lực và dần yếu hơn, dễ bị thoái hóa và đĩa đệm cũng bị tổn thương.

- Lười vận động: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người lười vận động và thường ngồi nhiều, ngồi lâu trong 1 tư thế rất có khả năng gặp vấn đề về xương khớp bởi khi này, quá trình tái tạo và trao đổi chất ở xương giảm, các khớp không được vận động dẫn đến kém linh hoạt.

- Cân nặng: Các nghiên cứu về nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống cho thấy, người thừa cân và béo phì có khả năng mắc bệnh cao hơn người bình thường đến 30%. Nguyên nhân là do cân nặng khiến cột sống chịu áp lực lớn hơn gây lão hóa sớm, dễ tổn thương và gây bệnh.

Xem thêm: Vì sao nhân viên văn phòng dễ gặp phải tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống?

3. Triệu chứng thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm

Phân biệt thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống dựa trên triệu chứng của 2 căn bệnh không quá khó, tuy nhiên, ở giai đoạn đầu khi bệnh chưa có biểu hiện rõ ràng, người bệnh có thể khó nhận biết đâu là bệnh thoát vị đĩa đệm và đâu là thoái hóa cột sống. Những triệu chứng đặc thù của thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống bao gồm:

a. Triệu chứng thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào. Tuy nhiên, các khu vực bị ảnh hưởng phổ biến nhất của cơ thể:

- Tay

- Đầu gối

- Hông

- Cột sống, thường ở cổ hoặc lưng dưới

Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm xương khớp bao gồm:

- Đau (khó chịu khi ấn vào vùng bị tổn thương bằng ngón tay)

- Cứng khớp

- Tình trạng viêm

Khi viêm khớp trở nên trầm trọng hơn, cơn đau sẽ trở nên dữ dội hơn. Theo thời gian, tình trạng sưng ở khớp và vùng xung quanh cũng có thể xảy ra. Nhận biết các triệu chứng của viêm khớp sớm có thể giúp người bệnh quản lý tốt hơn tình trạng này.

b. Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm

Có thể bị thoát vị đĩa đệm ở bất kỳ phần nào của cột sống, từ cổ đến lưng dưới. Sau đây là các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm:

- Đau và tê, phổ biến nhất ở một bên của cơ thể.

- Đau kéo dài đến cánh tay hoặc chân.

- Cơn đau ngày càng trầm trọng hơn hoặc với những cử động nhất định.

- Cơn đau càng trầm trọng hơn sau khi đứng hoặc ngồi.

- Đau khi đi bộ khoảng cách ngắn.

- Yếu cơ không rõ nguyên nhân.

- Cảm giác ngứa ran, đau hoặc rát ở vùng bị ảnh hưởng.

Các loại đau có thể khác nhau từ ngày này sang ngày khác. Người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu cơn đau dẫn đến tê hoặc ngứa ran, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cơ bắp.

4. Điều trị thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm

Nhìn chung, phương pháp chữa trị thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống có nhiều điểm tương đồng, phổ biến nhất là sử dụng thuốc kê đơn và phẫu thuật để chữa trị bệnh.

Hiện nay, các bác sĩ đang giảm dần liều dùng thuốc giảm đau cho hai bệnh lý trên bởi đây chỉ là biện pháp khắc phục cơn đau tạm thời, dùng lâu dài không tốt cho sức khỏe người bệnh. Thay vào đó là thực hiện phẫu thuật hoặc vật lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt,... để hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả nhất.

a. Điều trị thoái hóa khớp

Điều trị thoái hóa khớp chủ yếu là điều trị triệu chứng. Các phương pháp chữa thoái hóa khớp thường được chỉ định dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và vị trí. Thông thường, thay đổi lối sống, sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau (NSAIDs) như thuốc có hoạt chất diclofenac… và biện pháp khắc phục tại nhà sẽ đủ để giúp người bệnh giảm đau, cứng khớp và sưng.

Phương pháp điều trị tại nhà và thay đổi lối sống cho thoái hóa khớp bao gồm:

- Tập thể dục: Hoạt động thể chất tăng cường các cơ xung quanh khớp và có thể giúp giảm độ cứng của khớp. Vận động ít nhất 20 đến 30 phút mỗi ngày. Chọn các hoạt động nhẹ nhàng, có khả năng tác động thấp đến khớp, chẳng hạn như đi bộ hoặc bơi lội. Yoga cũng có thể cải thiện tính linh hoạt của khớp và giúp giảm đau.

- Giảm cân: Thừa cân có thể làm căng khớp và gây đau. Giảm cân giúp giảm áp lực này và giảm đau. Cân nặng khỏe mạnh cũng có thể làm giảm nguy cơ các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.

- Ngủ đầy đủ: Nghỉ ngơi có thể làm giảm sưng và viêm. Hãy tử tế với bản thân và đừng lạm dụng sức khỏe quá nhiều. Ngủ đủ giấc vào ban đêm cũng có thể giúp bạn kiểm soát cơn đau hiệu quả hơn.

- Liệu pháp nhiệt và lạnh: Bạn có thể áp dụng với liệu pháp nhiệt hoặc lạnh để giảm đau cơ và cứng khớp. Chườm lạnh hoặc nóng khi đau khớp trong 15 đến 20 phút nhiều lần trong ngày.

Những phương pháp này có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Xem thêm: Điều trị và phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

b. Điều trị thoát vị đĩa đệm

Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ khó chịu mà người bệnh đang trải qua và mức độ tổn thương của đĩa đệm.

- Tập thể dục: Hầu hết mọi người có thể giảm đau do thoát vị đĩa đệm bằng cách sử dụng một chương trình tập thể dục kéo dài và tăng cường cơ lưng và các cơ xung quanh. Bác sĩ vật lý trị liệu có thể hướng dẫn các bài tập giúp tăng cường sức khỏe của bạn trong khi giảm đau.

- Dùng thuốc: Dùng các thuốc kháng viêm giảm đau (NSAIDs) và tránh các cử động nặng gây đau đớn cũng có thể có tác dụng.

Nếu không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường, bác sĩ có thể kê toa những loại thuốc mạnh hơn.

- Vận động: Hãy cố gắng duy trì hoạt động thông qua các hoạt động kéo dài hoặc tác động thấp như đi bộ.

- Phẫu thuật: Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu các triệu chứng của người bệnh không giảm trong 6 tuần hoặc nếu đĩa đệm bị trượt ảnh hưởng đến chức năng cơ.

Bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ phần đĩa đệm bị hỏng hoặc nhô ra khỏi cột sống mà không cần tháo toàn bộ đĩa đệm. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể thay thế đĩa đệm bị tổn thương bằng đĩa đệm nhân tạo hoặc tháo đĩa đệm và kết hợp các đốt sống với nhau. Phương pháp này làm tăng sự ổn định cho cột sống của người bệnh.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X