Hotline 24/7
08983-08983

Ở trong nhà vẫn bị ảnh hưởng bởi bụi mịn, ô nhiễm không khí

Theo PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM, bụi mịn khi đi vào máu sẽ tác động đến tất cả cơ quan trong cơ thể, đặc biệt nghiệm trọng cho phụ nữ mang thai, trẻ em và người cao tuổi. Đáng chú ý, ngay cả khi bạn ở trong nhà, nơi làm việc vẫn đứng trước nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe bởi ô nhiễm không khí.

1. Báo động ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người

Trước tiên, nhờ BS chia sẻ về thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay tại khu vực, tỉnh thành có các khu công nghiệp ra sao? So với những giai đoạn trước, chất lượng không khí hiện nay ra sao?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Trái đất càng ngày càng nóng lên và độ ẩm ngày càng tăng cao do lũ lụt, mưa bão, nước biển dâng, cùng với đó là sự phát triển công nghiệp, xe hơi, đặc biệt ở Việt Nam có rất nhiều loại xe gắn máy, từ đó nhiều loại khí độc thải vào không khí.

Ví dụ như nitric oxide, sunfua dioxide khi tác động cùng ánh sáng mặt trời sinh ra yếu tố cực độc khác là ozone. Bên cạnh đó các nhà máy công nghiệp sản xuất ra các khói, bụi, khí độc, vì vậy chất lượng không khí tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như ở Hà Nội, TPHCM luôn ở mức kém. Đây là vấn đề đáng báo động vì gây ra rất nhiều bệnh lý cho cả trẻ em, người lớn, người cao tuổi.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy môi trường ô nhiễm như hiện nay còn tác động lên cả phụ nữ mang thai. Đó là các thông tin cho con người thấy cần có các biện pháp để bảo vệ sức khỏe của mình.

2. Trẻ em chịu tác động bởi ô nhiễm không khí nhiều hơn người lớn

Những nguyên nhân nào đưa đến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các nơi có khu công nghiệp phát triển như vậy ạ? Không khí bị ô nhiễm, các mầm bệnh nào trong đó là đáng lo nhất, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Các nhà máy, rác thải, xe động cơ như xe hơi, xe gắn máy, các công nghệ sử dụng trong nhà đều gây ra bụi mịn, hạt độc, khí độc. Những vùng phơi nhiễm trực tiếp sẽ bị tác động đầu tiên đó là tai mũi họng, hệ hô hấp.

Những đợt ô nhiễm tăng cao, các cơn hen kịch phát, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính kịch phát phải nhập viện sẽ xuất hiện 1 ngày sau khi gia tăng độ ô nhiễm không khí. Khi hệ hô hấp bị tác động, tuần hoàn sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể là ô nhiễm không khí đã làm tăng số lượng tiểu cầu ở trong mạch máu. Tiểu cầu gia tăng dẫn đến nguy cơ các cục máu đông gia tăng, đột quỵ, đột tử do tim mạch xuất hiện nhiều hơn.

Đối với người già, các hạt bụi mịn, hạt độc, khí độc làm tăng khả năng bị alzheimer, suy giảm nhận thức. Với phụ nữ mang thai có nguy cơ bị sản giật, sinh non tới 8% trong một nghiên cứu kéo dài 10 năm tại Hàn Quốc.

Vì vậy các tác động từ ô nhiễm không khí vô cùng to lớn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm nhiều đến trẻ, do nhóm tuổi này hoạt động nhiều, tần suất hô hấp rất nhanh và chiều cao thấp, do đó trẻ sẽ hít phải bụi nhiều hơn người lớn, từ đó ảnh hưởng lên sự phát triển của trẻ con, các bệnh lý dị ứng, đặc biệt là hen suyễn và viêm mũi dị ứng.

3. Tất cả các hệ thống trong cơ thể chịu ảnh hưởng lớn nếu hạt bụi độc vào máu

Bụi mịn là một tác nhân phổ biến và nguy hiểm trong không khí bị ô nhiễm. Nhờ BS đề cập cụ thể hơn, bụi mịn tại những khu vực có khu công nghiệp thì có khác biệt so với những vùng khác? Bụi mịn ở khu vực có khu công nghiệp thường là những loại nào? Trong đó, loại nào là thường gặp nhất và gây nguy hại nhất mà chúng ta cần đề phòng ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Ví dụ khi so sánh một khu công nghiệp trong nội thành  TPHCM với khu công nghiệp tại Cần Giờ sẽ thấy sự khác biệt to lớn về nồng độ các chất như nitrogen oxide, nitrogen dioxide, sunfua dioxide, ozone và bụi mịn.

Trong đó, bụi mịn được chia làm 3 loại: bụi thô > 10 micromet, bụi mịn là 2,5 micrometbụi cực mịn là 0,1 micromet. Mặc dù đường hô hấp được trang bị một hệ thống lọc và chặn các loại bụi rất cẩn thận, ví dụ hít vào bằng mũi sẽ có các xoắn mũi, lông mũi, niêm mạc mũi, chất nhầy, bụi chỉ cần đi ngang vùng mũi đã chặn được các hạt trên 10 micromet. Do đó cần lưu ý luôn luôn hít thở bằng mũi để chặn được các hạt lớn hơn 10 micromet.

Đi xuống sâu hơn có vòng waldayer bao gồm amidan vùng hầu họng, vùng lưỡi và màng bạch huyết chằng chịt ở vùng hầu họng. Nhờ vùng này, khi không khí xuống tới lách thanh môn sẽ gần như vô trùng. Đó là tình trạng lý tưởng, còn những mơi bị ô nhiễm quá cao như các khu công nghiệp sẽ không chắc chắn được các vấn đề đó.

Như vậy, thông thường những hạt từ 5 micromet tới 2 micromet có khả năng xuống tới đường dẫn khí, cơ thể tiếp tục trang bị những cơ chế khác. Trong đó có một hệ thống lông chuyển chất nhầy thường xuyên hoạt động đưa đàm với các loại bụi lên trên vùng hầu họng để khạc bỏ ra ngoài, hệ thống này sẽ đi được 10 mm/giờ.

Ngoài ra, nếu hít phải nhiều bụi sẽ có phản xạ ho, hắt hơi để tống các bụi đi ra ngoài, cuối cùng đơn vị hệ hô hấp sẽ bảo vệ chặt chẽ các phế nang. Các phế nang là những túi khí nhận oxy và thải CO2, đây là một cơ chế sinh tồn của cơ thể, diện tích của phế nang là 90 m², bằng một sân đấu tennis và luôn luôn được làm sạch sẽ bởi các đại thực bào, nhưng nếu có các hạt nhỏ hơn 2 micromet sẽ vào tới phế nang, còn nếu nhiều quá sẽ quá tải thực bào, từ đó có một phần thông qua phế nang đi vào máu.

Vì vậy có một tác động rất nguy hiểm, ví dụ như một trường hợp là thợ nhuộm nhưng bị ung thư bàng quang, bởi vì các khí độc, hạt độc nhỏ hơn 2 micromet đã đi vào được phế nang, xuyên qua phế nang đi vào máu và đi khắp nơi trên cơ thể, do đó những tác động của bụi mịn, đặc biệt là nhỏ hơn 2 micromet vô cùng nguy hiểm. Như vậy khi hạt bụi này đi vào máu, tất cả các hệ thống trong cơ thể đều chịu tác động từ tim mạch, thần kinh, hô hấp đến tiêu hóa, các cơ quan sinh sản.

4. Bụi mịn có thể gây nguy hiểm tính mạng cho phụ nữ mang thai, suy giảm trí nhớ

Cụ thể hơn, khi hít thở thường xuyên trong môi trường bụi mịn này, sức khỏe của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Nhất là với tương lai của trẻ, sức khỏe sinh sản của cả hai giới và người bệnh mạn tính, người lớn tuổi ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Hàng ngày, chúng ta có thể theo dõi Air Quality Index (AQI) (chỉ số chất lượng không khí) được phân loại rõ mức độ an toàn, mức độ bình thường, mức độ rất xấu và có nguy hại cho sức khỏe. Những đánh giá này cho thấy với nồng độ của không khí, bụi mịn trong một mức độ nào đó sẽ ảnh hưởng lên sức khỏe con người.

Mặc dù hệ hô hấp đã được trang bị rất kỹ từ lỗ mũi trước xuống dưới phế nang nhưng điều gì cũng có giới hạn. Nếu con người sống trong vùng bị ô nhiễm vượt quá ngưỡng và xảy ra các vấn đề như sau:

Thứ nhất đi xuyên qua phế nang, vào máu và gây tác động đến tất cả các hệ thống trong cơ thể.

Thứ hai, nguy hiểm hơn là nếu bắt đại thực bào (nghĩa là các tế bào di chuyển hết 90 m² trong đường hô hấp, phế nang để bắt các vật thể lạ) làm việc quá tải sẽ chết và hóa xơ, thậm chí có thể gây xơ phổi nếu con người làm việc trong môi trường ô nhiễm liên tục. Điều này có thể thấy rõ ở những người làm việc trong mỏ đá, khai thác vàng, thường xuyên tiếp xúc với silic, nguy cơ xơ phổi sẽ cao hơn và công nhân là những người chịu tác động lớn nhất trong nghề nghiệp của họ.

Còn đối với người sống trong vùng ô nhiễm, nhất là những nhóm trẻ em, phụ nữ mang thai và người già sẽ nguy hiểm hơn bởi vì hệ thống miễn dịch, hệ thống bảo vệ chưa phát triển đủ hoặc đã bị suy giảm.

Đối với trẻ em, vui chơi và chạy nhảy nhiều, chiều cao thấp nên khả năng bị hít phải nồng độ bụi rất cao. Đối với phụ nữ mang thai sẽ gây tiền sản giật, sản giật, cao huyết áp đẩy tới những đợt sinh non, trẻ nhẹ cân và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ.

Một vấn đề ít nghĩ tới là bụi mịn có thể làm giảm khả năng tập trung, giảm khả năng nhận thức, thậm chí dẫn đến tình trạng alzheimer.

5. Con người có thể chịu tác động sức khỏe từ bụi mịn kể cả khi ở trong nhà

Các công nhân thường có xu hướng lựa chọn nơi ở gần khu công nghiệp để thuận tiện đi lại, làm việc. Khi sinh sống tại khu vực có bụi mịn cao, khả năng bụi mịn len lỏi vào nhà, bám dính vào các dụng cụ-vật dụng trong gia đình và chờ cơ hội gây hại sức khỏe ra sao, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: 90% thời gian con người ở trong nhà hoặc trong nhà máy, nồng độ bụi mịn, chất độc trong nhà có rất nhiều, thời gian tiếp xúc lâu làm tác động lên hệ hô hấp, tim mạch, thần kinh, các cơ quan khác đều bị ảnh hưởng.

Nguy cơ bụi mịn luôn xuất hiện trong nhà, nhà máy làm việc, hoặc nơi ở gần nhà máy, nồng độ bụi sẽ len lỏi khắp nơi, từ nhà máy sản xuất ra, trên đường phố len lỏi vào nhà, vì vậy kể cả khi ở trong nhà con người vẫn đứng trước nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe bởi ô nhiễm không khí. 

Phần 2: Lựa chọn máy lọc không khí: Ưu tiên màng lọc HEPA, tạo được ion để loại bỏ bụi siêu mịn

Phần 3: Máy lọc không khí trang bị đủ màng lọc sẽ loại bỏ được bụi mịn, mùi, dị nguyên

Trân trọng cảm ơn PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan và LG Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X