Hotline 24/7
08983-08983

Những thói quen ăn uống nào đưa bạn đến gần với đột quỵ?

Đột quỵ không chỉ là một căn bệnh ở người cao tuổi mà đang dần tấn công người trẻ tuổi một cách bất ngờ. Tuy nhiên chỉ cần thay đổi thói quen ăn uống và lối sống cũng giảm thiểu đáng kể nguy cơ này. BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, BV quận Bình Thạnh sẽ hé mở bí quyết dinh dưỡng phòng ngừa đột quỵ.

1. Ăn đúng bữa và cân bằng, đa dạng các yếu tố dinh dưỡng để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ

Thưa BS, 80% nguy cơ đột quỵ có thể phòng ngừa nếu có lối sống, sinh hoạt và chế độ ăn dinh dưỡng lành mạnh. Vậy chúng ta nên ăn uống thế nào là hợp lý ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đột quỵ là tình trạng không mong muốn đối với người thân và người bệnh. Do đó chúng ta nên phòng ngừa, vì ông bà có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Thứ nhất, stress là một trong những yếu tố quan trọng gây tai biến mạch máu não (đột quỵ). Vì vậy, chúng ta cần cân bằng giữa lối sống, sinh hoạt, công việc, điều hòa áp lực trong cuộc sống, không để nó tạo ra gánh nặng quá nhiều.

Thứ hai, chúng ta cần rèn luyện thể lực để có sức chịu đựng tốt và có sự sự dẻo dai khi làm việc.

Thứ ba, chúng ta cần để ý đến chế độ ăn. Cần cân bằng các yếu tố dinh dưỡng giữa chất đường, chất đạm và chất béo. Trong bữa ăn nên ăn đa dạng tinh bột, thịt cá và bổ sung rau, trái cây tươi. Bên cạnh đó, các bạn trẻ thường có lối sống quá bận rộn nên hay bỏ bữa. Điều này không những tăng nguy cơ đột quỵ mà còn gây viêm loét dạ dày tá tràng. Vì vậy, cần ăn đúng bữa và bổ sung các loại thực phẩm, rau quả tươi trong chế độ ăn.

2. Giảm lượng muối, bổ sung rau quả tươi có nhiều kali để ngừa nguy cơ đột quỵ

Thưa BS, chúng ta nên tránh ăn thực phẩm nào để ngừa đột quỵ, đặc biệt là người có bệnh lý nền như tim mạch, đái tháo đường và cao huyết áp ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Hiện tại, người Việt Nam đang ăn khẩu phần muối khá cao, gấp 2-3 lần so với nhu cầu khuyến nghị. Vì vậy chúng ta nên giảm lượng muối trong chế độ ăn. Đầu tiên cần lựa chọn thực phẩm ít natri, hạn chế khô, cá mặn, các loại mắm, dưa muối... Bên cạnh đó là bổ sung rau quả tươi chứa nhiều kali, có nhiều nhất trong chuối, táo, ổi, lê... Ngoài ra, cần tập luyện thể dục, thể thao để thành mạch máu bền hơn, phòng ngừa đột quỵ tốt hơn.

3. Hạn chế sử dụng muối và các loại nước chấm trong lúc ăn

Thưa BS, một vấn về người Việt hay gặp phải là trên bàn ăn, bàn tiệc luôn có chén nước chấm, chén muối chấm kèm theo. BS đánh giá vấn đề này thế nào và chúng ta nên làm sao để cải thiện ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đây là thói quen ăn uống của nhiều người. Ngoài lựa chọn nguyên liệu tươi như đã chia sẻ, trong quá trình chế biến cần hạn chế tối đa việc tẩm ướp. Chúng ta chỉ cần chế biến đơn giản như luộc, hấp, xào, chiên ít dầu. Trong quá trình ăn, cần hạn chế sử dụng muối và các loại nước chấm thêm. Chỉ nên chấm nhẹ chứ không nhúng hết phần đồ ăn vào nước chấm. Bên cạnh đó, thay vì sử dụng chén lòng sâu chứa nước chấm, chúng ta nên sử dụng dĩa có bề phẳng, khi chấm sẽ không thấm quá nhiều vào đồ ăn. Tuy nhiên cách tốt nhất vẫn là nên hạn chế, kiểm soát không chấm quá nhiều trong quá trình ăn.

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư khuyên nên hạn chế chấm quá nhiều trong lúc ăn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

4. Detox có làm giảm nguy cơ đột quỵ không?

Thưa BS, detox có khả năng giảm nguy cơ đột quỵ không ạ? Nếu có, chúng ta nên sử dụng sao cho đúng ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Hiện nay detox đang là trào lưu, nếu xét về khía cạnh dinh dưỡng thì detox tốt. Vì khi detox, chúng ta sẽ uống nhiều loại nước ngâm quả tươi, và thường sử dụng ít nhất 2-3l nước/ngày. Điều đó đồng nghĩa là chúng ta uống nước nhiều hơn, thay vì uống nước thông thường không cảm thấy ngon, không có vitamin thì uống detox giúp chúng ta uống nhiều nước hơn.

Tuy nhiên, có một số trào lưu chỉ uống nước mà không ăn gì trong mấy ngày liền, điều này không nên vì sẽ làm tổn thương đường ruột, trái ngược với hệ thống tiêu hóa. Vì vậy, chúng ta có thể uống detox dưới sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ điều trị để kiểm soát sức khỏe và có kế hoạch detox hợp lý.

Chúng ta ta có thể uống sinh tố, nước ép, nước trái cây ngâm hằng ngày nhưng phải ăn uống đầy đủ. Bên cạnh đó phải tập luyện, đa dạng chế độ ăn, bổ sung hoa quả tươi. Không nên chỉ sử dụng detox hoặc thụt tháo một cách không khoa học mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

5. Bí quyết ăn uống để phòng ngừa đột quỵ tái phát

Thưa BS, đối với người đã từng đột quỵ nên có chế độ dinh dưỡng thế nào để tránh tái phát ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Người có tiền sử đột quỵ, trong chế độ ăn uống thường là liên quan đến vấn đề natri, nghĩa là ăn nhiều muối. Bên cạnh đó cũng có thể liên quan đến stress hoặc các vấn đề bất thường khác đưa đến nguy cơ của đột quỵ và sau đó là đột quỵ thực sự. Vì vậy, chúng ta cần xác định yếu tố nguy cơ đó là gì. Sau đó hãy điều chỉnh yếu tố nguy cơ đó, giảm thấp nhất và tốt nhất là loại bỏ nó.

Ngoài ra cần điều chỉnh lối sống, cách sinh hoạt và ăn uống như hạn chế natri, hạn chế chấm nước chấm, hạn chế tẩm ướp, lưu ý trong chế biến mới có thể phòng ngừa tái phát đột quỵ. Muốn làm được điều này phải có sự hỗ trợ của nhân viên y tế để xem lại khẩu phần 24 giờ, thói quen sinh hoạt trước đây. Về cơ bản, chúng ta cần ăn đúng bữa, đa dạng, bổ sung trái cây tươi, cố gắng luyện tập để hồi phục chức năng.

6. Một số lưu ý khác để phòng tránh đột quỵ

Thưa BS, ngoài vấn đề ăn uống hợp lý, cân bằng và lựa chọn thực phẩm an toàn, chúng ta có cần lưu ý gì thêm để tránh đột quỵ không ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đối với bệnh nhân đã đột quỵ có yếu tố nguy cơ về não, tim mạch, cần xác định yếu tố nguy cơ để giảm thiểu tác hại của nó. Bên cạnh đó là điều chỉnh lối sống, sinh hoạt lành mạnh như ăn, ngủ đúng giờ, tập luyện thể thao ít nhất 5 ngày/tuần. Về dinh dưỡng, nên ăn đúng bữa và đa dạng thực phẩm gồm 4 nhóm thực phẩm cơm, thịt cá, rau quả tươi hoặc sử dụng các loại hạt. Tuy nhiên nên lựa chọn hạt tươi hoặc hạt rang không có muối để giảm natri trong chế độ ăn.

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư – Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện quận Bình Thạnh

7. Người trẻ cần rèn luyện thể lực và lập kế hoạch cho lối sống để hạn chế nguy cơ đột quỵ

Nhờ BS gửi vài lời khuyên đến các bạn trẻ để hạn chế nguy cơ đột quỵ ạ!

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Khi còn trẻ, chúng ta thường ỷ vào sức mình, làm hết sức lực không kể ngày đêm. Do đó, các bạn trẻ phải chăm sóc sức khỏe của mình từ bây giờ. Một khi đột quỵ đã xảy ra sẽ để lại di chứng và ảnh hưởng đến cuộc sống, làm mất đi sức khỏe, chúng ta không thể làm việc tốt như trước.

Thứ nhất, các bạn nên rèn luyện thể lực, ít nhất 3-5 ngày/tuần.

Thứ hai, nên lên kế hoạch cho lối sống như giờ làm việc, giờ ăn, giờ ngủ, giờ chuẩn bị bữa ăn. Việc chuẩn bị bữa ăn không quá phức tạp, chúng ta chỉ cần để rau quả tươi trong tủ lạnh, khi về có thể nấu cơm trong lúc dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh cá nhân. Về chất đạm, bạn có thể chế biến đơn giản như thịt luộc, thịt kho, cá kho và dùng với rau tươi đã đủ tốt. Quan trọng bạn phải lập kế hoạch cho một ngày, một tuần, một tháng của mình. Khi sống có kỷ luật thì bạn sẽ điều tiết cuộc sống rất tốt. Bên cạnh đó, khi lập kế hoạch bạn còn tiết kiệm được nhiều chi phí. Vì một bữa ăn ngoài có chi phí cao hơn tự nấu ăn tại nhà. Mong rằng các bạn quý trọng sức khỏe, vì bảo vệ chính mình cũng chính là bảo vệ cho ông bà, cha mẹ của chúng ta.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X