Những thành tựu và bước tiến mới trong lĩnh vực Sản phụ khoa tại TPHCM
Vì sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng y tế, sánh vai với các nước trong khu vực, những năm qua, ngành Sản phụ khoa luôn cập nhật và ứng dụng y học hiện đại, y học chứng cứ, cải tiến chuyên sâu. Với sự cố găng miệt mài đó, ngành Sản phụ khoa TPHCM đã đạt được một số thành tựu nhất định trong xét nghiệm, chẩn đoán và can thiệp tiền sản, phẫu thuật nội soi, hỗ trợ sinh sản…
Hội nghị Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM do Hội Y học TPHCM phối hợp Sở Y tế TPHCM tổ chức vào ngày 17/6/2023. Đây là lần đầu tiên Ngành y tế Thành phố tổ chức Hội nghị khoa học với sự tham gia của tất cả các chuyên gia hàng đầu của tất cả các chuyên ngành trong lĩnh vực y tế thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập, tư nhân, và các trường Đại học thuộc khối ngành sức khỏe trên địa bàn Thành phố. Hội nghị có 80 bài báo cáo thuộc 8 chuyên đề hấp dẫn diễn ra trong một ngày.
Trong đó, “Phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong chăm sóc sức khỏe trẻ em – Nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ Việt Nam” là 1 trong các chuyên đề hấp dẫn của hội nghị, gồm có 2 phiên. Phiên 1 tập trung về “Phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong chăm sóc sức khỏe trẻ em”, và phiên 2 bàn luận trọng tâm vào “Nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ Việt Nam”. Với 8 bài báo cáo, nội dung trong phiên Sản phụ khoa tập trung vào các kỹ thuật mới, hiện tại đã và đang được áp dụng, điều trị thành công tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố.
Những kỹ thuật tiên tiến trong điều trị vô sinh hiếm muộn
Một chủ đề rất nhiều người quan tâm hiện nay được ThS.BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức trình bày - “Thụ tinh trong ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng”.
Thạc sĩ thông tin, nuôi trưởng thành noãn (IVM) là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Trong đó, noãn được lấy từ những nang noãn nhỏ, nuôi trưởng thành bên ngoài cơ thể, do đó không cần phải tiêm hormone để kích thích buồng trứng hay kích thích trưởng thành noãn.
Tuy nhiên, các kết quả IVM từ 1991 đến gần đây đều kém hơn so với TTTON cổ điển. Kỹ thuật IVM đã được áp dụng tại một số bệnh viện ở Việt Nam từ năm 2006. Đến năm 2017, phác đồ IVM cải tiến, với tên gọi là CAPA-IVM hoặc biphasic IVM (IVM nuôi cấy 2 pha) đã được áp dụng để cải thiện kết quả IVM.
Chuyên gia chia sẻ, một nghiên cứu đã được nhóm chuyên gia Bệnh viện Mỹ Đức thực hiện ở Việt Nam, theo dõi sự phát triển thể của trẻ sinh ra từ kỹ thuật CAPA-IVM với trẻ sinh ra từ TTTON cổ điển có kích thích buồng trứng, đến trên 2 tuổi, kết quả cho thấy 2 nhóm trẻ phát triển tương đương. Nhóm tiếp tục một nghiên cứu khác, so sánh sự phát triển của trẻ sinh ra từ CAPA-IVM và trẻ sinh tự nhiên, cũng cho thấy không có sự khác biệt.
Ông cho rằng, sự thành công của CAPA-IVM được xem là một cải tiến ý nghĩa trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trên thế giới. Thực tế trong những năm gần đây, bệnh viện đã được mời báo cáo về kỹ thuật mới này tại nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế uy tín.
Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Mỹ Đức cùng các đối tác quốc tế đã công bố hơn 10 bài báo trên các tạp chí khoa học có ảnh hưởng cao, về kỹ thuật IVM cải tiến. Nhóm nghiên cứu ở Việt Nam hiện đang đi đầu thế giới về kỹ thuật TTTON không kích thích buồng trứng. Gần đây, Bệnh viện Mỹ Đức tiếp nhận nhiều đoàn chuyên gia từ Châu Âu, Úc, Mỹ, Châu Á… đến tham quan và học tập về kỹ thuật IVM cải tiến.
Cũng đề cập đến kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn, trong bài báo cáo “Đánh giá hiệu quả của kỹ thuật tiêm tinh tử (ROSI, ELSI) so với tiêm tinh trùng (ICSI) trong điều trị vô sinh cho nam giới vô tinh không do bế tắc (NOA)”, BS.CK1 Vũ Đình Tuân - Phó Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương cho biết, Theo WHO năm 2028, 15% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản bị vô sinh. Trong đó 50% nguyên nhân là do nam giới.
Hiện nay, có khoảng 1% nam giới không có tinh trùng khi tinh dịch, định nghĩa là vô tinh. Trong đó, vô tinh không do tắc (NOA) chiếm 60% trường hợp là dạng vô sinh nam nghiêm trọng nhất. Nam giới mắc NOA buộc phải sinh thiết tinh hoàn để tìm tinh trùng. Chỉ khoảng 50% nam giới NOA có tinh trùng sau sinh thiết, 50% còn lại phải xin tinh trùng hoặc con nuôi từ người khác.
Chính vì vậy, nhiều nghiên cứu thử sử dụng kỹ thuật tiêm tinh tử như tinh tử tròn (ROSI) hoặc tinh tử kéo đuôi (ELSI) vào trứng để hy vọng thụ tinh và mang thai. Tinh tử là tinh trùng chưa trưởng thành nhưng chứa bộ NST đơn bội như tinh trùng.
Bác sĩ cho biết, sau khi chọn ra những cặp vợ chồng đủ điều kiện trong 99 nam giới thực hiện sinh thiết tinh hoàn tìm tinh trùng. Nhóm chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu và cho ra kết quả thụ tinh thành công ở phương pháp ROSI là 31,0%, ELSI là 67,7%, thấp hơn so với ICSI đạt 77,2%. Theo đó, tỷ lệ có thai của ROSI là 3,3%, thấp hơn nhiều so với ELSI (42,9%) và ICSI (55,6%). Tuy nhiền, cả 3 nhóm đều có thai bình thường và sinh sống.
Vị chuyên gia nhận định, ROSI cho kết quả có thai thấp nhưng phương pháp ELSI rất hứa hẹn và có thể coi là phương pháp điều trị vô sinh thay thế trong trường hợp không có tinh trùng.
Một chủ đề hấp dẫn cũng trình bày về vấn đề trên - “Trữ mô buồng trứng hướng đến ghép tự thân: Một bước tiến trong bảo tồn chức năng sinh sản”, TS.BS Lê Thị Minh Châu - Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, trữ mô buồng trứng (TMBT), một bước tiến mới trong chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, là một biện pháp bảo tồn giao tử và cả chức năng nội tiết sinh sản. Tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có công bố chính thức nào về vấn đề “sự sống thật sự” của mô buồng trứng người sau trữ- rã đông.
Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ đã tiến hành thực hiện kỹ thuật TMBT thông qua “nghiên cứu bảo quản mô buồng trứng người Việt Nam bằng phương pháp đông lạnh”. Đây là nghiên cứu được đăng ký tại Sở Khoa Học Công Nghệ TPHCM với sự kết hợp với Viện Tế Bào Gốc TPHCM và Đại học Y Phạm Ngọc Thạch TPHCM trong việc xác định và đánh giá kết quả.
Kết quả tất cả các mảnh mô ghép chuột đều có tăng sinh mạch máu đại thể, tất cả mảnh mô đều có biểu hiện dương tính với các markers AMH (antimullerian hormone chất tiết tế bào hạt nang noãn), CD31 (dấu ấn chỉ sự tăng sinh mạch) Ki67 (dấu ấn chỉ sự tăng sinh tế bào).
Qua trình bày nghiên cứu, nữ chuyên gia kết luận, kỹ thuật trữ mô buồng trứng có thể thực hiện thành công tại Việt Nam, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, thêm một chọn lựa BTSS phục vụ cho người điều trị tại Việt Nam.
VABB dưới siêu âm là lựa chọn ưu tiên trong điều trị u vú lành tính
BS.CK2 Nguyễn Trần Bảo Chi - Phó khoa Nhi, Bệnh viện Hùng Vương mang đến phiên Sản phụ khoa chủ đề “Hiệu quả và tính an toàn sinh thiết vú dưới dưới hướng dẫn siêu âm với hỗ trợ hút chân không trong xử trí tổn thương vú tại Bệnh viện Hùng Vương”.
Bác sĩ cho biết, ung thư vú là ung thư thường gặp nhất ở nữ. Phát hiện giai đoạn sớm giúp giảm tỷ lệ tử vong. Tầm soát ung thư vú được đẩy mạnh, việc sinh thiết chẩn đoán các tổn thương với hỗ trợ hình ảnh học cũng tăng cao.
Kỹ thuật chọc hút tế bào kim nhỏ (FNA) và sinh thiết kim lõi (CNB) đã được sử dụng rất lâu, còn sinh thiết vú với hỗ trợ chân không (VABB) là phương pháp mới. Nhiều nghiên cứu cho thấy VABB tăng độ chính xác chẩn đoán so với FNA và CNB. VABB dưới siêu âm được dùng thay thế sinh thiết mở đối với tổn thương dạng khối và mổ cắt u đối với tổn thương lành tính.
Nghiên cứu trên 30 ca thí điểm tại bệnh viện Hùng Vương, 05/01/2021 – 05/02/2021, VABB phát hiện 2 ca ung thư ống tuyến vú tại chỗ, làm rõ kết quả giải phẫu bệnh các ca FNA không xác định hoặc CNB thuộc nhóm tăng nguy cơ; 90% ca đau mức độ nhẹ (1-3 điểm VAS), 10% đau vừa và đều hết trong lúc sinh thiết qua gây tê tại chỗ với bộ phận chuyên biệt; 100% không sót u sau 1 tuần; 20% bầm da, 20% tụ dịch, 6,7% khối máu tụ, không có biến chứng nặng.
Qua nghiên cứu, vị chuyên gia nhận định, VABB dưới siêu âm là phương pháp an toàn, thẩm mỹ trong chẩn đoán chính xác tổn thương vú và là lựa chọn ưu tiên trong điều trị u vú lành tính cho người bệnh.
Truyền máu cho bào thai: Bước tiến mới trong can thiệp bào thai
Đây là chủ đề của bài báo cáo được BS.CK2 Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ trình bày trong hội nghị. Những tiến bộ trong y khoa ngày nay đã giúp chúng ta tầm soát và chẩn đoán sớm những bất thường của thai. Đặc biệt, khảo sát sâu bằng siêu âm giúp chẩn đoán không xâm lấn một cách chính xác tình trạng thai thiếu máu nặng.
Vị chuyên gia cho biết, can thiệp trong tử cung là một phần tất yếu của y học hiện đại, đặc biệt là lĩnh vực y học bào thai. Truyền máu bào thai để điều trị thai nhi thiếu máu cũng là một kỹ thuật khó mà Bệnh viện Từ Dũ đặt trọng tâm thực hiện.
BS.CK2 Trịnh Nhựt Thư Hương nhấn mạnh, việc xử trí truyền máu như một biện pháp điều trị cho tình huống phù thai càng ngày càng được y văn chứng minh có hiệu quả cải thiện sống còn cho thai, thay vì chấm dứt thai kỳ ở một tuổi thai non tháng, vốn đặt thai nhi vào tính huống gần như hoàn toàn tử vong sau sanh.
Tháng 4 năm 2017 Bệnh viện Từ Dũ đã tiến hành ca truyền máu bào thai lần đầu tiên. Trong năm 2022, bệnh viện tiếp tục tiến thêm một bước là thực hiện truyền máu trong song thai, để giải quyết các biến chứng của song thai và đã đạt kết quả tốt.
Xu hướng điều trị can thiệp trong Sản phụ khoa giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian
Nối tiếp phiên báo cáo với chủ đề “Điều trị can thiệp tối thiểu trong bệnh phụ khoa”, BS.CK2 Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, trong bệnh lý Sản phụ khoa có rất nhiều can thiệp liên quan đến thủ thuật và phẫu thuật, xu hướng điều trị bệnh trong ngày rất được ưa chuộng nhằm giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân cũng như thông qua đó, nâng cao chất lượng điều trị của bác sĩ đặc biệt lĩnh vực như kế hoạch gia đình, phẫu thuật nội soi và kỹ thuật xâm lấn trong tử cung.
Tại bệnh viện Hùng Vương trong những năm qua đội ngũ y bác sĩ luôn tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng kĩ thuật hiện đại mà thông qua đó góp phần không nhỏ trong việc nâng cao điều trị can thiệp tối thiểu bệnh lý phụ khoa như: phá thai nội khoa, thai bám vết mổ cũ, nội soi 3D, nội soi một lỗ vào ổ bụng.
Phẫu thuật “cố định vào mỏm nhô” là tiêu chuẩn “vàng” trong điều trị sa tạng chậu
Trong bài báo cáo “Phẫu thuật nội soi Bệnh viện Từ Dũ ngang tầm thế giới”, BS.CK2 Nguyễn Văn Hưng, Trưởng khoa Phụ, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, tần suất sa tạng chậu và nhu cầu can thiệp phẫu thuật nhằm phục hồi sàn chậu ngày càng tăng theo tuổi, với mục tiêu song hành “phục hồi giải phẫu” và “cải thiện chức năng” sàn chậu.
Nguy cơ cần phẫu thuật sàn chậu vì sa tạng chậu hoặc tiểu không kiểm soát khoảng 11,1%. Tùy thuộc vào mức độ sa tạng chậu, mức độ biến chứng mà phẫu thuật sàn chậu có thể được thực hiện qua mở bụng, nội soi hay ngả âm đạo theo khuyến cáo của International Continence Society - 2021, trong đó phẫu thuật “cố định vào mỏm nhô” là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị.
BS.CK2 Nguyễn Văn Hưng nhận định, ngày nay, phẫu thuật nội soi được chứng minh an toàn, hiệu quả và chiếm ưu thế góp phần rút ngắn thời gian điều trị, lượng máu mất với tỷ lệ thành công từ 74 – 98%.
Chẩn đoán di truyền tiền làm tổ cho bệnh đơn gene hiếm gặp, giúp sinh con khỏe mạnh
Khép lại phiên báo cáo với chủ đề “Chẩn đoán di truyền tiền làm tổ cho bệnh đơn gene rối loạn chuyển hóa hiếm gặp - báo cáo ca đầu tiên ở Việt Nam”, ThS.BS Nguyễn Bảo Trâm - Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức cho biết, hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức đã triển khai thành công kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ cho bệnh đơn gen hiếm gặp (PGT – M) để chọn phôi không mang đột biến gây bệnh rối loạn chuyển hóa acid béo dạng CACTD.
Thạc sĩ cho biết, ca đầu tiên thực hiện thành công tại Việt Nam là gia đình mang gen bệnh CACT, có 2 con đã mất. Tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, nuôi phôi đến ngày 5. Sinh thiết từ 5 - 10 tế bào để thực hiện PGT - M, sàng lọc các đột biến, chọn phôi không mang đột biến ở thể đồng. Trong 8 phôi có khả năng thực hiện PGT - M, đã chọn được 1 phôi không mang đột biến đồng hợp tử. Bệnh nhân quyết định chuyển phôi và đã mang thai. Ở tuần thai 16, chọc ối để kiểm tra, xác nhận kết quả PGT - M.
Qua đó cho thấy, bằng kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ cho bệnh đơn gene hiếm gặp (PGT-M) kết hợp với thụ tinh trong ống nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức kết hợp với Viên Di truyền Y học đã giúp bệnh nhân sinh con khỏe mạnh.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, đây chính là đóng góp quan trọng trong việc sàng lọc sớm và tư vấn di truyền bệnh rối loạn chuyển hóa acid béo ở bệnh nhân người Việt Nam. Đồng thời, mở ra một hướng tiếp cận và giải quyết vô cùng có ý nghĩa đối với rất nhiều bệnh đơn gene hiếm gặp khác.
>>> Thành tựu Nhi khoa tại TPHCM và những bước tiến trong thời đại mới
>>> Phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM: Điều gì chờ đợi trong tương lai?
>>> Kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực Nội khoa tại TPHCM phát triển ra sao?
>>> Phối hợp đa phương thức - mục tiêu quản lý chuỗi bệnh lý tim mạch thế kỷ 21
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình