Kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực Nội khoa tại TPHCM phát triển ra sao?
Lĩnh vực Nội khoa tại TPHCM những năm qua đã có nhiều thay đổi vượt trội. Trong đó, nhiều giải pháp được ứng dụng thành công, mang lại triển vọng - cơ hội cho bệnh nhân. Chẳng hạn như lọc máu hấp phụ màng lọc HA 130; các nghiệm pháp kích thích GH để chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng (nghiệm pháp gắng sức, nghiệm pháp kích thích bằng Glucagon, và nghiệm pháp hạ đường huyết bằng Insulin...); đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn theo đường dẫn truyền sinh lý bó His; phương pháp theo dõi huyết động ít xâm lấn PiCCO trong theo dõi, điều trị nhóm bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn.
Hội nghị Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM do Hội Y học TPHCM phối hợp Sở Y tế TPHCM tổ chức vào ngày 17/6/2023. Đây là lần đầu tiên Ngành y tế Thành phố tổ chức Hội nghị khoa học với sự tham gia của tất cả các chuyên gia hàng đầu của tất cả các chuyên ngành trong lĩnh vực y tế thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập và tư nhân, và các trường Đại học thuộc khối ngành sức khỏe trên địa bàn Thành phố.
Hội nghị bao gồm 1 phiên toàn thể và 8 phiên chuyên đề với một chương trình báo cáo khoa học phong phú của nhiều chuyên khoa khác nhau giới thiệu các kỹ thuật tiên tiến nhất đang được triển khai hiệu quả tại các đơn vị y tế trên địa bàn TPHCM. Theo đó, phiên chuyên đề 4 có tổng cộng 14 bài báo cáo và phần thứ nhất tập trung vào lĩnh vực Nội khoa với 7 bài báo cáo, đem đến những phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực này.
Bệnh viện Thống Nhất định hướng phát triển thành trung tâm nghiên cứu và điều trị chuyên sâu về lão khoa
Phiên thứ nhất tròng phiên chuyên đề 4 mở đầu với bài báo cáo “Phát triển chuyên môn kỹ thuật theo định hướng Bệnh viện Thống Nhất trở thành trung tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, điều trị chuyên sâu và toàn diện cho người cao tuổi” - PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất.
Chuyên gia cho biết, Bệnh viện Thống Nhất là bệnh viện đa khoa hạng I trung ương trực thuộc Bộ Y tế với nhiệm vụ chính khám chữa bệnh cho cán bộ trung và cao cấp của Đảng, Nhà nước. Quy mô 1200 giường bệnh, gần 1300 cán bộ, nhân viên, 31 khoa Lâm sàng, 8 khoa cận lâm sàng, 11 khoa chức năng, 4 trung tâm (tim mạch, lão khoa, đào tạo và chỉ đạo tuyến, bảo vệ sức khỏe trung ương). Hàng năm bệnh viện điều trị cho khoảng 400.000 bệnh nhân ngoại trú và 60.000 bệnh nhân nội trú (trong đó hơn 80% là người cao tuổi).
Với các trang thiết bị hiện đại, bệnh viện đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chuyên môn, áp dụng kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị như: máy DSA, các hệ thống phẫu thuật nội soi tiêu hóa, chấn thương chỉnh hình, thần kinh, mạch máu, hệ thống điện sinh lý Abbott và Boston, hệ thống tái tạo điện học 3 chiều EnSite Precision mới nhất, máy kích thích nhĩ qua thực quản cắt cơn nhịp nhanh FIAB 20-07.
4 Khoa/Đơn vị đạt chuẩn ISO: khoa Vi sinh, khoa Huyết học, khoa Sinh hóa và Đơn vị thận lọc máu. Đơn vị đột quỵ đạt chứng nhận Vàng của Tổ chức đột quỵ thế giới trong 3 năm liền. Can thiệp thần kinh trung bình 200 ca/năm, người cao tuổi hơn 60%. Khảo sát điện sinh lý và điều trị triệt đốt thành công trung bình 1200 ca/năm (30% ở người cao tuổi), có nhiều kiểu loạn nhịp phức tạp, áp dụng phương pháp kỹ thuật cao tái tạo điện thể 3 chiều, cấy máy tạo nhịp hiện đại phòng ngừa đột tử, máy tái đồng bộ điều trị suy tim, cấy thiết bị hỗ trợ tim.
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh chia sẻ: “Trong 5 năm gần đây, bệnh viện đã can thiệp mạch vành 6.300 ca với 725 ca hội chứng mạch vành cấp, người cao tuổi chiếm 60%, ca phức tạp chiếm hơn 50%. Các kỹ thuật hỗ trợ can thiệp được thực hiện gồm OTC, IVUS, Robalator và FFR/iFR. Ngoài ra, bệnh viện đã thực hiện thành công phẫu thuật thay khớp háng và phẫu thuật nội soi tiêu hóa cho nhiều bệnh nhân trên 90 tuổi.
Bệnh viện Thống Nhất là bệnh viện giảng dạy của Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Y Dược (UMP) và các trường khác trong khối ngành sức khỏe. Với chuyên môn sâu trong các lĩnh vực như tim mạch, tim mạch can thiệp, ngoại khoa…, bệnh viện Thống Nhất đang định hướng phát triển thành trung tâm nghiên cứu và điều trị chuyên sâu về lão khoa: can thiệp mạch vành, can thiệp thần kinh, mạch máu ngoại vi, rối loạn nhịp tim, cơ xương khớp, chỉnh hình chấn thương và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và điều dưỡng người cao tuổi”.
Cần vaccine đa giá để khống chế dịch bệnh tay chân miệng
Chương trình được tiếp nối với bài báo cáo “Xây dựng hệ thống nghiên cứu giúp phát hiện sớm mầm bệnh và khảo sát đáp ứng miễn dịch thể dịch và tế bào nhằm củng cố khả năng ứng phó với dịch bệnh nhiễm trùng mới nổi” - PGS.TS Lê Văn Tấn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
“Phát hiện sớm và đánh giá nhanh nguy cơ của các bệnh nhiễm trùng mới nổi là chìa khoá để dập dịch thành công. Thiết lập hệ thống nghiên cứu giúp phát hiện và khảo sát nhanh về tiến hoá và miễn dịch của siêu vi. Sử dụng công nghệ giải mã gene và đánh giá đáp ứng miễn dịch nhằm tạo điều kiện cho bệnh nhân phục hồi tốt hơn” - chuyên gia chia sẻ.
Theo đánh giá các nước Đông Nam Á và Châu Á nói chung, đây là khu vực nguy cơ cao của dịch bệnh nhiễm trùng mới nổi như bệnh tay chân miệng, COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ (mpox). Kết quả, hệ thống đã được hình thành, hoạt động ổn định và phát triển giúp cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, HCDC và Sở Y tế TPHCM nhanh chóng phát hiện các tác nhân của bệnh dịch mới nổi xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian qua.
Theo PGS.TS Lê Văn Tấn, kết quả ban đầu cho thấy vaccine đa giá là cần thiết để khống chế dịch bệnh tay chân miệng. Sự tiến hoá bất định của SARS-CoV-2 vẫn là một thách thức lớn. Các kết quả của nghiên cứu đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành của thế giới và báo cáo tại nhiều Hội nghị khoa học trong và ngoài nước. Bên cạnh việc phát triển nguồn lực, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh thì xây dựng hệ thống nghiên cứu giúp phát hiện sớm và khảo sát mầm bệnh là những hoạt động quan trọng hiện nay.
Lượng nước càng siêu tinh khiết càng đạt chất lượng tốt cho bệnh nhân
Với bài báo cáo “Chạy thận nhân tạo sử dụng nước siêu tinh khiết và màng lọc Hi-Flux sử dụng một lần” - BS.CK2 Võ Đức Chiến, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, chúng ta có 35% số quận huyện trong cả nước có đơn vị chạy thận nhân tạo và vấn đề ô nhiễm nước đang ngày càng được chú ý hơn”.
Hiện nay, hệ thống RO đang lắp ráp tại các cơ sở y tế từ nhiều nguồn khác nhau và chất lượng nước không đạt chuẩn siêu tinh khiết. Như vậy sẽ giảm hiệu quả điều trị, giảm chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ của người bệnh.
Ưu điểm của hệ thống mới đối với hệ thống nước RO truyền thống là đảm bảo lượng nước đưa vào cho người bệnh an toàn hơn, gọn, nhẹ, tiết kiệm nước và khử khuẩn an toàn…
BS.CK2 Võ Đức Chiến chia sẻ, từ khi thành lập đến nay có 228.966 người chạy thận nhân tạo, trong đó có 4.568 người là bệnh nhân nước ngoài như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật bản, Đài Loan,… đến TPHCM để công tác, du lịch,… Chi phí điều trị trung bình từ 8-12 triệu/tháng, đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế thông thường từ 3-6 triệu/tháng, so với hiệu quả điều trị mang lại thì chi phí này không quá cao.
Chuyên gia nhấn mạnh, bảo hiểm y tế là vấn đề cần phải có để hỗ trợ cho người bệnh được điều trị tốt hơn. Đặc biệt cần lưu ý lượng nước càng siêu tinh khiết càng đạt chất lượng tốt cho bệnh nhân.
Công nghệ màng lọc hấp phụ cho phép nhiều ứng dụng thực tế rộng rãi hơn
Trong bài báo cáo “Lọc máu hấp phụ: Ứng dụng thực tiễn và tiềm năng trong tương lai” - BS.CK2 Lê Minh Huân, Bệnh viện Chợ Rẫy nhấn mạnh: “Ngày nay, con người chịu tác động của nhiều yếu tố xã hội, sự phát triển không ngừng cũng như sự phức tạp ngày càng cao. Tình trạng này dẫn đến các độc chất ngày càng phong phú và phát sinh nhiều chất mới”.
Đồng thời, sự phát triển khoa học kỹ thuật về lọc máu cũng phát triển các phương pháp áp dụng kỹ thuật hấp phụ hoặc lọc máu trong điều trị ngộ độc, cũng như ứng dụng kỹ thuật lọc máu trong các bệnh cấp và mạn tính. Bệnh viện Chợ Rẫy đã ứng dụng lọc máu hấp phụ trong điều trị lọc máu chu kỳ, cũng như trong điều trị các bệnh lý ngộ độc cấp tính, lọc máu hấp phụ trong điều trị biến chứng của COVID-19,… Đặc biệt, quy trình lọc máu hấp phụ màng lọc HA 130 cho người bệnh lọc máu chu kỳ, ngộ độc Paraquat; Acetaminophen; Amitrityline,… đã được phê duyệt và áp dụng trong các tình huống lâm sàng.
Chuyên gia cho biết, sự phát triển trong công nghệ màng lọc hấp phụ cho phép nhiều ứng dụng thực tế rộng rãi hơn. Màng lọc hấp phụ HA130, HA230 và HA330 (Jafron, thành phố Chu Hải, Trung Quốc) là một trong những màng lọc được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc.
Qua kinh nghiệm thực tế điều trị các bệnh nhân ngộ độc của khoa Thận Nhân Tạo, Bệnh Nhiệt Đới, Hồi sức cấp cứu cho thấy các phương pháp lọc máu như HP+HD (Hemoperfusion + Hemodialysis) có vai trò rất quan trọng trong điều trị và nâng cao cơ hội sống cho nhiều trường hợp tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
BS.CK2 Lê Minh Huân kết luận, cần có những nghiên cứu khoa học có hệ thống, có kiểm soát để đi đến kết luận có thể mở rộng vai trò lọc hấp phụ HP+HD trong điều trị ngộ độc, hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như phát triển cho các Bệnh viện khác.
Chậm tăng trưởng chiều cao ảnh hưởng đến tâm sinh lý, chất lượng cuộc sống của trẻ
Tập trung vào vấn đề “Kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chậm tăng trưởng” - BS.CK1 Trần Thị Ngọc Anh, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhấn mạnh, bệnh lý thiếu hormone tăng trưởng ở trẻ em trước dậy thì gây ra chậm tăng trưởng chiều cao, từ đó ảnh hưởng đến tâm sinh lý, cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ. Chẩn đoán và điều trị sớm giúp trẻ đạt được chiều cao trưởng thành xấp xỉ chiều cao ước đoán và ngăn ngừa các rối loạn chuyển hóa trong tương lai.
Theo các khuyến nghị trên thế giới, các trẻ chưa dậy thì có tầm vóc thấp, nghi ngờ thiếu hormone tăng trưởng sẽ được thực hiện các nghiệm pháp kích thích GH như nghiệm pháp gắng sức, nghiệm pháp kích thích bằng Glucagon, và nghiệm pháp hạ đường huyết bằng Insulin để chẩn đoán. Khi đã được xác định thiếu hormone tăng trưởng, các trẻ này sẽ được điều trị với hormone tăng trưởng người tái tổ hợp.
Chuyên gia cho biết, hiệu quả điều trị đã được chứng minh giúp các trẻ chậm tăng trưởng đạt được chiều cao trưởng thành ước đoán. Điều này góp phần cải thiện tầm vóc thế hệ tương lai của quốc gia, nâng cao sự tự tin cho trẻ, mở rộng cơ hội việc làm trong tương lai.
Chẩn đoán và điều trị chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng đem lại lợi ích cải thiện phát triển chiều cao, sự tự tin và chất lượng cuộc sống cho trẻ. Do đó, cần mở rộng mô hình tầm soát, chẩn đoán sớm chậm tăng trưởng dựa trên giáo dục cộng đồng, nhà trường, hướng dẫn tiếp cận bước đầu cho tuyến y tế cơ sở để giúp nhiều trẻ có cơ hội tiếp cận với điều trị.
Tạo nhịp qua đường dẫn truyền an toàn với tỷ lệ thành công khả quan
Chương trình được tiếp nối với bài báo cáo “Đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn theo đường dẫn truyền sinh lý bó His” của ThS.BS Nguyễn Quốc Khoa, Phó Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 30/4.
Theo chuyên gia, tạo nhịp qua đường dẫn truyền sinh lý, bao gồm bó His và vùng bó nhánh trái đã cho thấy lợi ích lâm sàng vượt trội so với tạo nhịp thất phải truyền thống trong điều trị nhịp chậm và một số nghiên cứu quan sát lớn cũng như ngẫu nhiên quy mô nhỏ gần đây cho thấy phương thức tạo nhịp này cũng có thể so sánh với tạo nhịp tái đồng bộ 2 thất thường quy trong điều trị bệnh nhân suy tim với chức năng thất trái (LVEF) giảm.
ThS.BS Nguyễn Quốc Khoa cho biết, kết quả ban đầu cho thấy tạo nhịp qua đường dẫn truyền là an toàn, với tỷ lệ thành công khả quan và hiệu quả trong điều trị nhịp chậm và/hoặc suy tim với LVEF giảm.
Theo dõi và hồi sức huyết động là phương pháp theo dõi, điều trị rất quan trọng ở nhóm bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn
Phiên thứ nhất của phiên chuyên đề 4 được khép lại với bài báo cáo “Kỹ thuật theo dõi cung lượng tim PiCCO (Pulse Contour Cardiac output) trong điều trị bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn” - TS.BS Trương Dương Tiển, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo chuyên gia, việc theo dõi và hồi sức huyết động là những phương pháp theo dõi và điều trị rất quan trọng ở nhóm bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, nhằm hồi phục tình trạng thiếu oxy mô gây tổn thương cấp độ tế bào có thể dẫn đến tổn thương đa cơ quan. Hiện nay có nhiều phương pháp theo dõi huyết động trong sốc, bao gồm các phương pháp không xâm lấn và xâm lấn, mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng.
Phương pháp theo dõi huyết động ít xâm lấn PiCCO (pulse contour cardiac output) là một hệ thống theo dõi huyết động cấp cao. Nguyên lý hoạt động dựa trên sự kết hợp của phương pháp hòa loãng nhiệt qua phổi (transpulmonary thermodilution) và phương pháp phân tích xung mạch (continuous pulse contour analysis) đo liên tục và đồng thời nhiều thông số huyết động như: cung lượng tim (CO), tiền gánh, sức cản hệ thống (SVR), sức co bóp của tim và lượng nước ngoài lòng mạch ở phổi (EVLW) mà không cần thiết phải đặt catheter vào tim phải (một thủ thuật xâm lấn hơn và phưc tạp hơn).
Trên thế giới PiCCO được giới thiệu lần đầu 2002, được đưa vào ứng dụng nhiều khoảng 10 năm trở lại đây. Tại Việt Nam, việc ứng dụng PiCCO trong theo dõi và điều trị bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn chưa được ứng dụng rộng rãi kể cả tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình