Hotline 24/7
08983-08983

Phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM: Điều gì chờ đợi trong tương lai?

Để hiện thực hóa định hướng phát triển TPHCM thành một "trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN", các chuyên gia hàng đầu đến từ các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành của thành phố đã tề tựu chia sẻ về những thành tựu đã đạt được cũng như tiếp tục kiến nghị các giải pháp nhằm vượt qua thách thức trong tương lai.

Tại phiên toàn thể với chủ đề “TPHCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN” trong Hội nghị Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM, bên cạnh những nhóm giải pháp quan trọng được Sở Y tế TPHCM đề cập, các phát biểu góp ý, chỉ đạo từ Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM, còn có 7 bài báo cáo từ các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành về những kỹ thuật đã được triển khai hiệu quả cũng như thống nhất với nhau những kỹ thuật cần tiếp tục được đầu tư và phát triển trong thời gian tiếp theo theo từng lĩnh vực chuyên ngành.

Chương trình hội nghị thu hút sự quan tâm đông đảo của các chuyên gia y tế tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam

Hội nghị do Hội Y học TPHCM phối hợp Sở Y tế TPHCM tổ chức vào ngày 17/6/2023, có sự tham gia của cả Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, cùng lãnh đạo Bộ Y tế. Đặc biệt, ông Phan Văn Mãi cũng là người nằm trong chủ tọa đoàn của phiên toàn thể với các báo cáo chuyên sâu nhiều lĩnh vực, nhằm sớm đưa TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tham dự hội nghị
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi

Chủ tịch UBND TPHCM - ông Phan Văn Mãi chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên các chuyên gia được báo cáo, chia sẻ trực tiếp với lãnh đạo thành phố về những gì đã nỗ lực phát triển về kỹ thuật chuyên sâu trong thời gian qua và những gì mong muốn được hỗ trợ để phát triển tiếp trong tương lai. Sau hội nghị, chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp các định hướng, ý kiến của lãnh đạo Bộ Y tế, của thành phố cũng như ý kiến của chuyên gia trong địa bàn thành phố để tiếp tục hoàn thiện, tham mưu cho UBND TP, trình Thành ủy để sớm hiện thực hóa nghị quyết số 31 ngày 31-12-2022 của Bộ chính trị”.

Hội nghị Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM do Hội Y học TPHCM phối hợp cùng Sở Y tế TPHCM tổ chức

Ngành sản phụ khoa TPHCM: hiện tại và tương lai

 PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ Sở Y tế TPHCM, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương 

Trong bài báo cáo “Ngành sản phụ khoa TPHCM: hiện tại và tương lai” - PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ Sở Y tế TPHCM, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương nhấn mạnh, một trong những điểm nổi bật của ngành sản phụ khoa TPHCM là tỷ lệ tử vong mẹ rất thấp (2,02/100.000 sanh sống), do quản lý thai kỳ nguy cơ cao tốt, đầu tư cho hồi sức cấp cứu, đặc biệt phối hợp liên chuyên khoa”.

Bênh cạnh giảm tử vong mẹ, chuyên gia cho rằng, mục tiêu giảm tử vong sơ sinh cũng được quan tâm, với nhiều nỗ lực, thực hiện đồng thời các chiến lược như đào tạo và xây dựng mạng lưới hồi sức sơ sinh; chẩn đoán và điều trị sớm bệnh lý sơ sinh; tăng cường điều trị và chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng và cực non. Ngân hàng sữa mẹ cũng là một trong những yếu tố quan trọng để giảm tử vong sơ sinh. Hiện, TPHCM có 2 ngân hàng sữa mẹ trên tổng số 4 ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam. Trong đó Bệnh viện Từ Dũ là ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam, đạt chuẩn quốc tế.

Song song đó, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết thông tin thêm, chương trình tầm soát và chẩn đoán tiền sản đã phát triển với nhiều kỹ thuật hiện đại như: xét nghiệm không xâm lấn (NIPT), di truyền y học không chỉ chẩn đoán bệnh lý bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Down) mà còn phát hiện bệnh lý về gen (Thalassemia); siêu âm 4D giúp phát hiện các bất thường về hình thái thai nhi; chẩn đoán di truyền phôi trước khi làm tổn hằm hướng đến 1 thai nhi khỏe mạnh; sàng lọc sơ sinh ngay sau sanh cũng được triển khai đến nay đã tầm soát thêm 50 bệnh chuyển hóa bẩm sinh.

“Sau hơn 20 triển khai, đến nay hơn 90% sản phụ tại TPHCM được sàng lọc và chẩn đoán tiền sản, phát hiện các dị tật bẩm sinh thai 3%. Nếu như cách đây khoảng 2 thập kỷ, với những dị tật bẩm sinh không thể sửa chữa được như Down, Patau, chúng ta phải chờ sản phụ đủ ngày, đủ tháng sinh ra đời mang lại tổn thương tinh thần cho gia đình, sản phụ và gây tốn kém về kinh tế, thì hiện nay, khi chương trình tầm soát này được triển khai, đã có thể phát hiện sớm các dị tật, và khuyến nghị chấm dứt thai kỳ sớm. Hay với các trường hợp can thiệp bào thai, chẳng hạn như hội chứng truyền máu song thai, trước đây đa phần phải ra nước ngoài can thiệp thì hiện nay đã có thể điều trị ngay tại TPHCM”.

 PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ về những nỗ lực của ngành y tế thành phố trong việc giảm tử vong mẹ

Về lĩnh vực phụ khoa, chuyên gia cũng thông tin, phẫu thuật nội soi phụ khoa đã trở nên rất phổ biến trong các can thiệp ngoại khoa, được triển khai 24/24 và 7/7. Đặc biệt nội soi 3D được ứng dụng trong bệnh lý ung thư phụ khoa giúp việc điều trị hiệu quả và an toàn. Gần đây cũng đã ứng dụng nội soi 1 đường vào nhằm mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Trong ung thư phụ khoa, đối với ung thư cổ tử cung hiện đã ứng dụng nhiều kỹ thuật nhằm tầm soát phát hiện sớm, trong đó có việc ứng dụng AI, xét nghiệm HPV; đối với ung thư vú thường ứng dụng x-quang nhũ ảnh kỹ thuật số, siêu âm 3D vú và gần đây nhất đã triển khai kỹ thuật hút chân không dưới hướng dẫn siêu âm trong chẩn đoán, điều trị, đảm bảo tính chính xác, thẩm mỹ cho chị em phụ nữ.

Về thụ tinh trong ống nghiệm, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng, đây là “đặc sản” của TPHCM, với tỷ lệ thành công 50-60%, ngang bằng các nước trong khu vực và thế giới, nhờ áp dụng hầu hết các kỹ thuật tiên tiến Đồng thời, tại Việt Nam cũng là quốc gia hiếm hoi trên thế giới được thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân tạo. Hiện TPHCM có 3 trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế RTAC. Hiệu quả cao, chi phí thấp, chỉ bằng 1/6 chi phí của các nước trong khu vực và thế giới.

Trong bài báo cáo, chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị, nhằm thực hiện trở thành trung tâm chuyên khoa sâu của khu vực, ngành sản phụ khoa TPHCM cần định hướng phát triển đến năm 2025 và những năm tiếp theo với 6 nhiệm vụ quan trọng.

Một là tiếp tục giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh (ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để tăng cường tầm soát thai kỳ nguy cơ cao (MRI), đầu tư phát triển hồi sức sơ sinh nhất là tập trung nuôi sống trẻ sơ sinh non tháng). Hai là đẩy mạnh các kỹ thuật di truyền y học trong sàng lọc, chẩn đoán tiền sản góp phần nâng cao chất lượng dân số cũng như phát hiện sớm ung thư phụ khoa (chẩn gen ung thư bẩm sinh và chẩn đoán sản phẩm từ khối u rất sớm) tiến đến giảm tỉ lệ mắc mới và giảm tử vong liên quan đến ung thư phụ khoa.

Ba là ứng dụng tế bào gốc trong điều trị. Bốn là phát triển du lịch y tế như kết hợp du lịch với điều trị thụ tinh trong ống nghiệm hay khám phụ khoa định kỳ và tầm soát ung thư phụ khoa. Năm là ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị sản phụ khoa. Và sáu là xây dựng trung tâm đào tạo sản phụ khoa quốc tế.

Để thực hiện điều đó, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết nhấn mạnh, cần cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại, đảm bảo ổn định nguồn nhân lực, đào tạo bồi dưỡng nhuồn nhân lực cả về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm.

Ngành Nhi khoa TPHCM hướng đến Trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em ngang tầm khu vực và thế giới

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 mang đến bài báo cáo với góc nhìn tổng quan “Ngành Nhi khoa TPHCM hướng đến Trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em ngang tầm khu vực và thế giới”. Trong đó đưa ra những nhận định về thành tựu trong lĩnh vực sơ sinh, hồi sức cấp cứu, tim mạch, thần kinh, ngoại khoa, ung thư và ghép tạng. Đồng thời, kiến nghị những định hướng phát triển thành Trung tâm y tế chuyên sâu về Nhi khoa của khu vực và thế giới, tập trung vào ba mũi nhọn tim mạch, ghép tạng và ung thư.

Chuyên gia cũng đề cập, 3 bệnh viện nhi tại TPHCM chăm sóc sức khỏe cho khoảng 12 triệu trẻ em ở TPHCM và các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng đến Cà Mau, phát triển gắn liền với sự phát triển của mạng lưới Nhi khoa khu vực phía Nam. 3 cơ sở y tế không chỉ là trung tâm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, mà còn phát triển chuyên sâu một số lĩnh vực vượt tầm quốc gia, tiềm năng vươn ra khu vực và thế giới.

“Về sơ sinh và hồi sức cấp cứu, hiện các bệnh viện nhi triển khai đầy đủ các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và chăm sóc ở cấp độ IV- cấp độ hồi sức cao nhất theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ. Kết quả đã cứu sống nhiều trường hợp nặng, phức tạp, kể cả các trường hợp sanh cực non, cân nặng 400-500gram. Đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ áp dụng các biện pháp điều trị toàn diện các biến chứng của sanh non như điều trị bệnh lý võng mạc do sanh non, tầm soát và điều trị nghe kém, điều trị toàn diện khe hở môi-vòm, vật lý trị liệu-phục hồi chức năng, âm ngữ trị liệu…” - PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng dẫn chứng các thành tựu của ngành Nhi khoa tại thành phố.

Song song đó, việc triển khai kỹ thuật ECMO tại cả 3 bệnh viện Nhi đã cứu sống nhiều bệnh nhân viêm cơ tim tối cấp, sốc phản vệ, viêm phổi nặng… Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có ECMO hậu phẫu tim giúp cứu sống ngoạn mục nhiều bệnh nhi suy tim, sốc tim sau mổ tim, nhất là sơ sinh (7 ngày tuổi) sau phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp.

Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật cũng đã được triển khai tại Hồi sức - Cấp cứu như lọc máu liên tục cứu sống nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng, tay cân miệng, nhiễm độc (tại 3 bệnh viện Nhi); hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngạt nước (tại Bệnh viện Nhi đồng 1)… Ngoài ra, khởi động quy trình báo động đỏ, xây dựng mạng lưới hồi sức cấp cứu nhi khoa cũng được thực hiện rất thành công.

Nhiều thành tựu của ngành Nhi khoa thành phố, từ sơ sinh đến hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, tim mạch, thần kinh và chỉnh hình được PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 đề cập trong bài báo cáo

Về ngoại khoa, chuyên gia nêu rõ, hiện nay đã có khả năng thực hiện hầu hết các phẫu thuật phức tạp, phối hợp liên chuyên khoa trong các tình huống tối khẩn cấp, phẫu thuật điều trị ngoài tử cung trong thai kỳ (Ex-Utero Intrapartum Treatment procedure-EXIT) và phẫu thuật tách rời thành công 14 cặp song sinh dính nhau, gần đây nhất là cặp Trúc Nhi-Diệu Nhi.

“Về thần kinh và chỉnh hình, điều trị thành công bệnh teo cơ tuỷ sống, u não, u tuỷ, bệnh mạch máu thần kinh, động kinh kháng trị, tạo hình hộp sọ, chỉnh hình cột sống, ghép chi đứt lìa. Về tim mạch, năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch trẻ em của ngành Nhi thành phố đã tiệm cận với nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Nhiều kỹ thuật mới đã được triển khai như CT, MRI tim, siêu âm chẩn đoán tiền sản, phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp ở tuổi sơ sinh, thông tim can thiệp, đặt máy tạo nhịp và điện tim sinh lý” - PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng nói.

Theo chuyên gia, về ghép tạng, thực hiện 24 ca ghép thận, 24 ca ghép gan và 5 ca ghép tế bào gốc điều trị ung thư nguyên bào thần kinh với kết quả bước đầu rất khả quan. Cuối cùng, về ung thư, trong Nhi khoa áp dụng chiến lược “chẩn đoán sớm, nhanh, chính xác, điều trị hiệu quả” với bốn trụ cột gồm hoá trị, xạ trị, phẫu trị và chăm sóc giảm nhẹ.

Chia sẻ về định hướng nhằm đưa ngành Nhi khoa TPHCM trở thành Trung tâm chăm sóc trẻ em ngang tầm khu vực và thế giới, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuyên sâu hồi sức cấp cứu, sơ sinh, tim mạch, tiến tới thông tim can thiệp và phẫu thuật trong giai đoạn bào thai. Đồng thời, làm chủ và mở rộng kỹ thuật ghép thận, ghép gan, ghép tế bào gốc và tiến tới ghép tim; xây dựng Trung tâm mô phỏng triển khai in 3D trước phẫu thuật phức tạp; trung tâm điều trị động kinh và Trung tâm điều trị ung thư và cơ sở dữ liệu theo dõi điều trị và nghiên cứu khoa học.

Triển vọng của trung tâm điều phối hiến, ghép tạng khu vực phía Nam

TS.BS.CK2 Dư Thị Ngọc Thu - Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ trong bài báo cáo “Triển vọng của trung tâm điều phối hiến, ghép tạng khu vực phía Nam” thông tin, cho đến thời điểm hiện tại, để ghép thì mô-tạng được hiến tặng đều nguồn gốc từ con người. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguồn cung, đã làm cho kỹ thuật ghép mô-tạng bị tổn hại từ chính sự thành công của mình.

Từ thực tế hoạt động điều phối tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã lan rộng ra khắp các tỉnh thành phía Nam. Do vậy, TS.BS.CK2 Dư Thị Ngọc Thu nhấn mạnh rằng, việc xây dựng và phát triển Chương trình ghép mô-tạng từ người hiến chết và Trung tâm điều phối hiến, ghép mô-tạng khu vực phía Nam là cần thiết.

TS.BS.CK2 Dư Thị Ngọc Thu - Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy

Chuyên gia dẫn chứng từ Bệnh viện Chợ Rẫy, bắt đầu chương trình ghép mô-tạng bằng ghép thận từ người hiến sống có mối quan hệ huyết thống năm 1992, cho đến nay, sau 30 năm đã đạt 1.126 trường hợp. Bệnh viện cũng đã dẫn đầu trong áp dụng chương trình ghép chéo (16 cặp), ghép khác nhóm máu (3 cặp). Ghép thận từ người hiến chết (69TH) (chết não, chết tim). Ghép gan từ người hiến sống vào năm 2012 (22/30 trường hợp), người hiến chết não năm 2015 (8/30 trường hợp). Ghép tim từ người hiến chết não năm 2017 (11 trường hợp). Ghép tế bào gốc tự thân từ năm 2013 (160 trường hợp); Ghép giác mạc từ 2015 (24 trường hợp); Ghép da từ năm 2022 (2 trường hợp).

“Ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, tại TPHCM, đối với ghép thận còn có Bệnh viện 115, Nhi Đồng 2, Nhân Dân Gia Định, Xuyên Á, ĐHYD. Ghép gan có BV Nhi Đồng 2, ĐHYD. Ghép giác mạc có Bệnh viện mắt, Pháp Việt. Ghép tủy có Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Nhi Đồng 2. Rộng hơn, Miền Tây Nam bộ có BV Đa khoa Kiên Giang và trong tương lai còn có thể có tối thiểu thêm 3 trung tâm nữa” -  TS.BS.CK2 Dư Thị Ngọc Thu cho biết.

Đối với hiến tạng từ người hiến chết, hiện tâm nguyện của 40.000 người đã đăng ký hiến tạng tại BV Chợ Rẫy, có địa chỉ ở khắp tỉnh thành trên cả nước. Vì vậy, chuyên gia cho rằng, người hiến tiềm năng, có thể có ở bất kỳ bệnh viện nào. Riêng tại khu vực phía Nam, Đơn vị Điều phối đã tiếp nhận thông tin từ các BV Nhân Dân 115, Nguyễn Tri Phương, Nhân Dân Gia Định, BV 175, Xuyên Á, BV Đa khoa Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khu vực An Giang, Kiên Giang và trong tương lai sẽ có thêm nhiều bệnh viện khác.

Trước bối cảnh này, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm ghép mới, TS.BS.CK2 Dư Thị Ngọc Thu nhấn mạnh, đây là minh chứng cho sự thiết phải phát triển Trung tâm Điều phối hiến, ghép mô-tạng khu vực phía Nam. “Hơn nữa, khi Hệ thống Điều phối được hình thành và phát triển hoàn chỉnh, thì đây chính là “vũ khí tự nhiên” chống lại nạn buôn bán và ghép tạng trái phép” - TS.BS.CK2 Dư Thị Ngọc Thu bày tỏ.

Để xây dựng thành công Trung tâm điều phối hiến, ghép mô-tạng khu vực phía Nam, chuyên gia cho rằng, cần phát triển mạng lưới tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn và điều phối mô-tạng hiến từ người hiến chết cho các bệnh viện tại TPHCM và khu vực phía Nam. Có kinh phí dành cho vận hành, duy trì, bảo quản, bảo mật hệ thống hàng năm. Song song đó là đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật cho Hồi sức, bảo quản và vận chuyển tạng hiến; máy đo điện não, siêu âm Doppler xách tay.

“Đồng thời có quy trình hoạt động chuyên môn liên chuyên khoa, liên viện; Quy chế tài chính cho hoạt động điều phối. Cuối cùng là có kinh phí dành cho đào tạo chuyên sâu của chuyên ngành điều phối, truyền thông về hiến tạng, giáo dục người bệnh trên danh sách chờ…” - chuyên gia đúc kết.

Chương trình hội nghị thiết thực, vì vậy quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành tại TPHCM và các tỉnh lân cận

Ngành ngoại khoa TPHCM tiếp cận xu hướng can thiệp xâm lấn tối thiểu tiên tiến trên thế giới

Ngành ngoại khoa TPHCM cũng xây dựng được nhiều nét chấm phá đặc biệt trong nhiều năm qua. Trong bài báo cáo “Ngành ngoại khoa TPHCM tiếp cận xu hướng can thiệp xâm lấn tối thiểu tiên tiến trên thế giới” - PGS.TS.BS Trần Vĩnh Hưng - Giám đốc Bệnh viện Bình Dân thông tin, ngành ngoại khoa thành phố đã nỗ lực phát triển lĩnh vực phẫu thuật xâm lấn tối thiểu mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như: can thiệp nội soi qua các ngã tự nhiên, can thiệp nội mạch, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật Robot...

Các kết quả tiêu biểu của ngành ngoại khoa thành phố được chuyên gia đề cập đến bao gồm: phẫu thuật nội soi có hỗ trợ Robot điều trị các bệnh lý đường tiết niệu, tiêu hoá, gan mật tụy, lồng ngực...; phẫu thuật nội soi vào các khớp vai, khớp háng, khớp gối, các can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý mạch máu não, tim gan, thận, ruột, chi…, cũng như các phẫu thuật đi trong lòng các cấu trúc ống tự nhiên mũi xoang, đường tiêu hóa, giúp cho người bệnh được điều trị tối ưu bằng các phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu.

Trong đó, phẫu thuật robot là kỹ thuật điển hình trong tiếp cận và triển khai thực hiện phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Năm 2022, Việt Nam đã ghi tên trên bản đồ về phẫu thuật robot trên toàn thế giới. Hiện, phẫu thuật Robot là một xu hướng trong điều trị của Ngoại Tổng quát, Ngoại Tiết niệu và Ngoại Lồng ngực-mạch máu.

PGS.TS.BS Trần Vĩnh Hưng - Giám đốc Bệnh viện Bình Dân 

Đề cập đến tính hiệu quả khi ứng dụng phẫu thuật robot tại Bệnh viện Bình Dân, PGS.TS.BS Trần Vĩnh Hưng nêu rõ, sau hơn 6 năm triển khai (từ cuối 2016), số trường hợp phẫu thuật Robot chung tăng 1,67 lần, với 2.016 ca, chiếm 2% tổng số phẫu thuật. Tỷ lệ phẫu thuật Robot chủ yếu trên nhóm bệnh lý ác tính chiếm 95,4%, Trong đó, ung thư trực tràng của Ngoại Tổng quát và ung thư tuyến tiền liệt của Ngoại Tiết niệu là có tốc độ tăng nhanh nhất qua từng năm. Tỷ lệ phẫu thuật Robot cho nhóm bệnh lý tại khoang hẹp là 58,2%.

Chuyên gia nhấn mạnh: “Phẫu thuật có sự hỗ trợ của Robot sử dụng công nghệ chuyên dụng giúp mở rộng năng lực của bàn tay của các bác sĩ phẫu thuật. Nhờ đó, các bác sĩ phẫu thuật thực hiện các thao tác phẫu thuật ở những phẫu trường khó tiếp cận nằm sâu hoặc ở những vùng hẹp trong cơ thể thông qua các đường mổ nhỏ. Công nghệ chuyên dụng cũng cho phép chuyển động chính xác, tinh tế, cánh tay Robot xoay 540 độ linh hoạt hơn cổ tay con người và tăng cường độ phóng đại 10-15 lần và hình ảnh hiển thị 3 chiều.

Phẫu thuật robot là một bước phát triển tiến bộ, tối ưu hóa phẫu thuật nội soi tiêu chuẩn để tăng khả năng phẫu tích trọn vẹn cơ quan bệnh lý và bảo tồn được tối đa chức năng cơ quan lành. Kỹ thuật mới này giúp người bệnh phẫu thuật giảm chảy máu, ít đau, đường mổ nhỏ, sớm hồi phục và nhanh chóng hòa nhập cuộc sống”.

PGS.TS.BS Trần Vĩnh Hưng chia sẻ về những thành tựu, sự phát triển của phẫu thuật robot trên thế giới và những ứng dụng tại Bệnh viện Bình Dân

Tuy nhiên, Bệnh viện Bình Dân chỉ có 1 hệ thống phẫu thuật robot, 2-3 trường hợp/ ngày, phẫu thuật 6 ngày/ tuần, lịch chờ 3 tuần. Trong khi hiệu suất của hệ thống robot trên thế giới là 250 bệnh nhân/ hệ thống/ năm thì tại Bệnh viện Bình Dân năm 2022 là 407 trường hợp/ hệ thống/ năm. Về nguồn nhân lực, hiện bệnh viện có 19 kíp bác sĩ phẫu thuật robot quốc tế. Bệnh viện đã làm chủ được công nghệ, đồng thời còn chuyển giao phẫu thuật robot tại hai bệnh viện Philippines (2019, 2023), thực hiện đào tạo tại chỗ 5 phẫu thuật viên robot quốc tế (2022), hỗ trợ các bệnh viện tại Việt Nam khi triển khai phẫu thuật robot.

PGS.TS.BS Trần Vĩnh Hưng dẫn chứng, thế giới áp dụng phẫu thuật robot với tốc độ tăng rất nhanh, trên nhiều lĩnh vực từ Ngoại tiết niệu, Ngoại tổng quát, đến Ngoại phụ khoa. Đến cuối năm 2021 đã có trên 10 triệu trường hợp, và chỉ tính riêng năm 2021 là 1,5 triệu trường hợp được phẫu thuật bằng robot. Hơn 11.000 nghiên cứu được công bố về phẫu thuật robot.

“Sự hiệu quả của phẫu thuật Robot được triển khai tại Bệnh viện Bình Dân và một số các bệnh viện trong nước là một minh chứng điển hình về việc chúng ta có thể đi sau nhưng về cùng với một số nước trong khu vực và thế giới. So với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, phẫu thuật Robot tại TPHCM nhanh chóng đạt được những kết quả đáng khích lệ cả về số lượng lẫn chất lượng chuyên môn” - PGS.TS.BS Trần Vĩnh Hưng khẳng định.

Trước tiềm năng lớn của phẫu thuật robot trong điều trị các bệnh lý ác tính và lành tính cho người Việt Nam, để rút ngắn khoảng cách với nền y khoa hiện đại thế giới chuyên gia kiến nghị, cần phát huy nguồn lực hiện có, nguồn nhân lực chất lượng cao đào tạo chuẩn mực, giao lưu hội nhập quốc tế với hội thảo khoa học, kết nối, phối hợp viện trường trong nước và quốc tế, đào tạo chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, quy mô các bệnh viện đạt chuẩn và xứng tầm, đầu tư thêm trang thiết bị chuyên sâu, hệ thống robot, nội soi, can thiệp nội mạch, can thiệp qua các lỗ tự nhiên.

Phát triển kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm khu vực tại trung tâm đột quỵ TPHCM

BS.CK2 Trần Văn Sóng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 đem đến bài báo cáo cho thấy góc nhìn toàn diện xoay quanh vấn đề “Phát triển kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm khu vực tại trung tâm đột quỵ TPHCM”. Ông cho biết, trong 5 mũi nhọn của bệnh viện phát triển trong hơn 1 thập kỷ qua, đến nay đã có những chuyên khoa trở thành mũi nhọn của ngành y tế thành phố, đó là Thần kinh, Can thiệp mạch máu.

Chuyên gia thông tin, tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ nhất, vượt trên nguyên nhân tim mạch. Mỗi 30 phút sẽ có 1 người bệnh đột quỵ được cứu sống/ tử vong hoặc di chứng kéo dài do điều trị tại các bệnh viện không phù hợp. Trong khi đó, tỷ lệ người bệnh đột quỵ có cơ hội được cứu sống cao hơn khi được điều trị ở những trung tâm có đơn vị đột quỵ hoàn chỉnh.

BS.CK2 Trần Văn Sóng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 

Thực tế, từ giữa những năm 1990, khi các kỹ thuật tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch được triển khai tại Hoa Kỳ và một số quốc gia đã chứng minh giảm tỷ lệ tàn phế và tử vong cho người bệnh đột quỵ, thì những kỹ thuật này khi đó còn quá mới mẻ tại Việt Nam.

“Chính sự cấp thiết của việc triển khai các kỹ thuật cao chuyên sâu trong điều trị đột quỵ theo xu hướng thế giới, bệnh viện đã cử nhiều cán bộ y tế đi học tập và đào tạo chuyên môn và kỹ năng can thiệp chuyên sâu về lĩnh vực đột quỵ tại các trung tâm đột quỵ lớn ở Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc,...

Từ đó, việc xây dựng và phát triển Trung tâm Đột quỵ chuyên sâu của Bệnh viện Nhân dân 115 đã trở thành hiện thực, với quy mô 180 giường, hoạt động dựa trên sự phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng của các chuyên khoa Cấp cứu, Đột quỵ, Can thiệp mạch máu thần kinh, Ngoại thần kinh, Gây mê - Hồi sức ngoại và Phục hồi chức năng.

Cho đến nay, bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật điều trị chuyên sâu hiện đại và tiên tiến nhất hiện nay trong đột quỵ. Điển hình, bệnh viện thực hiện thành công 3 kỹ thuật lấy huyết khối (bằng stent, dụng cụ hút, dụng cụ hút và stent). Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não gây đột quỵ não cấp, vi phẫu kẹp túi phình, thả dụng cụ bít tắc túi phình. Năm 2019, Bệnh viện cũng đã triển khai phẫu thật ca u não đầu tiên bằng hệ thống Robot Modus V Synaptive, sau đó đã triển khai phẫu thuật thành công cho người bệnh xuất huyết não” - BS.CK2 Trần Văn Sóng cho biết.

BS.CK2 Trần Văn Sóng đề cập nhiều thông tin giá trị liên quan đến cấp cứu, kỹ thuật được ứng dụng để điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115

Hiện tại trung bình mỗi năm, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận và điều trị hơn 15.000 ca đột quỵ. Tổng số lượng người bệnh đột quỵ được can thiệp chuyên sâu bằng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch là 4.027 ca; tiêu sợi huyết động mạch là 2.813 ca; tiêu sợi huyết động mạch-tĩnh mạch là 635 ca; can thiệp lấy huyết khối là 5.457 ca.

Cũng trong năm 2019, bệnh viện đã đưa RAPID (Đại học Stanford-Hoa Kỳ) mở rộng cửa sổ điều trị cho những người bệnh đến muộn từ 6 giờ lên đến 24 giờ, nhờ đó giúp thêm 792 người bệnh được can thiệp và trở về đời sống bình thường. Nhờ có việc ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo đã giúp chọn 56% bệnh nhân (đột quỵ đến bệnh viện sau giờ vàng, từ 6-24 giờ) được can thiệp nội mạch, kết quả có 51,2% người bệnh quay trở lại cuộc sống bình thường.

Song song đó, với sự hỗ trợ của Hội Đột quỵ thế giới, Hội Đột quỵ Việt Nam và Hội Đột quỵ TPHCM, Bệnh viện Nhân dân 115 trở thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về đột quỵ và hỗ trợ đào tạo nhân lực, tư vấn thành lập các đơn vị đột quỵ cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước góp phần quan trọng trong việc xây dựng, hình thành và phát triển mạng lưới đột quỵ của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam có 96 đơn vị/trung tâm đột quỵ.

BS.CK2 Trần Văn Sóng đánh giá, với nguồn nhân lực chuyên môn cao hiện có, các bệnh viện hoàn toàn có thể triển khai các kỹ thuật chuyên sâu theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới. Để thành phố trở thành Trung tâm y tế chuyên sâu về đột quỵ, theo ông, các bệnh viện cần được đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại (máy chụp CT kết hợp trí tuệ nhân tạo - DSA giúp giảm tối đa giờ vàng cấp cứu đột quỵ, robot phẫu thuật thần kinh…).

30 năm phát triển Trung tâm chuyên sâu Tim mạch tại TPHCM

Liên quan đến những thay đổi của lĩnh vực Tim mạch tại thành phố, BS.CK2 Hà Ngọc Bản - Phó Giám Đốc Viện Tim TPHCM tập trung bàn luận về “30 năm phát triển trung tâm chuyên sâu tim mạch tại TPHCM”. Trong đó, ông nhấn mạnh rằng, sau 3 thập kỷ, Viện Tim TPHCM đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển phẫu thuật tim và tim mạch can thiệp trên cả nước.

Cụ thể, từ 5 năm sau khi ca mổ tim đầu tiên được thực hiện tại Viện Tim TPHCM, tại đây đã triển khai thành công 5.021 ca trường hợp khác, trong đó phẫu thuật tim hở 4.006 ca - chiếm 79,8%. Năm 1999, Viện Tim TPHCM bắt đầu chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện khác và đến năm 2001 thì thành lập đơn vị thông tim can thiệp.

BS.CK2 Hà Ngọc Bản - Phó Giám Đốc Viện Tim TPHCM 

“Sau 30 năm hoạt động, thống kê năm 2022, Viện Tim TPHCM đã thực hiện tổng cộng 47.463 ca thông tim can thiệp và phẫu thuật được 36.963 ca với tỷ lệ tử vong 2,2%. Trong đó, phẫu thuật tạo hình van 2 lá là 5.547, số ca phẫu thuật van tim 13.858. Phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh là 19.033 cam trong đó sửa chữa hoàn toàn tứ chứng fallot thể thông thường là 2.273 ca và tứ chứng fallot thể nặng là 361 ca. Phẫu thuật bắc cầu là 3.429 ca.

Không dừng lại ở đó, Viện Tim TPHCM còn thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế trong nước, kết quả là hơn 55.000 ca phẫu thuật đã được thực hiện tại các đơn vị chuyển giao kỹ thuật và chuyên giao kỹ thuật quốc tế.

Để đạt đến sự thành công này, theo BS.CK2 Hà Ngọc Bản, Viện Tim TPHCM có 5 điểm nổi bật. Một là bệnh viện chuyên khoa triển khai phẫu thuật tim với quy mô lớn từ 1992. Hai là đào tạo nhân lực tại Pháp trước khi triển khai và đồng bộ cả ê-kíp (điều dưỡng, kỹ thuật viên, phẫu thuật viên, gây mê hồi sức, bác sĩ tim mạch, siêu âm tim chẩn đoán, bác sĩ tim phổi nhân tạo). Ba là hợp tác Pháp – Việt giữa hiệp hội Alain Carpentier và Sở Y tế TPHCM dưới sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo. Bốn là có hội đồng giám sát và cơ chế tự cân đối thu chi ngay từ khi thành lập.  Năm là, với mục tiêu không một trẻ em nào bị bỏ rơi và mất cơ hội điều trị vì thiếu thốn tài chính, Viện Tim luôn duy trì hoạt động trợ giúp phẫu thuật cho khoảng 20% bệnh nhân nghèo, đặc biệt là trẻ em.

Chuyên gia nhận định, so với khu vực, các trung tâm tim mạch TPHCM gần như làm chủ nhiều kỹ thuật tim mạch chuyên sâu ngang tầm khu vực. Điển hình như, về phẫu thuật tim bẩm sinh, đã thực hiện được phẫu thuật tạm thời (Blalock-Taussig, Banding động mạch phổi, Glenn); phẫu thuật tim bẩm sinh cơ bản (thông liên thất, thông liên nhĩ, tứ chứng fallot, cắt khâu ống động mạch); phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp (bệnh Ebstein, bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi, chuyển vị đại động mạch, thân chung động mạch, thông liên thất - gián đoạn quai động mạch chủ, bệnh lý van động mạch chủ bẩm sinh, bệnh van hai lá bẩm sinh, không lỗ van động mạch phổi kèm vách liên thất hở…).

Hay về can thiệp tim mạch người lớn, đã triển khai thành công can thiệp mạch vành, mạch máu ngoại biên, siêu âm trong lòng mạch (IVUS), Stent graft động mạch chủ, thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI), can thiệp hở van hai lá thứ phát qua ống thông bằng Mitraclip, đóng ống thông liên nhĩ bằng dù; nhịp học (can thiệp điện sinh lý, cấy máy tạo nhịp kinh điển và không dây, máy phá rung phòng ngừa đột tử vì loạn nhịp…).

Về can thiệp tim mạch trẻ em cũng có nhiều bước tiến đột phá với các kỹ thuật được thực hiện như bít ống động mạch (PDA) bằng dù, bít tuần hoàn bằng hệ thống coil, bít tuần hoàn bằng hệ thống coil, thay van động mạch phổi qua ống thông… Ngoài ra, việc chẩn đoán trước sinh các dị tật bẩm sinh cũng là một thành công cần đề cập, bởi vì qua đó sẽ có kế hoạch điều trị và can thiệp giai đoạn sơ sinh và những năm về sau.

Ngoài Viện Tim TPHCM, hiện thành phố còn có các trung tâm tim mạc tại Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Tim Tâm Đức, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nguyễn TrãiBệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP…

BS.CK2 Hà Ngọc Bản chia sẻ về hành trình phát triển cũng như sự đóng góp của Viện Tim TPHCM cho lĩnh vực Tim mạch tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng

Tuy nhiên, nhu cầu khám chữa bệnh chuyên sâu tại TPHCM còn nhiều, với dân số hơn 9 triệu người, chưa kể tỷ lệ tử vong về bệnh tim mạch tại Việt Nam vẫn còn cao (chiếm 33% tổng số ca tử vong). Ngành Tim mạch đối diện với nhiều thách thức như nguồn kinh phí đầu tư và tái đầu tư, tính đồng bộ giữa nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, xu hướng toàn cầu (chuyển đổi số, chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số), đào tạo nhân lực cần thời gian dài và kinh phí cao.

Do đó, để tiến đến ngang bằng khu vực Đông Nam Á, đáp ứng với nhu cầu điều trị kỹ thuật cao, giúp cho người dân không phải ra nước ngoài điều trị, BS.CK2 Hà Ngọc Bản cho rằng, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để quy hoạch lại, đầu tư cơ sở vật chất và tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực. Viện Tim và các trung tâm tim mạch TPHCM cần liên kết, hợp tác để hình thành thành mạng lưới tim mạch chuyên sâu đồng bộ và phối hợp theo tinh thần “Heart team” để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Tiếp cận điều trị trúng đích trong ung thư

Bài báo cáo cuối cùng của TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám Đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM trong phiên toàn thể tập trung trình bày về “Tiếp cận điều trị trúng đích trong ung thư”. Chuyên gia lý giải, điều trị đích trong ung thư là điều trị chính xác vào đích phân tử của tế bào ung thư của từng người, không hoặc tổn thương tối thiểu tế bào lành.

Có 2 loại điều trị đích, một là toàn thân (dùng thuốc) nhưng phải xác định được bất thường của tế bào ung thư ở mức phân tử (trên màng tế bào, trong bào tương, nhân tế bào), hai là xạ trị đích (dùng tia bức xạ) như tia X, proton, các hạt nặng, nhưng đòi hỏi phải có thiết bị kỹ thuật cao.

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám Đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Theo thống kê về các bệnh ung thư thường gặp ở cả 2 giới mới nhất năm 2020, các loại ung thư thường gặp như gan, phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng… đều đã có nhiều đích phân tử được xác định. TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh cho biết, ngày nay, nền y học đã chuyển sang y học chính xác, thay vì như trước đây một phác đồ cho tất cả mọi người, hay một phác đồ cho một nhóm người, thì hiện nay đã trở thành một phác đồ cho từng người. Và để làm được điều này, cần có vai trò của sinh học phân tử.

Vì vậy, sinh học phân tử được xác định là một mũi nhọn phát triển nhắm đến điều trị trúng đích tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Từ năm 2009, Bệnh viện đã thành lập đơn vị Bệnh học phân tử và là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện kỹ thuật FISH trong chẩn đoán khuếch đại gen HER2 trong ung thư vú. Tiếp sau đó, kỹ thuật Realtime PCR đã được triển khai nhằm phát hiện các đột biến trên các gen đích như EGFR, KRAS, RAF trong ung thư phổi và đại trực tràng.

Vào năm 2022, xét nghiệm giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) đã được đưa vào chẩn đoán thường quy đột biến gen BRCA, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM trở thành đơn vị công lập đầu tiên của cả nước có thể làm chủ kỹ thuật này. Mặt khác, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đang hướng tới giải trình tự đa gen, giải trình tự trên DNA khối u lưu hành trong máu (ctDNA) nhằm cung cấp cho bác sĩ điều trị một bức tranh toàn cảnh về đặc tính phân tử của khối u, qua đó hỗ trợ việc lập kế hoạch điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Trên thế giới, các đích phân tử của tế bào ung thư đã được xác định gồm có Her2, VEGF-R, EGFR, đột biến EGFR, ALK, KRAS, BRAF, MET, PARP, CDK4/6, đột biến BRCA 1-2, ct DNA (giúp tầm soát ở mức phân tử, đánh giá đáp ứng, tái phát, theo dõi), thì tại TPHCM ngoài Bệnh viện Ung Bướu, nhiều bệnh viện hoàn toàn có đủ năng lực xác định các đích phân tử này như Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia…

Dựa trên sơ sở phân tích các đặc điểm gen và sinh học của ung thư Bênh viện Ung Bướu đã có đầy đủ các thuốc nhắm trúng đích cho nhiều loại ung thư như vú, phổi, đại trực tràng, tuyến giáp, phụ khoa, hệ tạo huyết... Với sự hỗ trợ đắc lực của các xét nghiệm giải phẫu bệnh - sinh học phân tử, các liệu pháp điều trị miễn dịch, điều trị dựa trên hồ sơ gen đã và đang từng bước được áp dụng trên bệnh nhân, qua đó cải thiện một cách ngoạn mục thời gian sống không bệnh (PFS) cũng như thời gian sống toàn bộ (OS) của bệnh nhân ung thư, cũng như nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân. Mặc dù thuốc trúng đích sẵn có, tuy nhiên đắt tiền và BHYT thanh toán chưa đầy đủ. 

Về liệu pháp miễn dịch ung thư, theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, trên thế giới đã có PD1, PD-L1, liệu pháp Car-T cell. Tuy nhiên tại TPHCM mới chỉ đủ khả năng xác định PD1, PD-L1, trong khi đó liệu pháp Car-T cell chưa sẵn có.

“Xạ trị cũng đã có những bước tiến vượt bậc tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM trong thời gian qua. Nguồn lực thiết bị tiệm cận với sự phát triển của thế giới, với 6 máy xạ trị gia tốc. Các kỹ thuật xạ trị hiện đại, tiên tiến như nhắm trúng đích chính xác mô bướu, tránh mô lành như IMRT, VMAT, SRS, SBRT… đều đã được áp dụng một cách thành thạo bởi ekip được đào tạo bài bản, chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực.

Điều này giúp xạ trị trúng đích chính xác, tăng hiệu quả đáp ứng, giảm tác dụng phụ trên mô lành, ít biến chứng. Song song đó, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được áp dụng trong việc lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân nhằm đem lại hiệu quả điều trị cao nhất với chất lượng sống tốt nhất” - TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh nói.

Phó Giám Đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết thêm, hiện, trên thế giới đã có các kỹ thuật xạ trị cao cấp như proton, các hạt nặng (carbon, boron), được chỉ định cho các khối bướu lớn, vị trí đặc biệt, kháng tia thông thường. “Đây được xem là đỉnh cao của xạ trị trúng đích. Tuy nhiên, tại TPHCM các kỹ thuật này chưa sẵn có là bởi kinh phí đầu tư ban đầu, vận hành, bảo trì rất lớn. Bên cạnh nguồn nhân lực y tế, cần nguồn lực của vật lý hạt nhân. Song, trong tương lai Bệnh viện đang hướng tới triển khai những kỹ thuật xạ trị tiên tiến hơn nữa như Proton, xạ trị bằng các hạt nặng” - TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh chia sẻ thông tin.

Phẫu thuật ung thư tại TPHCM cũng có nhiều tiến bộ nhảy vọt, với các phẫu thuật ít tàn phá hơn, giúp bảo tồn, tái tạo và đảm bảo tính thẩm mỹ, nhất là trong phẫu thuật tạo hình vùng đầu cổ, phẫu thuật tạo hình ứng dụng công nghệ in 3D, cùng các phẫu thuật xâm lấn tối thiểu như phẫu thuật nội soi cắt giáp qua ngã nách - vú, phẫu thuật nội soi cắt giáp qua ngã miệng, và phẫu thuật robot - được xem là “điểm son” của cả ngành ngoại khoa và ung bướu.

Theo chuyên gia của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, ngành ung bướu còn nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai

Chuyên gia đánh giá, ngành ung bướu còn nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai. Tiềm lực mới đã mở ra nhiều cơ hội phát triển và hợp tác quốc tế, điển hình như hợp tác nghiên cứu với Trung tâm ung thư Quốc gia Nhật Bản, hợp tác chuyên môn với CHU Toulouse (Pháp) về dược lâm sàng và nghiên cứu ung thư, xây dựng trung tâm đào tạo xạ trị thông qua dự án Active, Hợp tác Bệnh viện Đại học Cao Hùng Đài Loan đào tạo nguồn nhân lực quản lý ung thư, thực hiện các thử nghiệm lâm sàng với nhiều tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại 5 thách thức chủ yếu trong lĩnh vực Ung bướu, đó là cung chưa đủ cầu (bệnh viện đảm đương điều trị cho dân số thành phố và phần lớn các tỉnh phía Nam), nhiều cơ sở y tế có điều trị ung thư nhưng chưa đồng bộ trong chẩn đoán và điều trị; các kỹ thuật cao đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, thu thường không đủ chi phí tái đầu tư; nguồn dược chất phóng xạ dùng trong chẩn đoán PET/CT không ổn định do không có cyclotron; có nguy cơ đi sau một vài nước trong khu vực (xạ trị proton hoặc các hạt nặng, kỹ thuật điều trị Car-T-cell).

Ông đánh giá, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực hiện có là các điều kiện căn bản cần thiết để hướng Bệnh viện Ung Bướu TPHCM trở thành trung tâm ung thư chuyên sâu của khu vực. Hiện, cơ sở 2 của Bệnh viện Ung Bướu được trang bị 14 phòng mổ tích hợp hiện đại, hệ thống xét nghiệm GPB và sinh học phân tử tiên tiến, cùng nguồn nhân lực dồi dào 1.652 người. Hiện, hệ thống chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao được đầu tư, trang bị đầy đủ như MRI, CT, PET-CT, SPECT-CT, hệ thống xét nghiệm automation, máy xạ trị hiện đại.

Chuyên gia kiến nghị thêm, cần xây dựng một mạng lưới phòng chống ung thư hiệu quả; cần có một lò cyclotron cho thành phố nhằm đảm bảo nguồn cung dược chất phóng xạ ổn định (PET/CT); hướng đến xạ trị proton và các hạt nặng và Car-T-cell; cần có cơ chế phù hợp kêu gọi sự đầu tư của các tổ chức tư nhân, trong và ngoài nước cho việc phát triển các kỹ thuật chuyên sâu; tính đúng tính đủ cho các dịch vụ y tế kỹ thuật cao.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X