Hotline 24/7
08983-08983

Những điều nhất định phải biết khi bị suy thận

Bệnh suy thận ngày càng phổ biến ở người trẻ, mang lại không ít lo lắng và ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội Thận - Thận nhân tạo, BV ĐHYD TPHCM cho biết, ngày càng nhiều biện pháp điều trị suy thận ra đời giúp bệnh nhân giữ được chất lượng cuộc sống.

1. Các phương pháp điều trị suy thận tiên tiến tại Việt Nam

- Hiện nay việc điều trị suy thận ở người trẻ đã có những bước tiến nào? Ở Việt Nam hiện nay đã bắt kịp và ứng dụng được phương pháp tiên tiến nhất trong điều trị suy thận cho bệnh nhân hay chưa ạ?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Theo sự phát triển của khoa học, ngày càng có nhiều hơn các phương pháp điều trị suy thận tiên tiến.

Trước đây, chạy thận nhân tạo đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối chỉ để duy trì sự sống và tồn tại, người bệnh sẽ rất mệt, không có được cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Ngày nay, có nhiều biện pháp chạy thận tiên tiến hơn, không những làm tăng tỷ lệ sống còn mà điều quan trọng hơn là cải thiện chất lượng cuộc sống.

- Ở nước ta đã có những phương pháp nào để điều trị bệnh suy thận, đặc biệt điều trị ở người trẻ có khác gì so với người trung niên và người già?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Nền y học nước nhà cũng đang cố gắng bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới. Chẳng hạn trước đây, những người mắc bệnh về miễn dịch như Lupus ban đỏ hệ thống sẽ dùng những loại thuốc ức chế miễn dịch mạnh. Điều đó có rất nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là gây vô sinh, trong khi bệnh này hay xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi mang thai.

Sau này, khoa học đã phát minh ra những loại thuốc như Mycophenolate mofetil có tác dụng rất tốt trong việc điều trị bệnh mà không gây tác dụng phụ vô sinh. Nhiều bệnh nhân của tôi bị Lupus ban đỏ hệ thống mà vẫn sinh con như bình thường, đảm bảo cuộc sống gia đình.

Về biện pháp điều trị suy thận giai đoạn cuối, có rất nhiều sự lựa chọn mà bệnh nhân có thể chọn tùy theo hoàn cảnh kinh tế, đặc điểm bệnh nhân,…

Đầu tiên, có rất nhiều phương pháp chạy thận.

Thứ hai là lọc màng bụng, lọc màng bụng trước đây phải thay dịch 4 lần/ngày, vừa mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến công việc người bệnh. Khi lọc bụng bằng máy ra đời, bệnh nhân chỉ cần thay dịch vào ban đêm. Như vậy thì mọi người có thể đi học, đi làm bình thường, thậm chí có thể đi du lịch được.

Một cách điều trị nữa là ghép thận, ghép thận mang lại cho người bệnh cuộc sống gần y như bình thường với quả thận giống như người khỏe mạnh.

2. Điều trị suy thận theo từng giai đoạn bệnh 

- Mỗi giai đoạn của bệnh suy thận, người bệnh sẽ được điều trị như thế nào? Giai đoạn nào thì có thể điều trị nội khoa, giai đoạn nào thì cần phải lọc máu hoặc ghép thận thưa BS?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Bệnh thận mãn tính có 5 giai đoạn. Với những giai đoạn đầu (từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 3) thì cần phải chẩn đoán được nguyên nhân. Sau đó, sẽ có những loại thuốc tương ứng và có rất nhiều thuốc ức chế miễn dịch rất tốt, có thể điều trị khỏi bệnh cho người bệnh, không diễn biến đến suy thận giai đoạn cuối.

Đối với những nguyên nhân chưa kiểm soát được trong giai đoạn hiện tại, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại thuốc là SGLT2. Trước đây, thuốc này dùng để điều trị đái tháo đường, nhưng bây giờ thuốc có thể làm chậm tiến triển bệnh thận mạn ở mọi giai đoạn và mọi nguyên nhân, giúp làm trì hoãn việc lọc máu hàng chục năm so với việc không sử dụng thuốc. Đó là những biện pháp điều trị nội khoa.

Còn khi người bệnh đến giai đoạn cuối, độ lọc cầu thận dưới 15ml/phút, bắt đầu có những triệu chứng mệt mỏi, thiếu máu… cần phải điều trị thay thế thận.

Biện pháp đầu tiên là chạy thận nhân tạo để việc điều trị ít biến chứng nhất và ít gây những biến cố tim mạch.

Thứ hai là lọc màng bụng. Việc phát minh ra lọc màng bụng bằng máy rất tiện lợi cho bệnh nhân và có nhiều chế độ kê toa thích nghi với từng bệnh nhân cụ thể.

Thứ ba là ghép thận. Nếu trước đây chỉ có thể ghép thận của người sống cùng nhóm máu thì giờ đây có nhiều biện pháp ghép thận như từ người cho bị chết não, từ người hiến tim ngừng đập. Bên cạnh đó, có những loại thuốc giúp cho những tạng phủ không cùng nhóm máu có thể hòa hợp.

3. Bệnh nhân suy thận mắc kèm tim mạch, đái tháo đường có tỷ lệ tử vong cao

- Việc điều trị suy thận cho những bệnh nhân có những bệnh khác kèm theo như bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường thì có gặp những khó khăn gì hay không. Và việc điều trị diễn ra như thế nào và có khác biệt quá nhiều đối với bệnh nhân chỉ mắc bệnh suy thận ạ?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Bệnh suy thận, bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường thường đi chung với nhau và làm cho bệnh nặng hơn rất nhiều. Nguy cơ tử vong ở người chỉ mắc suy thận là 1 thì khi có thêm bệnh đái tháo đường sẽ tăng gấp 3 lần, và nếu có thêm bệnh tim mạch, nguy cơ tăng gấp 9 lần.

Việc điều trị cho người bệnh thận có các bệnh đồng mắc rất khó khăn, cùng lúc phải khống chế nhiều nguy cơ như kiểm soát đường huyết, kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch giúp người bệnh có cuộc sống dài lâu.

- Khả năng phục hồi thận của những bệnh nhân suy thận ra sao và khả năng này thay đổi như thế nào giữa các giai đoạn của bệnh?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Ở những giai đoạn sớm như mới có tiểu đạm, có hội chứng thận hư nhưng chức năng thận chưa bị ảnh hưởng, siêu âm thấy thận còn tốt, việc thực hiện sinh thiết và dùng các thuốc ức chế miễn dịch tương ứng có thể điều trị khỏi bệnh. Còn khi đã tới những giai đoạn 4 và giai đoạn 5 thì việc phục hồi gần như không thể xảy ra, việc điều trị chủ yếu là làm chậm diễn tiến.

4. Những lưu ý về dinh dưỡng, sinh hoạt đối với bệnh nhân suy thận

- Trong quá trình điều trị suy thận thì người bệnh chúng ta phải lưu ý những vấn đề gì giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cần nhớ những nguyên tắc như thế nào trong sinh hoạt hàng ngày ạ?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Bệnh thận mãn tính không thể điều trị khỏi, chúng ta cần tập sống hòa bình với bệnh. Bệnh nhân không nên quá lo lắng, hãy cứ lạc quan, vui vẻ và tuân thủ những lời dặn cũng như những khuyến cáo của bác sĩ thì sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Ví dụ như uống thuốc đầy đủ, đi tái khám đúng lịch theo bác sĩ dặn.

- Trong điều trị suy thận thì chế độ dinh dưỡng giữ vai trò rất quan trọng, vậy thì đối với người bệnh thì cần lưu ý vấn đề gì thưa bác sĩ?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhân suy thận phải tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh và từng nguyên nhân gây bệnh.

Những trường hợp suy thận mức độ nặng do thận không đào thải được ure, tức là sản phẩm thoái biến của chất đạm. Do đó, bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân suy thận giảm bớt các chất đạm. Ví dụ, khi nói nên ăn đạm 0.6g/kg thì đối với một người 50kg, ta tính: 0,6x50 = 30g protein, trong 100g thịt có 20g protein, như vậy để ăn 30g protein thì có thể ăn 150g thịt.

Thứ hai là giảm muối, không nêm không chấm, không thêm muối trong quá trình nấu ăn vì muối trong thực phẩm là đã đủ. Người bệnh nên ăn đồ tươi, nên nấu ở nhà thì vì những thực phẩm chế biến sẵn như thịt hộp, lạp xưởng… thường thêm muối mới có thể dự trữ lâu được.

Người bệnh cũng tập thói quen nhìn thành phần trên nhãn của thức ăn, xem có bao nhiêu gram muối, bao nhiêu gram protein?...

Song song đó nên ăn nhiều rau quả. Điều này nên thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, vì bệnh nhân sẽ có hai trường hợp - hoặc là tăng hoặc là hạ kali, nên việc bổ sung hay giảm bớt kali phụ thuộc vào tình trạng thực tế sau khi kiểm tra.

Nếu bệnh nhân không bị phù thì nên uống nhiều nước, còn những người bị phù ở giai đoạn nặng thì lại phải giảm bớt lượng nước uống.

Tóm lại, chúng ta cần hỏi bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng bệnh, không tự tìm hiểu những lời khuyên chung chung, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

- Người bệnh cho rằng bệnh thận cần uống quá nhiều thuốc, nên tìm đến những bài thuốc nam trên mạng. Vậy thì việc lạm dụng thuốc nam sai có hậu quả gì ạ?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Khi bị bệnh thì nên đến bác sĩ để chẩn đoán đúng nguyên nhân, đúng giai đoạn và kê đơn thuốc thích hợp. Nếu làm theo chỉ dẫn trên mạng không rõ ràng sẽ có những tác dụng ngược, thậm chí gây hại hơn.

Ví dụ như người bán thấy bệnh nhân phù thì cho bài thuốc để đi tiểu nhiều mà đôi khi việc đi tiểu nhiều khiến bệnh thận diễn tiến nặng hơn và việc hồi phục trở lại rất khó khăn.

- Nhiều người trẻ mắc bệnh suy thận sẽ lo lắng có nên sinh con hay không, bác sĩ hãy chia sẻ về mối quan ngại này?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Bệnh thận có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và hạnh phúc gia đình. Khi bệnh nhân suy thận mang thai, thận làm việc gấp đôi, như vậy thì suy thận sẽ nặng hơn. Khi đầu lọc thận thấp dưới 30ml/phút thì những người đó được khuyến cáo không nên mang thai.

Tuy nhiên, những giai đoạn sớm hơn như tiểu đạm, tiểu máu, chức năng thận có giảm nhưng chưa đáng kể hoặc những người bị Lupus ban đỏ hệ thống thì vẫn có thể sinh con. Khi có sự đồng hành, kết nối chặt chẽ của bác sĩ thận và bác sĩ phụ khoa, sản khoa để đưa ra những đơn thuốc phù hợp, người bệnh có thể đi đến cuối thai kỳ, sinh ra những em bé khỏe mạnh.

Để có thể mang thai, bệnh nhân cần được tư vấn trước, chọn thời điểm thích hợp. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, kiểm tra sức khỏe, cho thuốc không ảnh hưởng đến thai kỳ thì mới bắt đầu mang thai. Những trường hợp như vậy sẽ cho kết quả tốt đẹp hơn so với việc mang thai không có kế hoạch.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X