Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ

Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ trong suốt quá trình lớn lên. Vì vậy, việc sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách cho trẻ là điều mà các bậc phụ huynh rất quan tâm. Vậy dùng thuốc hạ sốt như thế nào là đúng và khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện.

1. Sốt thường xảy ra vào thời gian nào?

Sốt ở trẻ thường gặp vào thời điểm nào trong năm?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi trẻ em lớn lên thì sốt rất thường gặp nên phụ huynh cần tìm hiểu về sốt để chăm con được an toàn. Tuy nhiên khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là mùa quá nắng nóng thì trẻ sẽ dễ bị cảm sốt hơn. Hoặc là ở miền Bắc, khi thời tiết quá lạnh thì trẻ cũng dễ bị sốt hơn.

2. Những yếu tố khiến trẻ bị sốt

Những yếu tố nào dễ khiến trẻ bị sốt ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sốt thường do nhiễm trùng, nhiễm siêu vi hoặc nhiễm khuẩn nên trong suốt quá trình lớn lên trẻ sẽ bị sốt. Một số trường hợp trẻ mọc răng, đau nướu cũng sẽ bị sốt. Nhưng dù bất cứ lý do gì thì chúng ta phải tìm hiểu kỹ và can thiệp đúng cho trẻ khi bị sốt.

Sốt khá thường gặp ở trẻ, cha mẹ nên theo dõi và có hướng xử trí để trẻ được can thiệp kịp thời, dễ chịu

3. Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?

Làm sao phân biệt được sốt thường và sốt siêu vi? Trường hợp nào bắt buộc phải đưa trẻ đến cơ sở y tế?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi mình sờ đầu em bé mà thấy ấm ấm hoặc tự nhiên trẻ biếng ăn, biếng chơi thì cha mẹ phải nghĩ ngay đến trẻ bị sốt. Trường hợp trẻ sốt li bì, mặt đỏ thì cha mẹ rất dễ nhận ra. Khi đó, phụ huynh nên kẹp nhiệt kế để xem trẻ có sốt hay không.

Nếu trẻ sốt trong vòng 2 ngày đầu mà không co giật thì chúng ta vẫn phải theo dõi. Trường hợp trẻ sốt kéo dài hơn 48 tiếng thì nên đưa trẻ đến bệnh viện.

Các bác sĩ sẽ cho trẻ xét nghiệm máu để xem có bị sốt xuất huyết hoặc nhiễm trùng nặng hay không.

Trong vòng 48 giờ đầu, cha mẹ nên theo dõi kỹ, nếu trẻ sốt li bì, bỏ ăn, nôn ói nhiều thì phải đưa trẻ đi bệnh viện. Ngoài ra, nếu trẻ không sốt quá cao, vẫn chơi bình thường thì chỉ cần dùng thuốc hạ sốt đúng cách và theo dõi thêm.

4. Cách làm mát cho trẻ khi bị sốt

Nhiều bậc phụ huynh khi thấy trẻ sốt 37-38 độ C thì sẽ làm mát cho trẻ bằng cách ngâm mình vào thau nước đá. Việc xử trí như thế này có đúng không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chúng ta phải biết rằng sốt là phản ứng tốt của cơ thể. Thứ nhất, khi trẻ bị nhiễm trùng thì chính nhiệt độ cơ thể sẽ làm kìm hãm sự phát triển của vi trùng. Nhưng nếu khi trẻ bị sốt mà không biết cách xử trí tốt thì sẽ trẻ khó chịu, co giật. Nếu em bé sốt dưới 38 độ C, không có giật, vẫn chơi bình thường thì cha mẹ chỉ cần cho uống nhiều nước và sữa thì sẽ tự ổn định, không cần uống thuốc.

Nếu trẻ sốt từ 39,5 - 40 độ C thì nên dùng thuốc hạ sốt và theo dõi sát những dấu hiệu để can thiệp kịp thời.

Khi trẻ bị sốt thì chúng ta không cần thiết phải lau bằng nước đá, vì nước đá sẽ làm co mạch và không có hiệu quả. Thông thường, chúng ta sẽ dùng nước thường (36 độ C) để lau cho trẻ. Khi lau mát cho trẻ cần lưu ý, không nên vắt khăn quá khô, khăn phải còn ẩm; dùng khăn lau vào vùng nách, vùng bẹn, vùng ngực, vì những nơi đó có mạch máu. Nên thay khăn thường xuyên, khi thấy khăn hút được nhiệt độ cơ thể và ấm lên thì cần thay khăn khác. Nếu để khăn ướt trên cơ thể trong thời gian dài thì trẻ sẽ bị cảm lạnh.

Trường hợp sốt cao, có những dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ cho trẻ xét nghiệm máu để xem có bị sốt xuất huyết hoặc nhiễm trùng nặng hay không

5. Phương pháp dân gian có giúp trẻ hạ sốt

Có nhiều trường hợp sử dụng biện pháp dân gian để hạ sốt. Theo quan điểm của BS, có những phương pháp dân gian nào sử dụng được? Có trường hợp nào sử dụng phương pháp dân gian gây ra hậu quả xấu chưa ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thứ nhất, khi trẻ bị sốt co giật thì không nên vắt chanh vào miệng, vì sẽ gây sặc cho trẻ. Biện pháp dân gian thì chỉ có thuốc Đông Y mới giúp trẻ hạ sốt. Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng phương pháp lau mát.

Hiện nay, người ta dùng phương pháp áp da người lớn vào da em bé bằng cách ôm sát trẻ vào người để nhiệt truyền sang cơ thể người lớn.

Ngoài ra, chúng ta phải dùng thuốc Tây Y để hạ sốt, những phương pháp khác chỉ có áp dụng trong thời gian thuốc hạ sốt chưa có hiệu quả.

6. Cách uống thuốc hạ sốt đúng

Nhiều phụ huynh không biết khi nào cho con uống thuốc hạ sốt. Vậy, uống thuốc hạ sốt như thế nào là đúng cách ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phụ huynh phải học cách sử dụng thuốc hạ sốt, bởi suốt thời gian lớn lên thì chắc chắn trẻ sẽ bị sốt. Cho nên, trong tủ thuốc gia đình phải có thuốc hạ sốt. Khi trẻ sốt và có tiền căn co giật hoặc sốt cao trên 38,5 độ C thì phải sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ.

Thuốc hạ sốt có 2 loại chính: paracetamol và ibuprofen. Paracetamol sẽ uống với liều lượng 15mg/kg, nghĩa là trẻ 10kg thì sẽ uống 150mg, sau 4 tiếng sẽ uống nhắc lại. Ibuprofen ít được sử dụng tại Việt Nam, chủ yếu sử dụng ở các nước châu Âu, liều lượng của loại thuốc này thấp hơn paracetamol, khoảng 8mg/kg, uống nhắc lại sau 6 tiếng. Phụ huynh phải biết số ký của con để tính được liều lượng sử dụng thuốc.

Ngoài ra, nếu trẻ bị co giật và không uống thuốc được thì sẽ dùng phương pháp nhét hậu môn. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ lâu hạ sốt hơn uống thuốc.

Phụ huynh phải học cách sử dụng thuốc hạ sốt nếu có con nhỏ.

7. Thuốc hạ sốt có cần kê toa?

Nhiều phụ huynh không muốn đưa con đi bệnh viện và muốn ra nhà thuốc để mua thuốc cho con thì nên mua loại siro hay viên để về nghiền nát ra ạ? Thực tế thì phụ huynh có thể tự mua thuốc hạ sốt mà không cần kê đơn được không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thuốc hạ sốt được xếp vào loại thuốc không cần kê toa. Thuốc hạ sốt có thể tự mua và dự phòng ở tủ thuốc gia đình, thuốc nhét hậu môn có thể mua và để trong tủ lạnh.

Thuốc hạ sốt có rất nhiều loại: dạng viên, dạng gói, dạng siro. Chúng ta có thể mua thuốc dạng viên và nghiền nát. Nên mua loại viên thuốc bẻ đôi hoặc dạng gói chia 2 để dễ đo lượng thuốc. Nếu thuốc dạng siro thì phụ huynh nên đong thuốc bằng xi-lanh để đúng liều lượng.

Phụ huynh phải học cách sử dụng thuốc hạ sốt nếu có con nhỏ

8. Liều lượng sử dụng thuốc hạ sốt

Xin BS nhắc lại liều lượng sử dụng thuốc hạ sốt để phụ huynh chú ý hơn ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Paracetamol sử dụng cho trẻ nhỏ với liều lượng 10-15mg/kg, nhân với số ký của trẻ để có liều uống phù hợp. Thời gian giữa các lần uống là 4-6 tiếng. Phụ huynh phải cho trẻ uống thuốc điều liều lượng, uống ít hơn sẽ không có tác dụng, nhưng uống nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới gan. Do đó, phụ huynh phải học cách sử dụng thuốc hạ sốt.

9. Bảo quản thuốc hạ sốt đúng cách

Việc bảo quản thuốc như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu có tủ thuốc gia đình thì có thể để vào đó. Thuốc siro đã mở nắp thì phải bảo quản trong tủ lạnh. Thuốc dạng gói, viên thì chỉ cần bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm ướt. Phụ huynh nên lưu ý hạn sử dụng của thuốc.

10. Có cần kiêng khem khi trẻ bị sốt?

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe của trẻ, đặc biệt là khi trẻ bị sốt. Nhiều phụ huynh quan niệm, khi trẻ sốt thì không ăn cơm, kiêng chất đạm, chỉ ăn thực phẩm lỏng. Vậy những quan niệm này có đúng không thưa BS? Cần thực hiện chế độ nào là phù hợp ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu trẻ sốt nhưng không bị chán ăn thì vẫn duy trì chế độ ăn bình thường. Nếu trẻ sốt kèm theo chán ăn thì nên thay đổi chế độ ăn. Ví dụ, cho trẻ ăn thức ăn lỏng hơn, dễ tiêu hơn, chia thành nhiều bữa ăn trong ngày.

Kiêng ăn có gây hại gì cho trẻ ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu kiêng ăn thì trẻ sẽ không đủ chất dinh dưỡng. Khi sốt, trẻ sẽ tiêu hao năng lượng, cộng với việc không được cung cấp năng lượng thì cơ thể sẽ huy động năng lượng có sẵn và gây suy dinh dưỡng.

11. Phòng ngừa sốt như thế nào?

Phòng ngừa sốt và các bệnh siêu vi cho trẻ bằng cách nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu phòng ngừa để suốt cuộc đời không bị sốt là điều không thể. Để giảm số lần bị sốt thì nên ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Chúng ta nên chích ngừa đầy đủ để giảm mắc bệnh.

Tiêm vắc xin có tác dụng như thế nào trong việc ngừa sốt?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu những bệnh đã có vắc xin thì chúng ta nên đi tiêm, đặc biệt là trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đa số các bệnh đều có triệu chứng sốt, vì vậy chúng ta phải chích đầy đủ chương trình vắc xin mở rộng.

12. Lời khuyên của BS dành cho phụ huynh có con nhỏ

Trong trường hợp trẻ bị sốt thì phụ huynh xử trí như thế nào là đúng nhất?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tóm lại, sốt là triệu chứng không thể thoát được khi trẻ lớn lên. Trong vòng 48 giờ đầu, thường chúng ta sẽ không biết được nguyên nhân và không thể can thiệp kịp thời. Trừ trường hợp trẻ bị co giật, li bì, nôn ói nhiều thì cần đưa trẻ đi bệnh viện. Khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt, phụ huynh cần lưu ý đúng liều lượng, đúng cữ, đúng thời gian. Liều lượng phải dựa trên cân nặng, không dựa trên tuổi. Nếu trẻ sốt quá 48 tiếng thì phải đưa đi bệnh viện để kiểm tra.

Để phòng ngừa, trẻ cần uống đủ nước và sữa, ngủ đủ giấc và tiêm ngừa đủ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X