Những ảnh hưởng của viêm khớp dạng thấp đến sức khoẻ người bệnh
Bệnh viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý xương khớp có thể gây đau nhức và ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể. Đau nhức xương khớp gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng này của người bệnh. Trong một số trường hợp, bệnh sẽ tác động đến nhiều cơ quan quan trọng như tim, gan, phổi, mắt, mạch máu.
1. Tổng quan về viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp có biểu hiện đặc trưng là viêm, sưng đau ở các khớp nhỏ như: khớp bàn/ngón tay, bàn/ngón chân, cổ tay, cổ chân..., đối xứng hai bên và cứng khớp vào buổi sáng. Bệnh diễn biến kéo dài, tiến triển thành từng đợt và có xu hướng tăng dần, dẫn đến tổn thương sụn khớp, biến dạng khớp không hồi phục, dính khớp...
Các chuyên gia xương khớp chỉ ra các đối tượng dễ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 trở lên rất dễ bị mắc bệnh do hormone trong cơ thể thay đổi, xương khớp sẽ bị ảnh hưởng.
- Những người thừa cân mất kiểm soát và béo phì.
- Trong gia đình có người mắc bệnh, bệnh sẽ di truyền cho các thế hệ tiếp theo.
- Những người từng bị va đập, chấn thương khớp.
- Người có chế độ sinh hoạt không lành mạnh như cơ thể suy yếu, sức đề kháng kém, thường xuyên căng thẳng, sống trong môi trường khắc nghiệt.
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm khớp dạng thấp
Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm khớp dạng thấp hiện nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, bệnh có thể chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố sau:
- Di truyền.
- Hệ miễn dịch suy giảm.
- Môi trường.
- Giới tính.
- Tuổi tác.
- Xương khớp thiếu dưỡng chất.
Bình thường, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Ở những người bị viêm khớp dạng thấp, một số tác nhân như nhiễm trùng, hút thuốc lá, căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc làm kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công các khớp.
Tình trạng tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn, dẫn đến sự nhận diện nhầm các tổ chức mô, sụn khớp, màng bao quanh khớp, màng hoạt dịch là tác nhân gây bệnh. Từ đó, cơ thể tự sinh kháng thể chống lại chính những tổ chức đó, gây viêm khớp dạng thấp.
Xem thêm: Không nên xem thường viêm khớp dạng thấp ở người trẻ
3. Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp thường rất dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác như gout, viêm khớp thông thường vì có nhiều triệu chứng tương tự. Do đó, nhiều người thường có xu hướng chủ quan mà không thăm khám kịp thời để chẩn đoán đúng bệnh.
Bệnh chủ yếu gây ảnh hưởng đến khớp nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Cụ thể biểu hiện của viêm khớp dạng thấp bao gồm:
a. Biểu hiện ở khớp
Ở giai đoạn đầu, bệnh gây ra các triệu chứng ở khớp như:
- Khớp cứng, sưng, nóng rát và ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
- Một thời gian sau, bệnh có thể gây viêm đa khớp dạng thấp. Các khớp thường bị ảnh hưởng là khớp bàn tay, đốt sống cổ, khớp bàn chân. Các khớp lớn như khớp vai, khớp đầu gối cũng mắc bệnh.
- Viêm bao hoạt dịch ở ổ khớp khiến các mô mất khả năng chuyển động, gây biến dạng khớp.
- Các triệu chứng của bệnh thường có xu hướng đối xứng cả hai bên cơ thể như đau cả hai đầu gối, đau khớp hai khuỷu tay… Các dấu hiệu bệnh thường trở nên nghiêm trọng vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc sau một thời gian dài không hoạt động các khớp.
b. Biểu hiện ở da
Theo nghiên cứu, có khoảng 30% trường hợp mắc bệnh viêm khớp dạng thấp xuất hiện các hạch thấp khớp. Đây là một phản ứng viêm còn được gọi là u hạt hoại tử. Các hạch thấp khớp nổi trên da thường có kích thước vài mm đến vài cm và nổi phổ biến ở khuỷu tay, ngón chân, gót chân, đốt tay hoặc những vùng xương chịu áp lực cơ học nặng nề. Một số những triệu chứng viêm khớp dạng thấp khác hiếm gặp ở da như teo da ngón tay, nổi mề đay, nổi ban đỏ, viêm da mủ.
Ngoài những dấu hiệu liên quan đến khớp và da, có khoảng 40% mắc bệnh xuất hiện một số biểu hiện tác động đến tim, gan, phổi, thận, tuyến nước bọt, mạch máu.
4. Những ảnh hưởng của bệnh viêm khớp dạng thấp đối với sức khỏe
Đau nhức xương khớp thường gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe của người bệnh. Một số ảnh hưởng nghiêm trọng của đau nhức xương khớp đến sức khỏe phải kể đến như:
a. Làm giảm hoặc mất khả năng vận động
Việc vận động hàng ngày của con người đóng vai trò rất quan trọng của hoạt động các khớp. Chính vì vậy, khi một khớp bị ảnh hưởng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng vận động. Viêm khớp dạng thấp chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng đau khớp, cứng khớp, đặc biệt là khớp bàn tay.
Viêm khớp dạng thấp không chỉ gây cứng khớp, khó xoay, khó nắm mà lâu dần còn gây ra các biến chứng gây suy giảm. Bệnh còn gây mất hoàn toàn chức năng cầm nắm, đi lại của bàn tay, bàn chân.
Xem thêm: Chẩn đoán và phòng ngừa viêm khớp dạng thấp như thế nào?
b. Gây teo cơ, biến dạng khớp, tàn phế
Viêm khớp dạng thấp cũng như các biểu hiện xương khớp khác, thường rất rõ ràng. Tuy nhiên do tâm lý chủ quan mà nhiều người bệnh đã bỏ qua và không điều trị triệt để dẫn đến bệnh tự diễn biến và gây ra những hậu quả không lường.
Viêm khớp dạng thấp có thể gây ra những hậu quả như gây teo cơ, biến dạng khớp. Nếu bệnh ngày càng chuyển biến nghiêm trọng dẫn đến các biến chứng như biến dạng khớp, teo cơ, dính khớp, tàn phế,…
c. Làm giảm tuổi thọ
Viêm khớp dạng thấp gây ra nhiều ảnh hưởng tới hoạt động khớp cũng như sức khỏe của người bệnh. Những cơn đau khiến cho người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân có tuổi thọ thấp hơn những người bình thường khác.
d. Suy giảm chất lượng cuộc sống
Tình trạng đau nhức do viêm khớp kéo dài, tái phát liên tục nếu không khắc phục kịp thời thì đây sẽ là gánh nặng sức khỏe cho người bệnh. Bệnh càng để lâu thì các triệu chứng xương khớp này càng nghiêm trọng. Từ đó khiến cho chất lượng cuộc sống suy giảm gây ảnh hưởng xấu đến người bệnh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình