Không nên xem thường viêm khớp dạng thấp ở người trẻ
Hiện nay, tình trạng viêm khớp dạng thấp ở người trẻ khá phổ biến. Nhiều người cho rằng viêm khớp dạng thấp chỉ xảy ra ở người trung niên hoặc lớn tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế bệnh đang có xu hướng gia tăng rất nhanh và có thể để lại những di chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
1. Viêm khớp dạng thấp ở người trẻ là gì?
Viêm khớp dạng thấp còn được gọi là viêm đa khớp dạng thấp, là một bệnh lý mạn tính do rối loạn hệ miễn dịch bên trong cơ thể. Hệ miễn dịch lúc này tấn công nhầm các mô của cơ thể gây nên bệnh tự miễn.
Viêm khớp dạng thấp sẽ làm ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau cho người bệnh, sau đó dẫn đến xói mòn xương và biến dạng khớp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động hàng ngày. Đặc biệt, viêm khớp gối, mắc cá hoặc khớp bàn chân sẽ làm cho người bệnh gặp khó khăn khi đứng hoặc cúi người.
Bệnh phổ biến ở người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Bệnh thường xảy ra ở nữ nhiều hơn nam gấp 2 - 3 lần. Một số người trẻ có thể chỉ mắc viêm khớp dạng thấp trong vài tháng nếu được điều trị đúng cách.
Bệnh cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng và hậu quả nặng nề. Bệnh thường diễn biến phức tạp và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời ngay từ giai đoạn đầu sẽ tránh được nguy cơ tàn phế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Hiện nay một số loại thuốc mới đã đem lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh.
2. Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp ở người trẻ
Hiện nay, y học chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, một số yếu tố như môi trường, di truyền có thể là điều kiện thuận lợi khiến bệnh khởi phát.
- Vận động sai tư thế: Ở người trẻ tuổi, quá trình làm việc với cường độ cao và kéo dài sẽ khiến cơ và khớp bị căng thẳng, mệt mỏi. Vận động sai tư thế khi làm việc nặng nhọc gây sức ép lớn lên toàn bộ khung xương. Hoạt động lặp đi lặp lại có thể sẽ khiến tình trạng đau nhức toàn thân biến chứng thành viêm khớp dạng thấp. Bên cạnh đó, đối với những nhân viên văn phòng, ngồi sai tư thế cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng viêm khớp dạng thấp ở người trẻ.
- Di truyền: Nếu gia đình có người mắc bệnh thì nguy cơ bạn mắc bệnh tăng gấp 3 lần. Có đến 40 - 65% trường hợp mắc bệnh có liên quan đến di truyền. Gen gây bệnh viêm khớp dạng thấp có thể khiến người bệnh dễ bị môi trường tác động gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn khớp và mắc bệnh.
- Giới tính: Nữ giới thường có xu hướng mắc bệnh cao hơn nhiều so với nam giới.
- Tuổi tác: Bệnh viêm khớp này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở độ tuổi trung niên.
- Tăng cân, béo phì: Đây là nguyên nhân chính gây viêm khớp dạng thấp ở mọi lứa tuổi. Thừa cân có thể sẽ khiến cho xương khớp chịu nhiều tác động dẫn đến đau nức và sưng viêm các khớp. Vì thế, người trẻ nên cẩn trọng trong chế độ ăn uống hàng ngày để kiểm soát cân nặng của mình, hạn chế nguy cơ đe doạ đến xương khớp.
- Chấn thương: Thường xuyên khiêng vác vật nặng khi làm việc hoặc luyện tập thể dục thể thao quá sức gây tai nạn có thể dẫn đến tổn thương xương khớp. Trong quá trình điều trị, nếu không đảm bảo về điều kiện vệ sinh có thể dẫn đến nhiễm khuẩn và viêm khớp
- Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng khả năng nhiễm bệnh, đặc biệt là những người mang gen gây bệnh.
- Nhiễm khuẩn từ môi trường: Những người thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm như khói bụi, bụi than thì sẽ dễ phát triển các triệu chứng bệnh.
Xem thêm: Điều trị và phòng ngừa viêm khớp dạng thấp ở trẻ
3. Biểu hiện viêm khớp dạng thấp ở người trẻ
Những biểu hiện viêm khớp dạng thấp ở người trẻ có thể phát sinh theo từng đợt hoặc có thể kéo dài liên tục, gây khó khăn cho sinh hoạt của người bệnh. Biểu hiện thông thường không giống nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào cơ địa và mức độ bệnh, thời gian phát bệnh và tình trạng sức khỏe chung. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Sốt cao.
- Cơ thể mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Đau khớp và xơ cứng khớp. Tình trạng này diễn ra nặng nể hơn vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi một tư thế trong thời gian dài.
- Nổi ban ở cánh tay và chân.
- Chán ăn, ăn không ngon miệng
- Các khớp đỏ và sưng tấy, kèm theo cảm giác nóng khớp. Trường hợp nặng có thể gây biến dạng khớp.
Một số triệu chứng của viêm khớp dạng thấp có khả năng biến mất ở giai đoạn hồi phục. Bệnh có thể trở nặng hơn trong lần tái phát tiếp theo nếu không được điều trị dứt điểm. Viêm khớp dạng thấp ở người trẻ còn có khả năng biến chứng thành viêm nhãn cầu nghiêm trọng.
4. Điều trị viêm khớp dạng thấp ở người trẻ
Viêm khớp dạng thấp xảy ra rất phổ biến ở người trẻ và thường mang lại rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày cũng như làm suy giảm hiệu quả công việc. Bệnh thường rất khó phát hiện khi ở trong giai đoạn đầu và thông thường cần phải thông qua việc chẩn đoán mới có thể đưa ra được kết luận chính xác nhất. Một số phương pháp điều trị có thể được phối hợp cùng nhau như:
a. Điều trị nội khoa sử dụng thuốc
Điều trị nội khoa được áp dụng cho hầu hết các trường hợp, có thể lựa chọn điều trị nội khoa bằng cách sử dụng thuốc. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh ở mỗi người mà các bác sĩ sẽ kê toa và chỉ định liều lượng thuốc khác nhau. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện việc dùng thuốc điều trị bệnh để hạn chế mắc phải các tác dụng phụ của thuốc gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Các nhóm thuốc thường được các bác sĩ chỉ định:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): là thuốc điều trị triệu chứng, giúp làm giảm các triệu chứng đau và sưng viêm khớp, không có tác dụng làm thay đổi diễn tiến bệnh. Các thuốc NSAIDs thường được sử dụng là: celecoxib, meloxicam, diclofenac, etoricoxib. Việc chọn lựa thuốc NSAIDs khác nhau dựa vào tình trạng bệnh lý tim mạch, tiêu hóa của người bệnh
- Thuốc kháng viêm nhóm steroid: Các corticosteroid, có thể là prednisone, methylprednisolone có tác dụng kháng viêm và làm chậm quá trình tổn thương cũng như phá huỷ các khớp. Các thuốc này tác dụng điều trị triệu chứng, thường được sử dụng ngắn hạn trong khi chờ đợi các thuốc điều trị cơ bản có tác dụng.
- Thuốc chống thấp làm thay đổi bệnh (DMARD kinh điển): Đây là nhóm thuốc giúp giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và phòng ngừa xảy ra tổn thương khớp vĩnh viễn, nhất là trong những năm đầu của bệnh. Methotrexate là một ví dụ điển hình cho nhóm DMARD đã được chứng minh hiệu quả ổn định và làm giảm quá trình phá huỷ sụn khớp. Ngoài ra còn có các thuốc: sulfasalazine, hydroxychloroquine, leflunomide,.. dùng điều trị thay thế khi xuất hiện chống chỉ định hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng của methotrexate.
- Thuốc chống thấp sinh học (DMARD sinh học): Nhóm thuốc này có tác dụng điều chỉnh các phản ứng miễn dịch của tế bào, được xem như một cuộc cách mạng trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Trên thực tế, DMARD sinh học thường được sử dụng kết hợp với methotrexate để tăng hiệu quả điều trị. Tác dụng phụ đáng chú ý của thuốc là làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cơ hội. Vì vậy cần thiết tầm soát loại trừ viêm gan, lao cho người bệnh trước khi khởi động điều trị sinh học.
- Thuốc chống thấp tổng hợp trúng đích (DMARD tổng hợp): Các thuốc thuộc nhóm này có thể được sử dụng nếu bệnh nhân không đáp ứng với DMARD kinh điển và sinh học. Tuy nhiên, cần lưu ý về nguy cơ hình thành máu đông và các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến tim mạch của thuốc.
b. Điều trị không dùng thuốc
Trên thực tế, bệnh viêm khớp dạng thấp ở người trẻ có khả năng phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ xương cũng như tốc độ tăng trưởng của người bệnh. Bên cạnh những phương pháp điều trị, chế độ sinh hoạt hợp lý cũng có thể giúp bệnh biến mất nhanh chóng hơn và không để lại di chứng nguy hiểm, cụ thể người bệnh nên:
- Giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân, tăng cường nhận thức về bệnh, tuân thủ điều trị và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng: chế độ ăn giàu rau củ quả, cá, hạn chế thịt đỏ và mỡ động vật, tăng cường các acid amin thiết yếu.
- Xây dựng chế độ tập luyện thường xuyên, phù hợp với thể chất và tình trạng bệnh lý.
- Kiểm soát cân nặng và tránh tình trạng tăng cân, béo phì.
- Hạn chế làm việc nặng, ngồi đúng tư thế để tránh tác động mạnh đến xương khớp.
- Ngưng hút thuốc lá và kiểm soát cân nặng.
Xem thêm: Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em: Nguyên nhân và triệu chứng
c. Vật lý trị liệu
Sử dụng nẹp khớp hoặc giày chỉnh hình có thể giúp các người bệnh giảm triệu chứng đau và sưng viêm tại chỗ do tránh được sự chèn ép trọng lực. Một số bài tập vật lý trị liệu cũng có tác dụng rõ rệt trong việc làm giảm tình trạng cứng khớp. Trong một số trường hợp, người bệnh cần được chườm lạnh, massage trị liệu hoặc sử dụng nhiệt để hỗ trợ cho quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp.
d. Phẫu thuật
Đây là phương pháp được áp dụng điều trị viêm khớp dạng thấp ở người trẻ khi không còn bất cứ liệu trình điều trị phù hợp nào. Đối với những trường hợp nguy hiểm, tình trạng khớp bị tổn thương nghiêm trọng có nguy cơ cao hình thành các biến chứng và giảm khả năng đi lại, áp dụng phương pháp phẫu thuật để cải thiện nhanh tình trạng bệnh. Bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét và yêu cầu người bệnh phẫu thuật để chỉnh sửa những vùng khớp hư hỏng. Một số phương pháp có thể được xem sét sử dụng như:
- Phẫu thuật nội soi
- Phẫu thuật chữa gân
- Phẫu thuật chỉnh trục
- Phẫu thuật thay thế toàn bộ khớp
5. Phòng ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp
Để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp cũng như ngăn ngừa bệnh tái phát, người bệnh nên tham khảo một số phương pháp phòng ngừa như:
- Điều trị bệnh sớm để hạn chế tình trạng tổn thương, phá hủy khớp hoặc các biến chứng khác.
- Bổ sung các loại thực phẩm chống viêm như cá hồi, cá cơm, hạt chia, hạt lanh, quả óc chó. Tăng cường bổ sung các chất tốt cho xương khớp như vitamin D, canxi…
- Bổ sung thực phẩm có chứa flavonoid từ đậu nành, trà xanh, bông cải xanh để hỗ trợ chống viêm.
- Giữ ấm cho cơ thể khi nhiệt độ thay đổi thất thường. Mặt khác, mặc đồ thoáng mát khi nhiệt độ tăng cao.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích gây hại như rượu, bia, thuốc lá, các loại đồ uống có ga.
- Tránh sử dụng các chất dễ gây viêm nhiễm và khiến triệu chứng khớp trở nên nghiêm trọng hơn như đường, đồ ngọt, chất béo bão hòa, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn.
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định, tránh tình trạng tăng cân béo phì mất kiểm soát.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh tật.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình