Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em: Nguyên nhân và triệu chứng
Khi nhắc đến thấp khớp, viêm khớp, nhiều người có quan niệm rằng bệnh chỉ xuất hiện ở những người lớn tuổi do xương khớp suy yếu và bị lão hóa. Tuy nhiên bệnh vẫn có thể xảy ra ở trẻ em và những người trẻ tuổi.
1. Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là bệnh gì?
Khi nhắc đến tình trạng thấp khớp và viêm khớp, nhiều người có quan niệm rằng bệnh chỉ xuất hiện ở những người lớn tuổi do xương khớp suy yếu và bị lão hóa. Tuy nhiên tình trạng viêm khớp dạng thấp vẫn có thể xảy ra ở trẻ em và những người trẻ tuổi. Đối với trẻ em, từ 3 - 16 tuổi là độ tuổi dễ mắc bệnh nhất.
Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em còn có tên gọi khác là viêm khớp dạng thấp chưa thành niên và thấp khớp ở trẻ em. Triệu chứng của bệnh khi xuất hiện ở trẻ khá giống với triệu chứng của bệnh khi xuất hiện ở người trưởng thành. Tuy nhiên, vẫn có những triệu chứng không giống nhau ở phản ứng lâm sàng. Bệnh do các vấn đề về di truyền và yếu tố tự miễn phát sinh, không do vi khuẩn gây bệnh.
2. Phân loại viêm khớp dạng thấp ở trẻ
Viêm khớp dạng thấp ở trẻ được xem là một chứng rối loạn hệ thống miễn dịch, rối loạn tự miễn, cơ thể không nhận được tế bào - mô nên tạo ra những phản ứng lại và tấn công chúng. Điều này khiến các khớp ở cổ chân, đầu gối, cổ tay, ngón tay… bị viêm, sưng và dẫn đến đau nhức. Khi xuất hiện, bệnh có thể kéo dài trong vài tuần hay thậm chí là kéo dài trong vài tháng với 3 thể chính, gồm:
a. Viêm khớp dạng thấp thể ít khớp
Viêm khớp dạng thấp thể ít khớp là tên gọi thể hiện cho tình trạng viêm và sưng dưới 4 khớp. Bệnh thường xuất hiện ở các bé gái và xảy ra chưa quá 6 tháng. Đối với thể ít khớp, bệnh chủ yếu phát sinh ở các khớp như khuỷu tay, cổ chân, cổ tay hoặc khớp đầu gối. Thông thường, thể ít khớp sẽ không gây ra nhiều hậu quả và biến chứng. Tuy nhiên cũng không được xem nhẹ thể bệnh này.
b. Viêm khớp dạng thấp hệ thống
Viêm khớp dạng thấp hệ thống xuất hiện phổ biến ở những trẻ có độ tuổi từ 5 - 7. Khi xuất hiện, bệnh kéo theo nhiều biểu hiện sưng và đau khác nhau ở một số khớp nhỏ. Đôi khi bệnh còn tác động đến cơ quan nội tạng và gây ra nhiều tổn thương tại đây. Sau khi hình thành, bệnh có thể kéo dài trong vài tuần, trong vài tháng hay thậm chí là trong vài năm với nhiều hậu quả và biến chứng nguy hiểm.
c. Viêm khớp dạng thấp thể đa khớp
Viêm khớp dạng thấp thể đa khớp thường xuất hiện cùng với tình trạng viêm và sưng trên 4 khớp. Thông thường, bệnh sẽ hình thành và kéo dài trên 4 tháng. Trong thời gian đầu, bệnh chỉ xảy ra ở một khớp. Sau đó phát triển mạnh trong một thời gian ngắn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những khớp xung quanh. Bệnh mang tính đối xứng: Hai bên cổ chân, hai bên cổ tay, hai bên đầu gối…
Xem thêm: Những loại thực phẩm tốt cho người bệnh viêm khớp dạng thấp
3. Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm khớp dạng thấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp chủ yếu do rối loạn miễn dịch, từ đó làm mất cân bằng và hình thành ổ viêm tại các khớp. Một số yếu tố tác động làm gia tăng khả năng mắc bệnh ở trẻ nhỏ:
- Chấn thương: Khi trẻ bị chấn thương cơ học sẽ tác động đến chức năng của cơ khớp, mô mềm bị tổn thương dễ gây nên tình trạng viêm khớp. Nếu không chữa trị kịp thời thì đây có thể là nguyên nhân chính khiến viêm khớp dạng thấp khởi phát.
- Thừa cân: Những trẻ nhỏ bị béo phì hoặc thừa cân có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn. Khi trọng lượng cơ thể vượt ngưỡng thông thường sẽ tạo áp lực dồn ép lên các khớp, đặc biệt là khớp đầu gối và chân. Lâu dần gây nên tình trạng viêm khớp dạng thấp hoặc nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như thoái hóa khớp, viêm bao hoạt dịch…
- Di truyền: Khi bố mẹ có tiền sử viêm khớp dạng thấp thì con sinh ra có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.
- Nhiễm khuẩn: Một số trường hợp trẻ nhỏ được xác định bị viêm khớp dạng thấp do vi khuẩn và virus xâm nhập. Đặc biệt là khi trẻ có thể lực và sức đề kháng tự nhiên yếu, không chống lại được vi khuẩn xâm nhập và hình thành ổ viêm tại các khớp.
Việc xác định được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng viêm khớp dạng thấp ở trẻ là bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng. Đây là tiền đề để bác sĩ lên phác đồ phù hợp và rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
4. Dấu hiệu nhận biết viêm khớp dạng thấp ở trẻ
Tùy theo giai đoạn phát triển viêm khớp dạng thấp ở trẻ em sẽ có những biểu hiện khác nhau. Về cơ bản, trẻ sẽ có một số triệu chứng đặc trưng như sau:
- Đau nhức ở các khớp, có thể là một vùng khớp hoặc đồng thời nhiều khớp như bàn tay, bàn chân, khớp gối…
- Trẻ thường hay bị cứng khớp và đau nhức dữ dội hơn vào buổi sáng khi ngủ dậy hoặc khi ngồi quá lâu. Sau khi vận động cảm giác căng cứng và mỏi sẽ suy giảm nên nhiều cha mẹ không nhận biết được.
- Vị trí các khớp viêm bị sưng, có thể tấy đỏ, biến dạng kèm theo cảm giác nóng rát từ bên trong.
- Sút cân đột ngột, cơ thể xanh xao, vàng vọt, trẻ biếng ăn hơn.
- Một số trường hợp sẽ có các triệu chứng đi kèm như nổi nhọt, ngứa mắt, sốt nhẹ…
Xem thêm: Những câu hỏi thường gặp về tình trạng viêm khớp dạng thấp
5. Tình trạng viêm khớp dạng thấp ở trẻ có gây ra những biến chứng nguy hiểm?
Bệnh viêm khớp dạng thấp được đánh giá là một trong những bệnh lý tiềm ẩn nhiều nguy cơ và gây ảnh hưởng không tốt đến sinh hoạt thường ngày của trẻ. Bên cạnh đó nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, trẻ sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như:
- Các bệnh lý liên quan đến thị giác: Theo con số thống kê tại nhiều bệnh viện, có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị viêm khớp dạng thấp sau một thời gian sẽ bị viêm mống mắt, mờ mắt, viêm màng bồ đào hoặc nhạy cảm hơn với ánh sáng.
- Bệnh lý liên quan đến vận động: Khi bị viêm khớp dạng thấp, người bệnh bị giới hạn khả năng vận động. Viêm khớp có thể dẫn đến tình trạng tê bì tay chân, bị liệt, mất cảm giác tạm thời, đặc biệt là trường hợp trẻ em bị viêm đa khớp dạng thấp toàn thân.
Các bậc phụ huynh không nên chủ quan trước những biểu hiện viêm khớp của trẻ nhỏ, cần theo dõi sát sao và đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám để có phương án điều trị kịp thời.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình