Nguyên nhân và triệu chứng của viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mạn tính gây tổn thương các khớp. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi trung niên và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
1. Viêm khớp dạng thấp là tình trạng bệnh như thế nào?
Viêm khớp dạng thấp hoặc viêm đa khớp dạng thấp là căn bệnh gây ra tình trạng sưng đỏ, nóng ran và đau nhức các khớp. Bệnh xuất hiện do các lớp sụn bao bọc khớp đã bị bào mòn. Các đầu khớp cọ xát vào nhau qua chuyển động thông thường sẽ bị tổn thương dẫn đến viêm nhiễm và sưng đau dữ dội.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi khớp lớn nhỏ trong cơ thể, nhưng nhiều nhất là khớp tay, lưng, bàn chân và khớp gối. Căn bệnh này làm suy giảm chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh phải sống phụ thuộc rất nhiều vào những người xung quanh. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, viêm khớp dạng thấp có thể gây ra teo cơ, biến dạng khớp và tệ nhất là tàn phế.
2. Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp
Nguyên nhân chính xác gây ra viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được làm rõ, chủ yếu liên quan đến các phản ứng tự miễn trong cơ thể. Tuy nhiên, một vài yếu tố có thể được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện và tiến triển của bệnh:
- Yếu tố di truyền: Các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp thường sẽ liên quan đến gen di truyền, có thể chiếm tới 50% nguy cơ mắc bệnh. Khi trong gia đình có người thân mắc bệnh, bạn sẽ có có khả năng bị thấp khớp cao hơn nhưng những người khác.
- Yếu tố nhiễm trùng: Mối liên quan giữa các tác nhân gây bệnh với sự xuất hiện của viêm khớp dạng thấp, bao gồm: vi khuẩn gây viêm nha chu Porphyromonas Gingivalis, Mycoplasma, Epstein-Barr virus, Rubella.
- Yếu tố hormone: Một số nội tiết tố, chẳng hạn như estrogen ở nữ giới, có liên quan đến hoạt động của lớp mô đệm bao bọc các đầu khớp. Sự rối loạn hormone sẽ ảnh hưởng đến các mô sụn này và trở thành yếu tố kích hoạt bệnh viêm khớp dạng thấp. Bên cạnh đó, bệnh cũng thường gặp ở nữ giới hơn nam giới, có xu hướng nhẹ hơn trong thời kỳ mang thai, tiến triển nặng hơn ở thời kỳ hậu sản và mãn kinh.
- Các yếu tố miễn dịch: Sự rối loạn miễn dịch của cơ thể có ảnh hưởng rất lớn đối với các bệnh lý tự miễn mạn tính, chẳng hạn như thấp khớp.
- Các yếu tố thuận lợi: Một số yếu tố khác như hút thuốc lá, môi trường sống ẩm thấp, cơ thể suy yếu, mệt mỏi, cảm lạnh hoặc stress cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, các yếu tố này không phải nguyên nhân trực tiếp gây bệnh và sự ảnh hưởng của chúng cũng khác nhau đối với từng người.
Xem thêm: Những bài tập thoát vị đĩa đệm cột sống tại nhà hiệu quả không nên bỏ qua
3. Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp
Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp thường khởi phát chậm qua các giai đoạn, bắt đầu từ các triệu chứng tại khớp và toàn thân, sau đó lan ra ngoài khớp. Nhưng sau khi xuất hiện, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh và thường gây tổn thương khớp vĩnh viễn trong những năm đầu.
- Biểu hiện toàn thân: Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, da xanh xao, suy nhược, mất ngủ…
- Biểu hiện tại khớp: Triệu chứng dễ thấy nhất là sưng đau các khớp nhỏ ở ngoại biên, có tính chất đối xứng, lan tỏa, có thể gây biến dạng khớp. Các khớp sưng đau thường là: khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay, khớp liên đốt gần, khớp gối, khớp khuỷu tay, khớp cổ chân... Ngoài ra bệnh nhân cũng thường bị cứng khớp vào buổi sáng và kéo dài trên 1 giờ.
- Biểu hiện ngoài khớp: Phổ biến nhất là các hạt thấp dưới da tại khớp cổ tay, khớp khuỷu hay xương chẩm (một xương sọ phủ lên thùy chẩm của đại não). Ngoài ra thấp khớp cũng có thể gây ra một số triệu chứng ngoài khớp nghiêm trọng:
+ Tổn thương tại tim: viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, rối loạn dẫn truyền, viêm mạch máu.
+ Tổn thương tại phổi: viêm, tràn dịch màng phổi, đặc biệt là viêm phổi mô kẽ hiếm xảy ra nhưng có thể để lại biến chứng nặng nề, dẫn đến xơ phổi không hồi phục nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
+ Tổn thương ở mắt: viêm khô giác mạc hoặc viêm kết mạc.
+ Tổn thương huyết học: hội chứng Felty (một biến chứng của viêm khớp dạng thấp lâu dài được xác định bởi ba yếu tố là viêm khớp dạng thấp, giảm số lượng bạch cầu bất thường và lách to), nhiễm khuẩn tái phát.
+ Ngoài ra còn có các biểu hiện tại cơ quan khác như: viêm mạch dạng thấp, loãng xương…
4. Yếu tố nào làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng viêm khớp dạng thấp?
Các chuyên gia cho rằng rủi ro mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có thể liên quan đến những yếu tố dưới đây, bao gồm:
- Tuổi tác: theo nghiên cứu, nguy cơ bị viêm đa khớp dạng thấp của một người có thể tăng dần theo thời gian. Người cao tuổi từ 60 trở lên là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
- Giới tính: rủi ro gặp phải tình trạng viêm khớp dạng thấp của phụ nữ cao gấp 2 - 3 lần so với đàn ông.
- Hút thuốc lá: thói quen xấu này không chỉ ảnh hưởng đến các bệnh về tim, phổi, gan… mà còn có khả năng góp phần thúc đẩy viêm khớp dạng thấp phát triển.
- Chưa từng sinh con: phụ nữ chưa sinh con có thể có rủi ro mắc bệnh cao hơn so với người đã làm mẹ.
- Thừa cân, béo phì: một số nghiên cứu cho thấy cân nặng của một người càng lớn, nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp của người đó càng cao.
Xem thêm: Những biến chứng nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm
5. Các biến chứng nguy hiểm của viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp thường diễn tiến rất nhanh trong 10 năm đầu tiên và có thể để lại tổn thương vĩnh viễn. Các biến chứng dễ nhận thấy là:
- Loãng xương: Viêm khớp dạng thấp có thể làm suy yếu hệ thống cơ - xương - khớp, gây loãng xương và khiến xương dễ gãy hơn.
- Các nốt thấp khớp (hạt thấp dưới da): Các vị trí thường bị tì đè, áp lực như khuỷu tay, mặt ngoài cẳng tay,... có thể xuất hiện các khối mô cứng gọi là nốt thấp khớp. Các khối mô này cũng có thể xuất hiện tại các vị trí khác, chẳng hạn như tim và phổi.
- Khô mắt và miệng: Hội chứng Sjogren là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khô miệng, mắt và một số cơ quan khác, chẳng hạn như khớp và âm đạo.
- Nhiễm khuẩn: Viêm khớp dạng thấp và các thuốc điều trị có thể vô tình làm suy giảm hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cơ hội.
- Thành phần cơ thể bất thường: Tỷ lệ mỡ ở bệnh nhân mắc thấp khớp cao hơn người bình thường, ngay cả khi chỉ số BMI của họ đang ở mức bình thường.
- Hội chứng ống cổ tay: Là tình trạng tê bì, đau đớn ở tay do dây thần kinh tại vùng này bị chèn ép bởi các biến dạng của khớp.
- Vấn đề tim mạch: Nguy cơ xơ vữa, tắc nghẽn động mạch, viêm màng tim và một số vấn đề tim mạch khác có thể tăng lên ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Vấn đề về phổi: Một trong những biến chứng của viêm khớp dạng thấp là gây ra các vết sẹo tiến triển tại mô phổi, từ đó dẫn đến khó thở hoặc thậm chí là xơ phổi.
- Ung thư hạch (U lympho): Ung thư hạch bạch huyết (bệnh Hodgkin) là bệnh lý xảy ra do sự tăng sinh quá mức của các tế bào lympho. Viêm khớp dạng thấp cũng liên quan đến hoạt động của loại tế bào bạch cầu này, điều đó lý giải tại sao những bệnh nhân bị thấp khớp có khả năng cao mắc ung thư hạch.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình