Những biến chứng nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là một trong những bệnh lý xương khớp phổ biến hàng đầu. Đây là một dạng bệnh đau nhức, khiến cho người bệnh luôn chật vật trong đau đớn. Người bị thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị đúng cách có thể gặp biến chứng nguy hiểm như teo cơ, rối loạn bài tiết, tổn thương thần kinh.
1. Tổng quan về thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hay các rễ dây thần kinh gây đau cột sống.
Bất kỳ đoạn cột sống nào cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm nhưng phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cổ, do các vị trí này chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ thói quen sinh hoạt hằng ngày.
Thoát vị đĩa đệm được chia làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Đĩa đệm bắt đầu biến dạng nhưng vòng bao xơ chưa rách. Người bệnh có thể thỉnh thoảng bị tê tay, tê chân, không đau nhức nên hầu hết không ai phát hiện mình đang mắc bệnh.
Giai đoạn 2: Vòng xơ rách một phần, nhân nhầy bắt đầu thoát ra ngay chỗ vòng xơ bị suy yếu, đĩa đệm phình to, tuy nhiên cơn đau vẫn chưa rõ ràng.
Giai đoạn 3: Vòng xơ rách toàn phần, nhân nhầy lồi ra ngoài và chèn ép rễ thần kinh. Đa số khi đến giai đoạn này, người bệnh mới bắt đầu điều trị khi đã trải qua sự hành hạ của các cơn đau.
Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất. Tình trạng chèn ép rễ thần kinh diễn ra lâu ngày gây biến chứng nguy hiểm. Cơn đau nhức dữ dội và dai dẳng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý người bệnh.
2. Nguyên nhân bệnh thoát vị đĩa đệm
- Sai tư thế: Tư thế lao động, mang vác vật nặng sai cách dễ gây chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm.
- Chấn thương: Khi có một lực mạnh tác động trong các trường hợp té ngã, chơi thể thao, tai nạn giao thông… làm thay đổi cấu trúc và vị trí đĩa đệm.
- Thoái hóa tự nhiên: Tuổi càng cao, cột sống không còn mềm mại, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, lượng nước và tính đàn hồi bên trong nhân nhầy giảm đi, nên càng có nguy cơ cao bị mắc phải chứng bệnh này. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 35 - 50.
- Cân nặng: Cân nặng dư thừa làm tăng áp lực lên cột sống. Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh gấp 12 lần so với người bình thường.
- Bệnh lý cột sống: Gù vẹo cột sống, gai đôi hoặc thoái hóa cột sống là những yếu tố làm tăng nguy cơ đĩa đệm bị thoát vị.
- Nghề nghiệp: Đặc thù công việc thường xuyên kéo, đẩy, gập người, khuân vác nặng hoặc nhân viên văn phòng ngồi lâu một chỗ, ít vận động trong suốt 8 - 10 tiếng làm tăng áp lực lên cột sống và hệ thống đĩa đệm, dễ dẫn đến hiện tượng thoát vị.
- Đi giày cao gót: làm tăng nguy cơ bị lồi đĩa đệm, thoát vị, biến dạng ở cơ bắp chân và dây chằng ở chân.
Xem thêm: Phân biệt thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm cột sống
3. Những đối tượng dễ gặp phải tình trạng thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm thường gặp phải ở một số đối tượng sau:
- Người bị thoái hóa, chấn thương hoặc mắc các bệnh lý bẩm sinh về cột sống như trượt cột sống, gai cột sống, cong vẹo cột sống…
- Người thường xuyên làm các công việc nặng nhọc.
- Người có thói quen sinh hoạt không khoa học như kê gối quá cao khi ngủ, tư thế ngồi làm việc, học tập không đúng…
- Người mắc các bệnh lý đái tháo đường, viêm đa khớp dạng thấp, gút,… đều có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm.
- Người cao tuổi.
- Những người làm công việc đòi hỏi phải liên tục thay đổi tư thế như diễn viên múa, vận động viên thể thao…
- Người thường xuyên đứng hoặc ngồi quá lâu như nhân viên văn phòng, thợ may, tài xế, nhân viên bán hàng.
4. Biến chứng của thoát vị đĩa đệm
Không đơn giản chỉ là gây đau, giảm khả năng hoạt động, khả năng sinh hoạt, người bị thoát vị đĩa đệm còn có khả năng cao gặp các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là bị bại liệt, dẫn đến tàn phế suốt phần đời còn lại nếu không được điều trị, hoặc điều trị thất bại. Không chỉ có thế, nếu không được điều trị sớm, các biến chứng nguy hiểm khác do thoát vị đĩa đệm gây ra cũng có thể xảy ra, bao gồm:
- Rối loạn bài tiết: Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chèn ép dây thần kinh, gây rối loạn cơ tròn có chức năng chính là liên kết với thân não, tủy sống để kiểm soát, điều khiển tiểu tiện. Người bệnh rất dễ rối loạn bài tiết, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ. Triệu chứng ban đầu là bí tiểu, về lâu dài thường xuyên tiểu dầm, tiểu mất kiểm soát.
- Tổn thương hệ thần kinh: Chèn ép thần kinh do thoát vị đĩa đệm có nguy cơ cao dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Tình trạng này xảy ra khi nhân nhầy đĩa đệm rò rỉ liên tục, tạo áp lực nghiêm trọng lên dây thần kinh tại vùng ảnh hưởng. Một số triệu chứng phổ biến như thường xuyên tê, ngứa; giảm khả năng vận động và giữ thăng bằng; mất cảm giác ở vùng hông, chân và bàn chân...
- Viêm màng nhện tủy sống: Các dây thần kinh xung quanh tủy sống được bảo vệ bởi một số lớp màng. Khi xảy ra tình trạng thoát vị đĩa đệm, những lớp màng này có thể bị viêm, gây đau nhói hoặc đau dữ dội vùng lưng, chân; co giật, co thắt cơ; các rối loạn liên quan đến ruột, bàng quang và chức năng tình dục. Người bệnh luôn phải thay đổi tư thế để bớt khó chịu.
- Rối loạn chức năng tiêu hóa: Chức năng chính của tủy sống là truyền tín hiệu từ hệ thống thần kinh trung ương đến các phần còn lại trong cơ thể. Do đó, khi cấu trúc cột sống bị chèn ép hoặc đĩa đệm thoát vị, các dây thần kinh kiểm soát hệ thống tiêu hóa ngay lập tức bị ảnh hưởng, dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa.
- Hội chứng chùm đuôi ngựa: Tổn thương thần kinh vĩnh viễn do thoát vị đĩa đệm có thể gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa, cần can thiệp y tế ngay. Hội chứng chùm đuôi ngựa là tình trạng rễ của đám rối thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép.
Người bệnh có các triệu chứng như bí tiểu, đại tiểu tiện không tự chủ; rối loạn cảm giác bộ phận sinh dục, hậu môn và vùng mông. Yếu hoặc liệt các chi dưới; đau lưng hoặc chân (đau thần kinh tọa), rối loạn chức năng tình dục... cũng có thể xảy ra.
- Hội chứng đau khập khễnh cách hồi: Đây là tình trạng rối loạn vận động, khiến người bệnh khó điều khiển hành vi bao gồm không thể di chuyển liên tục, luôn phải nghỉ ngơi chỉ sau vài bước đi.
- Teo cơ chi: Thoát vị đĩa đệm có thể ức chế quá trình lưu thông máu đến các bộ phận khác, làm cho các chi bị thiếu hụt dinh dưỡng. Về lâu dài sẽ gây teo cơ, ảnh hưởng đến vận động, có thể mất hoàn toàn khả năng lao động.
- Rối loạn cảm giác: Người bệnh có nguy cơ cao bị rối loạn cảm giác nếu không được điều trị hiệu quả. Triệu chứng thường là tê bì chân tay, rối loạn cảm giác ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể, tùy thuộc vào vị trí rễ dây thần kinh bị tổn thương. Người bệnh cảm thấy nóng lạnh bất thường hoặc mất hoàn toàn cảm giác đau.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình