Những câu hỏi thường gặp về tình trạng viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính. Nguyên nhân chính là do rối loạn tự miễn trong cơ thể. Bệnh xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
1. Bệnh viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp còn được gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Đây là một bệnh lý mạn tính, không có khả năng chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh gây ra do sự rối loạn tự miễn bên trong cơ thể, khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô của cơ thể.
Theo thống kê, 100 người trưởng thành thì có 1 - 5 người bị bệnh viêm khớp dạng thấp. Bệnh phổ biến ở nhóm tuổi 20 - 40 tuổi, tỷ lệ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam, nhất là phụ nữ đang mang thai.
Vì là bệnh mãn tính nên viêm khớp dạng thấp không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng cần phát hiện và điều trị bệnh từ sớm để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tiến triển nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của bệnh.
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng trực tiếp đến niêm mạc khớp, gây sưng đau và nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến xói mòn xương, biến dạng khớp, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày.
2. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng viêm khớp dạng thấp?
Nguyên nhân chính xác gây ra viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được làm rõ, chủ yếu liên quan đến các phản ứng tự miễn trong cơ thể. Tuy nhiên, một vài yếu tố có thể được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện và tiến triển của bệnh:
- Yếu tố di truyền: Các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp thường sẽ liên quan đến gen di truyền, có thể chiếm tới 50% nguy cơ mắc bệnh. Khi trong gia đình có người thân mắc bệnh, bạn sẽ có có khả năng bị thấp khớp cao hơn nhưng những người khác.
- Yếu tố hormone: Một số nội tiết tố, chẳng hạn như estrogen ở nữ giới, có liên quan đến hoạt động của lớp mô đệm bao bọc các đầu khớp. Sự rối loạn hormone sẽ ảnh hưởng đến các mô sụn này và trở thành yếu tố kích hoạt bệnh viêm khớp dạng thấp. Bên cạnh đó, bệnh cũng thường gặp ở nữ giới hơn nam giới, có xu hướng nhẹ hơn trong thời kỳ mang thai, tiến triển nặng hơn ở thời kỳ hậu sản và mãn kinh.
- Các yếu tố miễn dịch: Sự rối loạn miễn dịch của cơ thể có ảnh hưởng rất lớn đối với các bệnh lý tự miễn mạn tính, chẳng hạn như thấp khớp.
- Các yếu tố thuận lợi: Một số yếu tố khác như hút thuốc lá, môi trường sống ẩm thấp, cơ thể suy yếu, mệt mỏi, cảm lạnh hoặc stress cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, các yếu tố này không phải nguyên nhân trực tiếp gây bệnh và sự ảnh hưởng của chúng cũng khác nhau đối với từng người.
Xem thêm: Chẩn đoán và phòng ngừa viêm khớp dạng thấp như thế nào?
3. Viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?
Tuy đây không phải là bệnh gây chết người nhưng viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời như:
- Biến chứng mắt: Tăng nguy cơ khô mắt, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới mù lòa
- Nhiễm trùng: Người mắc viêm khớp dạng thấp có nguy có nhiễm trùng cao hơn các bệnh khác do có sử dụng thuốc ức chế miễn dịch khi điều trị.
- Các vấn đề liên quan đến dạ dày và ruột: Một số bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng đau dạ dày và ruột.
- Bệnh phổi: Khi mắc viêm khớp dạng thấp sẽ làm tăng nguy cơ xơ sẹo phổi, tắc nghẽn các đường dẫn khí, tăng áp lục trong phổi và lớp niêm mạc phổi.
- Tim mạch: Người mắc viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 50% so với người bình thường, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2 lần.
- Loãng xương: một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm mật độ xương, ít vận động dẫn đến nguy cơ loãng xương cao.
- Ung thư: Sự thay đổi trong hệ thống miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
4. Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh?
Các đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao:
- Giới tính: Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh thường cao hơn nam giới.
- Tuổi: Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên độ tuổi trung niên có khả năng mắc - cao hơn.
- Tiền sử gia đình: trong gia đình có người bị mắc viêm khớp dạng thấp thì nguy cơ mắc cao hơn.
- Béo phì: Người từ 55 tuổi trở xuống đang gặp tình trạng thừa cân béo phì đặc biệt là phụ nữ
- Hút thuốc: Hút thuốc lá thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Phơi nhiễm môi trường: Các phơi nhiễm như amiang hoặc silica làm tăng nguy cơ phát triển bệnh. Trường hợp này thường xảy ra đối với các nhân viên cấp cứu tiếp xúc trực tiếp bụi bẩn,…
5. Biểu hiện của viêm khớp dạng thấp là gì?
- Viêm khớp dạng thấp có biểu hiện đặc trưng là viêm khớp, vùng khớp bị viêm sưng, nóng đỏ, cứng khớp và đau nhức rất khó chịu.
- Khớp bị đau hay gặp phải nhất là các khớp nhỏ ở tay như ngón tay, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay,…
- Cơn đau khớp thường xuất hiện vào buổi sáng khi ngủ dậy (nhất là mùa đông lạnh, lúc thay đổi thời tiết) có thể tự khỏi sau đó 30 phút nhưng lặp lại trong nhiều ngày
- Các triệu chứng kèm theo với đau khớp là thường xuyên mệt mỏi, không muốn ăn uống, sốt nhẹ,…
Xem thêm: Nguyên nhân và triệu chứng của viêm khớp dạng thấp
6. Tại sao viêm khớp dạng thấp thường gặp ở phụ nữ?
Trong 100 người, có 3 người bị viêm khớp dạng thấp và cứ 4 người mắc thì có 3 người là nữ giới. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp khi phụ nữ đến tuổi trung niên là do:
- Sự thay đổi nồng độ hormone: Nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy, việc thay đổi hormone estrogen sau khi mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, những phụ nữ chưa bao giờ sinh con có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Quá trình sinh nở và lão hóa: Giai đoạn mang thai, sinh nở khiến phụ nữ mất đi một lượng canxi lớn. Bên cạnh đó, sau 30 tuổi, phụ nữ bắt đầu bước vào thời kỳ lão hóa với tốc độ nhanh hơn, từ đó khiến các khớp dễ bị viêm. Đến giai đoạn tiền mãn kinh, quá trình này xảy ra vô cùng nhanh khiến nữ giới có nguy cơ mắc bệnh về xương khớp cao, trong đó có viêm khớp dạng thấp.
- Thói quen đi giày cao gót: Phụ nữ có thói quen mang giày cao gót, điều này vô tình làm tăng sức ép lên đầu gối thêm khoảng 25%. Khi đầu gối phải chịu áp lực trong thời gian dài sẽ bị căng cơ, dẫn tới đau nhức và dễ mắc viêm khớp dạng thấp.
7. Điều trị và phòng ngừa viêm khớp dạng thấp như thế nào?
Mặc dù chưa có thuốc chữa khỏi triệt để được viêm khớp dạng thấp nhưng việc điều trị có thể làm giảm tình trạng viêm và đau khớp, ngăn ngừa tổn thương khớp và giúp cho các khớp xương cử động được bình thường. Bạn nên bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt. Tùy thuộc vào tình trạng và thể trạng của bạn bao gồm tuổi tác, khớp bị viêm, mức độ nghiêm trọng của bệnh mà áp dụng biện pháp cho phù hợp. Các biện pháp sử dụng điều trị bao gồm dùng thuốc, vật lý trị liệu, một số người cần phẫu thuật.
Tuy rất nguy hiểm và không thể chữa khỏi hoàn toàn được nhưng việc áp dụng một số thói quen đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, giúp phòng ngừa viêm khớp dạng thấp hiệu quả:
- Tập thể dục thường xuyên giúp giảm tình trạng đau, cứng khớp. Thể dục cũng giữ cho xương và cơ bắp luôn mạnh khỏe.
- Việc ăn uống như thế nào là rất quan trọng. Theo đó người bệnh viêm khớp dạng thấp cần tránh những thực phẩm giàu chất béo bão hòa như thịt xông khói, bơ, xúc xích, đồ chiên rán,… Axit béo omega 3 có nhiều trong cá hồi, đậu nành và các thực phẩm từ đậu nành rất tốt cho người bệnh viêm khớp. ngoài ra trong đợt đau khớp người bệnh nên ăn các thực phẩm và gia vị chống viêm như gừng, nghệ, hành tây, cà chua, trái bơ, trà xanh,…để giúp cải thiện tình trạng viêm đau khớp.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình