Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị và phòng ngừa viêm khớp dạng thấp ở trẻ

Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là một dạng rối loạn tự miễn thường xảy ra ở nhóm đối tượng có độ tuổi từ 13 đến 16. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của trẻ.

1. Tổng quan về viêm khớp dạng thấp ở trẻ

Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là bệnh viêm bao hoạt dịch không sinh mủ mạn tính, kết hợp với một số biểu hiện ngoài khớp. Về bản chất, bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em giống viêm khớp dạng thấp ở người lớn nhưng khác ở kiểu phản ứng lâm sàng.

Hiện nay, vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh được nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Một số người cho rằng viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là căn bệnh mang tính chất tự miễn trong hệ thống miễn dịch. Khi bị viêm khớp dạng thấp, trẻ thường gặp phải một số dấu hiệu như cứng khớp vào buổi sáng, đau nhức trong các khớp, mỏi tay, chân,…

2. Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm khớp dạng thấp

Giống như bệnh viêm khớp dạng thấp ở người trưởng thành, viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là một rối loạn tự miễn. Nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn các tế bào và mô khỏe mạnh là tác nhân gây hại và quay sang tấn công chính nó. Đây chính là yếu tố dẫn đến tình trạng viêm, sưng tấy ở các khớp xương.

Mặc dù vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân khiến hệ miễn dịch bị rối loạn và gây viêm khớp nhưng các nhà khoa học nghi ngờ bệnh hình thành có thể do các yếu tố sau:

- Di truyền: Dựa vào các nghiên cứu gần đây cho thấy, trong một gia đình, nếu bố mẹ hoặc ông bà có tiền sử bị viêm khớp dạng thấp thì con sinh ra có nguy cơ mắc phải căn bệnh này thường khá cao. Nguyên nhân là do trẻ được di truyền kháng nguyên đặc hiệu HLA từ bố mẹ. Loại kháng nguyên này đóng vai trò chính trong tính nhạy cảm và khả năng chống lại bệnh tật. 

Chính vì vậy, trẻ có HLA thường có khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn những đứa trẻ bình thường khác.

- Chấn thương: Theo các chuyên gia, chấn thương dù nhỏ hay lớn cũng đều gây ảnh hưởng nhất định lên hệ xương khớp. Nếu chấn thương không được điều trị kịp thời sẽ khiến khớp xương yếu dần và làm tăng nguy cơ viêm.

- Thừa cân, béo phì: Một trong những nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là do tình trạng thừa cân. Cân nặng vượt mức quy định sẽ gây áp lực lớn lên khớp xương. Về lâu dài, các khớp bắt đầu yếu dần, quá trình thoái hóa và viêm diễn ra nhanh hơn.

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, yếu tố môi trường như sự tấn công của vi rút hoặc vi khuẩn từ bên ngoài hay biến chứng của bệnh lao cũng góp phần kích hoạt khởi phát bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em.

Xem thêm: Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em: Nguyên nhân và triệu chứng

3. Triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ

Triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ sẽ xảy ra liên tục hoặc xuất hiện theo từng đợt. Tùy thuộc vào thời gian bệnh, mức độ viêm và mức độ chấn thương, trẻ có thể gặp phải một hoặc nhiều triệu chứng sau:

- Các khớp xương co cứng, sưng tấy, viêm và đau nhức. Đặc biệt là vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc vào mỗi buổi trưa. Khớp ở bàn tay, khớp ở bàn chân và khớp đầu gối là những khớp bị ảnh hưởng nhiều nhất.

- Cơ thể thưởng xuyên mệt mỏi, suy nhược, giảm cân không rõ nguyên nhân.

- Đối với trường hợp viêm khớp dạng thấp thể đa khớp, ngoài tình trạng sưng, đau và viêm khớp, trẻ thường có biểu hiện sốt cao, sưng hạch bạch huyết và phát ban.

4. Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở trẻ em

Để kiểm tra và chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp, bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi trẻ một số câu hỏi liên quan đến những triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra bác sĩ cũng sẽ yêu cầu trẻ thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán để có thể kết luận một cách chính xác nhất.

- Xét nghiệm nước tiểu: Dựa trên kết quả xét nghiệm nước tiểu, bác sĩ sẽ tìm ra bạch cầu, hồng cầu và protein bất thường và có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp.

- Xét nghiệm kháng thể kháng nhân ANA: Xét nghiệm kháng thể kháng nhân ANA có thể đo được chính xác nồng độ kháng thể tổn tại trong máu. Chúng thường xuất hiện ở những đối tượng đang bị viêm khớp dạng thấp.

- Tốc độ lắng của hồng cầu: Xét nghiệm này giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp dựa trên hiện tượng lắng đọng lượng protein tồn tại trong máu. Thông thường, tế bào máu sẽ rơi càng nhanh khi tình trạng viêm càng nghiêm trọng.

Ngoài những xét nghiệm chẩn đoán nêu trên, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Cụ thể như: Chụp cắt lớp vi tính CT, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI.

5. Phương pháp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em

Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là bệnh nguy hiểm, có khả năng gây biến chứng teo cơ, bại liệt. Chính vì thế, nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán. Đồng thời tìm ra hướng chữa trị thích hợp.

a. Dùng thuốc Tây

Để điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ, các bác sĩ thường sẽ kê các loại thuốc như:

- Thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID): Một số loại thuốc chống viêm không chứa steroid như Naproxen (Aleve), Ibuprofen ( Motrin và Advil) thường được bác sĩ kê đơn cho trẻ sử dụng với mục đích giảm nhanh triệu chứng đau nhức và sưng tấy do viêm khớp dạng thấp gây ra.

- Thuốc chống thấp khớp DMARDs: Nhóm thuốc này thường được sử dụng để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, thời gian thuốc phát huy tác dụng điều trị thường kéo dài, mất ít nhất vài tuần đến vài tháng. Do đó, để làm giảm triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở trẻ em, DMARDs cần kết hợp chung với một vài loại thuốc chống viêm không chứa steroid khác.

Sulfasalazine và methotrexate là hai loại thuốc chống viêm thường được bác sĩ chỉ định điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em. Liều lượng và thời gian dùng tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ viêm của từng đối tượng. Do đó, cha mẹ không nên tự ý cho con dùng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ, tránh trường hợp thuốc gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Thuốc corticosteroid: Thuốc corticosteroid có tác dụng giảm viêm, thường được sử dụng trong trường hợp viêm khớp dạng thấp ở trẻ em chuyển sang thể nặng và xuất hiện biến chứng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà thuốc được chỉ định dùng dưới dạng đường uống hoặc tiêm đường tĩnh mạch.

- Thuốc sinh học: Thông thường, các loại thuốc này được thiết kế với mục đích can thiệp vào phản ứng viêm của cơ thể, giúp giảm triệu chứng đau nhức và sưng. Một số loại thuốc sinh học thường được kê đơn để điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em như adalimumab, abatacept, etanercept và anakinra.

Xem thêm: Những loại thực phẩm tốt cho người bệnh viêm khớp dạng thấp

b. Vật lý trị liệu

Song song với việc dùng thuốc, phụ huynh cũng nên cho trẻ phối hợp các biện pháp điều trị bằng vật lý trị liệu để cải thiện và duy trì chức năng của cơ, xương khớp. 

Các biện pháp vật lý trị liệu bệnh nhân có thể áp dụng:

- Bấm huyệt hoặc xoa bóp các khớp xương, huyệt chủ đạo giúp máu lưu thông tốt, tạo cảm giác thoải mái cho hệ xương khớp

- Thực hiện chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm đau và sưng

- Tập thể dục theo hướng dẫn của chuyên gia trị liệu

Bên cạnh các cách nêu trên, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và duy trì cân nặng ở mức ổn định cũng là biện pháp giúp kiểm soát triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở trẻ. Đồng thời, thường xuyên đưa con thăm khám định kỳ, bao gồm khám mắt sẽ giúp bác sĩ theo dõi diễn biến bệnh và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.

6. Biện pháp phòng ngừa viêm khớp dạng thấp ở trẻ

Các bậc phụ huynh nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa viêm khớp dạng thấp cho trẻ nhỏ. Tránh để bệnh có cơ hội khởi phát và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày và sự phát triển thể chất của trẻ.

- Nên cho trẻ uống nhiều nước mỗi ngày, trung bình 1,5 - 2 lít nước để đảm bảo độ ẩm dịch khớp, bảo vệ bao sụn và đầu xương.

- Cơ thể trẻ dễ bị khí lạnh xâm nhập và đây là một trong những nguyên nhân gây viêm khớp. Vì vậy,  cần cho trẻ mặc đủ ấm vào mùa đông, hạn chế tiếp xúc với không khí lạnh.

- Nên duy trì chế độ ăn uống khoa học cho trẻ, bổ sung các món ăn chứa nhiều vitamin, canxi và khoáng chất tốt cho xương. Đồng thời cần tránh những thực phẩm gây hại cho xương khớp như đồ ăn quá mặn, đồ ngọt, nhiều dầu mỡ…

- Khuyến khích trẻ tập thể dục, thể thao hàng ngày để tăng cường sự dẻo dai cho xương khớp, kiểm soát cân nặng, tránh để trẻ bị béo phì.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X