Hotline 24/7
08983-08983

Nhóm máu và những điều cần biết

Ở người, các nhóm máu được chia thành nhiều loại đặc trưng riêng biệt. Do đó, nếu không truyền đúng nhóm máu tương thích sẽ gây nguy hiểm đến người được truyền máu. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về những điều chúng ta cần biết về nhóm máu.

Cơ thể rất cần máu cho sự sống, bởi máu mang chất dinh dưỡng đến các cơ quan và lấy đi các chất thải trong quá trình chuyển hoá. Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới sử dụng thẻ định danh cá nhân, trong đó có cả thông tin về nhóm máu. Điều này chứng tỏ rằng, thông tin về nhóm máu là thông tin tối thiểu mà chúng ta cần phải biết. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho quý độc giả những điều cần biết về nhóm máu.

Thông tin được cung cấp bởi ThS.BS Trần Quốc Khánh - Khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

1. Các nhóm máu cơ bản

Nhóm máu được phát hiện cách đây khoảng 1 thế kỷ. Nhà khoa học người Áo - Karl Landsteiner đã phát hiện ra nhóm máu ABO vào năm 1901. Đây là một phân loại nhóm máu rất quan trọng hiện nay. Theo đó, nhà khoa học Karl Landsteiner đã được trao giải Nobel năm 1930 về phát minh này.

Sau một thập kỷ, Karl Landsteiner cùng đồng nghiệp là ông Alexander S.Wiener đã tìm ra nhóm máu Rhesus (Rh), một nhóm máu thường được nghiên cứu trên loài khỉ.

Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 36 phân loại nhóm máu nhưng trong thực hành lâm sàng chỉ sử dụng 2 phân loại là ABO và Rh. Dựa vào phân loại, chúng ta có những nhóm máu sau: A, B, AB, O và Rh (+), Rh (-), trong đó Rh (+) là nhóm máu thường gặp nhất và Rh (-) rất hiếm gặp.

2. Mỗi người đều cần phải biết thông tin về nhóm máu của bản thân và gia đình

Mỗi thành viên trong gia đình cần biết nhóm máu của mình và của các thành viên khác. Vì nếu trong trường hợp cấp cứu, người nhà sẽ cung cấp thông tin nhóm máu của bệnh nhân để trong thời gian làm các xét nghiệm, các BS có thể truyền máu ngay lập tức.

Những người có nhóm máu Rh (-) là nhóm máu có thể gây xung đột về đông máu ở mẹ và con trong quá trình sinh đẻ. Vì vậy, những người thuộc nhóm máu này cần thông báo cho BS hoặc các phẫu thuật viên biết vì nhóm máu Rh (-) rất hiếm nên cần phải chuẩn bị trước.

Việc xét nghiệm để xác định thông tin nhóm máu được thực hiện rất nhanh và dễ dàng. Cụ thể, kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ lấy máu của bạn và trộn lẫn theo một nguyên lý nhất định. Chỉ sau 1 tiếng thì bạn có thể biết được nhóm máu của mình.

ThS.BS Trần Quốc Khánh - Khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

3. Các nhóm máu thường gặp và hiếm gặp

Với nhóm ABO:

Nhóm máu A và O chiếm 36% dân số, nhóm máu AB ít gặp nhất. Do đó, trong trường hợp bị tai nạn cần phải cấp cứu thì những người có nhóm máu AB gặp khó khăn hơn trong quá trình phẫu thuật vì bệnh viện cần phải chuẩn bị máu kỹ hơn.

Với nhóm Rh:

Nhóm máu Rh (+) chiếm 90% và Rh (-) hiếm gặp hơn cả. Do đó, những người có nhóm máu Rh (-) cũng cần phải hết sức lưu ý trong quá trình sinh đẻ, phẫu thuật.

4. Nhóm máu giúp nhận định gốc gác tổ tiên của mình

Thông thường, những khu vực địa lý khác nhau sẽ có tỷ lệ nhóm máu khác nhau. Chẳng hạn như:

  • Nhóm máu Rh (+) thường gặp ở người Châu Á và Châu Úc;
  • Nhóm máu Rh (-) thường gặp ở người Châu Âu và Tây Âu;
  • Nhóm máu A thường gặp ở người Bắc Mỹ và Châu Âu;
  • Nhóm máu O và B thường gặp ở người Châu Á, Trung và Nam Mỹ.

5. Nhóm máu chuyên cho và chuyên nhận

Về nguyên tắc, khi truyền máu, để tránh kháng nguyên và kháng thể tương ứng gặp nhau gây nên hiện tượng các hồng cầu ngưng kết phải truyền cùng nhóm máu. Tuy nhiên, có những người sẽ có nhóm máu chuyên cho hoặc chuyên nhận.

Theo đó, nhóm máu O được xem là nhóm máu chuyên cho. Những người có nhóm máu O+ có thể nhường máu cho tất cả 4 nhóm máu, A+, O+, B+, AB+. Đặc biệt hơn, nhóm máu O- có thể nhường máu cho tất cả 8 nhóm máu do không có kháng nguyên A, B và Rh nên không bị hệ miễn dịch của người nhận nhận dạng và tấn công. Điều này đã khiến nhóm O- trở thành nhóm máu toàn cầu và luôn cần thiết trong những trường hợp cần truyền máu gấp, đặc biệt là khi chưa xác định được nhóm máu người bệnh.

Ngược lại, nhóm máu AB là nhóm chuyên nhận. Kháng thể chống A, sẽ phản ứng với hồng cầu có kháng nguyên A. Tương tự kháng thể chống B, sẽ phản ứng với hồng cầu có kháng nguyên B. Do đó, người nhóm máu AB nhận được tất cả các nhóm nhưng chỉ cho được người cùng nhóm máu AB. Phản ứng giữa kháng thể và kháng nguyên trên hồng cầu sẽ gây tan máu, tổn thương thận, truỵ tim mạch, suy hô hấp. Đe dọa nghiêm trọng tính mạng của người bệnh. Đây là tai biến do truyền nhầm nhóm máu, một điều tối kỵ và tuyệt đối tránh trong điều trị.

6. Nhóm máu của con vẫn có thể không giống nhóm máu của cha mẹ

Dù nhóm máu có tính chất di truyền nhưng do sự phối hợp giữa 2 gen nên nhóm máu của con có thể không giống nhóm máu của cha và mẹ. Ví dụ, cha nhóm máu A, mẹ nhóm máu B, con hoàn toàn có thể có nhóm máu O hoặc ngược lại. Do đó, xác định huyết thống dựa vào nhóm máu chỉ mang tính chất tương đối, không mang tính khẳng định.

7. Nhóm máu có liên quan đến một số bệnh lý nhất định

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có sự liên quan giữa nhóm máu và các bệnh lý. Chẳng hạn, những người có nhóm máu A, B hoặc AB thường có nguy cơ bị bệnh lý mạch vành, thuyên tắc mạch phổi, ung thư dạ dày hoặc ung thư tủy cao hơn so với những người có nhóm máu O. Hoặc những người hay bị sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer) rất hay gặp ở người có nhóm máu AB. Như vậy, những người có nhóm AB có tỷ lệ rủi ro về các bệnh tật cao hơn so với nhóm máu O.

8. Máu là sản phẩm y tế không thể sản xuất nhân tạo

Trong quá trình ghép tạng, yêu cầu bắt buộc cần phải có là tương đồng nhóm máu. Tuy nhiên, máu là sản phẩm y tế chưa thể sản xuất nhân tạo được. Do đó, nhu cầu truyền máu của các bệnh viện trên thế giới rất lớn. Ví dụ, ở Mỹ, cứ 12 giây trôi qua sẽ có một người cần truyền máu. Ở những bệnh viện tuyến đầu tại Việt Nam, mùa hè hoặc gần Tết cũng là mùa mà bệnh viện thiếu máu nghiêm trọng.

Chính vì lẽ đó, các bệnh viện rất cần những tình nguyện viên hiến máu. Bởi có những ca mổ phải truyền khoảng 50 đơn vị máu hoặc những người có bệnh lý về máu, ung thư đôi khi cần phải truyền máu cả đời. Do đó, hiến máu tình nguyện là một trong những nghĩa cử cao đẹp mang đậm giá trị nhân văn mà chúng ta có thể làm để giúp ích cho cộng đồng.

Mọi công dân từ 18 – 60 tuổi đều có thể hiến máu, trừ các bệnh truyền nhiễm (viêm gan B, viêm gan C, HIV). Chúng ta có truyền hồng cầu hoặc tiểu cầu.

Nếu truyền hồng cầu thì sau 3 tháng chúng ta có thể truyền lại, nghĩa là 1 năm có thể truyền máu 4 lần. Nếu truyền tiểu cầu thì chỉ sau 3 tuần chúng ta đã có thể truyền lại được.

Có thể hiến từ 250 - 350ml trong mỗi lần hiến máu. Truyền máu hay hiến máu không gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, thậm chí còn có một số tác dụng tích cực nhất định đối với cơ thể. Hiến máu thường xuyên có thể cải thiện dòng máu lưu thông, giảm tổn thương thành mạch máu và tắc nghẽn động mạch. Ngoài ra, chúng ta còn được khám sức khoẻ miễn phí khi hiến máu. Bởi trước khi hiến máu, chúng ta sẽ được thăm khám toàn diện và máu sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm và kiểm tra xem chúng ta có mắc các bệnh nhiễm trùng hay không.

Hiện nay, nhiều người có nhóm máu hiếm như AB hoặc Rh(-) đã lập các group để tập hợp những người có cùng nhóm máu với mình trên mạng xã hội. Vì vậy, những ai có nhóm máu hiếm nên kết nối với các nhóm cộng đồng như vậy để nếu chẳng may gặp tai tai nạn cần phải phẫu thuật thì những người có cùng nhóm máu sẽ tìm đến và hỗ trợ. Bởi có nhiều bệnh viện không dự trữ đủ các nhóm máu hiếm để truyền cho bệnh nhân.

9. Mỗi nhóm máu sẽ có chế độ dinh dưỡng khác nhau

Các nhà khoa học đã nghiên cứu ra chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng nhóm máu khác nhau. Theo đó, việc ăn uống theo nhóm máu sẽ giúp tiêu hoá tốt hơn và kiểm soát được cân nặng. Bạn đọc có thể tìm đọc quyển sách của tiến sĩ Peter J. D’Adamo – Ăn theo nhóm máu để hiểu rõ hơn về kiến thức bổ ích này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X