Hotline 24/7
08983-08983

Nhận biết và điều trị viêm bao gân cổ tay

Viêm bao gân cổ tay là một tình trạng bệnh lý cơ xương khớp gây đau nhức và tê từ quanh cổ tay đến các ngón tay. Bệnh xảy ra khi vỏ bọc các gân ở cổ tay bị tổn thương bởi những hoạt động lặp đi lặp lại hoặc một số vấn đề xương khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp cổ tay, gút…

1. Viêm bao gân cổ tay là gì?

Phần cổ tay bị đau là một triệu chứng thường xuyên xảy ra với nhiều người trong cuộc sống hàng ngày. Tình trạng này có thể gây ra những ảnh hưởng lớn đến chức năng cử động của tay và chân người bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tổn thương gân, khớp vĩnh viễn.

Gân là bộ phận nối giữa xương và cơ, chúng có nhiệm vụ giúp truyền lực cho các hoạt động từ cơ đến xương, khớp, gân có vai trò quan trọng giúp các khớp vận động. Viêm bao gân là tình trạng tổn thương gân ở một hoặc nhiều vị trí. Viêm bao gân có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào, đặc biệt hay gặp ở các vị trí khớp vận động nhiều như: Vai, gối, khuỷu tay, gót chân...

Cổ tay có thể nói là vị trí hay bị viêm bao gân nhất do đây là vị trí có nhiều gân, hoạt động nhiều với các động tác phức tạp, vị trí các gân bám xương lộ ngay sát bề mặt da nên dễ bị tổn thương nhất.

Viêm bao gân cổ tay là tình trạng viêm bao gân ở cổ tay, bệnh làm ảnh hưởng đến các xương, khớp ở vùng cổ tay, chúng gây đau, hạn chế vận động của cổ tay.

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm bao gân cổ tay

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm bao gân cổ tay là do ảnh hưởng của chấn thương hoặc bệnh lý tự miễn. Tuy không xác định được chính xác, nhưng các chuyên gia đã chỉ ra một số tác nhân cụ thể như sau:

- Do cơ thể mắc một số bệnh lý làm tăng nguy cơ bị viêm như: viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, gout, xơ cứng bì,...

- Vận động quá mạnh gây ra chấn thương ở các cơ, khớp.

- Bong gân hoặc các cơ, gân bị kéo mạnh một cách đột ngột.

- Một số nhiễm trùng ở gân, cơ.

Tình trạng viêm bao gân cổ tay nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: đứt, rách gân làm cho các cử động bị hạn chế. Không những thế tình trạng viêm này có thể lan ra các khớp xung quanh và gây nên tình trạng cứng khớp, thậm chí là nhiễm trùng lan rộng có thể nguy hiểm tính mạng.

3. Triệu chứng của viêm bao gân cánh tay

Đau nhức ở gốc ngón tay cái và cẳng tay là triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm bao gân cổ tay. Cơn đau có thể phát triển từ từ hoặc kéo dài đột ngột và thường trở nên tồi tệ hơn khi cổ tay, bàn tay và ngón tay cái hoạt động. Bên cạnh đó, khi bao gân cổ tay bị viêm sẽ gây ra các triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:

- Sưng gần gốc ngón tay cái.

- Nóng và đỏ vùng quanh cổ tay.

- Tê dọc mặt sau ngón cái và ngón trỏ.

- Khó cử động ngón cái và cổ tay khi cầm nắm.

- Ngón cái có cảm giác bị dính và giật cục bộ.

- Phát ra âm thanh lạo xạo khi ngón cái hoạt động.

Khi bị viêm bao gân cổ tay, bạn vẫn có thể thực hiện các công việc và sinh hoạt thường ngày, nhưng nếu cố gắng chịu đựng, kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến xơ gân, rách gân và teo cơ ngón cái khiến chức năng cảm giác, cử động của cổ tay, bàn tay (nhất là ngón cái) bị suy giảm.

4. Các phương pháp chẩn đoán viêm bao gân cánh tay

Viêm bao gân cổ tay được chẩn đoán ở bước đầu tiên là dựa vào triệu chứng lâm sàng mà người bệnh gặp phải. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng cổ tay xem có những vết đỏ hay sưng không. Từ đó, chỉ định những phương pháp cận lâm sàng khác để có kết quả rõ ràng hơn, từ đó chẩn đoán bệnh lý mà cổ tay người bệnh mắc phải.

Nếu người bệnh có cơn đau nhói khi di chuyển hoặc xoay cổ tay có hoặc không kèm sưng đỏ kèm những triệu chứng khác, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện siêu âm hoặc chụp MRI để hình thấy rõ tình trạng, hình dạng và cấu trúc của các gân cổ tay. Tuy nhiên, đây lại không phải là xương pháp ưu tiên để chẩn đoán viêm bao gân cổ tay. Bác sĩ thường chỉ chẩn đoán bệnh lý viêm gân bằng hình ảnh khi nghi ngờ người bệnh có những bệnh lý khác đi kèm, hoặc người bệnh có triệu chứng viêm bao gân cổ tay do chấn thương đột ngột.

Những động tác mà người bệnh thường được yêu cầu thực hiện khi đến thăm khám và chẩn đoán viêm bao cổ tay với bác sĩ thông thường gồm 3 bước là:

- Bước 1: Gấp ngón cái vào lòng bàn tay

- Bước 2: Nắm tay lại thành nắm đấm

- Bước 3: Gập cổ tay về phía ngón út

Dựa trên những triệu chứng hoặc cơn đau khi người bệnh thực hiện những động tác nêu trên, bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán và phân biệt được loại viêm bao gân cổ tay ở người bệnh.

Xem thêm: Viêm bao gân cổ tay có nguy hiểm không?

5. Điều trị viêm bao gân cổ tay

Hầu hết những phương pháp điều trị viêm bao gân cổ tay tương đối đơn giản, tập trung vào việc làm thuyên giảm các triệu chứng lâm sàng của người bệnh. Và dù người bệnh bị viêm cơ cổ tay với lý do gì, thì nghỉ ngơi vẫn là phương pháp hàng đầu ở mọi phác đồ điều trị.

Những phương pháp điều trị viêm bao gân cổ tay gồm:

- Chườm nóng để giảm sưng và đau

- Thực hiện luyện tập co duỗi theo hướng dẫn của bác sĩ

- Kích thích thần kinh điện qua da

- Sử dụng thuốc chống viêm NSAID

Ngoài ra, đối với những trường hợp gân cổ tay bị sưng tấy nặng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện những phương pháp để điều trị khác như sử dụng nẹp hoặc nẹp cố định lại vùng cổ tay bị viêm bao gân.

Một phương pháp khác cũng được áp dụng để điều trị viêm bao gân cổ tay không nhiễm trùng được sử dụng nhiều trong y học hiện nay là tiêm steroid vào bao gân người bệnh.

Khi các phương pháp nội khoa không đáp ứng hoặc đáp ứng kém thì điều trị tiếp theo là tiểu phẫu thuật cắt mạc giữ gân duỗi ở mỏm trâm quay để giải phóng gân cơ duỗi và giạng ngón cái.

Người bị viêm bao gân cổ tay cũng sẽ được yêu cầu thực hiện những bài tập vật lý trị liệu phù hợp để làm tăng cường cơ cổ tay, hạn chế tình trạng tái viêm bao gân.

Phương pháp điều trị thường đơn giản, chủ yếu là nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau kết hợp với vật lý trị liệu. Tiểu phẫu thuật chỉ đặt ra khi các biện pháp điều trị nội khoa không đạt hiệu quả mong muốn.

6. Phòng ngừa viêm bao gân cổ tay

Tình trạng viêm bao gấp cổ tay hoàn toàn có thể khỏi nếu người bệnh biết cách sinh hoạt và tập luyện hợp lý. Tuy nhiên, để phòng ngừa tốt nhất, bạn nên lưu ý một số vấn đề cần lưu ý trong sinh hoạt và hoạt động hàng ngày.

- Tránh các động tác gắng sức, tập thể dục quá sức hoặc lặp lại các động tác trong thời gian dài.

- Các bài tập kéo dài và mở rộng phạm vi vận động để tăng cường cơ bắp, gân cốt và ngăn ngừa nguy cơ viêm gân cổ tay.

- Nếu vết thương hở để tránh nhiễm trùng, hãy giữ vệ sinh cổ tay để giảm viêm nhiễm.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X