Hotline 24/7
08983-08983

Nhận biết rối loạn tâm lý, tâm thần ở trẻ bằng cách nào?

Rối loạn tâm lý, tâm thần ở trẻ ngày càng phổ biến, tuy nhiên một số phụ huynh chưa thể nhận biết do con đang trong giai đoạn phát triển, thay đổi tâm sinh lý. Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết trẻ đang có vấn đề rối loạn tâm lý, tâm thần? TS.BS Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ giải đáp vấn đề này.

1. Tỷ lệ trẻ khám tâm lý tăng trong thời điểm tựu trường và các kỳ thi

So với các bệnh thực thể, bệnh tâm lý có gia tăng theo mùa hay không? Giai đoạn nào trong năm nhu cầu khám tâm lý của trẻ gia tăng hơn mọi khi, thưa BS?

TS.BS Đinh Thạc trả lời: Không giống như các bệnh thực thể, bệnh tâm lý có các đặc điểm riêng biệt, không xảy ra theo mùa mà có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, vì các rối loạn về tinh thần, tâm lý sẽ xảy ra khi có các tác động từ bệnh ngoài.

Tuy nhiên, một số thời điểm trong năm ghi nhận có sự gia tăng bệnh nhi đến khám tâm lý, cụ thể vào các thời điểm đặc biệt như mùa thi (thi cấp 1, cấp 2, thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp)… vấn đề rối loạn tâm lý ở trẻ bắt đầu có chiều hướng phổ biến. Nguyên nhân do giai đoạn này các bé bắt đầu căng thẳng về học tập, tập trung học bài và chuẩn bị cho mùa thi, có thể xuất hiện các bất lợi cho sức khỏe nếu không có sự sắp xếp hợp lý.

Một trong các giai đoạn tỷ lệ bệnh nhân đến khám tâm lý gia tăng là mùa tựu trường. Nhiều trường hợp học sinh sau 3 tháng nghỉ hè đến trường sẽ xuất hiện rối loạn hoạt động trong học tập, khiến các phụ huynh nhận thấy trẻ chậm và không nhớ bài.

Nhu cầu khám tâm lý liên quan đến vấn đề nhập học, ví dụ con có kết quả học tập không tốt, thầy cô giáo thường xuyên góp ý cho con đi khám tâm lý, làm các chứng nhận để nhà trường hỗ trợ trong vấn đề học tập.

Phần lớn trong thời điểm tựu trường, phụ huynh đến khám cho trẻ để xin giấy chứng nhận, tóm tắt bệnh án để hỗ trợ con trong quá trình học tập, đặc biệt là những trẻ có rối loạn phát triển về kỹ năng học tập.

2. Những dấu hiệu bất thường ở trẻ cha mẹ cần đưa con đi khám tâm lý, tâm thần

Đối với các vấn đề tâm lý liệu có các dấu hiệu nào giúp phụ huynh nhận ra con/ em mình đang bất ổn, thưa BS?

TS.BS Đinh Thạc trả lời: Một trong các điểm khác biệt về dấu hiệu, triệu chứng của bệnh lý thực thể với các rối loạn tâm lý, tâm thần cụ thể như sau.

Đối với trẻ em, nếu không có sự chú ý, theo dõi, quan sát, rất khó phát hiện các bất thường. Đôi khi các bậc phụ huynh có thể ngộ nhận những biểu hiện, suy nghĩ, hành vi của trẻ là bình thường do con đang trong giai đoạn phát triển, khiến các bậc phụ huynh dễ dàng bỏ qua.

Tuy nhiên, một số phụ huynh quan sát kỹ con/ em mình có các hoạt động, ứng xử, giao tiếp, đặc biệt là các hành vi bất thường so với người bạn đồng trang lứa, từ đó các vị phụ huynh sẽ để ý con/ em mình cần đến sự hỗ trợ, can thiệp hay không. Nhờ đó, một số em bé có thể cải thiện do nhận được sự quan tâm, chăm sóc tâm lý, tình cảm của gia đình, tuy nhiên có những trẻ mắc rối loạn kéo dài, ảnh hưởng đến kết quả học tập, chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, vui chơi.

Ví dụ như các em bé 2-3 tuổi nhưng chậm nói là một trong các vấn đề khiến phụ huynh lo lắng. Một số em bé chậm phản ứng, như khi gọi hoặc hỏi bé phải mất một khoảng thời gian bé mới quay lại và trả lời.

Khả năng học chậm hơn so với các bạn, ví dụ khi cô giao bài tập, các bạn khác đã làm xong nhưng con/ em mình còn loay hoay; hoặc một số trường hợp trẻ hiếu động, nghịch ngợm khiến cha mẹ mệt mỏi, luôn phải đi theo vì sợ tai nạn xảy ra với trẻ.

Ví dụ trường hợp trẻ bị rối loạn tăng động, nếu không đi khám và không có sự can thiệp của bác sĩ sẽ rất khó trong vấn đề hòa nhập cuộc sống. Một số em bé giảm tương tác, chơi một mình, có các biểu hiện không để ý đến người xung quanh, hành vi rập khuôn xuất hiện khá nhiều trong vấn đề bệnh tự kỷ hoặc rối loạn phổ tự kỷ, đây là một trong các vấn đề sức khỏe ở trẻ cần phải theo dõi và điều trị kịp thời.

Một số trẻ lớn vào mùa thi, vấn đề căng thẳng trong học tập có thể dẫn đến các rối loạn lo âu bất thường, một số trẻ căng thẳng như stress cấp có thể khiến em bé giảm tương tác, thích ở trong phòng một mình, không giao lưu với người xung quanh, thay đổi tâm tính. Trường hợp này nếu không được can thiệp, lâu dần sẽ dẫn đến trầm cảm, một trong các dấu hiệu nguy hiểm.

Một số em bé có biểu hiện bất thường về các hành vi không tốt, ví dụ những trẻ khác hoạt động nhẹ nhàng và ngoan, còn con/ em mình luôn tác động vật lý vào những người xung quanh, la hét, thậm chí giành giật đồ chơi hoặc gây bất lợi cho chính bản thân và sức khỏe của người xung quanh.

Nếu thấy con/ em mình có các biểu hiện trên, phụ huynh nên sớm đưa con/ em đến khám tâm lý hoặc tâm thần để được các bác sĩ đưa ra liệu trình điều trị kịp thời.

3. Phân biệt trẻ mắc vấn đề tâm lý hoặc tâm thần bằng cách nào?

Làm cách nào để phân biệt trẻ đang mắc vấn đề tâm lý hay tâm thần, thưa BS?

TS.BS Đinh Thạc trả lời: Việc phân biệt các rối loạn tâm lý và tâm thần ở trẻ khá khó đối với phụ huynh, bởi vì 2 vấn đề này rất khó phân biệt trong một số trường hợp, đặc biệt đối với các em bé có triệu chứng mơ hồ không rõ ràng.

Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên quá căng thẳng và lo lắng vì cha mẹ có thể lựa chọn cho con đến khám tâm lý hoặc tâm thần, những bác sĩ được huấn luyện về chuyên môn có kinh nghiệm tốt có thể phân biệt trong trường hợp phụ huynh không thể phân biệt 2 vấn đề này.

Đối với các nhóm bệnh như rối loạn tăng động, tự kỷ, chậm phản ứng, stress cấp có biểu hiện khá rõ ràng để phụ huynh có thể đưa trẻ đến các cơ sở khám tâm lý hoặc tâm thần.

Ví dụ trường hợp các em bé có rối loạn về chậm nói, chậm phát triển, rối loạn tăng động, giảm chú ý, tự kỷ, rối loạn hành vi như hành hung, ăn vạ, đánh bạn… Đó là các trường hợp liên quan đến tâm lý được gọi là rối loạn, phụ huynh nên đưa con đến khám chuyên khoa tâm lý, có bác sĩ về tâm lý nhi, chuyên gia tâm lý để hỗ trợ các con.

Một số trường hợp có biểu hiện khá rõ như trẻ tự nói chuyện một mình, độc thoại một mình, biểu hiện khó hiểu như thường xuyên nhốt mình trong phòng, u sầu, buồn bã, khí sắc không tốt, không thích tương tác với những người xung quanh… đó có thể là vấn đề rối loạn lo âu, trầm cảm nghiêm trọng. Các trường hợp này liên quan đến vấn đề tâm thần, nên cho các con đến các cơ sở có khám chuyên khoa tâm thần như Bệnh viện Tâm thần TPHCM, có dịch vụ khám tâm lý, tâm thần cho trẻ em.

Hoặc những trẻ có biểu hiện như âm thanh ảo luôn xuất hiện trong đầu hoặc có cảm giác hoang tưởng ai đó hại mình, bị theo dõi, gây nguy hiểm cho mình… các trường hợp này có biểu hiện khá rõ ràng, liên quan đến vấn đề tâm thần.

Tóm lại, cha mẹ không nên quá lo lắng, nếu thấy con/ em có biểu hiện bất thường có thể đưa trẻ đến bệnh viện chuyên về nhi khoa, bệnh viện tâm thần để các bác sĩ, chuyên gia hỗ trợ.

4. Hiểu đúng về rối loạn tâm thần

Nhiều phụ huynh không chấp nhận được việc đưa con em mình đi khám tâm thần vì cho rằng, vấn đề này là chỉ những người bất ổn, quậy phá. Nhờ BS làm rõ khái niệm “tâm thần”, liệu có khác so với những gì dân gian định nghĩa?

TS.BS Đinh Thạc trả lời: Những người trong gia đình nhận thấy em bé có các rối loạn về hành vi, hành động, ví dụ như ông bà cho rằng con/ cháu có rối loạn về tâm thần, khuyên ba mẹ nên đưa trẻ đi khám nhưng ba mẹ không thừa nhận.

Một số gia đình có hàng xóm xung quanh nói rằng bé có dấu hiệu bất thường, không giống như các trẻ khác, trẻ gây ra các bất lợi khác cho hàng xóm nên bị cho là con bị tâm thần.

Các quan điểm trên không đúng, vấn đề rối loạn tâm thần không đồng nghĩa với người bị điên, bị khùng. Rối loạn tâm thần nghĩa là có các biểu hiện bất thường về sức khỏe tinh thần, ví dụ như em bé trầm cảm, buồn bã, lo lắng, đó không phải dấu hiệu bị điên hoặc bị khùng, khái niệm đó hoàn toàn không đúng.

Vì vậy, các bậc phụ huynh nên có khái niệm rõ ràng hơn, nếu chưa có những hiểu biết, kinh nghiệm cần thiết có thể hỏi chuyên gia, nhà trị liệu hoặc truy cập vào mạng xã hội để có định nghĩa rõ ràng.

Trừ trường hợp trẻ có dấu hiệu rõ ràng về tâm thần phân liệt, lúc đó sẽ nghĩ nhiều đến việc em bé có khả năng bị bất thường, vấn đề chưa phù hợp với ứng xử hoạt động trong xã hội. Trong trường hợp này, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần sẽ đưa ra lời khuyên chính xác nhất.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên có một góc nhìn thoáng hơn về các rối loạn sức khỏe tinh thần giống như các rối loạn sức khỏe tâm lý, làm cho em bé bị ảnh hưởng và khó khăn trong vấn đề tương tác, giao tiếp, đặc biệt là chất lượng cuộc sống của trẻ bị người xung quanh kỳ thị, đó là vấn đề rất khó khăn cho trẻ.

>>> Phần 2: Hướng dẫn khám chữa bệnh tâm lý cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 1

>>> Phần 3: Những điều cha mẹ cần biết khi cho trẻ đi khám tâm lý

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X