Làm “bạn” cùng con vượt qua khủng hoảng tâm lý
Áp lực học tập và môi trường xung quanh khiến con dễ rơi vào tình trạng rối loạn lo âu. Lúc này, cha mẹ chính là người bạn tốt nhất để cùng con chia sẻ. Vậy làm thế nào để tiếp cận tâm lý của con? Câu hỏi được BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM giải đáp.
1. Tiếp cận tâm lý của con là một nghệ thuật
Thưa BS, khi con gặp những biểu hiện tiêu cực, làm sao để cha mẹ tiếp cận được tâm lý của con để tìm hiểu điều gì đang xảy ra và để con bày tỏ "cảm thấy thế nào"?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đây cũng là một nghệ thuật, vì đối với con nít, nếu hỏi thẳng hay các câu hỏi có/không, các con sẽ không trả lời.
Ví dụ, cha mẹ hỏi con có bị gì không, sẽ không nhận được câu trả lời. Nên hỏi con đi học trên trường có vui không? Học được những gì? Bạn bè xung quanh có vui không?... Đặt những câu hỏi gián tiếp như vậy, cha mẹ có thể theo dõi cảm xúc của trẻ, từ đó nói chuyện được với con.
Ngoài ra, cha mẹ có thể nói thủ thỉ với con như cách nói chuyện với một người bạn. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên thủ thỉ với các con ngay từ khi con còn nhỏ, không nên áp lực quá cho con, nếu điều gì cũng áp đặt, đến thời điểm cần tâm sự, con sẽ co cụm lại. Còn với những câu hỏi có/không khi nói chuyện với con, cha mẹ sẽ không thể khai thác được thông tin gì.
Tuy nhiên, nếu việc tâm sự, khai thác thông tin để biết vấn đề ở trẻ quá khó với phụ huynh, cha mẹ có thể nhờ đến một chuyên gia tâm lý. Nhưng một số đứa trẻ không muốn đi khám tâm lý, trẻ sẽ phản ứng gay gắt. Do đó, phụ huynh cần phải nắm từng giai đoạn và cố gắng theo sát đứa trẻ, khi cảm thấy nghi ngờ con gặp rối loạn lo âu, trầm cảm, bản thân phụ huynh phải giải quyết hoặc tìm cô giáo hay người quen, một bác sĩ tin cậy nói chuyện với con để trẻ thoát ra khỏi vấn đề. Nếu không, cha mẹ phải đưa trẻ đi bác sĩ để thăm khám.
2. Phụ huynh nên dành thời gian nhiều hơn cho con
Điều trị rối loạn lo âu, stress, trầm cảm cho trẻ, từ góc độ gia đình, phụ huynh có thể làm những gì cho con trong tình huống này ạ? Điều gì cần tránh trong giai đoạn này ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu phát hiện được nguyên nhân khiến trẻ rối loạn lo âu, dẫn đến trầm cảm, phải giải quyết nhanh con mới thoát ra được. Nếu không phát hiện và cho rằng đó không phải nguyên nhân, chắc chắn cha mẹ không bao giờ có thể giải quyết.
Vì vậy, cha mẹ cần tìm hiểu tại sao trẻ bị rối loạn lo âu, có thể ban đầu là do nguyên nhân thông thường, nhưng lâu dần nhiều vấn đề tích lại. Cha mẹ cố gắng phát hiện sớm và khi trẻ có vấn đề hoặc cha mẹ nghĩ tới các vấn đề trẻ có thể bắt đầu trầm cảm là phải theo dõi sát. Nếu không, con sẽ xảy ra rất nhiều hiện tượng.
Hiện nay, phụ huynh vô cùng bận rộn nên khi con xảy ra chuyện gì, cha mẹ hối hận không trở tay kịp. Do đó, nên dành thời gian cho con, các bé nhỏ sẽ yêu cầu về thời gian khác, những trẻ đi học cần thời gian và một câu chuyện khác và những vấn đề này tiếp tục thay đổi đối với những trẻ chuyển cấp, trẻ bước vào độ tuổi bản lề. Do đó, phụ huynh phải học cách dành thời gian cho trẻ.
3. Nên đưa con đi khám khi cha mẹ không giải quyết được tổn thương tâm lý của con
Trường hợp nào cha mẹ cần cho con đến khám, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, phụ huynh thường nghĩ tâm thần là yếu tố di truyền mà bản thân cha mẹ không bị, làm sao con mình có thể bị. Đó là quan điểm hoàn toàn sai. Bởi vì nó có thể là yếu tố gia đình, khi người lớn lo âu, con cái sẽ hình thành thói quen đó. Nhưng điều này không dẫn đến mức độ nặng.
Yếu tố môi trường có ảnh hưởng lên tâm lý của trẻ. Hiện nay, người lớn gặp vấn đề rối loạn tâm lý rất nhiều, trong thế giới hiện đại, có nhiều yếu tố về công nghệ, môi trường, xã hội khiến con rất dễ tổn thương tâm lý. Vấn đề tổn thương tâm lý là chuyện bình thường xảy ra ở một đứa nhỏ đang lớn, vấn đề là cha mẹ cần quan tâm và điều chỉnh lại.
Nếu phụ huynh không thể điều chỉnh, cần nhờ đến chuyên gia và đưa con đi khám. Đó là vấn đề bình thường mà cha mẹ cần làm cho con để trẻ tránh khỏi các nguy cơ.
4. Vì sao chỉ có ăn học mà trẻ vẫn bị stress?
Trước đây, chúng ta đều nghĩ độ tuổi này chỉ ăn với học, không có vấn đề gì để dẫn đến stress hay áp lực như vậy. Quan điểm này còn đúng hay không, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu trước đây, ở nông thôn, không có vấn đề gì để cạnh tranh, không có vấn đề gì để bắt nạt trên mạng, cuộc sống đơn giản, thông tin đến với trẻ không có nhiều. Do đó, quan điểm này đúng với thời điểm đó và ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, trẻ phải học nhiều hơn so với trước, do áp lực công việc nên bố mẹ cũng ra ngoài, ít gần gũi với con cái, cuộc sống không đủ 3 thế hệ, bố mẹ bận còn có ông bà nhưng giờ đây, bố mẹ đi làm, không có thời gian cho con cái sẽ dẫn đến sinh hoạt gia đình giảm rất nhiều.
Bên cạnh đó, môi trường xung quanh không an toàn dẫn tới các vấn đề tâm lý ở trẻ trong thời đại ngày nay. Đây là hiện tượng không thể tránh nên cần nhận định đúng và can thiệp kịp thời, giảm thiểu một cách tốt nhất.
5. Các bạn trẻ nên tâm sự với gia đình để nhận giúp đỡ nếu gặp vấn đề
Đối với các bạn trẻ, nên cân bằng giữa việc học tập, nghỉ ngơi, vui chơi ra sao ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Học giỏi là tốt nhưng không phải yếu tố quyết định tất cả. Các bạn trẻ nên trở thành một người thích ứng với môi trường, kiềm chế được bản thân, học ra học, chơi ra chơi, tất cả mọi thứ đều có giới hạn.
Nếu tất cả thời gian đều dành cho game, chắc chắn sẽ học không được. Tất cả mọi áp lực đó, nên phân tích có đáng hay không. Một đứa trẻ nên có quyền phân tích, lý giải vì sao mình nên học nhiều như vậy khi bố mẹ mình nói, nhưng không được nói hỗn với phụ huynh. Phải giữ được sự lễ phép nhưng phải công bằng, khi đó, phụ huynh sẽ lắng nghe.
Còn nếu đang ở độ tuổi lúc nào cũng cho bản thân đúng nhưng không phân tích được cho cha mẹ tại sao đúng, nếu muốn công bằng, các bạn trẻ nên nói rõ cho bố mẹ hiểu.
Ngoài ra, các bạn trẻ nên hòa hợp với thiên nhiên nhiều hơn, lúc đó, tinh thần sẽ tốt hơn. Hiện nay, các bạn trẻ thiếu hòa hợp với môi trường thiên nhiên: cây cối, sông nước, tập thể dục thể thao, âm nhạc,… Nếu suốt ngày chỉ có game và học, chắc chắn sẽ có lúc cần ngừng chơi game lại.
Nên nhớ, có một xu hướng xã hội, hiện nay gọi là trend, các bạn trẻ không nên theo các xu hướng không tốt, không chạy theo những người xung quanh. Điều này rất khó, chỉ những bạn hòa hợp với môi trường thiên nhiên, có sự hỗ trợ của gia đình và nhà trường, đủ bản lĩnh để tránh những vấn đề đó. Vì vậy, nếu có chuyện xảy ra, nên tâm sự với gia đình để phụ huynh giúp đỡ, không nên co cụm lại.
- Trong thời đại ngày nay, phụ huynh nên quan tâm, chăm sóc con mình như thế nào, đặc biệt là khía cạnh bên trong, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phụ huynh nên biết, thời của các bậc cha mẹ khi còn trẻ, việc tiếp nhận thông tin rất ít, chỉ là ở trường và trong sách vở. Còn hiện nay có rất nhiều thông tin, đứa trẻ được quyền nhận vào và phân tích. Do đó, không nên nói “trẻ không biết gì hết”, đó là điều quan trọng nhất hiện nay mà phụ huynh nên tránh.
Bình thường, cha mẹ thường nói con là tài sản của cha mẹ nên có xu hướng quyết định mọi thứ cho con, đó là một sai lầm. Phụ huynh nên tôn trọng đứa trẻ vì cảm xúc của lứa tuổi này rất nhanh, xem con như người bạn không phải như tài sản của mình.
Khi con lớn, cha mẹ có thể thảo luận với con để con có định hướng, nhưng không nên xem con là tài sản của mình, nên tôn trọng quyết định của con. Tuy nhiên, phải biết quyết định đó có hại hay không. Vấn đề này chỉ có cách theo dõi thật sát, tâm sự, thủ thỉ, quan sát những thay đổi.
Mỗi lứa tuổi sẽ có sự thay đổi tâm sinh lý khác nhau, cha mẹ nên chấp nhận sự thay đổi đó để gần gũi con, tạo cho con cảm giác an toàn trong một môi trường quá phức tạp như hiện nay.
>>> Phần 1: “Áp lực tạo kim cương” có thực sự tốt cho con?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình