Hotline 24/7
08983-08983

“Áp lực tạo kim cương” có thực sự tốt cho con?

Áp lực tạo kim cương, quan điểm của đa số cha mẹ đặt ra cho con trẻ nhưng lại không dành thời gian bầu bạn cùng con. Áp lực đó cùng tác động từ môi trường xung quanh khiến con rơi vào trầm cảm. Vấn đề này được BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM chia sẻ.

1. Áp lực có thể khiến trẻ trầm cảm và tự hủy hoại tính mạng

Nhiều người có suy nghĩ áp lực tạo nên “kim cương” cho con. Vì vậy, không ngừng thúc ép để con học tập. Xin hỏi BS, mặt tích cực mà áp lực tạo ra cho trẻ là gì và mặt trái của điều này ra sao?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nhiều người cho rằng, áp lực mới giúp con lớn lên và trải nghiệm được. Tuy nhiên, điều đó còn phải dựa theo lứa tuổi, công việc và áp lực đó có xứng đáng hay không. Khi tạo áp lực cho một đứa trẻ, cần phải hiểu sức chịu đựng của đứa trẻ đó như thế nào.

Việc đưa một đứa bé vào kỷ luật sẽ khác với áp lực. Kỷ luật là làm theo thời khóa biểu, thói quen học tập xen kẽ với vui chơi, làm việc theo năng lực của một đứa trẻ. Tuy nhiên, sai lầm là luôn áp lực cho con bằng bạn, bằng bè, mong muốn con trở thành một người đặc biệt trong tương lai hoặc ngộ nhận con là một thiên tài, chỉ cần ép thêm, con sẽ làm được điều đó.

Đây là vấn đề nguy hiểm, đặc biệt với những trẻ ở tuổi bản lề, tuổi vị thành niên, những trẻ bắt đầu vào độ tuổi chuyển cấp, rất dễ bị áp lực. Do đó, cha mẹ cần chú ý, vì áp lực ở một đứa trẻ có thể “ăn sâu” tới lớn, không chỉ diễn ra ở một giai đoạn. Thậm chí, những áp lực đó có thể khiến trẻ trầm cảm và tự hủy hoại tính mạng, điều này vô cùng nguy hiểm.

2. Phát hiện sớm những thay đổi của con để ngăn chặn hậu quả đáng tiếc

Rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, stress ở trẻ, nếu không nhận diện và xử trí kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vấn đề rối loạn lo âu ở trẻ thậm chí đến mức trầm cảm, tự hủy hoại bản thân diễn ra ở nhiều giai đoạn khác nhau. Cha mẹ cần phát hiện sớm, bởi vì khi rơi vào tình trạng này, đứa trẻ sẽ tự tử hoặc có suy nghĩ đến việc tự tử, một số trẻ lo âu quá mức dẫn đến trở thành một đứa trẻ không bình thường. Từ đó, thời gian điều chỉnh cho con sẽ khó khăn hơn.

Do đó, cách tốt nhất phải phát hiện sớm những thay đổi về sinh hoạt, khí sắc của con, không gian và thói quen làm việc, nếu có thay đổi, cần tìm hiểu ngay những áp lực có thể xảy ra cho con.

Đặc biệt, vấn đề không chỉ nằm ở gia đình mà có thể ở trường. Từ đó mới có thể ngăn chặn việc con đi sâu vào rối loạn tâm thần, tự hoại cơ thể. Đó là điều gia đình cần chú ý.

3. Vấn đề tâm lý, tâm thần ở trẻ có thể gặp phải là rối loạn lo âu

Thực tế, BS nhận thấy đâu là những vấn đề tâm lý, tâm thần ở trẻ có thể gặp phải khi phải đối diện với áp lực học tập ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vấn đề tâm lý, tâm thần ở trẻ có thể gặp phải là rối loạn lo âu. Việc lo âu các vấn đề không cần thiết khiến trẻ có thể rơi vào tình trạng mất ăn, mất ngủ, mất bạn bè và co cụm lại khi về đến nhà. Hậu quả dẫn đến trầm cảm, khí sắc giảm và nặng nhất là có suy nghĩ về việc tự tử, tự hoại cơ thể.

Điều này vô cùng nguy hiểm, phụ huynh và nhà trường cần cố gắng tìm hiểu để giúp trẻ thoát ra khi mới bắt đầu có hiện tượng rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần rối loạn khí sắc.

4. Dấu hiệu cảnh báo rối loạn lo âu ở trẻ là gì?

Thưa BS, đâu là những dấu hiệu cảnh báo trẻ có biểu hiện rối loạn lo âu ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hiện nay, việc phát hiện các vấn đề trên khi đã trễ là do không tôn trọng một đứa trẻ, làm con xa cách. Trẻ luôn nghĩ người lớn là người phán xét chúng, không phải bạn của các con. Vì vậy, khi trẻ rơi vào các vấn đề nghiêm trọng, cha mẹ can thiệp không kịp.

Do đó, ngay thời gian đầu, dù đứa trẻ chưa có áp lực, phụ huynh nên xem con là một người bạn và tôn trọng con, tôn trọng ý kiến của con. Những đứa trẻ nhận được điều đó sẽ dễ dàng tâm sự mọi chuyện với cha mẹ. Khi con đã nói ra những áp lực từ nhà trường, từ gia đình, mọi việc sẽ được giải quyết. Nếu cha mẹ không gần gũi con cái, rất dễ bỏ sót những vấn đề của con, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thời điểm này can thiệp vào đã trễ.

Tuy nhiên, không phải tất cả các gia đình đều làm được chuyện đó, cần quan sát sự thay đổi của trẻ như thay đổi về thói quen học tập, rất có thể con đã gặp vấn đề. Ví dụ, con bị thay đổi khí sắc, không chơi như bình thường, luôn ở trong nhà, không nói chuyện với mọi người mỗi khi đi học về như thường lệ,…

Hoặc có những lúc trẻ cáu hơn, buồn hơn bình thường. Chắc chắn gia đình phải khai thác liền ở con. Đặc biệt, khi thấy các vấn đề này ở giai đoạn con chuyển cấp, chuyển trường, có áp lực rõ ràng do cha mẹ đặt ra. Những vấn đề này cần quan sát để tiếp xúc với con nhiều hơn nhằm can thiệp sớm, giải quyết vấn đề.

5. Phân biệt tâm sinh lý tuổi bản lề và dấu hiệu bệnh tâm thần kinh

Rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, hay thậm chí trầm cảm ở trẻ thường bị nhm lẫn với “thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi”. Làm sao để phân biệt giữa sinh lý và bệnh lý tâm thần kinh ở trẻ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Các vấn đề ở độ tuổi bản lề, con không lớn cũng không còn nhỏ, thường được gọi là tâm sinh lý. Nhưng đó chỉ là giới hạn hành vi mà các con cho đó là đúng. Lứa tuổi này, các con cho bản thân luôn đúng ngay cả khi cha mẹ nói con đang sai, không tin vào việc phụ khuynh khẳng định mọi điều sai hoặc đúng.

Tâm sinh lý bình thường sẽ không xảy ra các vấn đề như: không tiếp xúc với cha mẹ, luôn luôn ở trong nhà, khí sắc không tốt, dễ cáu giận, dễ buồn, con thay đổi hoàn toàn về khí chất. Lúc này, cha mẹ không nên nghĩ chỉ là vấn đề tâm sinh lý tuổi bản lề.

Ngay cả khi con đang trong độ tuổi bản lề, nếu có nghi ngờ con gặp vấn đề tâm lý, rối loạn tâm thần, cha mẹ cần tiếp xúc với con để phát hiện sớm các vấn đề rối loạn lo âu, hoặc trầm cảm.

6. Đau bụng, đau đầu, chóng mặt có thể do vấn đề tâm lý gây ra

Bệnh tâm lý, tâm thần kinh ảnh hưởng đến các cơ quan khác và gây ra các triệu chứng như thế nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Một đứa trẻ bị stress, trong thời gian đầu sẽ có các biểu hiện như có thực thể trong bụng: đau bụng, đau đầu, chóng mặt. Những biểu hiện này trước đây con chưa từng xuất hiện nhưng nay bắt đầu xảy ra, hoặc con muốn chuyển trường, tự nhiên không thích đi học, tự nhiên bị áp lực. Nếu xảy ra các triệu chứng này, sau khi cho con đi khám bệnh, siêu âm thấy hoàn toàn bình thường, phải nhận biết ngay nó có thể là một yếu tố tâm lý.

Cha mẹ có thể hỏi thẳng đứa trẻ hoặc để ý: có phải trước khi học con có bị đau bụng, trước khi học bài con có khó chịu hay không, có quá nhiều bài tập con có căng thẳng không hay sau khi từ trường về con có bất thường hay không,… Tất cả các vấn đề này cha mẹ đều phải khai thác để nhận biết con gặp vấn đề. Ngoại trừ các yếu tố thực thể, còn lại nguy cơ con gặp vấn đề tâm lý khá nhiều.

7. Kém tập trung có phải dấu hiệu bất thường do tâm lý?

Trẻ kém tập trung, có phải dấu hiệu cho thấy con đang gặp các vấn đề bất thường trong tâm lý, tâm thần kinh?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ kém tập trung được phát hiện từ nhỏ, khi trẻ mới bắt đầu đến trường thì điều này đã được nhận ra. Tuy nhiên, nếu kém tập trung mới xuất hiện trong quá trình trẻ học tập và lớn lên, cha mẹ không nên nghĩ kém tập trung do bệnh lý, nguyên nhân có thể do yếu tố tâm lý. Vì vậy, phụ huynh cần tìm hiểu thêm nếu con mới xuất hiện vấn đề này.

>>> Phần 2: Làm “bạn” cùng con vượt qua khủng hoảng tâm lý

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X