Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cha mẹ cần biết khi cho trẻ đi khám tâm lý

TS.BS Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ chia sẻ về những điều cha mẹ cần lưu ý khi cho con đi khám tâm lý, tâm thần: cho trẻ ngủ đủ vào tối hôm trước, chuẩn bị sẵn thông tin tiền căn, tiền sử bệnh của trẻ và hồ sơ bệnh án trước đây (nếu có).

1. TOP các bài test đánh giá tâm lý ở trẻ

Khi đến khám tâm lý, tâm thần, các trẻ sẽ được thực hiện những bài test nào để chẩn đoán đúng bệnh, thưa BS?

TS.BS Đinh Thạc trả lời: Thực tế không có các xét nghiệm sinh học, sinh hóa liên quan đến vấn đề tâm lý ở trẻ em, tuy nhiên khi đánh giá, quan sát nếu có những triệu chứng, nghi ngờ sẽ cho các bé làm test tâm lý, các test này là phương tiện, biện pháp hỗ trợ bác sĩ trong công tác điều trị, chẩn đoán.

Đầu tiên trẻ có thể được thực hiện các test như đánh giá sự phát triển của các bé ở các lĩnh vực như vận động, trong đó có vận động tinh, vận động thô, các lĩnh vực về ngôn ngữ, nhận thức tư duy, về tương tác thích nghi hoặc kỹ năng xã hội… cần đánh giá đầy đủ những vấn đề trên để xác định em bé bình thường hay có ngưỡng bất lợi.

Test thứ hai sẽ đánh giá mức ổn định về khả năng hoạt động của trẻ. Ví dụ với những trẻ được mẹ thông tin ở nhà quậy, nghịch, phá phách và không thể ngồi yên… trẻ sẽ dùng bảng test Vanderbilt (VADRS) - Đánh giá về rối loạn tăng động hoặc kém chú ý. Nhiều bé vào trong trường không tập trung học, luôn chú ý ra ngoài, không chịu nghe giảng, không có khả năng nhớ… sẽ được thực hiện loại test này.

Một số trẻ có rối loạn hành vi, đặc biệt là các biểu cảm lo âu, căng thẳng, trầm cảm sẽ có bài test riêng cho nhóm trẻ này.

Nhóm trẻ chậm, học khó tiếp thu, kết quả học tập không đạt.. sẽ có test IQ dành cho những trẻ từ 6 tuổi để kiểm tra khả năng trí tuệ của trẻ đạt ở mức nào để biết trẻ có bị chậm phát triển hay không.

Một số em bé nhỏ có chương trình giáo dục cá nhận sẽ thực hiện test vineland - Đánh giá thực lực, khả năng của bé khi dưới 3 tuổi để xem bé cần hỗ trợ trong lĩnh vực nào hay không, nhằm giúp bé cải thiện các vấn đề đó.

Một số test liên quan đến rối loạn tâm thần cấp có thể giúp xác định vấn đề của bé.

Ngày nay, những trẻ rối loạn phổ tự kỷ có những bảng test cần thiết như: bảng M-CHAT - Đánh giá trẻ nghi ngờ rối loạn phổ tự kỷ trong giai đoạn từ 18-30 tháng tuổi, dựa vào bảng này phụ huynh đánh vào và bác sĩ sàng lọc xác định con/ em mình có mắc vấn đề rối loạn phổ tự kỷ hay không.

Đó là những test khá phổ biến và khi đến khám phụ huynh sẽ được bác sĩ hướng dẫn.

2. Cha mẹ cần chuẩn bị gì cho con trước khi đi khám tâm lý?

Trước khi thực hiện bài test tâm lý, cha mẹ cần chuẩn bị hoặc lưu ý những vấn đề gì trước khi đưa trẻ đến gặp bác sĩ khám tâm lý?

TS.BS Đinh Thạc trả lời: Đối với các xét nghiệm liên quan đến hóa sinh sẽ có lời dặn rõ ràng từ bác sĩ như nhịn ăn, nhịn uống… còn đối với vấn đề khám và làm test tâm lý chuẩn bị đơn giản hơn, quan trọng là trẻ phải tỉnh táo để tương tác với người làm test mới cho ra kết quả chính xác.

Ví dụ một số phụ huynh hôm trước không cho trẻ ngủ sớm, ngày hôm sau đến khám trẻ có tâm lý cau có, không hợp tác sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị các thông tin liên quan đến tiền căn, tiền sử như khi sinh như thế nào, mẹ mang thai ra sao, trong quá trình nuôi dưỡng có thông tin gì đặc biệt cần ghi nhận lại để báo cho bác sĩ.

Ngoài ra, nhiều trường hợp các trẻ đã đi thăm khám ở nhiều nơi, nên giữ lại hồ sơ bệnh án, các thông tin liên quan đến tình trạng bệnh của trẻ trong những lần khám trước, đặc biệt là các biện pháp can thiệp và cơ sở can thiệp để bác sĩ tham khảo và đối chiếu nhằm hỗ trợ tốt trong vấn đề khám tâm lý và thực hiện các test khi cần thiết.

3. Trẻ mắc vấn đề tâm lý được điều trị và theo dõi ra sao?

Khi xác định được một đứa trẻ mắc vấn đề tâm lý sẽ được lên kế hoạch theo dõi và điều trị như thế nào? Trường hợp nào cần dùng thuốc, thưa BS?

TS.BS Đinh Thạc trả lời: Một liệu trình điều trị tâm lý rất dài, đòi hỏi phụ huynh phải có sự kiên nhẫn nếu không sẽ không áp dụng được liệu trình điều trị tâm lý như trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, trẻ bị chậm nói, tăng động, giảm chú ý… Những trường hợp này không thể cải thiện trong 1-2 tháng, cần có sự kiên nhẫn, thường xuyên hợp tác tích cực với bác sĩ trong quá trình điều trị.

Điều quan trọng là không bỏ rơi trẻ và luôn luôn tạo cho trẻ sự quan tâm, tình yêu thương chính là cách giúp trẻ dần cải thiện những hoạt động, hành vi.

Bên cạnh đó, một liệu trình điều trị các vấn đề tâm lý khả năng phải dùng thuốc rất thấp, có thể sử dụng các hoạt động như tâm lý điều trị, trò chơi trị liệu, vận động trị liệu, thiền trị liệu dành cho các trẻ gặp vấn đề căng thẳng…

Trong trường hợp trẻ cần sử dụng thuốc, những loại thuốc sử dụng cho trẻ là loại hướng thần, cần có sự thăm khám, cân nhắc kỹ từ bác sĩ điều trị, phụ huynh cần theo dõi sát các biểu hiện của trẻ sau khi uống thuốc để thông báo cho các bác sĩ phản ứng hoặc tác dụng phụ không mong muốn xảy ra, từ đó có thể can thiệp kịp thời.

Ví dụ trẻ bị rối loạn trầm cảm nghiêm trọng, phải sử dụng thuốc chống trầm cảm cho trẻ theo độ tuổi phù hợp; hoặc trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ kèm rối loạn hành vi (ở những trẻ > 5 tuổi) có những loại thuốc cải thiện các vấn đề này, giúp trẻ hòa nhập, giảm bớt hành vi không phù hợp.

Những trẻ bị chứng tăng động giảm chú ý sau khi được bác sĩ thăm khám, đánh giá và dựa vào các tiêu chuẩn chẩn đoán như tiêu chuẩn DSM-4. Trẻ khi được chỉ định uống thuốc từ bác sĩ, phụ huynh nên tuân thủ các hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ, đó là cách cho trẻ uống thuốc hiệu quả và an toàn.

Bên cạnh đó, cha mẹ không nên lo lắng về việc điều trị vì trong quá trình trị liệu sẽ có sự đồng hành của nhà chuyên môn, đặc biệt là bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tâm thần nhi, bác sĩ tâm lý nhi sẽ hỗ trợ khi cần.

4. Quan tâm trẻ từ giai đoạn đầu đời để con phát triển tốt

Để ngăn chặn việc trẻ mắc vấn đề tâm lý, trước đó cha mẹ phải làm gì? Cần hiểu tiếng lòng của con ra sao để không dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi đứa trẻ mắc vấn đề tâm lý khi con nhỏ?

TS.BS Đinh Thạc trả lời: Đây là một vấn đề các bác sĩ mong muốn phụ huynh chú ý, bởi vì trẻ nhỏ những năm tháng đầu đời (0-5 tuổi) là giai đoạn cần sự gắn bó của cha mẹ, những người thân trong gia đình, tình yêu thương và sự quan tâm là cách giúp trẻ phát triển toàn diện.

Ngày nay, trẻ mắc các rối loạn tâm lý như chậm nói, chậm phát triển, kém tương tác, kém giao tiếp trong cuộc sống… bắt nguồn từ việc cha mẹ ít quan tâm và ít dành thời gian tương tác với trẻ mà phần lớn là tận dụng những phương tiện tiện ích khác để thay thế.

Ví dụ nhiều cha mẹ thường đưa cho con cầm điện thoại, ipad cả ngày và không cần tương tác với những người xung quanh, thậm chí mở tivi cho trẻ xem thời gian dài… Tuy nhiên vấn đề quan trọng là sự tương tác hai chiều qua lại và sự quan tâm của người thân sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn dùng phương tiện giao lưu một chiều. Khi trẻ say mê vào thiết bị màn hình dẫn tới các hành vi, hoạt động, sự phát triển của trẻ sẽ bị ảnh hưởng.

Đó là hồi chuông cảnh báo để quan tâm bé nhiều hơn vì giai đoạn đầu luôn phải có sự song hành, quan tâm, dạy dỗ, đặc biệt các bé 3 tuổi, bắt đầu biết để ý, quan sát và biết bắt chước người lớn, do đó đây là giai đoạn quan trọng, nếu bỏ qua sẽ tạo cơ hội cho những rối loạn tâm lý dễ tấn công em bé và gây bất lợi cho cuộc sống của trẻ.

>>> Phần 1: Nhận biết rối loạn tâm lý, tâm thần ở trẻ bằng cách nào?

>>> Phần 2: Hướng dẫn khám chữa bệnh tâm lý cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X