Chăm sóc tốt thể chất, tâm lý, tâm linh giúp bệnh nhân ung thư cảm thấy nhẹ nhàng
Việc tập trung chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giúp nâng đỡ tinh thần, giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, kết hợp với niềm tin vào tâm linh sẽ giúp bệnh nhân vượt qua nỗi đau của điều trị ung thư một cách nhẹ nhàng. Đó là nhận định của ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ, trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức.
1. 90% bệnh nhân ung thư giai đoạn trễ giảm triệu chứng nếu chăm sóc giảm nhẹ đúng mức
Đầu tiên nhờ BS cho biết khái quát về tình hình chăm sóc giảm nhẹ dành cho bệnh nhân ung thư hiện nay?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Vấn đề chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư và bệnh mạn tính nói chung, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc này giúp người bệnh đỡ những khó chịu, nỗi thống khổ do bệnh tật gây ra cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Theo WHO, việc chăm sóc giảm nhẹ sẽ tập trung vào ba phần, một là thể xác, điều trị thể chất của bệnh nhân; hai là nâng đỡ tâm lý; ba là tin vào mặt tâm linh của người bệnh. Khi người bệnh thoải mái, có niềm tin, việc điều trị của bệnh nhân và người nhà sẽ có tâm lý thoải mái hơn.
Về vấn đề chăm sóc giảm nhẹ hay chăm sóc nâng đỡ, trong tất cả giai đoạn của bệnh ung thư đều cần, người bệnh luôn có sự động viên về mặt tinh thần. Nếu có niềm tin về mặt tôn giáo, tâm linh, điều này rất tốt cho bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân ở giai đoạn cuối, có hơn 90% bệnh nhân ung thư giai đoạn trễ có thể giải tỏa bớt, giảm nhẹ các triệu chứng, khó chịu do bệnh tật gây ra nếu được chăm sóc giảm nhẹ một cách đúng mức.
2. Điều trị tốt thể chất, tâm lý, tâm linh, bệnh nhân sẽ thấy thoải mái và nhẹ nhàng
Theo BS, hỗ trợ tâm lý khía cạnh tâm linh có vai trò thế nào trong chăm sóc giảm nhẹ?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Vấn đề chính trong điều trị bệnh là tập trung điều trị thể chất. Các nước trên thế giới có rất ít quốc gia đảm bảo được 3 khía cạnh trong điều trị chăm sóc giảm nhẹ do đại đa số các khoa và các bệnh viện ung thư đang quá tải, do đó, việc dễ nhất là điều trị về mặt thể chất cho người bệnh.
Gần đây, lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ phát triển, quan tâm nhiều hơn khía cạnh về mặt tâm lý, về sau tiếp tục nâng đỡ về mặt tâm linh cho người bệnh. Qua quá trình điều trị, nếu người bệnh được điều trị chuyên khoa đúng mức, bệnh sẽ thuyên giảm. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ từ nhân viên y tế và người nhà để bệnh nhân thoải mái về mặt tinh thần.
Đồng thời, nếu bệnh nhân có niềm tin về mặt tôn giáo (tâm linh) thì việc đi chùa, đi nhà thờ là nơi cho bệnh nhân cảm giác bình an cũng rất tốt.
Khi có đầy đủ ba yếu tố trên, người bệnh sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái khi điều trị. Có những trường hợp sau điều trị hoặc khi bệnh tiến triển, bệnh giai đoạn cuối, nếu được điều trị cả ba khía cạnh, bệnh nhân sẽ thấy thoải mái, chấp nhận, giảm hoang mang, sợ hãi.
3. Khoa học và tôn giáo tồn tại song hành, hỗ trợ trong điều trị tinh thần
BS có lo lắng bệnh nhân có niềm tin tâm linh có thể dẫn đến mê tín dị đoan không ạ?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Khoa học và tôn giáo vẫn tồn tại song hành với nhau từ rất nhiều năm nay. Những thế kỷ gần đây, khi khoa học ngày càng phát triển, vai trò của tôn giáo đang dần ít đi. Tuy nhiên, đối với người bệnh hay mỗi người trong chúng ta, nếu rơi vào trạng thái hoang mang, sợ hãi, niềm tin vào tôn giáo sẽ là chỗ dựa về mặt tinh thần, tâm linh rất quan trọng.
Khoa học và tôn giáo không phải là hai mặt cách biệt nhau, tôn giáo cũng có những quan điểm rất khoa học. Ví dụ như trong Phật giáo, có thân là có bệnh, ai cũng sẽ bị bệnh và sinh - lão - bệnh - tử là một nhịp điệu theo thời gian, cây cỏ và con người đều trải qua 4 giai đoạn đó. Khi hiểu được những vấn đề trên, chúng ta biết được rằng bệnh tật sớm muộn cũng sẽ tới, tùy theo mỗi người khác nhau, có những người đến rất sớm khi chưa kịp hoàn thành những dự định, một số người sau một thời gian dài mới bị bệnh. Dựa trên những yếu tố về mặt tâm linh, tôn giáo, để thấy đó là việc sẽ xảy đến chứ không phải chuyện xui rủi.
Có những yếu tố rất khó để giải thích về mặt khoa học, khi có niềm tin, hiểu biết về mặt tôn giáo hoặc tâm linh, đôi khi bệnh nhân sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Bác sĩ thường nói với bệnh nhân, ít nhất giờ đã có thuốc tốt, kỹ thuật mới, việc điều trị bệnh có thể ổn định thời gian dài, do đó, bệnh nhân sẽ có cảm thấy nhẹ nhàng.
Nếu than thở, bệnh không thể biến mất nhưng làm cho con người có cảm giác nặng nề, có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm, u uất, chán nản, bỏ điều trị, bệnh càng ngày càng nặng.
Vì vậy, giữa khoa học và tôn giáo cũng như khía cạnh tâm lý, những yếu tố này sẽ hỗ trợ nhau, không phủ nhận hay không hoàn toàn khác biệt nhau, miễn theo một hướng tích cực.
Trên nền tảng ung thư, phải điều trị bệnh là vấn đề chính, phối hợp với vai trò của niềm tin tôn giáo, kết quả đạt được sẽ tốt nhất.
4. Nghe các tu sĩ chia sẻ về tôn giáo và sức khỏe giúp đương đầu bệnh tật hiệu quả
Tôn giáo, đức tin liệu có dẫn bệnh nhân đến khía cạnh nặng nề hơn là mê tín dị đoan, từ đó từ chối mọi khía cạnh điều trị để chạy theo đức tin không, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Trường hợp bệnh nhân tin vào tâm linh chạy theo mê tín dị đoan đã có, nhưng một điều may mắn, bệnh nhân tại bệnh viện bác sĩ công tác rất ít xảy ra trường hợp này. Đối với bệnh nhân khi đến bệnh viện sẽ được khuyên điều trị và được hướng dẫn về mặt chuyên môn.
Về mặt tâm lý, ở bệnh viện có khoa Tâm thể giúp hỗ trợ về mặt tâm lý, giải tỏa lo lắng, nghi ngờ, áp lực của bệnh nhân.
Về mặt tâm linh, bệnh nhân được bác sĩ khuyên đi nhà thờ, đi chùa hoặc đi bất cứ đâu khiến bản thân người bệnh cảm thấy nhẹ nhàng.
Tại khoa ung bướu chúng tôi có CLB bệnh nhân, họ có thể đi cùng nhau, đến ngày rằm đi chùa, Noel đi nhà thờ. Có những bệnh nhân đạo Công giáo nhưng tới ngày rằm vẫn đi chùa chung với với bệnh nhân đạo Phật và ngược lại để tạo niềm vui, chỉ cần có tính cộng đồng cà giúp bệnh nhân thấy bình yên.
Khi bác sĩ làm việc với các sư thầy, phía nhà chùa và nhà thờ hiện nay có nhiều quan điểm khoa học đáng mừng.
Tại bệnh viện có tổ chức một số buổi sinh hoạt để bệnh nhân nói chuyện với các sư thầy, các thầy đã phổ biến nhiều kiến thức hay, rất y khoa góp phần dẫn dắt người bệnh; một số sơ trong nhà thờ cũng có các kiến thức y khoa khá tốt, khi phối hợp giữa kiến thức y khoa và hướng dẫn thêm về mặt tôn giáo là điều vô cùng tốt với người bệnh, giúp người bệnh đương đầu với bệnh tật hiệu quả.
5. Điều trị ung thư là vấn đề không chắc chắn 100%
Cụ thể, từ thực tế điều trị bệnh nhân ung thư, BS thấy có trường hợp nào là mê tín, trường hợp nào là được hỗ trợ tâm lý khía cạnh tâm linh một cách đúng đắn, hiệu quả?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Vấn đề mê tín dị đoan vẫn xảy ra, như trước đây, người ta tin việc cúng bái có thể bớt đi bệnh tật rất nhiều, còn hiện nay, việc điều trị và tin vào tâm linh chuyển theo hướng tích cực.
Tại bệnh viện chúng tôi, bệnh nhân đều cởi mở, bệnh viện cũng thành lập CLB bệnh nhân để người bệnh có thể chia sẻ cùng nhau.
Bác sĩ luôn khuyến khích bệnh nhân nếu đi nhà thờ hay đi chùa cho người bệnh cảm giác tốt hơn thì nên đi, các thầy, các sơ trong nhà thờ có kiến thức y khoa rất tốt, họ có thể hướng dẫn khi bệnh nhân tới, điều tốt nhất là hai bên có thể hỗ trợ nhau.
Trong điều trị ung thư, là vấn đề điều trị lâu dài, tuy nhiên, ung thư không phải vấn đề điều trị chắc chắn 100%. Ví dụ, một loại thuốc có hiệu quả 30%, nghĩa là 100 người, có 30 người không có hiệu quả. Bệnh nhân nếu truyền thuốc điều trị không hiệu quả, bệnh vẫn phát triển di căn, đó là sự thất vọng rất nặng nề. Lúc này, các bác sĩ phải tìm biện pháp khác.
Trong thực hành, cần động viên thêm, bệnh nhân có thể dùng thuốc Nam hay thuốc Bắc nhưng phải đảm bảo duy trì thuốc điều trị, để hy vọng tìm được loại thuốc hiệu quả.
Đồng thời, về mặt tâm linh, các sư thầy có hiểu biết về mặt y khoa rất tốt, có thể hướng dẫn bệnh nhân thêm về việc sử dụng các phương thuốc Nam để hỗ trợ về mặt dinh dưỡng, mát gan giải độc, đây là sự phối hợp rất tốt cho bệnh nhân.
6. Tìm hiểu rõ nguồn cung cấp thông tin khi xem video tu sĩ hướng dẫn chữa ung thư
Hiện nay trên mạng xã hội có khá nhiều tu sĩ làm video hướng dẫn các phương pháp chữa ung thư, lượt view rất cao. BS có ý kiến thế nào về việc này? Người bệnh nên lựa chọn nghe hay không nghe những thông tin gì?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng xảy ra, điều trị bệnh luôn có những trường phái chính thống và chưa chính thống. Những phương pháp bí truyền về đông y, tây y được đề cập rất nhiều.
Trong những video lan truyền trên mạng, có những video rất hữu ích, hướng dẫn cho người bệnh những bài thiền giúp người bệnh thoải mái hơn. Khi khán giả xem, cần biết người hướng dẫn cho mình có chuyên môn không. Ví dụ, người hướng dẫn là một sư thầy có bằng cấp về đông y hoặc bác sĩ có bằng y học cổ truyền, hoặc những nơi uy tín như khoa y học cổ truyền, viện y học cổ truyền… thì những video của nhóm này, bệnh nhân có thể làm theo.
Còn những thông tin mập mờ, chủ yếu để quảng cáo bán hàng hoặc những quảng cáo quá mức như hết bệnh ung thư trong 7 ngày hoặc hết bệnh ung thư sau 3 toa thuốc, phần lớn là mang nặng tính quảng cáo, thương mại, thiếu khoa học, bệnh nhân cần thận trọng.
Nên tìm hiểu kỹ người cung cấp thông tin có đáng tin cậy hay không. Nhiều lương y, sư thầy, một số khoa đông y, viện y học cổ truyền có thể là nơi đáng tin cậy, tuy nhiên, vẫn cần tỉnh táo tìm hiểu về nguồn cung cấp thông tin.
7. Không nên đi hành hương ở nơi xa khi sức khỏe chưa ổn định
Nếu bệnh nhân ung thư mong muốn đến viếng một ngôi chùa hay nhà thờ ở xa, phải di chuyển nhiều, nhờ BS hướng dẫn họ cần chuẩn bị những gì để đảm bảo sức khỏe cho chuyến hành trình?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Nếu bệnh nhân muốn đi xa, sức khỏe phải đảm bảo trong giai đoạn ổn định, còn nếu đang giữa đợt hoá trị, xạ trị hay bệnh nhân mới mổ xong, khi sức khỏe chưa ổn định, không nên đi xa.
Khi đi xa, những loại thuốc đặc trị đang sử dụng dưới dạng đường uống, có thể uống tiếp, có thể đem theo một số thuốc giảm đau để xử lý khi di chuyển hay vận động nhiều gây đau.
Chú ý đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, đủ nước để đảm bảo thể lực cho những chuyến đi xa; giữ liên lạc với bác sĩ điều trị để hỏi ngay khi có vấn đề xảy ra.
8. Phối hợp với sư thầy và nhà thờ, chia sẻ với bệnh nhân về bệnh ung thư
Hiện tại ở BV TP Thủ Đức, bệnh nhân ung thư được hỗ trợ tâm lý khía cạnh tâm linh bằng những hoạt động nào ạ?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Thứ nhất, điều trị về mặt chuyên khoa; thứ hai, tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức có khoa Tâm thể, các bạn chuyên gia tâm lý rất nhiệt tình. Bệnh viện Thành phố Thủ Đức sẵn sàng điều trị tâm lý, rối loạn lo âu, đặc biệt đối với bệnh nhân ung thư sẽ được điều trị miễn phí, bệnh nhân được đặt lịch hẹn, ngay với bệnh nhân bị bệnh nặng, không thể tới, có thể video call tư vấn từ xa.
Thứ ba, về khía cạnh tâm linh, khoa đã phối hợp với một chùa để mời sư thầy về chia sẻ khía cạnh phật giáo về căn bệnh ung thư. Theo sư thầy thì có thân là có bệnh, sinh - lão - bệnh - tử, ai cũng phải trải qua, tâm đối với bệnh rất quan trọng, thân bị bệnh nhưng tâm ổn, việc đối mặt với bệnh tật sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tâm an vạn sự an, khi tâm an, mặt thể chất nếu suy kiệt vẫn có cách vượt qua, còn nếu tâm không an, cho dù thể chất mạnh mẽ cũng suy sụp rất nhanh.
Ngoài ra, khoa còn phối hợp với bên nhà thờ, các cha và các sơ có thể chăm sóc cho người bệnh tại địa phương. Ví dụ, những bệnh nhân ung thư nặng, có thể nhờ các cha và các sơ qua nhà để nói chuyện, giải tỏa tâm lý cho người bệnh.
Bệnh ung thư, việc chăm sóc giảm nhẹ về mặt tâm lý, niềm tin, phải trải qua một quá trình liên tục để cho người bệnh thấy thoải mái cho dù họ có vượt qua hay không, bệnh nhân vẫn cảm thấy vui vẻ. Ngay khi việc điều trị thất bại, bệnh nhân cũng không cảm thấy hoang mang, sợ hãi, không chán nản.
Song song đó, duy trì giảm đau đúng mức về mặt dinh dưỡng, thuốc men, để người bệnh ngay những giai đoạn cuối, người ta không bị đau đớn, không suy dinh dưỡng, không bị dày vò, bệnh nhân sẽ thoải mái hơn, từ đó, tâm lý của người bệnh và thân nhân sẽ thấy nhẹ nhàng hơn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình