Hotline 24/7
08983-08983

Suy thận, sốc nhiễm trùng, nguy cơ ung thư nếu để khối sa tạng chậu quá lớn

Sa tạng chậu nên được thăm khám sớm ngay khi có triệu chứng, nếu để quá lâu sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như suy thận, thậm chí sa tạng chậu còn biến chứng đến ung thư. Đó là những chia cảnh báo của ThS.BS.CK1 Huỳnh Đoàn Phương Mai - Điều hành khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân về bệnh lý sa tạng chậu.

1. Sa tạng chậu ngoài cơ thể lâu ngày có thể gây biến chứng ung thư hóa

Được biết gần đây Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận nhiều ca sa tạng chậu phức tạp. BS có thể kể ra một số trường hợp?

ThS.BS.CK1 Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Sa tạng chậu là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, biểu hiện có tạng ở vùng chậu sa ra ngoài qua ngả âm đạo, có một khối phồng ở ngả âm đạo. Thông thường, bệnh lý sa tạng chậu sẽ gây các rối loạn về đường tiểu, chức năng tình dục, đường tiêu hóa và ảnh hưởng chất lượng sinh hoạt của bệnh nhân.

Một khía cạnh mới của sa tạng chậu rất ít người biết tới là bệnh lý này có thể gây ra vấn đề đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh một cách nghiêm trọng. Cụ thể, khi khối sa tạng chậu lớn sẽ lôi cả niệu quản của người bệnh sa ra ngoài. Khi vấn đề này xảy ra, làm niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, khi khối sa niệu quản ra ngoài làm niệu quản bị gập góc, nước tiểu từ thận không thể xuống bàng quang, cơ thể không thể thải nước tiểu khiến thận bị ứ nước.

Vấn đề thận bị ứ nước lâu ngày, gây ra tình trạng suy thận, ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt, khi thận ứ nước lâu ngày, nếu tình trạng nhiễm trùng xảy ra sẽ dẫn đến thận ứ nước nhiễm trùng, tình trạng này tiến triển sẽ dẫn đến nhiễm trùng huyết, và làm bệnh nhân sốc nhiễm trùng.

Gần đây, Bệnh viện Bình Dân đã tiếp nhận trường hợp một cụ bà bị nhiễm trùng huyết do thận ứ nước nhiễm trùng, nguyên nhân do khối sa tạng chậu gây ra và phải nằm điều trị ở khoa hồi sức tích cực.

Trường hợp thứ hai là vấn đề biến chứng của khối sa tạng chậu nằm ở ngoài cơ thể lâu dài. Tử cung, âm đạo thường trực sẽ nằm bên trong cơ thể, có một môi trường độ ẩm, môi trường pH thích hợp, mô chỉ thích hợp nằm bên trong cơ thể, nhưng khi ra ngoài một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng viêm khô âm đạo, mô của vùng này dễ bị tổn thương kèm theo ma sát khi bệnh nhân di chuyển, lâu ngày dẫn đến viêm nhiễm. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời, lâu dài sẽ dẫn đến ung thư hóa.

2. Sa tạng chậu biến chứng nặng thường gặp ở người lớn tuổi, ngại đến bệnh viện

Điểm chung của những trường hợp này là gì, vì sao họ đến với BV Bình Dân chậm trễ như vậy ạ?

ThS.BS.CK1 Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Điểm chung của bệnh lý sa tạng chậu thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, ít quan tâm đến tình trạng sức khỏe, các bệnh nhân chỉ cho đó là vấn đề của tuổi tác, chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, gây vướng, họ không có những kiến thức để biết rằng nếu khối sa ở ngoài lâu dài sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Tâm lý của các cụ bà là chịu đựng, ngại nói với con cháu, ngại đến bệnh viện hoặc ngại trong vấn đề can thiệp phẫu thuật. Một số trường hợp đã đến gặp bác sĩ, đã được tư vấn phẫu thuật nhưng lo lắng về các nguy cơ của cuộc mổ mà bỏ qua những nguy cơ nếu chịu đựng khối sa tạng chậu, việc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Điều cần nhấn mạnh, nếu khối sa tạng chậu không được giải quyết kịp thời, lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.

3. Sa tạng chậu ảnh hưởng nhiều cơ quan, không chỉ là sa âm đạo, sa tử cung

Quan niệm lâu nay của mọi người, sa tạng chậu chỉ gồm sa âm đạo, sa tử cung nhưng qua số phát sóng kỳ trước, chúng ta được biết sa tạng chậu phức tạp hơn thế. BS có thể điểm lại sa tạng chậu là sa những tạng gì?

ThS.BS.CK1 Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Có thể hiểu vùng bụng là một hình hộp, có một phần đáy, vùng đáy của hình hộp là hệ thống cân cơ đáy chậu, ở những người phụ nữ bị sa tạng chậu, vùng đáy chậu bị suy yếu, các tạng trong vùng chậu sẽ theo vị trí suy yếu đi ra ngoài.

Thứ nhất là tử cung, bộ phận này nằm gần âm đạo nhất nên sẽ bị đẩy ra đầu tiên, vì vậy, rất dễ nhầm lẫn sa tạng chậu chỉ là sa tử cung. Tuy nhiên, qua vị trí suy yếu còn có bàng quang, niệu quản, ruột

Một trường hợp bệnh nhân tại Bệnh viện Bình Dân bị sa tạng chậu, ngoài việc có khối sa ở vùng sinh dục, còn bị viêm loét, rách một phần ổ bụng, một mặt phần đáy ổ bụng làm ruột non đi ra ngoài, đây là tình trạng rất nặng.

Bên cạnh đó, nếu ruột non không bị sa ra ngoài nhưng nằm trong khối tạng sa cũng có thể gây tình trạng tắc ruột, nghĩa là ruột nằm phía dưới, không đảm bảo được nhu động ruột, dẫn đến tình trạng tắc ruột, trường hợp này là một cấp cứu ngoại khoa.

Những bệnh nhân có các dấu hiệu như đau bụng dữ dội, nôn ói, khó xì hơi, khó đi cầu, nên đến bệnh viện ngay để bác sĩ có thể giải quyết vấn đề, nếu để lâu, có thể gây hoại tử ruột, viêm phúc mạc rất nguy hiểm.

4. Quan tâm sức khỏe, đến gặp bác sĩ sớm ngay khi có triệu chứng

Để tránh việc đến bệnh viện trễ với nhiều biến chứng thì có cách nào để chị em phụ nữ phát hiện sớm tình trạng này không ạ?

ThS.BS.CK1 Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Để giảm thiểu các biến chứng, các chị em phụ nữ, các bà, các mẹ nên quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, thành thật với cơ thể. Nếu thấy cơ thể có bất thường, đặc biệt ở vùng âm đạo, khi có các khối phồng ở vùng âm đạo, nên đến bác sĩ khám và chẩn đoán giai đoạn kịp thời.

Ngoài ra, khối phồng ở vùng âm đạo còn có thể chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác, không phải tất cả các khối sa ở vùng âm đạo đều là sa tạng chậu, đó có thể là các bệnh lý lành tính như nang âm đạo đến các bệnh ác tính như u thành âm đạo.

Còn sa tạng chậu, bác sĩ nhấn mạnh, đây không phải vấn đề của tuổi tác, không phải vấn đề không thể tránh khỏi của tuổi già và không phải bệnh lý hoàn toàn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, có thể gặp phải các biến chứng khá nặng nề. Vì vậy, mỗi người nên dành thời gian quan tâm đến sức khỏe, và đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ sớm, từ đó phương pháp điều trị sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. 

5. Phẫu thuật không thể phục hồi hoàn toàn nếu có nhiều biến chứng sa tạng chậu

Với những trường hợp bệnh nhân có nhiều biến chứng rồi, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phương pháp gì, có chữa khỏi được không?

ThS.BS.CK1 Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Mỗi bệnh lý đều có nhiều phương pháp điều trị, từ việc điều trị ít xâm lấn đến điều trị xâm lấn. Đối với bệnh lý sa tạng chậu, nếu đến ở giai đoạn sớm, sa tạng chậu ở mức độ nhẹ, bệnh nhân không cần phẫu thuật.

Hiện tại, y khoa có những biện pháp phục hồi cơ đáy chậu trở lại, ví dụ như tập sàn chậu với máy tập sàn chậu có phản hồi sinh học, gần nhất là máy laser sàn chậu. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đến gặp bác sĩ khi tình trạng trở nặng, mô cơ không thể hồi phục, đặc biệt khi có biến chứng, lúc đó, phương pháp bác sĩ lựa chọn sẽ là phẫu thuật.

Phẫu thuật dựa vào tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, tùy tạng sa, biến chứng, bác sĩ sẽ đưa ra một kế hoạch điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân. Lưu ý, không phải giai đoạn nào thực hiện phẫu thuật cũng giúp người bệnh trở về bình thường.

Ví dụ, nếu thận đã bị ứ nước lâu ngày, dù bác sĩ phục hồi lại được cấu trúc giải phẫu về lại được ban đầu thì chức năng thận không thể hồi phục lại. Do đó, nhiều trường hợp bác sĩ đã thực hiện mổ nhưng thận vẫn trong tình trạng ứ nước, chỉ phục hồi được phần nào chức năng thận, không thể hồi phục như bình thường, có nhiều trường hợp mặc dù đã mổ nhưng vẫn phải sử dụng đến biện pháp chạy thận định kỳ để phục hồi sức khỏe cho người bệnh.

Do đó, các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân nên đến thăm khám, điều trị kịp thời ở giai đoạn sớm, như vậy sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng sức khỏe cho bản thân và người thân.

6. TOP 4 lưu ý cho người bị sa tạng chậu

BS có thể chỉ ra những việc nên và không nên làm ở người bị sa tạng chậu?

ThS.BS.CK1 Huỳnh Đoàn Phương Mai trả lời: Ở những người chưa bị sa tạng chậu hoặc bị ở mức độ nhẹ và đã điều trị phục hồi, nên điều trị tránh tái phát, điều chỉnh thói quen sinh hoạt để khối sa không tái phát lại theo thời gian.

Thứ nhất, cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, từ đó, mô sẽ khỏe và chắc. Bên cạnh đó, cần uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ để tránh táo bón.

Thứ hai, nên kiểm soát cân nặng một cách hợp lý vì ở người thừa cân, mô liên kết bị yếu nhiều hơn.

Thứ ba, những việc nên tránh bao gồm: tránh táo bón; tránh ngồi xổm lâu, khi ngồi cần có ghế kê, đặc biệt là chị em khi giặt đồ, làm đồ ăn nhưng không để ý, ngồi xổm không có ghế khiến vùng chậu bị tăng áp lực.

Tránh hút thuốc lá chủ động và thụ động, những người trong gia đình nếu hút thuốc lá nên tránh xa người phụ nữ của mình, không nên để chị em hít những khói thuốc lá đó, bởi vì, khói thuốc lá sẽ gây kích thích các bệnh lý hô hấp làm ho mạn tính kéo dài, tình trạng này sẽ gây tăng áp lực ổ bụng, khiến sàn chậu suy yếu theo thời gian, các chất nicotin trong thuốc lá theo nghiên cứu cũng là chất làm sàn chậu bị suy yếu.

Thứ tư, trong quá trình mang thai, chị em nên kiểm soát chế độ ăn uống để duy trì cân nặng hợp lý, tránh tình trạng tăng cân quá nhiều trong thai kỳ, vì quá trình mang thai và thai kỳ cũng là một yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sàn chậu của chị em sau này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X