Nhà vệ sinh công cộng tiềm ẩn những bệnh truyền nhiễm nào?
BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM cho biết, tất cả những thứ chúng ta chạm vào ở nơi công cộng đều có thể lây bệnh, chủ yếu qua đường tiêu hóa và đường hô hấp.
1. Nhà vệ sinh nơi công cộng thường tiềm ẩn các tác nhân gây bệnh nào?
Trong những nơi chốn công cộng, việc sử dụng nhà vệ sinh hay tiếp xúc với tay nắm cửa khiến nhiều người e ngại về việc lây bệnh truyền nhiễm. Theo BS những tác nhân gây bệnh cần chú ý ở những nơi này là gì?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tác nhân gây bệnh nơi công cộng chủ yếu qua đường tiêu hóa và đường hô hấp.
Các tác nhân này lây qua nhiều nhất bởi bàn tay, những gì mình chạm vào được thì người khác cũng có thể. Sau đó, chúng ta đưa tay lên miệng hoặc cầm thức ăn và đưa vào miệng.
Vấn đề mà mọi người sợ nhất là những virus theo giọt bắn của người mắc bệnh như hắt hơi, ho, sổ mũi vào bàn tay rồi chạm vào tay nắm cửa hoặc vòi nước nơi công cộng. Các virus này sẽ tồn tại một thời gian nhất định nên khi chạm vào chúng ta sẽ bị lây bệnh.
Ngoài ra, các vi khuẩn cũng có thể bám trên tay và khi về nhà chúng ta cầm thức ăn lên để ăn sẽ gây bệnh ở đường tiêu hóa.
2. Trong nhà vệ sinh những vị trí nào ẩn chứa tác nhân gây bệnh?
Cụ thể, trong nhà vệ sinh thì những vị trí nào ẩn chứa tác nhân gây bệnh nhiều nhất? Thường mọi người chú ý tới tay nắm cửa và bồn cầu, ngoài ra còn có những vị trí nào cần chú ý?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tất cả những thứ chúng ta chạm vào ở nơi công cộng đều có thể lây bệnh. Phổ biến nhất là tay nắm cửa, tiếp đến là vòi nước, giấy vệ sinh, máy sấy tay tự động, cần gạt nước của bồn cầu,…
3. Có phải nhà vệ sinh ở nhà riêng sẽ ít mầm bệnh hơn nhà vệ sinh công cộng?
Nhiều người cho rằng nhà vệ sinh ở nhà riêng sẽ ít mầm bệnh hơn nhà vệ sinh công cộng, điều này có đúng không ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu trong gia đình không có người mắc bệnh thì khả năng lây bệnh rất thấp.
Tuy nhiên nếu mình mắc bệnh nhẹ và không biết mà trong nhà có những người sức khỏe kém, như người lớn tuổi, trẻ con thì có thể ảnh hưởng bởi các tác nhân gây bệnh.
Trong gia đình, không chỉ nhà vệ sinh mà tất cả những nơi sinh hoạt đều có thể tồn tại tác nhân gây bệnh, vì vậy nên cần dọn dẹp nhà cửa thường xuyên.
Như vậy không chắc nhà vệ sinh ở nhà riêng sẽ sạch hơn công cộng mà vấn đề nằm ở chỗ:
- Có người bệnh sử dụng hay không?
- Có được vệ sinh thường xuyên hay không?
4. Có nên lót giấy quanh bồn cầu?
Việc lót giấy quanh bồn cầu có giúp chúng ta an toàn trước nguy cơ lây bệnh từ vị trí này?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Quan trọng là giấy phải đủ sạch. Tuy nhiên bồn cầu chỉ cần lau rửa sạch, không cần thiết phải lót giấy.
Những nơi thường chạm tay vào mới là chỗ có thể gây bệnh. Còn bồn cầu chỉ có thể lây các bệnh lý về da liễu, không thể lây các bệnh khác.
5. Bồn cầu và tay nắm cửa có làm lây bệnh qua đường tình dục?
Khá nhiều người lo lắng về việc lây bệnh qua đường tình dục như: HIV, sùi mào gà, lậu… từ bồn cầu và tay nắm cửa, theo BS liệu có khả năng này?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: HIV hay lậu không lây qua bồn cầu và tay nắm cửa mà lây qua đường tình dục.
Thông thường chỉ lây bệnh về da hoặc HPV nhưng rất hiếm.
6. Người bị trầy xước hay mụn nhọt ở mông và vùng sinh dục, khi dùng bồn cầu có nguy cơ bị lây bệnh không?
Nếu một người bị trầy xước hay mụn nhọt ở mông và vùng sinh dục, khi dùng bồn cầu có nguy cơ bị lây bệnh không ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đây chỉ là vi khuẩn chứ không phải virus nên không thể lây bệnh.
Nếu lo lắng thì khi vào nhà vệ sinh công cộng nên xịt nước và lau trước khi sử dụng.
7. Những lưu ý khi sử dụng nhà vệ sinh và tay nắm cửa để tránh lây bệnh
BS có thể nhắc lại những việc cần lưu ý khi sử dụng nhà vệ sinh và tay nắm cửa để tránh lây bệnh từ những nơi này?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nên rửa tay dưới vòi nước, xà phòng hoặc sát trùng tay nhanh khi đi đến những nơi công cộng.
Nếu quên thì phải rửa tay trước khi ăn để hạn chế bệnh. Bỏ thói quen đưa tay sờ lên vùng miệng, mặt vì không biết tay đã bám gì vào đó.
Ngoài ra, không khí trong nhà vệ sinh bị tù, bị hôi sẽ có thể chứa một số vi khuẩn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình