Hotline 24/7
08983-08983

Nha đam tốt cho làn da nhưng coi chừng ngộ độc

Nha đam giúp làm lành vết thương, cải thiện làn da khô ráp và cả da dầu. Ngoài nhiều công dụng tốt với làn da, cải thiện bệnh ngoài da, nha đam còn giúp nhuận trường. Tuy nhiên, khi sử dụng nha đam cần thận trọng để tránh ngộ độc.

I. Tổng quan về cây nha đam (lô hội)

Tên thường gọi: Nha đam

Tên gọi khác: Lô hội, lưỡi hổ, hổ thiệt, lư hội, nha đam.

Tên khoa học: Aloe vera L. var. chinensis (Haw.) Berger, hoặc Aloe perfoliata Lour.

Phân họ: Họ Lô hội (Asphodelaceae).

alobacsi cây nha đam BS Đoàn Quang Nguyên

1. Nhận biết cây nha đam

Cây thảo nhỏ, sống lâu năm. Thân ngắn hóa gỗ, mang nhiều vết sẹo do lá rụng. Lá không cuống, gốc tầy và rộng, mọc áp sát vào nhau thành hình hoa thị, đầu thuôn dài thành mũi nhọn, phiến rất dày, mọng nước, dài 15 – 20cm, rộng 1 – 2cm, mặt trên phẳng hoặc hơi lồi, có những đốm trắng, mặt dưới khum, mặt cắt tam giác, mép có gai thưa và cứng. Cắt lá thấy có nhựa vàng nhạt chảy ra.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm trên một cán dài, mang rất nhiều hoa bao bọc bởi những lá bắc màu đỏ, mọc rũ xuống; bao hoa màu vàng cam, có 6 phiến dính liền ở gốc, 6 nhị dài hơn bao hoa, bầy rời có 3 ô.

Quả nang, hình trứng thuôn, khi chín màu nâu, chứa nhiều hạt.

Mùa hoa quả: tháng 3-5.

Có nhiều loài lô hội khác nhau về kích thước đều được sử dụng.

Cây dễ nhầm lẫn: Cây lưỡi hổ (Sauropus rostratus Miq.) thuộc họ Thầy dầu (Euphorbiaceae) .

Bộ phận dùng của nha đam là phần lá già.

2. Bộ phận độc và chất độc của nha đam

Toàn cây chứa chất độc là aloin, emodin và aloe-emodin.

3. Thành phần dược chất

Lá nha đam chứa khoảng 13,6% các chất thuộc nhóm hydroxymethyl anthraquinone như aloin A (barbaloin A), aloin B, isobarbaloin (C21H22O9). Trong nhựa nha đam, nhóm này chiếm 30 – 40%.

Nhóm anthraquinon gồm các hợp chất chính như emodin, aloemodin (C15H10O6), acid chrysophanic và aloeresistanol.

Nhóm glucosyl chromon có các chất aloeresin A, B, C.

Nhóm polysaccharid có glycomannan, galactan, acemanan, galacturonan.

Ngoài ra, lá nha đam còn chứa các acid amin, enzym, phytosterol, và muối khoáng.

4. Phân bố, trồng trọt, thu hái và chế biến nha đam

Ở Việt Nam, nha đam được trồng rải rác ở khắp nơi, nhiều nhất là các tỉnh phía nam và ven biển miền Trung. Cây được trồng ở chậu hay trên đồng ruộng để làm cảnh và là thuốc.

Nha đam là cây có biên độ sinh thái khá rộng, thích nghi với nhiều loại đất, kể cả đất pha cát hoặc chỉ có cát. Cây có khả năng chịu hạn tốt do khả năng giữ nước của lá (lá mọng nước), sinh trưởng phát triển mạnh trong điều kiện chiếu sáng đầy đủ và ra hoa quả nhiều.

II. Công dụng của nha đam (lô hội)

1. Công dụng của nha đam theo đông y cổ truyền

Nha đam có vị đắng, tính hàn, vào 4 kinh: can, tỳ, vị, đại tràng, có tác dụng thanh nhiệt, làm mát gan, thông đại tiện, nhuận tràng, tẩy xổ.

Nha đam vị rất đắng, tính rất lạnh, vào Can, Tâm bào và Tràng vị, có tác dụng giải nhiệt, trấn tâm, lương huyết, thông đại tiện và sát trùng.

Trong Đông y, nha đam thường được dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác dưới dạng thuốc hoàn, như Nha đam hoàn (của Thái y cục phương triều Tống, Trung Quốc) trị bệnh cam của trẻ em, người gầy da vàng, bụng to ngực dô, tóc dựng đứng, mắt kèm nhèm, miệng hôi, răng triết đen, khắp mình lở ngứa, nóng rét qua lại, không chịu ăn uống hoặc có giun: Dùng nha đam, xạ hương, chu ta (nghiền riêng trong nước) đều 4g, thịt ếch khô hoặc thịt cóc 40g cùng đốt với hạt bồ kết 40g, thanh đại 10g. Các vị tán nhỏ, viên với hồ bằng hạt vừng, trẻ hai tuổi cho uống mỗi lần 20 viên, chiêu với nước cơm. Liều lượng tùy nghi gia giảm.

2. Công dụng của nha đam theo đông y hiện đại

Các tác dụng của nha đam đã nghiên cứu:

  • Nha đam giúp làm lành vết thương, cải thiện làn da khô ráp và cả da dầu.
  • Nha đam có tác dụng làm dịu vết cháy nắng, tuy nhiên không dùng nha đam để chống nắng.
  • Bệnh chàm: Tác dụng dưỡng ẩm của nha đam có thể giúp giảm bớt tình trạng da khô và ngứa do bệnh chàm. Gel lô hội cũng có thể giúp giảm bớt tình trạng viêm da tiết bã nhờn. Mặc dù dạng bệnh chàm da dầu này thường được tìm thấy ở da đầu, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận trên khuôn mặt và sau tai của bạn.
  • Bệnh vẩy nến: Cũng như đối với bệnh chàm, nha đam có thể giúp giảm viêm và ngứa do bệnh vẩy nến. Để có kết quả tốt nhất, hãy thoa gel lô hội hai lần mỗi ngày lên vùng da bị ảnh hưởng.
  • Mụn viêm: Do tác dụng chống viêm của lô hội, gel có thể giúp điều trị các dạng mụn viêm, chẳng hạn như mụn mủ và nốt sần.
  • Tác dụng nhuận trường: Nhựa khô lá nha đam có tác dụng kích thích chuyển động của ruột kết, tăng sự đẩy về phía trước và thúc đẩy nhanh phân qua ruột kết, làm giảm hấp thu dịch từ khối phân; đồng thời, làm tăng độ thấm quanh tế bào qua niêm mạc ruột kết, do ức chế Na+, K+, adenosin triphosphatase hoặc do ức chế kênh clorid dẫn đến làm tăng lượng nước trong đại tràng.
  • Tác dụng tẩy xổ: Trong nha đam có các glycosid 1,8 - hydroxyanthracen, các aloin A và B. Sau khi uống, các aloin A và B không hấp thu ở ruột non, bị thủy phân trong ruột kết bởi vi khuẩn ở ruột và biến đổi thành những chất chuyển hóa có hoạt tính, mà chất chính là aloe - emodin - 9 - anthron có tác dụng kích thích và kích ứng đường tiêu hóa. Tác dụng tẩy của nha đam thường không xuất hiện trước 6 giờ sau khi uống mà đôi khi phải 24 giờ hoặc hơn mới xuất hiện.
  • Làm lành vết thương: nghiên cứu lâm sàng cho thấy nha đam làm mau lành vết thương, do kích thích trực tiếp hoạt tính của đại thực bào và nguyên bào sợi. Các nguyên bào sợi được hoạt hóa bởi nha đam làm tăng sự tổng hợp của collagen và proteoglycan, do đó làm thúc đẩy sự lành vết thương.
  • Tác dụng chống viêm: Nha đam làm giảm viêm cấp tính, không tác dụng trong viêm mạn tính. Có thể tác dụng chống viêm là do hoạt tính của bradykinase và do ức chế thromboxan B2 và prostaglandin F2. Ba sterol thực vật có trong nha đam làm giảm viêm cấp tính, trong đó lupeol có tác dụng mạnh nhất.
  • Nha đam được dùng trong y học cổ truyền để điều trị vết thương và viêm da nhẹ, bỏng, vết thâm tím và vết trầy da, nhất là những vết bỏng do nhiệt ở độ I và II, và bỏng do phóng xạ đều khỏi nhanh và ít có sẹo.
  • Công dụng điều trị của gel nha đam gồm: dự phòng thiếu máu cục bộ da tiến triển gây bởi bỏng, cước và thương tổn lạnh giá, thương tổn do điện và sự lạm dụng tiêm thuốc động mạch. Nghiên cứu thương tổn in vivo cho thấy nha đam có tác dụng ức chế thromboxan A2, một chất trung gian trong thương tổn não tiến triển.

Các tác dụng dùng nha đam theo kinh nghiệm dân gian:

  • Trong y học dân gian, gel nha đam được dùng ngoài chữa trĩ, trứng cá, vẩy nến, viêm da tăng tiết bã nhờn và nhiễm nấm, côn trùng đốt, mẩn ngứa do con giời leo.

III. Cách dùng - liều dùng nha đam (lô hội)

Liều dùng: Tùy từng trường hợp sử dụng mà có liều dùng khác nhau, được liệt kê trong bài viết.

1. Một số cách dùng nha đam theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc cổ phương

  • Nha đam có thể giúp điều trị Herpes virus, đây cũng là nguyên nhân cơ bản gây ra mụn rộp. Bôi một lượng nhỏ gel lên vết mụn rộp của bạn hai lần mỗi ngày cho đến khi nó biến mất.
  • Viên nhuận tràng: Bột nha đam 0,05g, cao mật bò tinh chế 0,05g, phenolphtalein 0,05g, bột cam thảo 0,05g, tá dược vừa đủ cho một viên. Ngày uống 2 viên sau bữa ăn chiều. Không dùng liên tục trên 1-2 tuần để tránh nguy cơ mất cân bằng điện giải.
  • Thang thuốc nha đam Tiêu cam ẩm chữa các chứng trẻ em cam răng (mọc gai xương dưới chân răng) hoặc sốt cao, kinh phong, kinh giản co giật: Nha đam tươi, hoàng liên, thạch cao (nung), sừng dê rừng (tán vụn), dành dành, ngưu bàng, sài hồ, cát cành, đại hoàng, huyền sâm đều 4g, bạc hà, cam thảo đều 1,5g sắc uống.
  • Nhựa nha đam chế thành khối (cục) dùng trong thuốc hoàn và có thể dùng uống riêng để xổ hay nhuận tràng với liều như sau:

+ Nhuận tràng và giúp tiêu hóa mỗi lần 0,05g ngày 1g.

+ Tẩy xổ phân kết: mỗi lần 0,15g ngày 2g. Không dùng cho trẻ con, phụ nữ có thai hay lòi dom. Và nếu dùng quá liều thì có thể ngộ độc, chết người.

  • Nha đam dùng ngoài như sau:

+ Chữa bỏng, chẻ lá nha đam tươi, áp phần có nhựa lá phết vào vết bỏng, hoặc giã nát ép lấy nhựa mà bôi.

+ Chữa bệnh chàm trẻ em, lở chảy nước ở đầu mặt: bôi nhựa nha đam tươi vào chỗ lở, cứ bôi phủ lên hàng ngày mà không kỳ rửa, để nhựa đóng thành lớp vảy phủ ngoài, sau 10 ngày dưới vảy này sẽ ra da non, vảy bong ra, là khỏi. nếu lở chàm chảy nước thì tán bột nha đam (nếu có nha đam cục) hoặc cô nhựa tươi cho đặc mà phết vào hàng ngày. Cần bao tay trẻ lại không cho gãi, không cho trẻ ra nắng hay đến gần bếp chỗ nóng. Kiêng ăn trứng gà vịt.

+ Chữa mụn viêm: Dùng tăm bông thoa gel trực tiếp lên mụn ba lần mỗi ngày.

2. Một số cách dùng nha đam đã nghiên cứu

  • Nếu bạn bị trầy xước ở cằm hoặc trán, bạn có thể thoa lô hội lên vùng đó để giảm nhanh cảm giác đau và rát. Sử dụng ba lần mỗi ngày.
  • Cấu trúc phân tử của nha đam giúp chữa lành vết thương nhanh chóng và giảm thiểu sẹo bằng cách tăng cường collagen và chống lại vi khuẩn. Áp dụng tối đa ba lần mỗi ngày.
  • Nha đam trong điều trị táo bón cấp tính: Dùng liều cần thiết nhỏ nhất để làm phân mềm. Liều nhuận tràng cho người lớn và trẻ em trên 10 tuổi là 0,04 - 0,11g dịch ép khô lá nha đam, tương đương với 10 - 30mg hydroxyanthraquinone trong một ngày, hoặc uống một liều 0,1g vào buổi chiều.
  • Lá, thu hái quanh năm dùng tươi hoặc điều chế thành nhựa nha đam bằng cách cắt lá, loại bỏ lớp biểu bì lấy hết khối nhựa trong suốt, sấy ở nhiệt độ khoảng 500C. Cũng có thể ép lá lấy dịch, đem cô cách thủy đến khô.
  • Dùng gel mới bào chế hoặc chế phẩm chứa 10 - 70% gel nha đam.

3. Dùng nha đam đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Không dùng nha đam để điều trị bệnh cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, có thể dùng vừa phải ở dạng thực phẩm không thường xuyên.

4. Dùng nha đam đối với trẻ nhũ nhi

Không dùng nha đam cho trẻ nhũ nhi.

IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định với nha đam (lô hội)

  • Trong điều trị bỏng, nha đam bị chống chỉ định đối với người dị ứng với các cây họ Hành tỏi.
  • Cân nhắc và thận trọng khi dùng liều cao nha đam với mục đích điều trị bệnh trong những trường hợp sau: tắc hoặc hẹp ruột, mất trương lực, mất nước, mất điện giải nặng, hoặc táo bón mạn tính, viêm ruột thừa, bệnh Crohn, viêm ruột kết loét, hội chứng kích thích ruột, viêm túi thừa ruột, co cứng cơ, cơn đau bụng, trĩ, viêm thận hoặc những triệu chứng ở bụng không được chẩn đoán như đau, buồn nôn hoặc nôn, bệnh nhi dưới 10 tuổi và bệnh nhân là phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
  • Tác dụng không mong muốn có thể xảy ra như đau quặn bụng, phân lỏng. Sự lạm dụng mạn tính có thể gây viêm gan. Dùng làm thuốc nhuận tràng thời gian dài có thể gây rối loạn chất điện phân, hạ kali máu và calci máu, nhiễm acid chuyển hóa, khó hấp thu, sút cân, albumin niệu, huyết niệu, yếu ớt hoặc hạ huyết áp tư thế ở người già. Chứng tăng aldosteron thứ phát có thể xảy ra do thương tổn tiểu quản thận, sau khi dùng liều cao. Có bằng chứng cho thấy dùng nha đam kéo dài làm giảm albumin máu, bài tiết calci quá mức trong phân và nhuyễn xương cột sống, bệnh nhiễm melanin kết tràng ở người uống thuốc nhuận tràng anthraquinon trong thời gian kéo dài, sự nhiễm sắc tố vô hại về lâm sàng và thường hồi phục trong vòng 4 - 12 tháng sau khi ngừng nha đam.
  • Dùng gel nha đam mới pha chế vì để lâu dễ bị phân hủy do men, do oxy hóa hoặc vi khuẩn.
  • Không dùng gel nha đam bằng đường uống, vì không có tác dụng điều trị chắc chắn.
  • Tác dụng không mong muốn của gel nha đam: một số ít trường hợp có viêm da tiếp xúc và cảm giác bỏng da sau khi bôi tại chỗ gel nha đam trên da bị trầy xước. Cũng có phản ứng dị ứng bọng nước cấp tính và mày đay tiếp xúc do dùng gel nha đam.

V. Triệu chứng ngộ độc nha đam và cách giải độc

Ăn nhiều nha đam sẽ gây đau bụng mạnh, tiêu chảy, làm tổn thương thận. Có tác dụng gây sảy thai.

Cách điều trị: Rửa dạ dày, cho uống nước lòng trắng trứng hoặc than hoạt tính điều trị triệu chứng. Đối với phụ nữ có thai, cần phải chú ý giữ thai, dùng thuốc trấn tĩnh (cấm dùng morphin), tiêm progesterol và vitamin E.

VI. Bảo quản nha đam (lô hội)

Trừ trường hợp sản xuất công nghiệp, trong cộng đồng nha đam chỉ được dùng tươi. Bảo quản nha đam trong một bao nilon, cất trong ngăn mát tủ lạnh, dùng đến đâu mới gọt vỏ (lá) đến đó.

BS Đoàn Quang Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X