Người đái tháo đường, đừng lãng quên biến chứng xơ gan, ung thư gan
Nhắc đến đái tháo đường, nhiều người hình dung ngay đến các biến chứng nguy hiểm của nó lên tim, thận, các chi… mà lãng quên bệnh lý gan. Những bệnh nhân đái tháo đường sẽ có nguy cơ xuất hiện gan nhiễm mỡ lên đến 30-40%, sau đó 20% sẽ tiến triển thành xơ gan và đồng thời gia tăng nguy cơ ung thư gan theo thời gian.
Đây là những dẫn chứng của PGS.TS.BS Ashok Choudhury - Viện Khoa học Gan và Mật, New Delhi đưa ra trong hội thảo trực tuyến với chuyên đề bệnh đái tháo đường do Hội y học TPHCM phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM tổ chức cuối tuần vừa qua.
4 người đái tháo đường sẽ có 1 người bị gan nhiễm mỡ không do rượu
PGS Ashok Choudhury thông tin, tại Ấn Độ từ những năm 2016 tần suất đái tháo đường gia tăng trên toàn quốc. Nhiều vùng tại quốc gia này số lượng bệnh nhân đái tháo đường và béo phì tăng đến 44%. Không chỉ riêng Ấn Độ mà đái tháo đường đang trở thành gánh nặng của nhiều quốc gia trên thế giới, gây thay đổi về tần suất mà còn gia tăng tỷ lệ tử vong cũng như bệnh suất.
“Đặc biệt, đái tháo đường và bệnh gan có mối liên hệ chặt chẽ. Trong dân số mắc bệnh lý gan, tần suất đái tháo đường dao động từ 34-74%. Nhưng nếu đưa cả đái tháo đường và béo phì thì 100% những bệnh nhân này sẽ có những rối loạn của bệnh gan như bệnh gan do đái tháo đường, gan nhiễm mỡ không do rượu, xơ gan và cả ung thư gan” - PGS Ashok Choudhury chia sẻ.
Trong đó, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là bệnh gan phổ biến nhất trong dân số mắc đái tháo đường. Con số thống kê cho thấy, tại châu Á cứ 4 người đái tháo đường sẽ có 1 người bị gan nhiễm mỡ không do rượu.
Bản chất của đái tháo đường là gây rối loạn chuyển hóa đường. Khi đái tháo đường không được kiểm soát tốt, lượng đường huyết trong máu tăng cao. Những phân tử đường này đến bao phủ lên các thụ thể có chức năng loại bỏ những cholesterol xấu như LDL, VLDL cholesterol của gan.
Điều này gây giảm chức năng chuyển hóa cholesterol của tế bào gan, lâu dần khiến gan tích tụ nhiều mỡ và gây nên bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Như vậy, có thể thấy rằng bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và đái tháo đường có quan hệ nguyên nhân - hệ quả tạo thành một vòng xoắn bệnh lý.
Chương trình hội thảo có sự tham gia của 8 chuyên gia từ 2 đầu cầu Ấn Độ và TPHCM (Việt Nam) cùng hơn 1.000 bác sĩ đăng ký xem trực tuyến
PGS Ashok Choudhury gọi đái tháo đường và bệnh gan là “những quả bom hẹn giờ”. Bởi so với những người không có đái tháo đường thì mọi biến cố của bệnh gan đều gia tăng nhiều ở dân số có tình trạng này.
“Tại những phòng khám của chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân tiến triển xơ gan, ung thư gan hay nhập viện vì gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan cấp đều gia tăng ngay lập tức nếu bệnh nhân có đái tháo đường. Vì gan là một cơ quan trực tiếp chuyển hóa đường và chất béo cho cơ thể nên hai bệnh lý này có cơ chế bệnh sinh chồng lấp với nhau” - PGS đến từ Ấn Độ nhấn mạnh.
Lý giải về điều này PGS cho rằng, thời gian mắc đái tháo đường là một biến số cần được quan tâm. Bệnh nhân mắc đái tháo đường càng lâu thì nguy cơ gặp phải các biến cố về gan càng cao, gia tăng theo cấp độ thời gian. Bên cạnh đó, việc kiểm soát đường huyết kém hiệu quả cũng là một yếu tố quan trọng khiến người bệnh tiến đến gần hơn với tình trạng xơ gan, ung thư gan.
Một vấn đề khác khiến vị chuyên gia lo ngại đó là việc tiêu thụ cồn trên bệnh nhân đái tháo đường. Ông cho rằng, với người bình thường khi dùng thấp hơn 66g alcon/ tuần thì tỷ lệ xuất hiện bất thường về gan rất thấp. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đái tháo đường cùng tiêu thụ một lượng này nguy cơ sẽ tăng lên gấp 3-4 lần. Do đó, PGS nhấn mạnh, giới hạn tiêu thụ cồn ở nam giới không nên vượt quá 30g/ tuần và nữ giới là 20g/tuần.
Bài báo báo cáo Bệnh gan và đái tháo đường của PGS.TS.BS Ashok Choudhury - Viện Khoa học Gan và Mật, New Delhi
Các biến cố trên người đái tháo đường như hiệu ứng domino, có tác động dây chuyền lên nhau. Điều này có nghĩa là, tần suất đái tháo đường càng lớn sẽ dẫn đến hệ lụy gia tăng những bệnh lý không lây nhiễm, kể cả tim mạch hay các bệnh lý về gan như bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, xơ gan, ung thư gan.
Đặc biệt, PGS Ashok Choudhury thể hiện sự quan ngại về tình trạng béo phì ở trẻ em. Nếu không kịp thời can thiệp, điều trị thì nguy cơ đối diện trong tương lai vô cùng lớn. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra, đái tháo đường ở người trẻ thì biến chứng sẽ tiến triển nặng hơn, thời gian dẫn đến biến chứng sớm hơn và tỷ lệ có biến chứng nhiều hơn so với ở người lớn tuổi. Vì vậy, ông cho rằng: “Chúng ta cần can thiệp cả về chẩn đoán và điều trị kịp thời để giúp cải thiện những biến cố trong tương lai cho người bệnh”.
Giảm cân = giảm biến cố liên quan đến gan
Trong hội thảo, vị chuyên gia chia sẻ một vấn đề mà bác sĩ gan mật thường gặp đó là tiếp cận những bệnh nhân đái tháo đường bị tăng men gan nhưng không tìm được nguyên nhân. Lúc này, câu hỏi lớn nhất được đặt ra, liệu có phải do bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu?
Để phân biệt và chẩn đoán được tình trạng này, theo PGS trên nhóm người có nguy cơ cao cần phải được hỏi bệnh sử, làm siêu âm để đánh giá, sau đó thực hiện những xét nghiệm máu đơn giản như men gan, đường huyết, tiểu cầu…
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể làm FibroScan, đây là một phương pháp không xâm lấn để đánh giá mức độ xơ hóa ở trên bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu. Hoặc trên một số bệnh nhân, chỉ định sinh thiết gan là rất cần thiết để đánh giá chính xác nguyên nhân tăng men gan, từ đó chẩn đoán phân biệt với những bệnh gan khác.
Nhiều đồng nghiệp đặt câu hỏi cho phần báo cáo của PGS Ashok Choudhury (trên cùng bên phải)
Về vấn đề điều trị, PGS Ashok Choudhury bày tỏ quan điểm, thay đổi lối sống là điều tiên quyết mà bệnh nhân cần thực hiện. Trong đó nên lưu tâm đến chế độ ăn ít năng lượng và cần giảm cân.
Ông dẫn chứng: “Nếu bệnh nhân giảm được 3% cân nặng sẽ giảm được gan nhiễm mỡ. Nếu giảm 5% cân nặng sẽ giúp giảm tình trạng viêm và sự xuất hiện tế bào bọt ở gan. Nếu giảm được 7% cân nặng sẽ cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu.
Đặc biệt, khi giảm 10% cân nặng sẽ giảm mọi biến cố liên quan đến gan, từ tổn thương gan đến tình trạng xơ hóa. Đối với những bệnh nhân xơ hóa giai đoạn 3, 4 mặc dù khó có thể phục hồi hoàn toàn nhưng nếu giảm cân đủ mức sẽ xuống cấp xơ hóa thấp hơn”.
Đối với thuốc, dựa trên kinh nghiệm của mình, PGS Ashok Choudhury cho rằng vitamin E, Metformin thường không được chỉ định để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu vì nó không có hiệu quả. Tương tự, những thuốc như Ursodeoxycholic acid và omega-3 fathy acids cũng không được chỉ định. Lưu ý, Omega-3 chỉ được dùng cho những trường hợp tăng Triglycerid.
Một số thuốc có thể được dùng như GLP-1, còn SGLT2 và DDP4 đến nay vẫn chưa hiểu rõ. Một nhóm thuốc thú vị khác cũng được chuyên gia chia sẻ trong bài báo cáo, đó là khi sử dụng Saraglitazar cho bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ không do rượu thì thấy cải thiện cả men gan cũng như tình trạng xơ hóa ở gan.
“Đối với phẫu thuật cắt dạ dày chỉ được chỉ định cho những bệnh nhân béo phì bệnh lý. Hoặc cũng có thể đặt bóng dạ dày, đây là một trong những liệu pháp can thiệp nội soi đạt hiệu quả trong điều trị béo phì. Chúng tôi ghi nhận phương pháp này hiệu quả trên khoảng 70% số các bệnh nhân điều trị, hơn 10% sẽ giảm được cân nặng” - PGS Ashok Choudhury cho biết.
Cuối chương trình, ông một nữa nhấn mạnh: “Đái tháo đường và bệnh gan có mối liên hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường nhận thức của dân số chung về với bệnh lý này. Tất cả những bệnh nhân đái tháo đường cần được đánh giá nguy cơ bệnh gan và can thiệp sớm sẽ giúp đạt được hiệu quả điều trị. Và điều trị quan trọng nhất là thay đổi lối sống”.
Đây là lần đầu tiên Tổng lãnh sự quán Ấn Độ phối hợp với Hội Y học TPHCM tổ chức hội thảo trực tuyến về ngành y giữa các bác sĩ đến từ Ấn Độ và Việt Nam. Buổi hội thảo thu hút sự tham gia của 8 chuyên gia từ 2 đầu cầu Ấn Độ và TPHCM (Việt Nam) cùng hơn 1.000 bác sĩ đăng ký xem trực tuyến. Với phần báo cáo kéo dài hơn 30 phút, PGS.TS.BS Ashok Choudhury - Viện Khoa học Gan và Mật, New Delhi nhận được nhiều thắc mắc từ các đồng nghiệp: 1. Gan nhiễm mỡ mức độ nào thì được đánh giá là gan nhiễm mỡ không do rượu?Tình trạng này được đánh giá chủ yếu bằng siêu âm. Hầu hết các bệnh nhân đái tháo đường đi kèm với béo phì đều xuất hiện gan nhiễm mỡ, vì vậy đây là đối tượng cần siêu âm bụng để đánh giá, từ đó chúng ta sẽ xác định được bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ ở mức độ mấy. Bên cạnh siêu âm, chúng ta còn có các công cụ khác như FribroScan cũng được sử dụng thường quy giúp đánh giá hiệu quả mức độ xơ hóa của gan. 2. Đối với người đái tháo đường uống rượu thì có nguy cơ thế nào?Đối với những người uống rượu tần suất xuất hiện bệnh gan rất sớm, từ 30-35 tuổi, trong khi đó nếu không uống rượu thì xuất hiện muộn hơn, từ 50-60 tuổi. Do đó, việc uống rượu hay không rất quan trọng, dẫn đến kết cục về gan của bệnh nhân. 3. Không chỉ là xơ gan, tỷ lệ ung thư gan tăng rất cao. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Liệu viêm gan B, C hay bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có thoát khỏi liên can?Hiện nay tỷ lệ ung thư gan chỉ có đi lên, không đi xuống. Một con số thống kê cho thấy, ở Đài Loan có 8% bệnh nhân bị ung thư gan nhưng kể khi bắt đầu tiêm chủng mở rộng viêm gan B thì con số này giảm xuống chỉ còn 0,3%. Đây là sự chuyển đổi mô hình, bắt đầu từ viêm gan B, sau đó là do rượu, cuối cùng là không do rượu sẽ là những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan trên các dân số. Chúng ta thấy rằng nó đã bắt đầu thay đổi ở những dân số như Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Như vậy, khi nguyên nhân này đi xuống thì ngay lập tức những nguyên nhân khác đi lên, điều này lý giải cho câu hỏi vì sao tỷ lệ xơ gan, ung thư gan không thay đổi, vẫn tiếp tục gia tăng. 4. Đặt bóng dạ dày chữa béo phì, bao lâu sẽ tháo ra?Thông thường chúng tôi đặt trong vòng 6 tháng kèm theo thay đổi lối sống. Thực tế, bóng này chỉ đặt tối đa trong vòng 1 năm, nếu bệnh nhân không giảm được cân theo những thay đổi lối sống của bệnh nhân thì cần phải nghĩ đến biện pháp can thiệp khác. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình