Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh đái tháo đường ở Ấn Độ, Việt Nam tăng trưởng nhanh

Ấn Độ và Việt Nam là 2 quốc gia có tỉ lệ bệnh đái tháo đường tăng trưởng nhanh, trung bình cứ 20 năm tỷ lệ lưu hành tăng gấp 2 lần. Căn bệnh này đã trở thành đại dịch toàn cầu trong thế kỷ 21 và là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân tử vong, tàn tật, trở thành gánh nặng y tế hiện nay.

Đây là những thông tin được chia sẻ trong hội thảo trực tuyến “Hợp tác chuyên đề Ấn Độ - Việt Nam bệnh đái tháo đường” do Hội y học TPHCM phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM tổ chức chiều ngày 27/3.

Gần 3 giờ đồng hồ diễn ra chương trình thu hút sự tham gia của 8 chuyên gia từ 2 đầu cầu Ấn Độ và TPHCM (Việt Nam) cùng hơn 1.000 bác sĩ đăng ký xem trực tuyến. Với 5 bài báo cáo, hội nghị đã nêu ra được bức tranh chung về tình hình bệnh đái tháo đường ở cả 2 quốc gia, chia sẻ cả về những thách thức cần đối mặt cùng thông tin các phương pháp điều trị mới nhất trong lĩnh vực này để cùng bàn luận, trao đổi kinh nghiệm.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM phát biểu khai mạc

Trong bài diễn văn khai mạc, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM cho biết: "Tại Việt Nam, năm 2015, có 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường theo báo cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới IDF, và con số này dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu người vào năm 2040. Theo điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở nhóm tuổi 50-69 là 7,7% và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Chỉ 31,1% bệnh nhân đái tháo đường được chẩn đoán. Hầu hết họ đến bệnh viện ở giai đoạn muộn. Vì vậy, việc phát hiện sớm sẽ giúp người bệnh tiết kiệm chi phí điều trị, hạn chế tối đa các biến chứng và chúng ta biết rằng các biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra thường rất nghiêm trọng và phần lớn chi phí điều trị là điều trị các biến chứng".

Ông Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam chia sẻ về gánh nặng của bệnh đái tháo đường tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới

Nhận định bức tranh về đái tháo đường ở Ấn Độ cũng tương tự, ông Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam thông tin, tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới chịu sức ép không nhỏ từ căn bệnh này. Ở một đất nước đang phát triển như Ấn Độ, chỉ số khối cơ thể (BMI) trung bình thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ, nhưng có tới 77 triệu người mắc đái tháo đường.

“Tại Ấn Độ, cứ 6 người trưởng thành thì có 1 người bị đái tháo đường, điều này tạo ra gánh nặng rất lớn. Với tốc độ phát triển nhanh như Ấn Độ và Việt Nam hiện nay mang lại những thay đổi bước ngoặt trong lối sống và chế độ dinh dưỡng, vì thế chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để hiểu thêm về đái tháo đường, qua đó cung cấp toàn diện về xu hướng gia tăng cũng như biến chứng, cách điều trị để có biện pháp giảm thiểu gánh nặng do nó mang lại” - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh.

1. Người gầy cũng mắc đái tháo đường

Trước nay, đa số mọi người vẫn nghĩ đái tháo đường là căn bệnh “nhà giàu” - kết quả của việc ăn quá nhiều đường và lối sống tĩnh tại. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở 2 quốc gia đang phát triển đã cho chúng ta thấy đó chỉ là một mặt của khối rubic. Nó hoàn hoàn có thể trở thành gánh nặng, một gánh nặng cực lớn cho cả những người có đủ điều kiện kinh tế đến những người nghèo, những người đang sống một cuộc sống không đủ ăn với những bữa cơm luôn thiếu hụt dinh dưỡng. Đặc biệt là khi đã để xảy ra biến chứng.

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê - Phó Chủ tịch Hội Y học TPHCM cho biết, hiện nay đa số các loại thuốc mới nhất điều trị đái tháo đường đều có ở Việt Nam và được BHYT chi trả một phần. Ở vùng sâu vùng xa việc tiếp cận về thuốc của bệnh nhân có phần hạn chế hơn, nhưng những người có khả năng kinh tế vẫn có thể lên các thành phố lớn để điều trị.

“Song, dù sao sự chi trả cho việc điều trị đái tháo đường vẫn rất đắt tiền. Khi bệnh chưa có biến chứng, số tiền chi trả còn tương đối, nhưng khi đã xảy ra biến chứng tim mạch, thận… sẽ tăng cao rất nhiều, nhất là bệnh thận giai đoạn cuối phải lọc thận. Hay biến chứng bàn chân đái tháo đường cũng là một trong những biến chứng gây tốn kém nhiều nhất, bởi nó cần sự chăm sóc của gia đình, giảm sự lao động của bệnh nhân, tăng thời gian nằm viện, nếu phải cắt cụt chi thì còn tốn kém hơn nữa” - PGS Thy Khuê đưa ra thực trạng.

Chương trình hội thảo có sự tham gia của 8 chuyên gia từ 2 đầu cầu Ấn Độ và TPHCM (Việt Nam) cùng hơn 1.000 bác sĩ đăng ký xem trực tuyến

Phó Chủ tịch Hội Y học TPHCM cũng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng giúp nâng cao hiệu quả điều trị đái tháo đường lại ít được bệnh nhân quan tâm, đó là cách thay đổi lối sống, ăn uống và tập luyện đúng cách. Trong giai đoạn đầu, nếu không có biến chứng nặng, đôi khi chỉ cần ăn uống đúng cách, luyện tập là có thể ổn định được bệnh đái tháo đường. Ngược lại, khi để bệnh diễn tiến nặng, càng nhiều biến chứng thì việc điều trị ngày càng tốn kém.

2. “Dung mạo” đái tháo đường thay đổi theo vùng miền, quốc gia

Ấn Độ và Việt Nam vốn là hai quốc gia chịu gánh nặng lớn liên quan đến bệnh đái tháo đường. Vì vậy, các thông tin đưa ra tại buổi hội nghị là “cánh cửa mới” để trao đổi nguồn kiến thức và kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực.

Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh đến đặc tính đái tháo đường thường gặp ở người châu Á. Khác với châu Mỹ, điển hình là Hoa Kỳ có đến 80% bệnh nhân đái tháo đường có béo phì, thì ở nước ta mặc dù cũng có tình trạng này nhưng éo le là có những người rất gầy cũng mắc đái tháo đường nặng và rất khó điều trị. Hay trong phần bàn luận của hội nghị, các chuyên gia cũng chia sẻ với nhau về vấn đề đái tháo đường type 1 thường có yếu tố tự miễn phá hủy tế bào beta, nhưng ở Việt Nam thông qua các xét nghiệm về sinh học thì tỷ lệ dương tính không cao.

Trước sự đa dạng của thông tin đưa ra trong chương trình liên quan đến đái tháo đường và các biến chứng của bệnh ở châu Á, với nhiều điểm tương đồng giữa bệnh nhân Việt Nam và Ấn Độ, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM mong rằng hội thảo sẽ cung cấp đến cho các y bác sĩ thêm kiến thức và kinh nghiệm để chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường tốt hơn. Đồng thời, đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác bền chặt giữa các hiệp hội y khoa của cả 2 quốc gia, giúp nâng cao tay nghề, kinh nghiệm cho các y bác sĩ, nhân viên y tế.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê, chi phí điều trị bệnh đái tháo đường khi đã có biến chứng đang trở thành gánh nặng cho nhiều bệnh nhân, gia đình

Người đứng đầu Liên chi hội Đái tháo đường - Nội tiết TPHCM - PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê đồng thuận cho rằng: “Mặt bệnh luôn khác nhau ở các vùng miền nhưng vẫn chung nền tảng, cốt lõi. Tương tự, cốt lõi của đái tháo đường vẫn là giảm chức năng tế bào beta đề kháng insulin nhưng dung mạo của nó thay đổi tùy theo vùng miền.

Chính vì thế việc trao đổi về kinh nghiệm chuyên môn và chuyện cập nhật kiến thức rất quan trọng. Và việc hợp tác bao giờ cũng tốt nhất là về chuyên môn, vì chúng ta không thể nào biết hết được mọi chuyện, nên khi có chuyên gia đến chia sẻ kinh nghiệm thì chúng ta sẵn sàng học hỏi, đó là tinh thần khoa học”.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM, PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê - Phó Chủ tịch Hội Y học TPHCM, BS.CK2 Huỳnh Anh Lan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học TPHCM (ngoài cùng bên phải) chụp hình lưu niệm cùng ông Madan Mohan Sethi Tổng lãnh sứ quán Ấn Độ tại TPHCM (thứ 3 từ phải vào), báo cáo viên - BS Mai Trọng Trí - Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân dân 115 (thứ 2 từ phải vào) sau khi kết thúc hội thảo

Được biết, đây là lần đầu tiên Tổng lãnh sự quán tổ chức hội thảo trực tuyến về ngành y giữa các bác sĩ đến từ Ấn Độ và Việt Nam. Trong tương lai các hội thảo trực tuyến khác liên quan đến ngành y sẽ tiếp tục được thực hiện với các chủ đề như Tim mạch, Hô hấp, Tiêu hóa…

Một số hình ảnh từ buổi hội thảo:

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X