Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành kiểm soát nhịp tim thế nào?

Việc bỏ qua chỉ số nhịp tim làm gia tăng biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong ở bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Cần kiểm soát nhịp tim thế nào? Tất cả sẽ được BS Lương Cao Sơn - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tư vấn.

1. Biểu hiện nhịp tim nhanh như thế nào?

Thưa bác sĩ, nhịp tim như thế nào là nhanh? Triệu chứng nào để nhận biết nhịp tim nhanh?

BS Lương Cao Sơn:

Tần số tim trung bình của người bình thường là 60-100 nhịp/phút. Từ những tháng đầu tiên của thai kỳ đến khi kết thúc cuộc đời, trung bình tim phải đập 2,5-3 tỷ nhịp.

Nhịp tim nhanh là khi tim đập hơn 100 lần/phút, dưới 60 lần/phút gọi là nhịp tim chậm.

Với người bình thường, nhịp tim có thể trên 100 lần/phút nhưng không có triệu chứng và chỉ khi đi khám bệnh hoặc đo huyết áp mới phát hiện ra điều này.

Tuy nhiên, có một số người sẽ có triệu chứng liên quan đến nhịp tim nhanh như hồi hộp, đánh trống ngực.

Nhịp tim nhanh gây nguy hiểm như thế nào?

BS Lương Cao Sơn:

Một số động vật có nhịp tim rất nhanh, như chim ruồi có nhịp tim 500 lần/phút và tuổi thọ chỉ kéo dài trong vài tháng. Trong khi rùa có nhịp tim rất chậm, 25-28 lần/phút và tuổi thọ của nó kéo dài đến 150-200 năm.

Con người cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, người có nhịp tim nhanh thì tuổi thọ sẽ ngắn hơn so với người có nhịp tim chậm.

Tần số tim của con người như tài khoản ngân hàng cố định, tiêu xài càng nhiều thì sẽ nhanh hết.

Tần số nhịp tim nhanh là yếu tố không tốt đối với sức khỏe con người nói chung và một số bệnh nhân đặc biệt nói riêng.

2. Nhịp tim nhanh ảnh hưởng gì đến bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành?

BS Lương Cao Sơn:

Bệnh nhân bị tăng huyết áp, tim sẽ làm việc nhiều hơn để tống máu ra khỏi áp lực của mạch máu. Do đó, bệnh nhân tăng huyết áp đi kèm với nhịp tim nhanh thì tim phải làm việc nhiều hơn nữa.

Từ đó dẫn đến biến chứng suy tim, thậm chí tử vong- điều này đã được chứng minh. Trong các nghiên cứu ở bệnh nhân tăng huyết áp, nếu tần số tim trên 80 lần/phút sẽ có liên quan đến vấn đề tăng tử vong trên bệnh nhân này.

Chính vì vậy, trong các khuyến cáo gần đây, ngoài tần số huyết áp bệnh nhân phải đạt được, tần số tim cũng là mục tiêu đặt ra với người bệnh.

Đối với bệnh nhân bệnh mạch vành là trường hợp rất đặc biệt, bởi đây là trường hợp mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn, tưới máu cho tim không đầy đủ. Do đó, tim hoạt động nhanh và mạnh hơn thì sẽ nhanh mệt hơn.

Nó giống như trường hợp nhà nghèo nhưng lại xài tiền phung phí thì dễ bị đói. Do đó, đối với bệnh mạch vành, việc kiểm soát tần số tim sẽ chặt chẽ hơn bệnh tăng huyết áp.

Nếu bệnh nhân mắc bệnh mạch vành có tần số tim trên 70 lần/phút sẽ gia tăng các biến cố. Hiện nay, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên duy trì tần số tim 55-60 lần/phút.

3. Người bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành kiểm soát nhịp tim thế nào?

Làm sao kiểm soát nhịp tim ở mức ổn định, nhất là đối với bệnh nhân mắc bệnh huyết áp và bệnh mạch vành?

BS Lương Cao Sơn:

Nhịp tim rất dễ thay đổi tùy thuộc vào tình trạng của cơ thể, ví dụ như lo lắng, stress, sốt, nhiễm trùng thì nhịp tim sẽ tăng lên. Tuy nhiên, một người nhịp tim luôn tăng trong mọi trường hợp là điều bất thường.

Trong trường hợp này, bệnh nhân phải đi thăm khám hoặc sử dụng một số biện pháp để kiểm soát tần số tim của mình, có thể dùng hoặc không dùng thuốc.

Đối với bệnh mạch vành, tần số tim sẽ chậm hơn rất nhiều so với người bình thường. Do đó, ngoài các biện pháp như bệnh tăng huyết áp, bệnh nhân mạch vành phải sử dụng thuốc để loại bỏ yếu tố thúc để nhịp tim nhanh.

Bệnh nhân tăng huyết áp hoặc bệnh mạch vành đôi khi phải sử dụng thuốc để kiểm soát tần số tim. Vậy khi nào bệnh nhân nên sử dụng thuốc?

Trường hợp các biện pháp khác không kiểm soát được nhịp tim, nhịp tim trên ngưỡng cho phép hoặc bệnh nhân có những triệu chứng như đánh trống ngực, hồi hộp thì bác sĩ sẽ chủ động kê thuốc để người bệnh để giảm triệu chứng và gánh nặng bệnh tật.

4. Tự ý ngưng thuốc điều trị dẫn đến hậu quả gì?

Sau thời gian sử dụng thuốc, nhịp tim trở về mức bình thường, người bệnh sẽ tự ý ngưng thuốc. Việc làm này sẽ gây ra những hậu quả gì?

BS Lương Cao Sơn:

Thuốc sử dụng để điều trị bệnh lý tim mạch chỉ có tác dụng từ 12-24 tiếng, do đó, khi ngưng thuốc, tần số tim sẽ trở về mức ban đầu, thậm chí còn tăng cao hơn - hiện tượng dội ngược.

Đây là trường hợp sai lầm thường gặp ở bệnh nhân, dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm. Đặc biệt, nếu bệnh nhân mạch vành ngưng thuốc đột ngột có thể sẽ bị nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong.

Do vậy, khi đã kiểm soát nhịp tim, bệnh nhân nên duy trì phác đồ điều trị. Nếu bệnh nhân muốn thay đổi, có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, không nên tự ý ngưng thuốc.

5. Người bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành tập thể dục thế nào?

Người bệnh huyết áp, bệnh mạch vành nên tập thể dục, thể thao như thế nào là hợp lý?

BS Lương Cao Sơn:

Khi chúng ta vận động gắng sức, nhịp tim sẽ tăng nhanh để đáp ứng những kích thích từ bên ngoài. Với người nhịp tim nhanh, khi vận động gắng sức nhịp tim sẽ nhanh hơn.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ ngưng vận động thể lực.

Một số vận động viên đỉnh cao, vận động thể lực thường xuyên thì nhịp tim sẽ có xu hướng chậm lại, điển hình là 1 VĐV xe đạp có nhịp tim lúc bình thường khoảng 28 lần/phút.

Từ đó, chúng ta thấy rằng, sau khi vận động một thời gian, nhịp tim sẽ ổn định lại. Do đó, người nhịp tim nhanh nên lựa chọn bài tập vừa sức và tăng dần mức độ hoạt động, lâu dài, nhịp tim sẽ ổn định.

Trường hợp khi bắt đầu vận động, nhịp tim tăng nhanh, cơ thể cảm thấy khó chịu, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng thêm 1 số thuốc hỗ trợ nhịp tim.

6. Phương pháp chẩn đoán, điều trị kiểm soát nhịp tim cho bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh mạch vành

Có những phương pháp để chẩn đoán, điều trị như thế nào dành cho bệnh nhân huyết áp, bệnh mạch vành kiểm soát nhịp tim?

BS Lương Cao Sơn:

Đối với tăng huyết áp, đây là bệnh lý phổ biến và dễ dàng chẩn đoán bằng máy đo huyết áp. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có huyết áp giao động, nghĩa là huyết áp đo tại nhà ở mức bình thường nhưng khi vào bệnh viện, huyết áp cao hoặc ngược lại.

Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định huyết áp đo liên tục trong 24 giờ và chẩn đoán huyết áp cao hay không.

Tuy đây là bệnh lý dễ phát hiện nhưng số người được phát hiện tăng huyết áp không nhiều. Bởi tăng huyết áp không có triệu chứng và bệnh nhân thường không đi khám sức khỏe thường xuyên.

Bên cạnh đó, chúng ta có rất nhiều loại thuốc để điều trị nhưng số bệnh nhân được điều trị lại không nhiều và số người được điều trị đạt được huyết áp mục tiêu theo khuyến cáo không cao.

Theo thống kê, tại Việt Nam, số người tăng huyết áp được phát hiện chỉ khoảng 50% và khoảng 10% người được điều trị đạt huyết áp mục tiêu. Do vậy, thời gian gần đây, việc điều trị huyết áp được đề cập rất nhiều.

Hiện nay, máy đo huyết áp điện tử có thêm chỉ số tần số tim. Ngoài việc kiểm soát tần số huyết áp để đạt được huyết áp mục tiêu, tần số tim cũng là yếu tố cần chú ý. Tần số tim đối với người tăng huyết áp là dưới 80 lần/phút.

Bên cạnh đó, bạn có thể dùng 2 ngón tay bắt mạch ở cổ tay còn lại trong vòng 15 giây và lấy kết quả nhân 4 để ra tần số tim trong vòng 1 phút. Một phương pháp chính xác hơn để biết được nhịp tim là đo điện tâm đồ.

Đo điện tâm đồ có thể tại một thời điểm hoặc đo liên tục trong 24 giờ. Một số bệnh nhân có nhịp tim nhanh không thường xuyên, vì vậy, bác sĩ buộc phải đo điện tâm đồ 24 giờ để bắt được những cơn nhịp nhanh trong ngày.

Đối với việc điều trị bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh mạch vành có nhịp tim nhanh, chúng ta có thể sử dụng biện pháp không dùng thuốc, giải quyết các yếu tố thúc đẩy nhịp tim nhanh như bướu, thiếu máu.

Trường hợp bệnh nhân không có các yếu tố thúc đẩy hoặc có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc để kiểm soát nhịp tim tốt hơn.

Ngoài ra, bệnh nhân cần điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt như thuốc lá, cà phê.

Như vậy, để điều trị bệnh tốt, cần phải tìm ra yếu tố thúc đẩy và tránh né những yếu tố này.

7. Sai lầm của bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh mạch vành khi điều trị kiểm soát nhịp tim?

Những sai lầm nào khi người bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành đang điều trị kiểm soát nhịp tim?

BS Lương Cao Sơn:

Thứ nhất, bệnh nhân không quan tâm đến tần số tim mặc dù những người này chỉ cần nhịp tim trên 70 lần/phút đã được gọi là nhanh.

Thứ hai, bệnh nhân có triệu chứng nhịp tim nhanh như hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở nhưng họ lại không báo với bác sĩ khi tái khám.

Thứ ba, khi được điều trị ổn định, bệnh nhân lại tự ý ngưng thuốc gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Trường hợp bệnh nhân để lại ấn tượng khi điều trị kiểm soát nhịp tim?

BS Lương Cao Sơn:

Có một số bệnh nhân chỉ quan tâm đến chỉ số huyết áp và không để ý đến tần số tim. Khi điều trị, bác sĩ sẽ cho thêm một số loại thuốc ổn định tần số tim.

Sau uống thuốc, bệnh nhân lo lắng khi thấy tần số tim chậm. Khi đó, bác sĩ sẽ giải thích rằng tần số tim như vậy là phù hợp với bệnh lý của bệnh nhân. Để đạt được tần số tim này, bác sĩ đã cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc.

Bản thân bệnh nhân cũng nhận thấy, mặc dù tần số tim thấp nhưng cơ thể khỏe khoắn hơn, vận động gắng sức tốt hơn.

Do vậy, nếu bệnh nhân đang điều trị bệnh lý tim mạch phát hiện tần số tim chậm hơn người bình thường, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để biết rằng đó có phải là tần số tim mục tiêu hay không. Tránh trường hợp tự ý ngưng thuốc khi thấy nhịp tim chậm.

8. Kiểm soát nhịp tim giúp bệnh nhân tăng huyết áp và bệnh mạch vành tránh biến cố tim mạch

Lời khuyên của bác sĩ dành cho bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh mạch vành để kiểm soát tốt nhịp tim?

BS Lương Cao Sơn:

Tăng huyết áp và bệnh mạch vành là 2 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với bệnh lý tim mạch. Do vậy, việc kiểm soát tần số tim là vô cùng quan trọng và được khuyến cáo nhiều trong thời gian gần đây.

Để người bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành kiểm soát tốt nhịp tim, cần:

  • Để ý đến chỉ số nhịp tim trên máy đo huyết áp
  • Lưu ý những triệu chứng có liên quan đến nhịp tim nhanh như hồi hộp, đánh trống ngực
  • Tránh các yếu tố thúc đẩy nhịp tim nhanh như căng thẳng, stress; thay vào đó, người bệnh sẽ tập các bài tập yoga, thiền
  • Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, tránh tự ý ngưng thuốc; khiến nhịp tim trở về trước khi điều trị, thậm chí nhanh hơn, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
  • Có lối sống, chế độ ăn uống phù hợp, tăng cường vận động thể lực thời gian dài sẽ giúp nhịp tim tốt hơn. Cần tránh một số loại đồ uống như cà phê, trà; hút thuốc lá; người tăng huyết áp phải ăn nhạt, bệnh nhân mạch vành cữ ăn mỡ.
  • Khi có khó khăn trong quá trình điều trị, bệnh nhân hãy chia sẻ với bác sĩ để được tư vấn phù hợp.

Ngoài ổn định tần số tim, các biện pháp này giúp ổn định huyết áp, chống xơ vữa mạch, tránh các biến cố tim mạch, giảm tử vong.

Minh Huy

Trích: Tư vấn trực tuyến - Kiểm soát nhịp tim ở người bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành, BV Đại học Y dược TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X