Ngủ ngáy kèm ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ
Ngủ ngáy không chỉ gây khó chịu cho những người xung quanh mà còn dẫn đến tình trạng ngưng thở trong khi ngủ. Theo PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM, tình trạng ngưng thở khi ngủ được kích hoạt khiến huyết áp tăng cao, oxy giảm quá thấp, nuôi dưỡng cơ tim suy giảm gây rối loạn nhịp hoặc nhồi máu cơ tim hay dẫn đến đột quỵ.
1. Ngủ ngáy không phải hiện tượng bình thường
Thưa BS, ngủ ngáy có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống ra sao?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: 90 - 95% trong chúng ta sẽ ngáy khi ngủ, dù ít hay nhiều. Tùy thuộc vào tư thế ngủ mà tiếng ngáy nhẹ nàng hay nặng nề. Ngáy không phải một hiện tượng bình thường mà là tình trạng giảm diện tích đường hô hấp, đặc biệt là đường hô hấp trên trong lúc ngủ.
Do đặc tính sinh lý, trong khi ngủ, trương lực của cơ hô hấp, đặc biệt là những cơ ở vùng hầu họng sẽ giảm đi, khiến lượng không khí hít vào và thở ra sẽ đi qua một chỗ hẹp và phát ra âm thanh giống như tiếng sáo hoặc tiếng thổi kèn.
Trong trường hợp đường thở chưa bị tắc nghẽn hoàn toàn, tiếng ngáy của một số người có vẻ êm dịu, trong khi số khác có phần ồn ào hơn, thậm chí có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của những người xung quanh.
Điều đáng lo ngại là ngủ ngáy kèm theo tình trạng ngưng thở khi ngủ, đây được xem là một dạng ngủ ngáy bệnh lý và có thể dẫn đến đột tử vào ban đêm. Khi tình trạng ngưng thở khi ngủ được kích hoạt sẽ làm cho huyết áp tăng cao, oxy giảm quá thấp làm cho tình trạng nuôi dưỡng cơ tim yếu đi, gây rối loạn nhịp hoặc nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Thông thường, những biến cố về tim mạch, ví dụ như đột tử, thường liên quan đến nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp, suy tim, phù phổi hoặc tai biến mạch máu não xảy ra vào ban đêm, kết hợp với ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ. Chính vì vậy, ngủ ngáy là một vấn đề bất thường, cần có những tư vấn của bác sĩ để đánh giá xem việc ngủ ngáy liệu có gây ra hậu quả hay chỉ là một tình trạng ngáy ngủ sinh lý bình thường chưa dẫn đến hậu quả.
Tình trạng ngủ ngáy sẽ diễn ra nhiều và mạnh hơn khi chúng ta uống rượu bia, vì đây chính là yếu tố làm cho đường thở bị hẹp nhiều hơn trong lúc ngủ.
2. Ngủ ngáy đa phần xuất phát từ vấn đề đường hô hấp trên
Những nguyên nhân nào gây ra tình trạng ngủ ngáy, thưa BS? Nhiều người cho rằng, ngủ ngáy có liên quan đến các hoạt động gắng sức hoặc công việc mệt mỏi ban ngày. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Tiếng ngáy lớn hay nhỏ còn tùy thuộc vào tình trạng đường thở bị hẹp nhiều hay ít. Nguyên nhân gây ngủ ngáy đa phần đến từ đường hô hấp trên. Một số người có lưỡi gà quá dài khiến đường thở bị che lấp trong lúc ngủ, cản trở luồng không khí đi vào. Trẻ nhỏ viêm amidan nặng, tình trạng viêm tái đi tái lại, điều trị nhiều lần nhưng không hiệu quả sẽ làm amidan sưng to, cản trở đường hô hấp và dẫn đến tình trạng ngủ ngáy.
Viêm mũi xoang gây nghẹt đường thở, tình trạng viêm kéo dài làm giảm trương lực nặng hơn khi ngủ. Những yếu tố viêm mũi xoang dị ứng hay viêm mũi xoang do nhiễm trùng, polyp mũi, viêm amidan, vòm khẩu cái dài, lưỡi gà dài hoặc những biến dạng hàm mặt bẩm sinh, biến dạng hàm mặt do chấn thương... gây ảnh hưởng đến sự lưu thông không khí khi hít vào thở ra.
Người bệnh uống rượu bia, làm việc quá sức dẫn đến ngủ say, làm trương lực của đường hô hấp trên càng giảm, dẫn đến tình trạng ngủ ngáy nặng hơn. Do đó, ngủ ngáy không hẳn là một giấc ngủ ngon mà là một tình trạng bất thường.
Đầu tiên, cần xác định vị trí bất thường. Sau đó phải kiểm tra ngủ ngáy có dẫn đến ngưng thở khi ngủ chưa, từ đó có biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị một cách kịp thời.
3. Tiếng ngáy gián đoạn, thức giấc nhiều lần là dấu hiệu bất thường cần phải lưu ý
Tiếng ngáy của chúng ta như thế nào sẽ là dấu hiệu cảnh báo bệnh không được xem thường, thưa BS? Bên cạnh tiếng ngáy, các dấu hiệu khác đi kèm mà chúng ta cần phải chú ý gồm những gì ?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Nếu tình trạng ngủ ngáy không quá nghiêm trọng, tiếng ngáy đều đặn và kéo dài suốt đêm. Bệnh nhân không thức giấc nhiều lần, không có cảm giác nghẹt thở, nguyên nhân của tình trạng này thường do đường thở hẹp, chưa bị tắc hoàn toàn.
Nếu tiếng ngáy gián đoạn, có thời điểm đang ngáy lại ngưng đột ngột, lúc này ngực và bụng đang cố gắng thở mạnh do đường thở bị tắc. Tình trạng ngưng thở càng lâu hoặc ngưng thở lặp lại quá nhanh, khiến oxy trong máu giảm xuống, não bộ bắt buộc cơ thể phải thức dậy. Nhiều trường hợp vi thức giấc, có lúc thức giấc thực sự để người bệnh có thể thở lại. Đây gần như một phản xạ tự nhiên.
Suốt cả đêm, ngáy và ngưng thở diễn ra luân phiên, liên tục lặp lại khiến chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân kém đi. Đó là ngáy bệnh lý, bất thường và dẫn đến hậu quả ngưng thở khi ngủ, cần đặc biệt lưu ý.
Với những người ngủ một mình, không nhận biết được tình trạng ngưng thở khi ngủ, hãy chú ý đến biểu hiện vào ban ngày. Chất lượng giấc ngủ kém khiến chúng ta mệt mỏi vào ban ngày. Thông thường, sau một giấc ngủ, buổi sáng sẽ cảm thấy thư thái, sảng khoái, yêu đời và muốn làm việc.
Nhưng khi có ngủ ngáy bệnh lý ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, sau khi thức dậy sẽ có cảm giác nhức đầu, lừ đừ, không muốn làm việc. Người bệnh có thể ngủ gật khi đọc báo, ăn sáng. Một số trường hợp có biểu hiện nghi ngờ như ngủ ngày quá nhiều, cảm nhận được sức lực yếu dần đi; cơ thể thừa cân, có mỡ máu, béo phì, bụng to; huyết áp tăng cao... cần nhanh chóng đi thăm khám để xác định các vấn đề này có dẫn đến ngưng thở khi ngủ không.
Một số bệnh nhân gặp tình trạng khi vừa đi vào giấc ngủ đã có cảm giác như bị ai đó bóp cổ, nghẹt thở đến mức phải ngồi bật dậy. Có trường hợp lại thường gặp ác mộng về đêm, gặp cảm giác “bóng đè” khiến họ khó ngủ và không thể ngủ ngon giấc.
Tất cả những dấu hiệu nêu trên là tình trạng ngủ ngáy bệnh lý, cần phải thăm khám ngay để không gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Báo chí từng đề cập đến những trường hợp người trẻ đột tử và một trong những lý do có liên quan đến ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ. Một người bị cao huyết áp hoặc có bệnh lý bẩm sinh, chẳng hạn dị dạng mạch máu bẩm sinh, chỉ cần một tình trạng phình nhỏ, cộng với ngủ ngáy có thể đưa đến biến chứng ngưng thở khi ngủ. Lượng oxy giảm sẽ gây tăng huyết áp, làm vỡ các mạch máu phình bẩm sinh hoặc nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp khiến bệnh nhên dễ bị đột tử trong lúc ngủ.
4. Người bệnh ngủ ngáy cần thăm khám ở chuyên khoa Tai Mũi Họng
Khi ngủ ngáy cần thăm khám chuyên khoa nào để tìm ra bệnh, thưa BS?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Tình trạng ngáy có liên quan đến đường hô hấp trên, do đó nên đến chuyên khoa Tai Mũi Họng để đánh giá chủ yếu về vùng mũi, miệng, vùng hầu họng, kiểm tra các quá phát đã đề cập ở trên làm cản trở sự lưu thông của không khí trong lúc ngủ.
Gói khám tầm soát ngưng thở khi ngủ cho người lớn tuổi không thể bỏ qua khám tai mũi họng vì tình trạng tắc nghẽn chủ yếu nằm ở vùng hầu họng. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần phải đến các chuyên khoa liên quan như hô hấp, tim mạch (nếu bệnh nhân bị cao huyết áp), nội tiết (nếu bệnh nhân có kèm theo bệnh lý đái tháo đường. Đây là những chuyên khoa liên hệ mật thiết đến tình trạng ngưng thở khi ngủ.
5. Điều trị toàn diện cho bệnh nhân ngủ ngáy
Trình tự thăm khám cho người ngủ ngáy sẽ diễn ra như thế nào và đâu là các cận lâm sàng cần thực hiện trong tình huống này, thưa BS?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có nhiều chuyên khoa như Tai Mũi Họng, Tim mạch, Hô hấp, Tiểu đường, Nội Tổng quát... Bệnh nhân có thể đến khám tại chuyên khoa hô hấp để được đánh giá tình trạng ngủ ngáy bình thường hay bất thường. Nếu có nghi ngờ, bệnh nhân sẽ được chuyển đến các chuyên khoa liên quan để thăm khám kỹ hơn.
Đối với bệnh nhân lớn tuổi, nếu có thêm thói quen hút thuốc lá, bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, huyết áp, tim mạch, nội tiết tại các chuyên khoa liên quan. Các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành sẽ đánh giá tỉ mỉ, đầy đủ và tư vấn đều trị cho bệnh nhân. Ngoài đánh giá tình trạng và hậu quả ngủ ngáy, bệnh nhân còn được đánh giá những bệnh lý đi kèm để có hướng điều trị toàn diện.
Khi bệnh nhân bị ngủ ngáy đến đăng ký khám, cơ sở sẽ gửi đến đơn vị tư vấn để sắp xếp chuyên khoa phù hợp với tình trạng của người bệnh.
6. Những biện pháp giúp cải thiện tình trạng ngủ ngáy có thể thực hiện tại nhà
Thưa BS, bệnh nhân ngủ ngáy cần làm gì để có thể cải thiện tình trạng này?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Nguyên nhân gây ngáy là hẹp đường thở trong khi ngủ, vì vậy người bệnh cần đi thăm khám để xác định vị trí hẹp. Trong chương trình điều trị cho bệnh nhân ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ, các bác sĩ luôn tư vấn kèm các vấn đề về dinh dưỡng, tập luyện và giấc ngủ.
Về dinh dưỡng, bệnh nhân cần kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì. Bệnh nhân nên cùng làm việc với chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ giảm cân hợp lý, đạt được mức cân nặng lý tưởng. Đây là một yếu tố quan trọng để giảm tình trạng ngủ ngáy.
Tập thể dục thường xuyên sẽ tạo dựng được sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, đòng thời có thể hạn chế một phần tình trạng nhiễm trùng ở đường hô hấp trên như nhiễm siêu vi, cúm, viêm mũi xoang. Tập thể dục đều đặn còn giúp tăng trương lực cơ vùng hầu họng, khi ngủ sẽ hạn chế giảm trương lực, từ đó hạn chế được tình trạng ngủ ngáy.
Người lớn tuổi bị ngủ ngáy chưa có biểu hiện ngưng thở khi ngủ cần bỏ hút thuốc lá, đặc biệt là giảm hoặc không sử dụng vào ban đêm.
Thông thường, khi nằm ngửa thì bệnh nhân sẽ ngáy nặng hơn vì những phần mềm ở vùng hầu họng lấp đường thở nhiều hơn. Người bệnh có thể nằm nghiêng bên phải hoặc bên trái. Nhiều bệnh nhân cho biết sau khi thực hiện theo lời khuyên này, tình trạng ngủ ngáy đã nhẹ hơn.
Bệnh nhân có thể kê cao đầu để không bị trào ngược gây viêm đường thở lặp đi lặp lại, trở thành tình trạng viêm mãn tính vùng hầu họng, từ đó làm giảm trương lực vùng hầu họng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình