Hotline 24/7
08983-08983

Nan giải vệ sinh vùng kín bé gái

Mỗi lần vệ sinh cho con gái, Lan nhờ chồng bế choãi hai chân của bé rồi ngậm một hớp nước ấm, ‘phun mưa’ vào vùng kín của con.

“Mình có con trai đầu, vệ sinh vùng kín cho bé ‘nhàn tênh’. Giờ sinh con gái thứ hai thấy ‘công đoạn’ này sao mà phức tạp. Lúc nào cũng sợ chưa sạch nên phải vệ sinh cho con kỹ kỹ một chút” – Lan cho biết. Theo Lan, mẹ ngậm nước vào miệng rồi phun vào vùng kín cho con sẽ khiến những tia nước li ti có thể len vào những nếp gấp trong vùng kín con gái. Sau đó, mẹ chỉ cần lấy bông gòn mềm nhẹ nhàng lau từng tý một là được.

Cũng chọn cách nhờ người nhà bế khi vệ sinh vùng kín cho con gái nhưng Oanh (Hà Đông, Hà Nội) không “phun mưa” và dí sát mặt vào “bím” con rồi ra sức... hít. 

Ảnh minh họa
 
“Hôm nào thấy có mùi hôi hay ‘bím’ con đùn ra chất màu trắng thì mình phải dùng đầu tăm bông, nhúng nước ấm có pha muối loãng, cẩn thận lau từng khe gấp cho con.

Nhưng tất nhiên là chỉ lau bên ngoài, không được thọc sâu vào trong. Hôm nào thấy thơm tho thì chỉ cần lấy khăn sữa mềm nhúng nước ấm, lau từ ‘bím’ ra sau là xong” – Oanh chia sẻ kinh nghiệm vệ sinh vùng kín cho con gái đầu lòng. Theo Oanh, tuyệt đối không được lau từ sau ra trước vì làm thế sẽ lấy vi khuẩn từ hậu môn tới vùng kín của con.

Còn Hòa (quận 3, TPHCM) ngày nào cũng chịu khó đun nước trà xanh để rửa “bím” cho con với hy vọng con hết mùi hôi và “bím” sẽ trắng, đẹp khi lớn lên. “Mỗi ngày, mình rửa bằng nước trà xanh cho con 2 lần. Còn những lần con đi tè hay đi ị thì vệ sinh với nước ấm rồi lau khô thôi” – Hòa tâm sự.

Không ít người mẹ cho biết, việc vệ sinh vùng kín cho bé gái khiến mẹ “đau đầu” hơn bé trai. Do cấu tạo nên “bím” bé gái dễ bị nhiễm khuẩn và có mùi hơn “chim” của bé trai. Vì thế, vệ sinh vùng kín bé gái làm sao để bé luôn được sạch, khô, không viêm nhiễm, cũng không bị hăm là cả một vấn đề nan giải.

Một số cách người mẹ hay áp dụng khi vệ sinh “bím” cho bé gái là “phun nước”, pha loãng với nước trà xanh, nước muối hay chỉ dùng nước ấm thông thường. “Phun nước” là cách khiến vùng kín của bé dễ bị nhiễm khuẩn do khi mẹ ngậm nước thì vi khuẩn từ miệng của mẹ có thể theo nước vào vùng kín bé gái. Với nước trà xanh pha loãng thì cũng nên thận trọng do bé còn nhỏ, làn da còn mỏng nên vệ sinh bằng cây lá cũng có thể làm bé bị dị ứng, viêm nhiễm... không tốt cho bé. Ngay cả việc dùng nước muối pha loãng để vệ sinh cho bé gái cũng cần thận trọng, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Vệ sinh vùng kín cho bé gái bằng nước ấm là cách an toàn hơn cả. Khi lau chùi cho bé, nên đặt bé trên một tấm nilon, dùng khăn xô mềm, nhúng nước ấm, vắt nhẹ cho bớt nước rồi lau nhẹ nhàng “bím” cho bé theo hướng trên – dưới và từ ngoài vào trong. Nhớ là khi lau “bím” cho con phải hết sức nhẹ, chỉ lau bên ngoài, không chạm vào trong.
 
Sau đó, lấy khăn khác, nhúng nước lau vùng bẹn và hậu môn cho bé. Không dùng chung khăn lau hậu môn và vùng kín cho bé vì dễ lảm dây bẩn từ hậu môn và bộ phận sinh dục của bé. Cũng không đặt cả đít bé vào chậu nước ấm vì vi khuẩn từ hậu môn có thể lan sang vùng kín của bé. Cuối cùng, dùng thêm khăn khác, lau sạch vùng mông và đùi cho con.

Cuối cùng, tiếp tục dùng khăn xô, khô và mềm để lau khô lần lượt từng vùng cho bé như kể trên. Đặt bé nằm trên một tấm nilon sạch khác ít phút cho vùng kín và mông khô ráo hẳn thì mới đóng bỉm. Tránh dùng giấy ướt lau cho con hoặc nếu dùng giấy ướt thì cần dùng khăn xô mềm, nhúng nước ấm lau lại sau khi đã lau bằng giấy ướt.

Sau mỗi lần bé đi tè, nhất là đi tiêu thì cũng nên dùng khăn nhúng nước ấm lau cho bé để bé luôn sạch sẽ và khỏe mạnh. Tuyệt đối tránh dùng xà phòng để vệ sinh vùng kín vì sẽ làm chết những vi khuẩn có lợi trong vùng kín của con. Cũng tránh các chất tẩy rửa khác vì làm mất cân bằng độ pH trong “bím” của bé
 
AloBacsi.vn (Theo Ngọc Bình - Mẹ&Bé)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X