Hotline 24/7
08983-08983

Lọc máu tại nhà: Tiện lợi, chủ động, không lệ thuộc bệnh viện

Người bệnh suy thận giai đoạn cuối có thể đi du lịch, công tác, liệu điều này có thể xảy ra? Câu trả lời là có. Khi lựa chọn phương pháp lọc màng bụng, người bệnh không những không lệ thuộc vào máy móc tại bệnh viện mà còn tự do tận hưởng để cuộc sống trở nên ý nghĩa, trọn vẹn.

Vì sao người bệnh suy thận giai đoạn cuối nên chọn lọc máu tại nhà ?

Hiện nay, bệnh lý suy thận giai đoạn cuối đang là vấn đề sức khỏe của toàn cầu. Mặc dù y học đã có nhiều bước tiến vượt bậc nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp nào toàn diện để giúp cho người bệnh được điều trị khỏi hoàn toàn. Nhưng may mắn, vào giai đoạn này người bệnh vẫn có thể được điều trị thay thế thận suy mạn bằng một trong ba phương pháp là ghép thận của người hiến hoặc được lọc máu gồm có lọc màng bụng hay chạy thận nhân tạo.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng nguồn thận hiến còn quá ít so với nhu cầu và không phải người bệnh nào cũng đủ điều kiện về sức khỏe lẫn khả năng tài chính để thực hiện phương pháp ghép thận. Vì vậy phương pháp lọc máu thường được các bác sĩ chỉ định điều trị cho các người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Song với phương pháp chạy thận nhân tạo, đâu đó vẫn tồn tại nỗi buồn của người bệnh khi cuộc sống của họ được ví như những kiếp “tầm gửi” bởi phần lớn thời gian phải nương nhờ máy móc tại bệnh viện.

Gần đây, khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên nhiều tỉnh thành hiện nay, nguy cơ mắc bệnh và chuyển biến nặng của người chạy thận cao hơn cả, bởi vốn dĩ hệ miễn dịch của họ đã suy yếu, lại đồng mắc thêm nhiều bệnh lý khác như đái tháo đường, tim mạch, viêm gan… Hơn nữa, thay vì phải ở nhà, hạn chế tiếp xúc nơi đông người thì người chạy thận vẫn phải đều đặn đến bệnh viện 3 lần mỗi lần. Những yếu tố này khiến người bệnh suy thận giai đoạn cuối vốn đã yếu nay còn mong manh hơn lúc trước dịch bệnh.

Nhìn nhận đây là nguy cơ này khiến người bệnh thận mạn dễ dàng tổn thương nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam đưa ra khuyến nghị phương pháp Lọc màng bụng nên được áp dụng rộng rãi và nhân rộng hơn. Với phương pháp này người bệnh có thể tự lọc máu tại nhà, ít nguy cơ tiếp xúc với người bệnh khác, với nhân viên y tế trong bệnh viện, không phải di chuyển từ nhà đến bệnh viện 3 lần/tuần, không phải phụ thuộc vào máy móc của trung tâm thận nhân tạo. Điều quan trọng, phương pháp này đặc biệt rất thích hợp trong thời gian giãn cách xã hội trên nhiều tỉnh thành của cả nước. Người bệnh vẫn có thể được thăm khám bệnh từ xa, trao đổi với bác sĩ qua điện thoại và có thể có cả hình ảnh kèm theo.

Ngay cả khi cuộc sống quay lại nếp sống “bình thường mới” sau dịch bệnh, lọc màng bụng vẫn đem đến nhiều lợi ích thiết thực, mỗi tháng người bệnh chỉ cần tái khám định kỳ 1 lần để đánh giá về điều trị cũng như lấy dịch lọc, thời gian còn lại có thể lọc máu tại nhà, chủ động thời gian điều trị. Điều này không chỉ giúp bản thân người bệnh được giải tỏa áp lực về chi phí điều trị lâu dài mà còn góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế, giảm nguy cơ lây nhiễm trong quá trình lọc máu tại bệnh viện.

Lọc máu tại nhà: Dễ thực hiện, bảo tồn thận tốt

Thực tế, với nhiều ưu điểm về lâm sàng, kinh tế, lọc màng bụng từ lâu đã được nhiều nơi trên thế giới như Hồng Kông, Mexico, Thái Lan… xem là giải pháp ưu tiên lựa chọn, mục đích không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị mà còn nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Trong cách lọc máu này, màng bụng như một máy chạy thận nhân tạo. Thay vì dùng màng lọc nhân tạo thì màng bụng (lớp màng mỏng lót mặt trong, bao bọc các tạng trong ổ bụng) của người bệnh được sử dụng để lọc các chất độc và điều chỉnh nước, điện giải và thăng bằng kiềm - toan cho cơ thể.

Sở dĩ phương pháp này được người bệnh “ưu ái” lựa chọn ngày càng nhiều bởi tính đơn giản, dễ thực hiện. Sau khi đến bệnh viện để đặt ống thông tại vùng bụng thường bằng nội soi (ống thông là đường dẫn đưa dịch lọc vào ổ bụng), người bệnh sẽ được hướng dẫn và thực hành các thao tác thay dịch lọc tại bệnh viện, khi thành thục sẽ được xuất viện, điều trị ngoại trú.

Với phương pháp này, người bệnh thận cũng được phép ăn uống thoải mái hơn so với chạy thận nhân tạo. Hơn nữa, ngoài thời gian thao tác thay dịch (khoảng 15 phút), người bệnh vẫn có thể lao động, sinh hoạt, đi lại như người bình thường nên không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng sống cũng như công việc của họ.

Với lọc màng bụng, quá trình lọc máu diễn ra liên tục nên người bệnh luôn ổn định, tránh hội chứng mất cân bằng. Điều này giúp bảo tồn thận tốt hơn, huyết áp thường ổn định hơn, giảm nguy cơ mất máu, nhờ đó người bệnh ít bị thiếu máu hơn và ít có nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm hơn so với chạy thận nhân tạo.

Phương pháp này cũng được áp dụng cho mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với trẻ em, người bị các bệnh lý tim mạch như suy tim, rối loạn nhịp, huyết áp cao... Mặt khác, lọc màng bụng làm thay đổi các chất hoà tan và lượng nước trong cơ thể một cách từ từ, vì vậy phù hợp với đối tượng là những người bệnh có huyết động không ổn định. Thêm nữa là người bệnh không phải sử dụng thuốc chống đông thường xuyên nên sẽ hạn chế được nguy cơ xuất huyết .

Lọc màng bụng tại nhà, có bao nhiêu phương thức để người bệnh lựa chọn ?

Hiện nay có 2 hình thức lọc màng bụng tại nhà. Một là lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD)- người bệnh thay dịch bằng tay và hai là lọc màng bụng bằng máy tự động (APD).

Trong đó, với hình thức lọc màng bụng thay dịch bằng tay, thông thường dung dịch lọc được cho vào khoang ổ bụng ngâm khoảng 6 giờ,  sau đó xả dịch này ra và cho dịch mới vào.

Nhưng trở ngại của hình thức này là cần thay dịch 4 lần một ngày nên đôi khi có thể gây ra bất tiện trong sinh hoạt cho người bệnh. Đặc biệt người bệnh như trẻ em, người già suy yếu không thể tự thay dịch được mà cần người hỗ trợ. Với cuộc sống bận rộn hiện nay, người thân gia đình rất khó có thể chăm sóc kỹ lưỡng và đảm bảo được nhiệm vụ này hàng ngày.

Máy lọc màng bụng tự động giúp người bệnh không còn phải tự thay dịch bằng tay, rút ngắn chu kỳ thay dịch 4 lần một ngày còn 1 chu kỳ (Ảnh minh họa)

Cho đến nay, lọc màng bụng bằng máy được xem là lựa chọn tối ưu vì đã chứng minh hiệu quả duy trì chất lượng sống tốt hơn. Mọi quy trình đều được tối giản, mỗi ngày máy chỉ thực hiện lọc 1 lần, được cài đặt tự động lọc về đêm trong 8 -10 giờ.

Việc này không những vừa giúp giảm tần suất tiếp xúc, nguy cơ nhiễm trùng cho người lọc màng bụng, mà còn thuận tiện vào ban ngày là để bụng trống cho người bệnh giúp họ chủ động sinh hoạt thoải mái như người bình thường. Ngay cả khi đi công tác, du lịch hoặc đi làm, đi học cũng không cần “canh” thời gian mỗi 6 giờ để thay dịch.

Điểm cộng cho lọc màng bụng tự động bằng máy là người bệnh không cần phải đợi 2 tuần để vết mổ đặt ống thông lành hẳn mới bắt đầu điều trị như lọc màng bụng thay dịch bằng tay. Thay vào đó có thể thực hiện điều trị ngay sau khoảng 48 giờ nhập viện, giảm thiểu thời gian chờ đợi của người bệnh.

Phương pháp này xem người bệnh là trung tâm, cần định hướng phát triển và mở rộng nhiều nơi trên cả nước.  Đây còn là cơ hội kéo dài sự sống còn của người bệnh thận suy thận mạn,  xóa rào cản tâm lý, sự bất tiện cho người bệnh, giúp họ cải thiện chất lượng sống và yên tâm vui sống cùng bên gia đình.

Có thể bạn quan tâm:

Hiện nay, cả nước có hơn 50 trung tâm lọc màng bụng với trên 2.000 người bệnh được điều trị ở 4 khu vực chính:

-               Khu vực phía Bắc: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện 103, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Thanh Hóa, Bệnh viện Thái Nguyên A, Bệnh viện Ninh Bình, Bệnh viện Hải Dương, Bệnh viện Hà Nam, Bệnh viện Hà Giang, Bệnh viện Cao Bằng.

-               Khu vực miền Trung: Bệnh viện Trung ương Huế 2, Bệnh viện Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Khánh Hòa; Bệnh viện Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Nghệ An.

-               Khu vực phía Nam: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 175, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện quận Bình Tân, Bệnh viện quận 2, Bệnh viện quận 4, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện Tâm Đức, Bệnh viện Đức Khang, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Nhi đồng 2; Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Thống Nhất (Đồng Nai), Bệnh viện Lê Lợi (Vũng Tàu), Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu.

-               Khu vực ĐBSCL: Bệnh viện Long An, Bệnh viện An Giang, Bệnh viện Kiên Giang, Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện Trung Ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa Khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), Bệnh viện Trà Vinh, Bệnh viện Vĩnh Long.

-               Khu vực Tây Nguyên: Bệnh viện Đắk Lắk, Bệnh viện Lâm Đồng 1, Bệnh viện Lâm Đồng 2.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X