Hotline 24/7
08983-08983

Lộ trình vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng đến năm 2030 như thế nào?

Vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh và ngăn chặn dịch bệnh. Hiệu quả của vắc xin có thể thấy qua việc thế giới đã ngăn chặn được như đậu mùa hoặc gần đây nhất là đại dịch COVID-19. Đó là những thông tin được ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga - Phó Trưởng khoa Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đề cập.

1. Khoảng 10-12 loại vắc xin miễn phí cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Nhiều người cho rằng mọi vắc xin tiêm cho trẻ đều miễn phí, thực hư vấn đề này như thế nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Tiêm chủng là mối quan tâm được quan tâm của Việt Nam và trên toàn cầu, tiêm chủng là quyền con người và là khoản đầu tư sức khỏe rẻ nhất để phòng chống bệnh tật.

Thế giới đã mất hàng trăm năm trong việc chiến đấu chống lại bệnh tật và các phương pháp phòng chống trước khi mắc bệnh, do đó đến hiện tại mỗi quốc gia đều có một chương trình tiêm ngừa cho trẻ em và người dân. Tùy vào kinh tế và nguồn vốn mà nhà nước đầu từ ít đến nhiều nhằm bao phủ càng nhiều càng tốt các bệnh lý nặng có thể phòng ngừa bằng vắc xin.

Trên thế giới hiện nay có hơn 20 loại bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, còn với chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam hiện đã bao phủ từ 10-12 loại bệnh có thể gây ra đại dịch, bệnh lý nặng và biến chứng của trẻ.

Không có chương trình miễn phí cho tất cả các loại vắc xin nhưng với sự cố gắng của Đảng và nhà nước ta, hiện nay chương trình tiêm chủng mở rộng đã có từ 10-12 loại vắc xin được đảm bảo miễn phí cho trẻ em.

2. Các loại vắc xin được tiêm miễn phí hiện nay

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện có bao nhiêu loại vắc xin? Phòng ngừa những loại bệnh gì và các vắc xin dịch vụ cần tiêm bao gồm những loại nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Về vấn đề tiêm chủng mở rộng, hiện nay tại các trạm y tế, trung tâm y tế địa phương, trẻ em có thể đến tiêm và phòng ngừa ít nhất 10 loại bệnh bao gồm: bệnh lao, trẻ sẽ được tiêm ngay tại bệnh viện phụ sản trong những ngày đầu sau sinh; tiêm viêm gan B; khi trẻ lớn hơn khoảng từ 2 tháng tuổi sẽ được chích ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, các bệnh lý về viêm phổi do virus haemophilus influenzae nhóm B gây ra; lớn hơn bé sẽ được tiêm ngừa sởi - một loại vắc xin rất quan trọng; tiếp đến các trẻ có thể được tiêm miễn phí vắc xin viêm não Nhật Bản; một số vùng nguy cơ cao về dịch tễ có thể được tiêm miễn phí vắc xin tả, vắc xin thương hàn tùy nguồn lực của địa phương.

3. Rotavirus là nhóm bệnh có thể được đưa vào tiêm chủng mở rộng

Năm 2023, Việt Nam triển khai cho trẻ uống vắc xin Rotarix miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng, nhờ BS thông tin thêm về chương trình này?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Bên cạnh các loại vắc xin nhà nước đảm bảo được tiêm miễn phí và tiêm đầy đủ cho các bé, về vấn đề vắc xin tiêm theo yêu cầu của gia đình sẽ có một số loại như: vắc xin Rotavirus, trẻ có thể được cho triển khai vào lúc 3 tháng tuổi, khi đó trẻ được tiêm ngừa viêm phổi do phế cầu, viêm màng não do virus nhóm B, tiêm ngừa cúm lúc 6 tháng tuổi, 9 tháng tuổi trẻ được phối hợp chích ngừa quai bị, rubella và thủy đậu.

Khi trẻ lớn hơn có thể chích nhắc lại các loại vắc xin ngừa viêm màng não do các loại vi khuẩn khác gây ra. Từ 9 tuổi bé sẽ được chích các loại vắc xin ngừa bệnh sinh dục.

Đảng, nhà nước ta về vấn đề y học dự phòng luôn đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân, các nguồn lực lớn cũng được đầu tư vào lĩnh vực này.

Đi theo xu hướng của thế giới, chính phủ sẽ đi sâu vào đầu tư các loại vắc xin để mở rộng hơn, bao phủ các loại bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề này cần nhiều thời gian do liên quan đến các vấn đề nguồn lực, khả năng triển khai, đảm bảo công bằng giữa các nhóm dân cư tại nhiều vùng miền để tất cả trẻ em của Việt Nam đều được hưởng lợi từ vắc xin, điều đó cần rất nhiều nguồn lực và sự quan tâm đầu tư.

Trước mắt, Rotavirus là nhóm bệnh có thể được đưa vào tiêm chủng mở rộng, tiếp theo có thể là phế cầu, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề vĩ mô, chắc chắn chính phủ rất quan tâm và theo xu hướng chung của thế giới.

4. Chính phủ đã có lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đến năm 2030 như thế nào?

Sau vắc xin Rotavirus, chính phủ đã có lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đến năm 2030 như thế nào?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Trong tương lai, có thể sẽ càng nhiều loại vắc xin được mở rộng ví dụ như: tiêu chảy do Rotavirus, vắc xin ngừa bệnh viêm phổi do tác nhân phế cầu và có thể tương lai các loại vắc xin về phòng ngừa ung thư sinh dục cho cả trẻ nam và trẻ nữ. Đó là một lộ trình dài đòi hỏi rất nhiều nguồn lực.

5. Hiểu đúng về việc “tiêm vắc xin không có nghĩa đảm bảo 100% sẽ không mắc bệnh

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là khi đã tiêm vắc xin sẽ đảm bảo 100% sẽ không mắc bệnh đó, quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Đối với khoa học, đặc biệt trong y học, không bao giờ có con số 100%. Công tác tiêm chủng trên thế giới bắt nguồn từ xa xưa đến thành quả của ngày hôm nay chủ yếu tập trung vấn đề ngăn chặn đại dịch.

Trước đây, bắt đầu từ những đại dịch đầu tiên thế giới đã ngăn chặn được như đậu mùa hoặc gần đây nhất là đại dịch COVID-19, đó là những đại dịch lớn và nhờ vào vắc xin đã thanh toán được, ví dụ như đậu mùa.

Một kỳ vọng tiếp theo của Tổ chức Y tế Thế giới là bệnh bại liệt, từ một loại bệnh có thể lưu hành toàn thế giới, nhờ vào vắc xin mà giai đoạn đầu đã thu hẹp lại trong 6 quốc gia và hiện tại bệnh này chỉ còn lưu hành tại 3 quốc gia là những vùng còn căng thẳng về chiến sự, những nơi y học dự phòng không được triển khai đồng bộ. Đó là sự chiến thắng to lớn của nhân loại.

Tuy nhiên, tiêm vắc xin không có nghĩa sẽ không mắc bệnh, vấn đề quan trọng là vắc xin có thể ngăn ngừa được đại dịch, nếu mắc bệnh chỉ có thể ở mức độ nhẹ, không xảy ra biến chứng. Bên cạnh đó, trong các loại vắc xin có rất nhiều nhóm vi khuẩn, virus nhiều chủng.

Ví dụ như cúm mỗi năm là một chủng khác nhau; phế cầu có nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Tuy nhiên, riêng với vắc xin sẽ dự phòng các nhóm độc lực cao.

Đối với vắc xin ngừa ung thư sinh dục, trên thực tế có rất nhiều loại gây ra bệnh lý về đường sinh dục, tuy nhiên chỉ có một số nhóm như 4 nhóm, 9 nhóm có độc lực cao sẽ đưa vào vắc xin. Như vậy, khi tiêm vắc xin sẽ ngăn được các biến chứng xảy ra từ căn bệnh đó như biến chứng ung thư dẫn đến tử vong.

Đặc biệt, tiêm vắc xin giúp các bệnh lý không biến thành đại dịch.

6. Tiêm vắc xin phối hợp hoặc nhiều mũi cùng lúc có làm bé gặp phản ứng sau tiêm nhiều hơn?

Nhiều phụ huynh cho rằng khi tiêm các loại vắc xin phối hợp hoặc tiêm nhiều mũi vắc xin cùng lúc sẽ làm các bé mệt và dễ bị phản ứng sau tiêm nhiều hơn. Ý kiến của BS thế nào về vấn đề này? Đâu là loại vắc xin được tiêp cùng lúc và vắc xin nào không được tiêm cùng lúc?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Đây là mối quan tâm của các phụ huynh khi con gần kề ngày tiêm chủng, vì thời điểm tiêm các con còn rất nhỏ, do đó ba mẹ thương và nâng niu nên chỉ cần con khó ngủ, hơi quấy cũng khiến ba mẹ lo lắng.

Những khó chịu của con sau tiêm chủng chỉ thoáng qua và có giới hạn, nếu không có giới hạn có nghĩa con đã có phản ứng đặc thù đối với loại vắc xin đó (hiếm gặp) hoặc con đã mắc một vấn đề bệnh lý cùng lúc với thời điểm sau tiêm vắc xin khiến phụ huynh rất quan tâm.

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học chứng minh việc tiêm một mũi sẽ dễ chịu hơn tiêm nhiều mũi, bên cạnh đó đến thời điểm con 2 tháng tuổi có rất nhiều loại vắc xin cần tiêm như: 6 trong 1, phế cầu, rotavirus… ví dụ nếu vắc xin 6 trong 1 tách thành 6 mũi tiêm, thời gian tiêm sẽ kéo dài và con sẽ chịu đau nhiều hơn, phản ứng tại chỗ gần như tương quan.

Đến nay chưa có chứng minh nào cho thấy sự khác biệt giữa việc tiêm tại chỗ một mũi dễ chịu hơn tiêm tại chỗ nhiều loại vắc xin phối hợp. Các nhà khoa học khi đưa nhiều loại vắc xin vào đã tinh chỉnh liều lượng để cho ra một loại vắc xin tối ưu với một lượng kháng nguyên tối thiểu, có thể dùng chung cho tất cả lứa tuổi và cân nặng.

Ví dụ một đứa trẻ sinh non đến khi đủ tuổi sẽ tiêm một liều ngang với trẻ sinh thường. Có nghĩa là một liều vắc xin tối thiểu sinh được lượng miễn dịch tối ưu, không có sự khác biệt, do đó phụ huynh nên cố gắng cho con đi tiêm.

7. Đắp khoai tây, lòng trắng trứng lên vết tiêm của bé có hiệu quả?

Sau khi tiêm trẻ thường bị sưng tấy hoặc đau tại vị trí tiêm, các mẹ thưởng áp dụng mẹo dân gian như đáp khoai tây hoặc lòng trắng trứng gà, các biện pháp này hiệu quả như thế nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Hiện nay chưa có bằng chứng khoa học chứng minh việc đắp khoai tây hoặc lòng trắng trứng gà có thể giảm đau cho con, thậm chí sau tiêm sẽ để lại vết thương hở, một số bé có cơ địa dị ứng với khoai tây hoặc lòng trắng trứng sẽ gây ra phản ứng tại chỗ nhiều hơn so với việc tiêm vắc xin tại chỗ.

Bên cạnh đó, sau khi tiêm đã để lại một vết thương nhỏ trên tay trẻ, cách tốt nhất phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và không đắp bất kỳ thứ gì lên tay con.

>>> Phần 2: Giải đáp về chích ngừa cho trẻ: bỏ qua mũi tiêm, hoãn lịch tiêm, tiêm trễ, không có phản ứng sau tiêm

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X