Hotline 24/7
08983-08983

Giải đáp về chích ngừa cho trẻ: bỏ qua mũi tiêm, hoãn lịch tiêm, tiêm trễ, không có phản ứng sau tiêm

Tiêm vắc xin sởi có thể đợi đến khi trẻ 12 tháng tuổi; sống tại khu vực không nuối gia súc, gia cầm không cần tiêm ngừa viêm não Nhật Bản; tiêm lại từ đầu nếu lỡ lịch tiêm chủng… Các quan điểm này liệu có đúng? Câu trả lời được ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga - Phó Trưởng khoa Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố giải đáp.

1. Tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi là thước đo về độ mạnh phòng vệ của một quốc gia

Vắc xin 3 trong 1 bao gồm sởi - quai bị - rubella được tiêm khi trẻ 1 tuổi, cùng với đó có khá nhiều phụ huynh bỏ qua việc tiêm phòng sởi lúc bé 9 tháng tuổi và đợi bé đủ 1 tuổi sẽ tiêm vắc xin 3 trong 1, điều này liệu có nên và vì sao, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra quan điểm với mỗi hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của mỗi quốc gia, việc bao phủ vắc xin sởi được xem là thước đo về độ mạnh phòng vệ của quốc gia đó đối với các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắc xin.

Nguyên nhân vì sởi có sức lây lan nhanh, dữ dội và rất dễ bộc phát thành đại dịch, đòi hỏi tỷ lệ bao phủ vắc xin rất cao trong cộng đồng từ 92-95% trẻ được tiêm vắc xin sởi mới có thể ngăn chặn được việc bùng phát dịch trở ra.

Theo thống kê của trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ tiêm ngừa đủ 8 loại vắc xin ở trẻ em chỉ có 84,4%, chưa đạt được kỳ vọng 95%. Điều đó cho thấy việc tiêm sởi ở mức 9 tháng chắc chắn có sự bỏ ngỏ, đó là một lỗ hổng phòng thủ của hệ thống y học dự phòng.

Vì vậy, hiện tại tất cả các hệ thống tiêm chủng của nhà nước và tư nhân đều khuyến cáo trẻ nên tiêm ngừa sởi vào 9 tháng tuổi để củng cố hệ thống phòng thủ này, đảm bảo không bộc phát lẻ tẻ các đợt dịch tại nhiều địa phương trong nước.

Do đó, khuyến cáo các con đủ 9 tháng tuổi phải được đi tiêm ngừa sởi. Một điều may mắn ở thời điểm hiện tại với sự phát triển của vắc xin, đã có những loại vắc xin phối hợp sởi, quai bị, rubella được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi. 

Trước đây, có những loại vắc xin phải tiêm khi trẻ 12 tháng tuổi khiến phụ huynh chần chừ, cho rằng tiêm vắc xin sởi khiến con bị đau, sốt… do đó không muốn cho con tiêm sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, ưu tiên 12 tháng cho con tiêm dịch vụ vắc xin sởi, quai bị, rubella. Điều này khiến con chậm 3 tháng vắc xin, nếu không may bùng phát đợt dịch trong thời gian đó sẽ rất nguy hiểm cho con.

2. Viêm não Nhật Bản vẫn lưu hành trong khu vực không nuôi gia súc, gia cầm

Một số phụ huynh cho rằng đối với những trẻ thuộc khu vực không nuôi heo, lợn, không nhất thiết phải tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Một trong những nguyên nhân gây viêm não do virus thường gặp theo thống kê trước đây là hơn 61% do virus viêm não Nhật Bản, bệnh này có thể gây ra đại dịch lớn và khả năng dẫn đến tử vong từ 10-20%, đồng thời có rất nhiều di chứng để lại cho em bé.

Đó là tỷ lệ trước khi có vắc xin, đến nay, sau khi có vắc xin viêm não Nhật Bản, tỷ lệ mắc viêm não do virus viêm não Nhật Bản đã giảm xuống dưới 15% trên tổng số ca viêm não. Điều đó cho thấy bệnh vẫn còn lưu hành và ẩn nấp trong cộng đồng.

Nhiều phụ huynh cho rằng, nguồn ủ bệnh của loại virus này thường nằm trong các loại động vật như gia súc: trâu, bò, heo… nếu sống tại TPHCM, không nuôi các các loài gia súc này sẽ an toàn, đó là quan điểm sai.

Thứ nhất, nuôi gia súc là tập quán của người dân Việt Nam, mỗi gia đình có thể nuôi 1-2 con heo trong nhà hoặc ngoại thành. Bên cạnh đó, viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ động vật qua người hoặc từ người qua người. Đường lây truyền từ gia súc qua người là do muỗi, một số loài muỗi trong nhóm Culex là trung gian truyền bệnh, thực tế gia súc khi nhiễm, nồng độ virus trong máu rất cao, do đó khi muỗi chích vào người sẽ dễ nhiễm loại virus này.

Như vậy, xung quanh không nuôi lợn nhưng muỗi có khắp mọi nơi, đặc biệt trong mùa mưa là thời điểm sinh sản mạnh của muỗi ở bất kỳ khu vực ẩm thấp, chum vại, nước tụ đọng… Vì vậy bệnh vẫn lưu hành và ẩn nấp trong cộng đồng, tiêm vắc xin là một phương án đơn giản, chi phí thấp, thậm chí miễn phí để ngăn ngừa bệnh cho cả trẻ em và người lớn.

3. Có thể hoãn lịch tiêm nếu trẻ đang mắc bệnh cấp tính

Một số phụ huynh cho rằng khi trẻ đang ho, phân lỏng, không cho trẻ đi tiêm ngừa, quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào? Những trường hợp nào tiếp tục tiêm ngừa và trường hợp nào bắt buộc dời lịch tiêm, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Tiêm chủng là đưa một thành phần của tác nhân gây bệnh vào cơ thể để chủ động tạo ra kháng thể phòng bệnh khi không may phơi nhiễm với nguồn lây. Cơ thể chỉ tạo được miễn dịch tốt khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tốt và khỏe mạnh.

Do đó, khi các con đang mắc các bệnh cấp tính như ho, sổ mũi, tiêu chảy… có nghĩa hệ miễn dịch đang bận rộn, việc tiêm vắc xin trong thời điểm này không chống chỉ định tuyệt đối, nhưng gây lãng phí liều vắc xin này do cơ thể, miễn dịch đang bận rộn chiến đấu chống lại virus, vi khuẩn bệnh cấp tính, nếu đưa vắc xin vào hệ miễn dịch không tạo được kháng thể đầy đủ như mong muốn để phòng ngừa bệnh.

Bên cạnh đó, khi lãng phí vắc xin và không tạo được kháng thể tốt nhưng ba mẹ luôn cho rằng con đã được tiêm liều vắc xin đó, từ đó không quan tâm đến vấn đề tiêm nhắc lại, tiêm bù liều. Việc tốt nhất là tạm hoãn tiêm ngừa để tình trạng bệnh của con khỏi hẳn. Điều này đã nằm trong hướng dẫn, quyết định 1575 của Bộ Y tế ban hành ngày 27/3/2023, nội dung đề cập khi trẻ đang mắc các bệnh nhiễm trùng, nên tạm hoãn việc tiêm chủng, tiêm vắc xin sẽ thực hiện lại khi con khỏe để tạo được kháng thể tối ưu.

4. Trễ lịch tiêm chủng có tiêm lại từ đầu?

Trường hợp một loại vắc xin phải tiêm 2-3 liều nhưng phụ huynh lỡ một mũi và cho rằng phải tiêm lại từ đầu, theo BS về quan điểm này như thế nào?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Vấn đề tiêm vắc xin khi bị trễ hoặc bị hoãn, theo các nghiên cứu khoa học và hướng dẫn của nhà sản xuất, khi tiêm được 1-2 mũi vắc xin cơ thể đã tạo ra được kháng thể mang trí nhớ miễn dịch đặc thù cho loại vắc xin đó, có thể lượng kháng thể này chưa đủ để đảm bảo toàn vẹn nhu cầu phòng chống bệnh như mong muốn.

Do đó, trong những trường hợp bị trễ ngày tiêm, nên tiếp tục tiêm theo hướng dẫn của nhân viên y tế, việc tiêm bổ sung, tiêm bù chỉ khi có bằng chứng rõ ràng về hệ miễn dịch bị tổn thương thật sự trong những trường hợp trẻ mắc bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải hoặc suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc dùng thuốc độc tế bào trong quá trình điều trị ung thư… và trong quá trình đó, nếu việc tiêm vắc xin không tuân thủ khuyến cáo dùng thuốc ức chế miễn dịch, kháng thể sẽ không được sinh ra đầy đủ.

Còn nếu tiêm trong khi đang mắc bệnh cấp tính mức độ nhẹ hoặc qua lịch tiêm trong thời gian ngắn sẽ không gây ảnh hưởng, bất kỳ trường hợp nào hãy quay lại cơ sở tiêm chủng để được nhân viên y tế tư vấn.

5. Sự tương quan giữa vắc xin ngừa sởi và chứng tự kỷ ở trẻ chưa được chứng minh

Một số thông tin trên mạng cho rằng khi cho trẻ tiêm ngừa vắc xin sởi - quai bị - rubella, có nguy cơ trẻ mắc tự kỷ, đó là sự thật hay tin đồn, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Sự việc này bắt nguồn từ năm 1998, trên trang web The Lancet là một trang uy tín về các nghiên cứu khoa học lớn trên thế giới có xuất hiện một bài nghiên cứu được chứng minh có sự tương quan giữa vắc xin MMR (vắc xin ngừa sởi - quai bị - rubella) trong đó, thành phần vắc xin ngừa sởi có liên quan đến vấn đề tự kỷ của trẻ em, điều này đã gây rúng động toàn thế giới, làm lung lay việc tiêm ngừa sởi.

Trong khi đó, vắc xin sởi là thước đo sức mạnh phòng vệ của hệ thống y học dự phòng, Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều nhà khoa học bắt tay vào điều tra, chứng minh rằng các vị phụ huynh trong 12 trẻ tham gia nghiên cứu đã tham gia vào các cuộc khởi kiện công ty sản xuất vắc xin MMR và có chi tiền cho tác giả thực hiện nghiên cứu đã công bố trên, cho thấy đó là vấn đề gian lận.

Khi xem xét về mặt khoa học đối với nghiên cứu trên cho thấy không đủ bằng chứng để chứng minh nên không có sự tương quan. Đến năm 2010, The Lancet đã rút lại bài báo và cho đến thời điểm hiện tại chưa có nghiên cứu nào chứng minh được sự tương quan giữa vắc xin ngừa sởi và tự kỷ ở trẻ.

Đó cũng là cơ sở khiến người dân thiếu niềm tin vào vắc xin sởi ở giai đoạn đó và truyền tai nhau đến hiện tại.

6. Trẻ không quấy khóc, sốt sau tiêm vắc xin liệu có bất thường?

Nhiều người cho rằng trẻ khi tiêm vắc xin về phải có các biểu hiện như quấy khóc, sốt, sưng tấy mới đúng là vắc xin có hiệu quả còn các trẻ về không có triệu chứng khác thường liền cho rằng vắc xin không tác dụng, theo BS quan điểm này như thế nào?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Đây là quan điểm sai vì mỗi cá thể là một đặc thù, có những điểm giống nhưng có rất nhiều điểm khác nhau. Cơ thể và hệ thống miễn dịch của mỗi bé đáp ứng với những tác nhân bên ngoài như vắc xin, mầm bệnh… khác nhau.

Tuy nhiên hiện tại các bằng chứng khoa học đã chứng minh khi tiêm chủng đúng thời điểm, đúng vắc xin, đúng khoảng cách, đúng liều, khả năng bảo vệ rất cao và không có sự khác biệt giữa các nhóm trẻ bình thường với nhau, do đó việc các con có phản ứng gì sau tiêm vắc xin sẽ tùy thuộc cơ địa mỗi trẻ. Mặc dù con không có phản ứng, khả năng sinh miễn dịch của con vẫn như mong muốn, ngoại trừ việc hệ miễn dịch của con có vấn đề, điều này nằm trong các bệnh lý và bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho phụ huynh.

Tóm lại, nếu trẻ sốt sau tiêm vắc xin phụ huynh vẫn theo dõi như bình thường, còn nếu con không sốt, khỏe nghĩa là con có hệ miễn dịch tốt và kháng thể vẫn đáp ứng được theo mong muốn. 

>>> Phần 1: Lộ trình vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng đến năm 2030 như thế nào?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X